Dưới đây là các bài dịch của Phụng Vũ Cửu Thiên. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 6 trang (52 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Yên ca hành kỳ 1 - Thu phong (Tào Phi): Bản dịch của Phụng Vũ Cửu Thiên

Gió xạc xào thu, trời rét về
Tiêu sơ cây cỏ lạnh sương tê
Én chao ngang trời, nhạn khẽ liệng
Nhớ chàng đất khách buồn tha thiết
Chàng ở nơi xa có nhớ quê?
Thiếp ở phòng không mong chàng về
Cớ chi phải cách xa ly biệt
Bỗng chốc lệ tuôn đầy áo chiếc
Mượn đàn nhẹ gảy khúc Thanh Thương
Ngân nga ngắn ngủi sầu ý vương
Trăng sáng vằng vặc soi bên giường
Ngẩng lên Ngân Hà trong đêm sương
Ngưu Lang, Chức Nữ hai bờ xa trông ngóng
Sao chàng lại đứng một mình cô độc
Nơi xa thẳm chẳng thấy quê nhà...?

Ảnh đại diện

Thu dạ khúc (Vương Duy): Bản dịch của Phụng Vũ Cửu Thiên

Trăng mới mọc, sương thu thưa
Người vấn vương màu áo lụa xưa
Ánh trăng róc rách tiếng đàn bạc
Sợ đêm gối chiếc, nên chưa dám về

Ảnh đại diện

Người ngủ trong thung (Arthur Rimbaud): Bản dịch của Phụng Vũ Cửu Thiên

Đó là một trũng xanh, nơi con suối róc rách
Vung vãi đầy lên cỏ những mảnh bạc
Đó là nơi mặt trời rọi từ đỉnh núi cao
Đó là một thung nhỏ ánh nắng vui rì rào.

Anh lính trẻ, đầu trần, mồm mở to
Gáy chìm ngập trong thảm cỏ lá mềm
Ngủ, anh duỗi người thẳng trên cỏ, dưới bầu trời
Rực sáng ánh nắng như mưa rơi

Chân tựa lên thảm hoa vàng, mắt nhắm, miệng mỉm cười
Như đứa trẻ chìm trong giấc ngủ vùi
Thiên nhiên ơi, ru anh nhè nhẹ: Anh ấy lạnh.

Không mùi hương nào làm mũi anh khẽ động
Anh ngủ dưới ánh dương, tay đặt trên ngực
Trong yên bình.
Bên phải anh là hai vết bắn màu đỏ

Ảnh đại diện

Thái liên khúc (Bạch Cư Dị): Bản dịch của Phụng Vũ Cửu Thiên

Dập dờn gió thổi lá sen lay
Thuyền con rẽ lối chốn hoa đầy
Gặp chàng cúi đầu cười bẽn lẽn
Muốn ngỏ đôi lời chàng có hay?
Trâm ngọc chợt rơi xuống nước này.

Ảnh đại diện

Điệp luyến hoa kỳ 4 (Âu Dương Tu): Bản dịch của Phụng Vũ Cửu Thiên

Bờ sông thu Việt nữ hái sen
Tay áo lụa bay nhẹ nhàng
Đôi xuyến vàng ẩn trong sương khói
Cánh hoa xoè che bóng người rọi
Gương sen thơm rối bời tơ vương.

Đầu thác nước, chiều sóng gió, đôi chim vỗ cánh
Khói nhẹ, sương nặng
Mãi vẫn chẳng thấy bạn.
Văng vẳng tiếng ca thuyền bơi xa
Nỗi buồn ly biệt bóng chiều tà Giang Nam.

Ảnh đại diện

Long thành cầm giả ca (Nguyễn Du): Bản dịch của Phụng Vũ Cửu Thiên

Người đẹp Long Thành
Chẳng nhớ tên họ
Quen ngón đàn tơ
Dân thành quen gọi là cô đánh đàn
Xưa tiên triều học Cung Phụng khúc
Vốn thanh âm đệ nhất thế gian.
Ngày nhỏ ta từng được gặp nàng
Bên hồ Giám trong một đêm yến tiệc
Đang đương độ xuân xanh hăm mốt
Gió trời đưa ánh đào hồng biếc
Rượu nồng càng thêm nét thơ ngây.
Ngũ cung lả lướt từng ngón tay.

Khoan như gió thoảng qua rừng thông
Nhặt như tiếng hạc lẻ âm thầm
Mạnh như sét đánh tan bia Tiến Phúc
Sầu như tiếng Việt Trang Tích ngâm.
Người nghe mê mệt chẳng muốn dứt
Tận Trung Hoà đại nội thành Thăng Long.
Quân Tây Sơn say ngà say ngật
Chỉ muốn vui chơi suốt đêm thâu.
Tiền lụa thưởng trái quăng phải vất
Của cải khác chi bùn đất nâu.
Hào hoa tựa bậc vương hầu
Ngũ Lăng niên thiếu kể chi đâu
Ba mươi sáu cung xuân hun đúc
Tràng An nay được một bảo vật
Nhớ lại, giờ hai chục năm sau
Tây Sơn bại trận, ta vào phương Nam.

Long Thành gần mà còn chẳng thấy
Thì nói chi tới chuyện hát ca
Nay Tuyên phủ bày cuộc đãi ta
Ca kỹ trẻ xinh ngồi cả đám
Chỉ một kẻ tóc hoa râm ảm đạm
Mặt xấu, dáng nhỏ, người khô héo
Tàn tạ làn my chẳng điểm trang
Nào ai có biết nàng
Một thời đệ nhất thế gian?
Tiếng tơ xưa làm ta thầm nhỏ lệ
Lắng tai nghe chợt thấy dạ xót xa
Nhớ lại ngày ấy, ở chốn quê nhà
Bên hồ Giám người đàn trong yến tiệc
Nương dâu thành biển cả biêng biếc
Thành quách chuyển, người cũng đổi thay
Cơ nghiệp Tây Sơn giờ đã tận
Chỉ còn người ca vũ sót lại đây
Trăm năm thấm thoắt có là vậy
Cám thương nước mắt thấm xiêm y
Nam Hà trở về đầu bạc trắng
Hỏi làm sao nhan sắc chẳng tàn suy
Giương mắt ngó về nơi nào xa lắm
Thương nhau mà đối diện chẳng biết chi.

Ảnh đại diện

Tích xuân (Đỗ Mục): Bản dịch của Phụng Vũ Cửu Thiên

Hoa nở rồi hoa sẽ tàn
Tiết trời cứ âm thầm đổi
Không chi để giữ ngày xuân
Tuổi trẻ này không đợi mãi
Cây tùng nhỏ bướm bay mất
Nhành liễu cao ve vẳng kêu
Sắc xuân ấy còn đâu nữa
Khắp núi đỗ quyên kêu nhiều

Ảnh đại diện

Mây và sóng (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Phụng Vũ Cửu Thiên

Mẹ ơi, những người sống trên mây gọi con:
“Chúng ta chơi từ khi thức dậy đến lúc ngày tàn
Chúng ta chơi với bình minh vàng, với ánh trăng bạc”
Con hỏi: “Thế làm sao tôi lên ấy được?”
Họ đáp: “Hãy đến nơi tận cùng thế giới, đưa hai tay lên, con sẽ được nâng đến tận trời cao”.
“Nhưng mẹ tôi đang đợi ở nhà”, con nói, “Tôi đâu thể nào xa mẹ mà bay đến trăng sao!”
Họ chỉ cười, rồi, dần dần trôi vào đâu đó.
Nhưng con biết có trò hay hơn của họ
Con là mây và mẹ sẽ là trăng
Con ôm lấy mẹ, mái nhà sẽ là bầu trời xanh...

Trên sóng nước lại có người gọi con:
“Chúng ta ca hát từ tinh mơ đến đêm khuya
Chúng ta ngao du khắp chốn mà chẳng biết đến đâu”
Con hỏi: “Thế làm sao tôi đến đấy được?”
Họ đáp: “Hãy đến nơi tận cùng bờ biển, nhắm chặt mắt lại, con sẽ được bồng bềnh trên sóng nước”.
“Mẹ tôi đợi tôi về nhà lúc chiều tối”, con nói, “tôi đâu thể rời mẹ mà đi hát ca”.
Họ chỉ cười, nhảy múa và đi xa.
Nhưng con biết có trò còn hay hơn cả
Con là sóng, mẹ là bờ cát lạ
Con sẽ lăn, lăn mãi vào lòng mẹ cười vang
Và sẽ chẳng ai biết sẽ mẹ con mình ở đâu trên thế gian...

Ảnh đại diện

Tình ca (2) (Hermann Hesse): Bản dịch của Phụng vũ cửu thiên

Anh là con hươu, còn em con hoẵng
Em là con chim, anh là cây cao
Mặt trời là em, anh là tuyết trắng
Ngày là em, anh là giấc mơ nào.

Đêm đêm, từ nơi đâu chốn mộng
Anh là con chim vàng dang đôi cánh rộng
Đến bên em, hát ru giấc say nồng
Hát cho em bản tình ca mênh mông
Hát cho em bằng tấm lòng của anh.


(Dự án dịch thơ của Thi Viện)
Ảnh đại diện

Hoàng Hạc lâu (Thôi Hiệu): Bản dịch của Phụng Vũ Cửu Thiên

Hạc vàng người cưỡi bay đi đâu
Hoàng Hạc nơi đây riêng một lầu?
Một đi Hoàng hạc không về lại
Ngàn năm mây trắng vẫn phiêu du.
Lóng lánh Hán Dương cây in nước
Mởn mơn Anh Vũ cỏ xanh châu.
Sụp tối, khói lam chiều, sóng gợn.
Người buồn, tự hỏi: “Nhà ta đâu?”

Trang trong tổng số 6 trang (52 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối