Dưới đây là các bài dịch của Phạm Bích Thuỷ. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 3 trang (26 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bản hợp đồng cuối cùng (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thuỷ

Buổi mai bước trên đường trải đá tôi kêu: " Ai lại mà mướn tôi không?"

Kiếm cầm tay, nhà vua giong xe tới.

Ngài cầm tay tôi và bảo "Ta sẽ mướn nhà ngươi bằng quyền tước".

Nhưng quyền tước của ngài chẳng ra gì và ngài giong xe đi.

Trưa nóng nực, nhà nhà đều đóng cửa.

Tôi lang thang trên con đường khúc khủyu.

Một ông lão ôm gói vàng bước ra.

Ông nghĩ ngợi và bảo: "Ta sẽ mướn anh bằng tiền".

Ông nhắc từng đồng nhưng tôi ngoảnh đi.

Chiều về đậu vườn đơm đầy hoa.

Người thiếu nữ xinh xắn bước ra và bảo: "Em sẽ mướn anh với nụ cười".

Nụ cười nàng nhạt nhòa trong nước mắt và nàng lủi thủi trở lại vùng tối đen.

Ánh dương lấp lánh trên cát, sóng biển dạt dào vô thường.

Một em bé ngồi chơi vỏ sò.

Nó cất đầu lên và dường như biết tôi, và bảo: "Tôi mướn ông chẳng với chút gì".

Từ lần mặc cả giữa trò chơi trẻ nhỏ đó, từ đấy trở đi, khiến tôi thành người tự do.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Chúc phúc (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thuỷ

Ban phước cho trái tim bé nhỏ, cho linh hồn trong trắng này nhờ nó mà khiến trời hôn đất.

Nó yêu ánh dương, nó yêu gương mặt mẹ hiền.

Nó chưa biết khinh cát bụi, và chạy theo bạc vàng.

Ghì nó vào lòng mẹ và chúc phước cho nó.

Nó đã bước vào xứ hàng trăm ngả rẽ này.

Con không biết tại sao nó chọn mẹ trong muôn người, tới cửa mẹ, nắm tay mẹ và hỏi đường.

Nó sẽ theo mẹ, vừa cười vừa nói, lòng không chút hồ nghi.

Hãy giữ lòng tin của nó, dẫn nó đi thẳng và cầu chúc cho nó.

Hãy đặt tay mẹ lên đầu nó và khấn rằng dù sóng ngầm có đe dọa đến đâu, linh khí từ trên cao cũng sẽ tới thổi căng buồm đưa nó tới cõi bình yên.

Chớ vội vàng mà quên mất nó, hãy để nó tới lòng mẹ và cầu chúc cho nó.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Cây Banyan (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thuỷ

Hỡi cây đa tóc râu tua tủa đứng bên bờ ao, ngươi có quên đứa bé, như những con chim làm tổ trên cành rồi bỏ ngươi hay không?

Ngươi không còn nhớ sao, nó ngồi bên cửa sổ trố mắt nhìn đám rễ lòa xòa đâm xuống đất?

Những người đàn bà mang bình ra ao kín nước, và cái bóng đen kếch sù của ngươi đong đưa trên mặt ao như giấc ngủ cựa mình thức dậy.

Ánh mặt trời nhẩy múa trên những sóng lăn tăn như muôn ngàn con thoi tí hon không ngừng dệt tấm thảm vàng.

Đôi vịt cưỡi bóng bơi bên bờ sậy, và đứa bé ngồi im nghĩ ngợi.

Nó ao ước thành gió thổi qua cành đa lao xao, thành bóng đa theo ngày chạy dài trên mặt nước, thành chim đậu trên cành đa cao tít, hay thành đôi vịt bềnh bồng giữa đám sậy bóng lung linh.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Lời gọi (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thuỷ

Đêm đã khuya, nó bỏ đi và họ ngủ hết.  

Đêm giờ đã khuya và tôi gọi nó: “Lại đây, con yêu, trời đất đang yên ngủ; con hãy đến đây một chốc, chẳng ai hay đâu, khi sao trên đầu còn mãi ngắm sao”.

Nó bỏ đi khi cây đang đâm chồi non và xuân còn mới mẻ.

Giờ đây hoa đang nở rộ và tôi gọi: "Lại đây, con yêu. Bọn trẻ lượm hoa và đùa chơi vung vãi. Con có trở lại và lấy một bông bé bỏng cũng chẳng ai tiếc ai hoài".

Những kẻ quen đùa chơi vẫn đang chơi, hào phóng thay cuộc đời.

Tôi lắng nghe tiếng họ lao xao và gọi: "Lại đây, con yêu, vì lòng mẹ tình chan chứa đầy, và dù con có tới ngắt một nụ hôn bé bỏng trên môi người, có ai mà nỡ la rầy chi đâu".


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Kết thúc (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thuỷ

Mẹ ơi, đã đến lúc con đi; con đi đây.

Trong bóng tối nhá nhem của buổi bình minh đơn chiếc, mẹ quơ tay tìm con mẹ trên giường, con sẽ bảo: "Bé không còn đó nữa! -mẹ ơi, con đi đây".

Con sẽ thành một luồng khí nhẹ vuốt ve mẹ; và con sẽ là sóng lăn tăn trong nước mẹ tắm, hôn mẹ và hôn mẹ nữa.

Trong đêm lộng gió, khi mưa rì rào trên lá, mẹ sẽ nghe thấy con thầm thì trong giường và tiếng con cười lóe lên cùng ánh chớp qua cửa sổ ngỏ vào phòng mẹ.

Nếu mẹ nằm thao thức trên giường, nghĩ đến con mẹ đêm khuya khoắt mãi, con sẽ từ trên ngàn sao hát ru mẹ: "Ngủ đi, mẹ ngủ cho say..."

Bằng những ánh trăng lạc loài, con sẽ lẩn vào giường mẹ, nằm trên ngực mẹ khi mẹ ngủ.

Con sẽ thành giấc mộng, và qua riềm mi mẹ hé mở, con sẽ vào sâu giấc mẹ mơ; khi tỉnh dậy, mẹ nhìn quanh ngơ ngác, lúc đó như con đom đóm lấp lánh con sẽ lướt vào bóng đêm.  

Đến tết Trung Thu, trẻ con hàng xóm tới nhà đùa chơi, con sẽ tan vào nhạc sáo  du dương trong tim mẹ suốt ngày.

Dì sẽ tới với quà Trung Thu và sẽ hỏi: "Con chị đâu rồi?" .

Mẹ ơi, mẹ sẽ nói với dì nhè nhẹ: "Nó ở trong đôi mắt tôi, trong thân thể tôi và linh hồn tôi."


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Người hùng (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thuỷ

Mẹ ơi, giả như mẹ con mình đang phiêu lưu qua một xứ xa lạ hiểm nghèo.

Mẹ thì ngồi cáng, con thì cưỡi con hồng mã đi nước kiệu theo sau.

Trời đang về chiều, mặt trời lặn dần, đồng hoang xám nhạt trải ra trước mặt. Đất nghèo cô quạnh.

Mẹ kinh hoàng nghĩ rằng: "Không biết mình đã tới chốn nào đây".

Con nói với mẹ : "Mẹ ơi, đừng sợ".

Cánh đồng cỏ đâm tua tủa, một con đường nhỏ gảy khúc nằm vắt ngang.

Trên đồng ruộng không một bóng gia súc; trâu bò trong làng đã về chuồng.

Trời đất ngày càng xạm tối, và chúng ta chẳng biết mình về đâu.

Đột nhiên mẹ gọi con khẽ hỏi: "Có ngọn đèn nào ở gần bờ kia?"  

Ngay lúc đó, một tiếng thét khủng khiếp nổ tung và những bóng người chạy về phía chúng ta.

Mẹ nép mình trong cáng lâm râm khấn vái Trời Phật.

Bọn phu khiêng thần hồn nát thần tính chạy núp trong bụi gai.

Con hét to: "Mẹ ơi, đừng sợ, có con đây "

Tay lăm lăm trường côn, tóc phủ kín đầu, họ ngày càng xáp tới gần.

Con la lên: "Bọn khốn, hãy coi chừng, tiến lên một bước là lũ bay chết".

Mẹ xiết tay con bảo: "Con ơi, mẹ van con hãy tránh bọn chúng đi".

Con nói: "Mẹ hãy xem con xử sự".

Rồi con thúc ngựa phi nước đại, tay kiếm, tay khiên rổn rảng.

Trận đấu dữ dằn tới nỗi trong cáng nhìn ra mà thấy, chắc phải rùng mình.

Nhiều tên bỏ chạy, còn vô số bị chém nhừ tử.

Con biết ngồi một mình, hẳn mẹ nghĩ con mẹ chắc chết rồi.

Nhưng con tới gọi mẹ, máu loang đầy mình, "Mẹ ơi, trận chiến đã xong rồi."

Mẹ bước ra hôn con, ôm con vào lòng và tự nhủ : "Không biết ta phải xoay sở ra sao nếu không có con ta hộ tống?"

Ngày lại ngày, hàng ngàn chuyện vô ích xảy ra, sao một chuyện như thế lại không có thể bất ngờ thành sự thật?

Nó sẽ y như một chuyện trong sách.

Anh con sẽ bảo: “Chuyện đó có thật sao? Ta vẫn tưởng nó ẻo lả lắm chứ!”

Dân làng sẽ trầm trồ bảo nhau: “Thật phúc đức có thằng bé đi kèm mẹ nó, phải không?”.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Người đưa thư xấu xa (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thuỷ

Sao mẹ ngồi âm thầm dưới sàn nhà thế hả mẹ, mẹ nói con nghe đi?

Mưa giăng qua cửa sổ bỏ ngỏ, ướt hết cả mẹ mà mẹ chẳng màng.

Mẹ có nghe kẻng đánh bốn tiếng? Đó là giờ em con tan trường về nhà.

Chuyện gì đã xảy ra mà mẹ trông khác mọi ngày?

Phải chăng hôm nay mẹ nhận được thư cha?

Con thấy bác Phu trạm mang túi thư phát cho gần hết mọi người trong tỉnh.

Riêng thư của cha bác giữ để đọc một mình. Con chắc chắn bác Phu trạm này là một người độc ác.

Nhưng mẹ đừng buồn vì chuyện đó, mẹ ơi.

Ngày mai có phiên chợ ở làng bên, mẹ sai chị hai đi mua giấy bút.  

Chính con sẽ viết mọi thư cha; mẹ sẽ thấy không có lấy một lỗi.  

Con sẽ viết thẳng một mạch từ A đến K.  

Nhưng kìa, sao mẹ cười?

Mẹ không nghĩ rằng con có thể viết hay như cha sao!

Được, rồi con sẽ lấy thước kẻ cẩn thận, và viết toàn chữ hoa thật đẹp.

Viết xong, mẹ đừng tưởng con dại dột như cha đem bỏ vào túi bác Phu trạm đáng ghét kia.

Chính con sẽ mang ngay lại cho mẹ, không mất công chờ đợi, và giúp mẹ đánh vần từng chữ con viết.

Con biết, bác Phu trạm không muốn đưa cho mẹ những thư thật là ngoan.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Lớn hơn (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thuỷ

Mẹ ơi, bé của mẹ ngu quá! Nó thực dại dột không thể tưởng nổi!

Nó không phân biệt nổi đèn đường với sao trên trời cao.

Khi chúng con chơi ăn sỏi ăn cuội, nó tưởng đó là đồ ăn thực, và tính bỏ vào miệng.

Khi con mở sách và bảo nó học đánh vần a, b, c, nó lấy tay xé từng trang rồi cười lên sằng sặc; bé của mẹ học bài như thế đó.

Khi con lắc đầu giân dữ la nó và bảo nó hư, bé phá lên cười tưởng là thú vị lắm.

Ai cũng biết là cha đi vắng, thế mà khi chơi gọi to: "Cha ơi", là nó nhìn quanh quất, bỡ ngỡ tưởng cha ở gần.

Khi con dạy bọn lừa mà bác thợ giặc dẫn tới để chở quần áo, con dặn nó rằng con là thầy giáo, thế mà tự nhiên nó hét gọi con "Anh ơi, anh à!"

Bé của mẹ muốn lấy ông trăng. Nó tức cười qúa. Nó gọi ông vỏi ông voi.

Mẹ ơi, bé của mẹ ngu quá! Nó thực dại dột không thể tưởng nổi!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thương nhân (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thuỷ

Mẹ hãy thử tưởng tượng mình ở nhà và con đi phiêu lưu xứ lạ đường xa.

Mẹ hãy thử tưởng tượng thuyền con cặp bến khoang khẳm đầy.

Bây giờ mẹ ơi, mẹ hãy nghĩ kỹ, trước khi cho con biết con phải mang gì về biếu mẹ.

Mẹ ơi, mẹ có muốn hết đụn vàng này đến đụn vàng khác?

Kìa, bên bờ suối vàng óng ánh, cánh đồng đầy lúa chín vàng.

Và trong rừng, trên lối mòn dâm mát, hoa chàm vàng rụng rơi khắp mặt đất.

Con sẽ lượm tất cả vào đầy trăm giỏ cho mẹ.

Mẹ ơi, mẹ có muốn những hạt ngọc lớn bằng giọt mưa thu?  

Con sẽ vượt đến bờ đảo ngọc trai.

Ở đó trong ánh ban mai, ngọc trai rung rẩy trên hoa đồng, ngọc trai rụng rời trên cỏ nội, và ngọc trai trải xòe trên bờ cát do sóng biển dạt dào.

Em con sẽ có một cặp ngựa có cánh để bay trên mây.

Con sẽ mang về cho cha một cây bút thần, không cần người vẫn viết được.

Còn mẹ, con sẽ kiếm biếu mẹ một rương châu báu quý bằng đất nước của bảy ông vua.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Trường hoa (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Phạm Hồng Dung, Phạm Bích Thuỷ

Khi mây giông ù ù và mưa hè rào rào đổ xuống.

Gió đông thổi tới lững thững trên giải đất hoang trỗi kèn trong rặng tre.

Khi ấy từng bầy hoa không ai biết từ đâu chợt nẩy sinh, đến nhảy múa say vui trên thảm cỏ.  

Mẹ ạ, thực bụng con nghĩ rằng hoa đi học trong lòng đất.

Lớp của chúng kín cửa, và bông nào muốn ra sân chơi sớm thì thầy giáo bắt đứng một xó.

Mùa mưa tới là kỳ nghỉ hè của chúng.

Cành chen nhau trong rừng, lá xào xạc trong gió dại, sấm vỗ tay reo mừng, và những hoa con ùa ra với áo hồng, vàng hay trắng toát.

Mẹ có biết không, nhà chúng ở trên trời cùng với muôn sao.

Mẹ có thấy không, chúng hăm hở về trời xiết bao? Mẹ có biết tại sao chúng vội vã thế không?  

Hẳn là con cũng đoán ngay được chúng giơ tay đón ai; chúng cũng có mẹ như con có vậy.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 3 trang (26 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối