Dưới đây là các bài dịch của Phạm Nguyên Phẩm. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 5 trang (50 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Lo sống (Arthur Rimbaud): Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm

Mấy em bé da đen
Gội sương mù tuyết trắng
Trước cửa lò nướng bánh
Cúi khom lưng

Năm em bé đau thương
Gối quỳ, nhìn đăm đắm
Người thợ đang làm bánh
Chiếc bánh nặng vàng hoe

Cánh tay khoẻ trắng to
Nhào lăn bột mì xám
Đưa bột vào lò bánh
Lửa sáng lập loè

Các em bé lắng nghe
Bánh mì đang chín tới
Người thợ cười xởi lởi
Lầm bầm điệu nhạc xưa

Các em bé co ro
Không em nào cử động
Đón hơi lò toả nóng
Ấm như một tấm lòng

Khi đêm có tiệc tùng
Cho ra lò chiếc bánh
Trông như là bánh nướng
Thật ngon

Dưới xà nhà đen đen
Vỏ bánh thơm lách tách
Chú dế mèn ca hát
Hoà âm

Khi bếp toả hơi nồng
Như tiếp thêm nguồn sống
Chúng vô cùng sung sướng
Dưới manh áo tả tơi

Chúng thấy đời đẹp sao
Những Giêxu tội nghiệp
Mình phủ đầy sương tuyết
Đến tụ tập nơi đây

Dán miệng nhỏ đỏ hây
Lên trên giàn lưới chắn
Khẽ nói gì lẩm bẩm
Qua mắt cáo rào ngăn

Lũ trẻ quá lăng xăng
Ráng cúi mình cầu khẩn
Hướng về nguồn ánh sáng
Loé lại chốn Thiên đường

Chúng cúi mạnh quá chừng
Nên quần đùi rách toạc
Áo mỏng run cầm cập
Trước gió lạnh mùa đông


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Trăng (Victor Hugo): Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm

Jeanne má hồng ngồi mơ trên cỏ
Tôi lại gần: "Cháu nhỏ cần chi?"
Trẻ con thích chuyện ly kỳ
Nên tôi tìm hiểu những gì chúng mong
"Cháu đang muốn được nom loài vật"
Tôi chỉ ngay dưới đất kiến bò
Nhưng Jeanne chưa thoả ước mơ
Bèn thưa: "Con vật trông to kia mà"
Đúng, các cháu thường là như thế
Mơ vật to như thể đại dương
Đại dương có bãi cát vàng
Ru hồn trẻ nhỏ âm vang sóng dồn
Có bóng tối, gió gầm dễ sợ
Có hãi hùng, có lạ mới vui
"Cháu ơi, ông chẳng có voi
Cháu cần thứ khác ông thời tìm cho"
Ngón tay nhỏ liền giơ ra trước
"Cháu xin ông con vật đằng xa"
Đúng là vào buổi chiều tà
Chân trời trăng đã ló ra to đùng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Nước suối lạnh (Philippe Desportes): Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm

Nước suối lạnh, dòng nước trôi êm ả
Sắc trắng ngời, như thổ lộ tình yêu
Chung quanh khe, cỏ xanh mịn mỹ miều
Bóng cây rợp che những tia nắng gắt

Chùm lá rung rinh trước làn gió mát
Như thở than tình tứ phải dừng chân
Mặt trời trưa toả ánh nắng mùa hè
Đất nứt nẻ dưới lửa trời thiêu cháy

Hỡi lữ khách trên đường dài mệt mỏi
Người nóng ran, miệng khát nước ráo khô
Hãy dừng chân nơi hạnh phúc đang chờ

Phút nghỉ ngơi làm cho người đỡ mệt
Nóng lui dần dưới bóng râm, gió mát
Nước suối này làm cái khát tiêu tan


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Lòng hiếu khách (Philippe Fabre d'Églantine): Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm

Em gái chăn chiên ơi
Kìa mưa rơi, mưa rơi
Xua mau đàn cừu trắng
Vào nhà anh để tránh
Nhanh đi. Trên lá cây
Lốp đốp tiếng mưa rơi
Trời mưa giông, gió dật
Trên trời đầy ánh chớp

Mẹ ơi, con chào mẹ
Chị Anne, em chào chị
Con đưa em chăn chiên
Chiều nay đến nhà mình
Em ơi, hãy sưởi đi
Củi trong lò đang cháy
Chị ơi, hãy làm quen
Cho cừu vào đi em

Ghế đây, em ngồi vào
Ta ăn tối bên nhau
Em hãy ngồi gần bếp
Sữa đây ăn chút đi
Sao em lại chưa dùng?
Hay là tại gió giông
Làm cho em mệt mỏi
Trên giường này em ngủ

Ngủ một giấc đến mai
Cho anh đặt lên môi
Một nụ hôn tình ái
Đừng thẹn chi em gái
Đến mai ngày tốt lành
Anh đi cùng mẹ anh
Đến nhà em gặp bố
Hỏi em về làm vợ


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Gà trống con, mèo và chuột con (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm

Chú chuột con đang còn quá nhỏ,
Nên chuyện đời chưa rõ thực hư.
Một hôm xảy chuyện bất ngờ,
Chuột con gặp mẹ chuyện trò cùng nhau.
"Con đã vượt non cao Biên giới,
So đàn anh tài giỏi kém chi.
Thấy hai con vật đang đi,
Con thì hiền hậu, con thì hung hăng.
Con vật này thét vang thô lỗ,
Mang trên đầu thịt đỏ hây hây.
Ngo ngoe cái túm lông đuôi,
Dang tay làm bộ muốn bay lên trời"
Chuột con tả gà choai như thế,
Tưởng cầm ngư từ Mỹ nhập vào.
"Hai tay vỗ ngực ồn ào,
Tiếng kêu phành phạch xiết bao kinh hồn!
May nhờ có Thánh thần che chở,
Nên con đà yên ổn thoát thân.
Con nguyền kẻ ác hại con,
Làm con không được đến gần bạn kia.
Bạn này trông nhiều bề hiền dịu,
Có bộ lông mềm mại như con.
Đuôi dài, da đốm, mình thon,
Mắt ngời tia sáng nhìn con hiền hoà.
Con tin tưởng vào nhà họ chuột,
Bạn tốt lòng, ấy thật dễ thương.
Đôi tai bạn trông vào dễ mến,
Khác nào tai của họ nhà ta.
Con toan đến lân la trò chuyện,
Con vật kia cất tiếng oang oang.
Làm con sợ hãi kinh hoàng,
Cho nên đã phải tìm đường chạy xa.
Con vật "hiền" là con mèo đó,
Chuột mẹ liền nói rõ thực hư.
Lim dim đôi mắt giả vờ,
Lòng đầy nham hiểm luôn chờ hại ta.
Con vật kia, chú Gà Trống đó,
Không thù hằn với họ hàng ta.
Cho ta hai bữa cơm no,
Còn Mèo rình bắt chúng ta làm mồi.

Xét người, thận trọng con ơi
Không nên chỉ xét bề ngoài mà thôi."


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thần chết và tiều phu (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm

Đây một bác tiều phu khốn khổ
Cành cây khô che phủ đôi vai
Khom lưng, rên rỉ, mệt nhoài
Củi mang đè nặng đôi vai người già
Bước nặng nề gắng cho tới đích
Tới nhà mình bếp khói lều tranh
Thân đau, sức cạn thôi đành
Đặt ngay xuống đất bó cành củi khô
Ngẫm từ lúc sinh ra đã khổ
Trên cõi đời ai khó hơn ông?
Nhiều khi bụng đói bánh không
Nghỉ ngơi chẳng có, hòng vui thú gì
Vợ con đó, lính thời còn đó
Nào nợ nần, thuế khoá, phu phen
Khổ này ai thấu cho ông
Ông kêu Thần Chết, thần liền gặp ông
Thần hỏi ông cần gì thần giúp
Giúp tôi vác nốt, Thần: còn thời gian

Chết là hết, chữa lành mọi thứ
Phận ra sao ta chớ có lui
Khổ còn hơn chết, ai ơi!
Câu châm ngôn ấy người đời không quên


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Tương ứng (Charles Baudelaire): Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm

Thiên nhiên là ngôi đền, hàng cột là hàng cây
Đôi lúc thốt ra những lời nói xa xôi
Rừng tượng trưng nhìn những người qua lại
Với ánh nhìn từng quen biết đã lâu

Như những tiếng vang dài nơi xa thẳm
Hoà vào nhau thuần nhất, thẳm, đen
Mênh mông tựa ánh sáng và màn đêm
Đều tương ứng các âm thanh và hương sắc

Có mùi hương như da thịt trẻ thơ
Êm dịu xanh xanh, như cỏ mọc ngoài đồng
Những hương khác tràn đầy và tự đắc

Toả đi như những cái không cùng
Như hổ phách, xạ hương, cánh kiến, trầm hương
Ngợi ca sức mạnh của tinh thần và thể xác


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Hái hoa (Guillaume Apollinaire): Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm

Vườn đầy hoa ta hãy vào để hái
Người đẹp ơi em có biết bao nhiêu
Đoá hồng vàng hồng nhạt của tình yêu
Tô điểm đầu em hè sang lại rụng?

Trước gió to thân cây hoa ngã xuống
Những cánh hoa rơi lả tả đầy đường
Người đẹp ơi hái lấy những bông hoa
Vì giấc mơ hoa nay mai tàn úa

Đặt hoa vào và ra cài then cửa
Nhớ ngày qua lòng buồn bã héo hon
Sẽ thấy hoa thân thuộc vàng úa
Trút hương thơm khi tàn úa rụng rơi

Vườn rộng vắng những bông hoa độc đáo
Khiến bướm vàng đi nơi khác tìm hoa
Và từ nay trong vườn đâm vắng lặng
Có bướm đêm lui tới mà thôi

Trong phòng tục phàm hoa hồng tàn lụi
Hồng của ta lần lượt tàn phai
Người đẹp ơi, hãy dừng đôi chút nghẹn ngào
Khi hoa tàn là tình đang chết đi


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Khúc hát tháng năm và đức hạnh (Clément Marot): Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm

Vào tháng năm ghi nhớ
Đất đổi thịt thay da
Nhiều tình nhân cũng vậy
Muốn tìm người trong mơ
Do nhẹ dạ lòng mềm
Do muốn thoả ước mong
Tôi yêu đâu như vậy
Tình tôi bền mãi mãi

Trần gian đâu tồn tại
Sắc đẹp cứ còn hoài
Thời gian, buồn, bệnh tật
Làm phai vẻ đẹp tươi
Người mà tôi yêu quý
Chẳng khi nào hết xinh
Muốn nàng luôn như vậy
Tình tôi chẳng nhạt phai

Người mà tôi nói đây
Là Đức hạnh trần gian
Vị Nữ thần vĩnh cửu
Ngự đỉnh cao vinh quang
Mọi người hãy thuỷ chung
"Lại đây em chờ mong
Lại đây anh yêu quí
Tình em thiên niên kỷ"


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Mùa đông (Théodore Agrippa d'Aubigné): Bản dịch của Phạm Nguyên Phẩm

Lòng dạ tôi vốn hay thay đổi
Đẹp tốt gì đang buổi ra đi
Với lòng, tôi bảo: Én kia
Thấy chăng rét đến, nóng hè đang lui
Hãy bay đi tìm nơi làm tổ
Để đừng làm ô uế giường kia
Cho ta giấc ngủ bình yên
Ở trong đêm tối đông hàn đời ta

Mặt trời chẳng rời xa trái đất
Ánh nắng còn nhưng mát dịu hơn
Nhớ thời lòng dạ bướm ong
Thấy mình khác trước nhưng không u buồn
Tôi yêu thích mùa đông có ích
Giúp tôi tìm rửa hết thói hư
Như trời giũ sạch khí ôi
Như đất xua được loài xà hổ mang

Dưới tuyết trắng đầu càng thêm trắng
Ánh nắng kia sưởi ấm tuyết băng
Nhưng băng chẳng thể nào tan
Mong sao tuyết chóng biến thành nước rơi
Nước rơi xuống tim tôi đông lại
Để tro tim khỏi cháy bùng lên
Cháy lên như thể than hồng
Đã từng bốc lửa trong lòng thuở xưa

Lạ lùng sao tôi đây chưa chết
Mà cớ chi để hết lửa thần
Nhiệ tình mà Chúa đã ban
Tôi dâng thần thánh tro tàn tấm thân
Là ngọn lửa giá băng mờ đục
Hay tinh dầu lửa bốc trong anh
Đều là ngọn lửa thầnban
Phải đâu lửa cháy từ cành thẩm thê

Thú vui hết bớt bề cay đắng
Hoạ mi kia im giọng yêu ma
Ngoài vườn hết kẻ hái hoa
Niềm tin không thể dối ta nữa rồi
Mùa đông đến bao điều thú vị
Tuổi già về khôn kể niềm vui
Là mùa hưởng thụ thảnh thơi
Phải đâu vất vả như thời lao lung

Đã đến lúc thiên đường mở cửa
Đón cuộc đời không sợ chết thêm
Không còn cái kiếp phù sinh
Tử, sinh là của đời mình thiên thâu
Có ai thích cho tàu bị nạn
Mà không cầu trời lặng biển yên
Ai người du ngoạn triền miên
Đường xa không muốn dừng thuyền nghỉ ngơi?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 5 trang (50 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ›Trang sau »Trang cuối