Ngày 29 tháng 4 năm Tự Đức thứ ba mươi.

Chế sách hỏi:

Vận trời đã có lúc thường lúc biến. Vận đời há chẳng có khi thịnh, khi suy? Đời thượng cổ xa xưa không thể bình luận, nhưng trong thời đại con người còn chất phác thật thà, không tranh giành lẫn nhau mà đã có sớm những trận giao tranh ở Bản Tuyền, Trác Lộc, và sau thời gian chinh phạt, chém giết như thế, lại còn có chuyện coi thiên hạ là của công mà truyền ngôi cho người hiền. Thời Đại đồng tốt đẹp cũng còn có người cho là trái lẽ. Mỗi đời chuộng một khác, không thể tránh được cái hỏng. Từ đó đến nhà Minh vì các triều Đinh, Lý, Trần, Lê ở nước ta, khi bình trị, khi loạn ly, khi hợp nhất, khi phân chia, tuy biến cố đa đoan nhưng cũng không ra ngoài hai sự việc ấy. Trong đó các chuyện dị đồng và tà chính thế nào, người há không thể trình bày? Lại còn có nhiều truyền gia mỗi phép của nhau mà vận nước dài ngắn không đều, lý do tại sao?

Các đạo đế, vương, bá khác nhau những gì, hiệu quả giống nhau chỗ nào? Nhân hậu sao đến nỗi yếu hèn; giàu mạnh sao dẫn đến thôn tính?

Người khí độ nhỏ nhen mà không được thiên hạ về chính thống, người có tài vương bá lại không thể thống nhất được non sông.

Thuyết “chúng định” làm thế nào mà tin chắc được, sự phân biệt giữa lý và thế và làm sao tin cậy được?

Quân Di Địch vào Trung Quốc bắt đầu và kết thúc từ bao giờ? Lúc nhỏ yếu và lúc cùng cực, mạnh nhất thì như thế nào?

Các nước Thái Tây lập nước đã lâu, từ khi con người sinh ra vốn đã có. Không kể chuyện mới thấy họ trong đời nhà Minh, các đời trước há phải hoàn toàn không biết? Xét về quy mô của họ, tại sao mà ngày càng thịnh vượng? So sánh với các việc cũ, có thật họ giỏi về kỹ xảo hay không? Xét đến cùng, há không thể chế ngự được sao?

Sửa sang việc nội trị là vương, đi chinh phục nước người là bá, có thuyết nói sửa việc nội trị thì nhàn, đi chinh phục nước người thì vất vả, có tin được không?

Nay các nước Đông phương đều muốn bỏ tập tục cũ, bắt chước người mà mưu toan cái mới để được giàu mạnh. Xét xem như thế có đúng hay không?

Người Pháp vốn có tình cũ với ta, thường vẫn đi lại. Không hề có chuyện hiềm khích, chỉ có thời gian gần đây, việc thăm hỏi hơi thưa. Họ muốn nối lại tình thân cũ, không ngại đường xa mà đến, chỉ vì ngôn ngữ, chữ nghĩa không truyền đạt được mà khó đặt quan hệ bang giao, đến nỗi sinh việc can qua. Thật trẫm xét có chỗ bất đắc dĩ, tuổi trẻ hiểu biết nông cạn, đã sai thì khó kéo lại.

Bản tâm họ chẳng phải muốn chiếm đất đai của người, chỉ nặng về tình nghĩa mà coi nhẹ chuyện thiệt hơn, nên mới không cho phép An Nghiệp làm càn. Một lời hứa giá ngàn vàng, họ đã đem cả bốn tỉnh trả lại cho ta. Bốn tỉnh đã như thế thì sáu tỉnh có thể biết là quốc vương đại thần nguyên soái nước họ vẫn có lòng tốt.

Hơn nữa, gần đây hai nước hoà thuận thân thiết, giúp đỡ bổ sung lẫn cho nhau, có lợi cùng chung có vui cùng hưởng, bỏ hết chuyện sai trái cũ. Nếu họ sớm trả lại đất cho ta thì không những tiếng nghĩa của họ sáng người bốn bể, tiếng hay truyền lại nghìn năm, mà còn lại được nhiều trong việc thông thương, không có phí tổn vận chuyển xa nào mà không được bồi thường. (Được như thế thì) nhà nhà chúc mừng nhau, đau khổ tiêu tan, chắc họ cũng tính hết rồi, chẳng đợi phải nói. Chỉ có không biết ý họ thế nào mà họ còn tạm hoãn ít lâu. Hiềm vì nỗi hoãn một ngày thì thêm một ngày vất vả, tốn phí, đau khổ. Sao bằng họ quyết định sớm trả, có phải rất hay, rất đẹp hay không?

Người trí giả không nên hoãn, không làm cho người mất vui. Người có nhân không tàn nhẫn, không làm người mất chỗ nương tựa đã lập được, trả được mới không trái với các điều nhân, trí, tín, nghĩa. Nếu cứ đợi yêu cầu rồi mới đáp ứng thì đã muộn, còn quý nỗi gì.

Kẻ sĩ quân tử các người sẵn hoài bão trị nước, giúp đời, học xưa để làm quan, ôm chí hướng. Trời sinh người tài ắt có chỗ dùng. Hãy trình bày hết ý đừng tường tận chuyện cổ mà sơ lược chuyện nay, đừng chăm chú một vật mà để sót vạn vật. Sự việc phải nêu điều nên, lời nói phải dùng được. Đừng phụ trẫm ham hỏi, ham nói. Trẫm sẽ xem và chọn dùng.

Thần xin đối:

Thần nghe nói, vận trời có tuần hoàn đổi thay, vận đời có thịnh suy khác biệt.

Xưa và nay đổi khác, mỗi đời một vẻ. Nhưng nhìn chung thì thấy rằng một thời bình ắt có một thời loạn, một thời loạn lại có một thời bình, thời này thịnh thì thời kia suy, thời kia thịnh thì thời này suy, đó là lẽ tất nhiên. Cho nên người giỏi việc bình trị, gặp thời thịnh mà dùng được sức người để làm hợp ý trời, thì khi vận suy lại càng lo tính dùng sức người để lấy lại lòng trời; đó cũng có nghĩa là cần phải thấy được mầm mống thăng trầm của đường đời mà khéo mưu toan xoay chuyển thời vận.

Thần kính cảm nghĩ rằng: Hoàng đế bệ hạ (vốn người) thông minh nên phép tắc, đức độ bậc mối giường, từ khi lên trị vì đến nay chăm chăm mưu việc bình trị, nên đã phòng xa sự việc, ngăn chặn cái hại. Cái điều trọng yếu đề phòng tai hoạ liệu trước thời cơ, người đã trù tính kỹ càng, lại còn nghiên cứu đường lối bình trị, suy nghĩ sâu sắc phương pháp sửa cái lệch chữa cái hỏng, tỏ vẻ sửa sang cốt sao tìm thấy đạo lý hay nhất. Gặp khi có sự thể này mà người chẳng bỏ khoa thi cầu lời nói, vời bọn thần đến sân chầu, ban hỏi việc biến đổi từ xưa đến nay, sự thịnh suy của các triều đại và đường lối hoà hảo trong việc bang giao hiện tại.

Do đó, thần ngẩng trông thấy hoàng thượng chân thành ham hỏi mong cầu lời nói có ích. Người muốn châm chước việc cổ kim để thấy được điểm trọng yếu trong việc bình trị, giữ gìn đất nước.

Thần kiến thức nông cạn, học tập kém cỏi, sao xứng đáng ơn trên ban hỏi. Nhưng nghĩ lại buổi đầu được ứng đối, đám đâu chẳng nói hết những điều nghe biết để hiến dâng.

Thần cúi đọc chế sách ban rằng: “Vận trời đã có lúc thường lúc biến, vận đời há chẳng có khi thịnh, khi suy. Đời thượng cổ xa xăm vốn không thể bàn, nhân hỏi đến những điều có thể khảo cứu như sự bất đồng giữa chinh phạt và thiên nhượng, những chỗ khác nhau giữa bình trị và loạn lạc, giữa phân chia và hợp nhất. Di Địch, Trung Quốc, thịnh suy bất đồng, các nước Thái Tây quy mô ngày càng thịnh và việc người Pháp với ta vốn vẫn hoà hiếu, việc trả lại sáu tỉnh, sớm muộn thế nào?”

Thần thật thấy rằng: Hoàng thượng thức khuya, dậy sớm, lo lắng không một ngày nào thôi.

Thần thiết nghĩ: Khí số so le, lúc đầy, lúc vơi, khi suy, khi thịnh. Vận trời đã lúc thường lúc biến, thì khi vận trời thường át vận đời thịnh vượng, gặp khi vận trời biến thì vận đời cũng thế mà suy. Đời thượng cổ, sách chép chưa rõ, cố nhiên không thể bàn. Nhưng sau thời đại (cổ xưa) thành thực, thế tục chất phác, nhân dân thuần hậu mà đã có các trận giao tranh ở Bản Tuyền, Trác Lộc để đánh Du Vọng, bắt Suy Vưu. Như thế thì những chuyện đánh dẹp đã có từ các đời Đế, chứ không phải đến các triều Thang, Vũ mới mở đầu Nhưng đạo đời đang thịnh, phong tục thuần hậu chưa biến đổi, cho nên kế tiếp sau là Nghiêu nhường ngôi cho Thuấn, Thuấn nhường ngôi cho Vũ, thành ra lại có chuyện coi thiên hạ là của công mà nhường ngôi cho người hiền.

Thời Đại đồng, tuyển người hiền, dùng người giỏi, dạy điều tín, ăn ở hoà thuận, còn cho là trái (chữ phê bên cạnh: chưa rõ). Đời nhà Hạ còn gần thời cổ, nên việc trị nước chuộng trung thực. Đời Ân chưa xa rời đức trung thực nên chuộng tính chất phác. Đời Chu phong tục đã mở, văn hoá rực rỡ nên chuộng văn vẻ. Nhưng cái hỏng của sự trung thực là mắc tính quê kệch, chất phác thì hay mắc tính ngu xuẩn. Cái hỏng của cái văn vẻ là hay mắc tính xảo trá, điều ưa chuộng khác nhau đều không tránh được cái hỏng. Từ đó về sau: nhà Hán giương gậy giết Tần, nhà Đường cầm búa diệt Tuỳ, Tống nhận ngôi nhường của nhà Chu, Nguyên đánh chiếm nhà Tống, Minh nối tiếp nhà Nguyên.

Đến chuyện nước Việt ta thì Đinh Tiên Hoàng dẹp mười hai sứ quân, Lý Công Uẩn trị bình một cõi. Trần nhân sự nhường ngôi của Chiêu Hoàng, Lê đánh tan quân giặc phương Bắc. Hoặc bình trị, hoặc loạn lạc, hoặc hợp nhất, hoặc phân chia, tuy biết có nhiều việc cũng không ngoài hai điều ấy.

Trong đó: Hán Đường được nước là chính đáng, nhà Tống thì dùng mưu, Nguyên, rợ ngoài làm loạn Trung Quốc là trái lẽ, nhưng nhà Minh thì được coi là chính thống.

Nước Việt ta, Đinh Tiên Hoàng mở đầu đặt kỷ cương là chính đáng, nhưng nhà Lý thì có thiếu sót. Lê Thái Tổ lập công muốn đời là chính đáng, nhưng mầm mống thì dùng sắc đẹp. Các điều dị đồng, tà chính của các triều đại đó, há đâu không thể trình bày. Tuy có những đời noi theo phép của nhau mà vận nước dài ngắn khác nhau (có chữ phê bên cạnh: chưa rõ) nên cần nhìn xem có chính đáng hay không.

Các đạo của đế vương bá như thế nào? Lấy đức để giáo hoá dân là đế, dân do đó mà biến đổi, nhà nhà đều có người hiền thế chẳng phải là hiệu quả của đức sao? Lấy công lao để khuyến khích dân là vương, như việc đưa muôn dân tin theo toàn dân có đức, thế chẳng phải là hiệu quả của việc lấy công lao để khuyến khích sao? Lấy sức mạnh để đứng đầu mọi người là bá, đấy là bọn chuyên mượn danh nghĩa nên hiệu quả của sự vui vẻ cũng không còn mãi được. Sự bất đồng giữa các đạo đế, vương, bá là như thế, do đó hiệu quả của các đạo ấy cũng khác nhau. Xem đấy thì người bàn việc bình trị phải quý vương đạo mà khinh bá thuật.

Nhân hậu mà đi đến suy đồi vì không làm cho kỷ cương đẩy lên được, nhưng nhân hậu vào sâu lòng người, không thể mạnh, nhưng có thể lâu nên nhà Chu mới có tám trăm năm lâu dài. Giàu mạnh mà đi đến thôn tính là vì chuyện dùng pháp chế để nắm giữ chính quyền nhưng giàu mạnh là hại dân quá lắm, lòng người oán giận, thế nước như đất lở, nhà Tần rút lại chỉ có hai đời ngắn ngủi.

Lạm dụng phản điếm, tắc môn Quản Trọng khí độ nhỏ nhen phò Hoàn Công mà khuôn được thiên hạ về chính thống là chuyện đi đường cong gặp may, nhưng vốn người khí độ nhỏ nhen, nên ba mươi năm tập hợp chư hầu mà sự nghiệp thấp như thế, cuối cùng không hoàn thành sự nghiệp đánh Sở tôn Chu.

Sánh ngang tầm Y Lã, Khổng Minh có tài vương tá, phò Tiên Chủ mà không nhất thống được, vì thời vận suy thì không thể khôi phục được nữa, nhưng vốn người có tài vương tá, nên chỉ hai mươi năm ruổi rong vó ngựa mà tiếng lớn lưu truyền vũ trụ làm nên công trạng giữ Ngô chống Nguỵ.

Xem thế thì thấy uỷ mị nhưng kết quả không hại thể chế, trị nước bằng nhân hậu mà thôn tính thì thấy ngay cái công nghiệp ngắn ngủi của sự phú cường.

Khuôn được thiên hạ, nhưng vì khí độ nhỏ nhen nên cuối cùng lại rơi vào “bá thuật”, không thống nhất được, nhưng tài vương tá nên càng thể hiện rõ tính cách “chân nho” như thế thì thuyết “chúng định” có thể tin chắc việc phân biệt giữa “lý” và “thế” có thể tin cậy.

Quân Nhung Địch vào Trung Quốc bắt đầu từ Hiểm Doãn đời nhà Chu, sau cùng là Khiết Đan đời Tống. Khi nhà Tấn đưa rợ Chương đến dưới quan ải thì thế rợ còn nhỏ, đến khi quân Nguyên đánh đổ triều Tống mà có thiên hạ thì đấy là thời kỳ cực thịnh.

Các nước Thái Tây như Pháp, Ý, Mỹ, Hà Lan lập nước đã lâu, từ khi sinh ra người thì họ đều đã có cả rồi, không bàn đến việc đời Minh mới thấy họ, xem trong sách Kinh Thư viết chuyện người “Tây Lũ” đem cống chó ngao, hay trong chương “Vương chế” sách Kinh Lễ kể chuyện Tây Nhung và việc ở nhà “Minh đường” có đặt vị trí cho bốn Di, như thế thì các đời trước không phải hoàn toàn không biết (họ). Quy mô của họ thịnh vượng nhanh chóng, vì các nước Thái Tây ở vào hướng “Càn thất”, được ngôi chính của khí “Kim” nên người nước họ khôn ngoan khéo léo, chuyện trị nước thì họ càng giỏi về mưu toan sự nghiệp phú cường, như có thuyền máy, xe lửa, điện di, thành di đã rất tinh xảo kỳ diệu, lại có thể khuất phục được người, do đó họ ngày càng thịnh.

Nhưng đấy chẳng qua là chuyện lấy trộm cái biết của người làm cái biết của mình, mà lại giỏi dùng cái biết. Hãy xem một việc chế tạo súng, vào thời kỳ những năm Hoàng Vũ triều Minh có người Tây đến làm bộ ba hầu Tát Mã Hoàn, nhân đó lấy trộm súng mang về, nghiên cứu tính toán kỹ lưỡng, đạt được đến mức rất tinh xảo, so sánh với các chuyện cũ như thế, thì thấy chưa chắc họ đã một mình nắm được những cái kỳ lạ. Nói cho cùng, chưa chắc họ đã giành được mọi thắng lợi, ví như súng có lợi thế bắn được xa, nhưng mà tường cát, bông ướt có thể chế ngự được, không có gió mà trong nháy mắt đi được ngàn dặm là cái lợi hại của tàu thuỷ, nhưng mà cỏ mục, bè lớn có thể chế ngự được. Hơn nữa, họ giỏi về tàu thuỷ về súng ống nhưng không biết võ nghệ thì chẳng phải là cái rất kém của họ sao? Vì thế cho nên cũng chưa phải là không chế ngự được họ.

Câu nói “Sửa sang việc nội trị là vương, đi chinh phục nước ngoài là bá” (chứng minh) việc của chúng làm thuộc loại “bá thuật”. “Sửa việc nội trị thì nhàn, đi chinh phục thì vất vả”, thế là họ ở vào chỗ làm vất vả, thuyết đó có thể tin được.

Những nhà bình luận ở các nước phương Đông hiện nay đều muốn bỏ cái học cũ của mình, bắt chước người mưu toan cái mới, để đạt đến hiệu quả trước mắt của sự giàu mạnh, đấy là vì họ trông thế nước Nhật Bản đã bắt chước người mà được cường thịnh nhất đời, nên mới có những ý kiến bình luận ấy. Nhưng làm sao lại có thể bỗng nhiên vứt bỏ pháp độ hàng trăm năm để mưu làm cái mới. Vội tìm cái lợi trước mắt, những cái lợi trước mắt chưa chắc đã được, dù có được chăng nữa, cũng không tránh được tiếng chê cười là biến thành rợ mọi!

Vả lại người Pháp đối với ta vốn có tính hoà hiếu cũ, vẫn còn đi lại không hề có hiềm khích, gần đây vì đất nước xa xôi, biên cương cách trở mà phải thưa việc thăm hỏi. Họ muốn nối lại tình hoà hiếu cũ, nên đã không ngại xa ngàn vạn dặm, vượt biển mà đến, chẳng có ý gì khác, chỉ vì ngôn ngữ không thông, khó đặt quan hệ bang giao mà sinh chuyện can qua, mở đầu từ Trà Sơn, tiếp đến Cửa Cấm. Họ vốn không phải khoe võ lực mà chỉ muốn lập lại tình cũ, thật tình có chỗ rất bất đắc dĩ.

Hoàng thượng vì lấy non sông làm trọng, và lo cho sinh mạng của nhân dân. Người không muốn để con dân nơi biên cương lại mắc chuyện binh đao, nên đã cắt đất sáu tỉnh để tạm giảng hoà với chúng, cốt làm sao để hoãn binh nhất thời cho binh nghỉ dân yên.

Bản thân người Pháp thực không muốn chiếm nước người, vì lấy tình nghĩa làm trọng, coi thường sự thiệt hơn, nên họ đã không cho phép An Nghiệp làm càn. Hoắc Đạo Sinh vừa đến cùng với sứ thắn của ta là lập tức đem cả đất đai, nhân dân bốn tỉnh trả lại cho ta, một lời hứa giá ngàn vàng, không tơ hào nuối tiếc.

Quốc quân, đại thần, nguyên soái nước họ vốn vẫn có ý tốt ấy. Hơn nữa gần đây sứ thần đi lại, tặng biếu pháo thuyền, hoà hảo thân thiết, giúp đỡ lẫn nhau, vui lợi cùng hưởng, bỏ hết chuyện sai trái cũ. Nếu họ sớm trả sáu tỉnh thì được tiếng hay, được lợi về thông thương, vận chuyển, chắc họ đã tính kỹ rồi.

Nhưng nay họ còn hoãn lại ít lâu, chắc cũng có lý do. Một là để củng cố Hoà ước, vì người Pháp tuy có tình hoà hiếu cũ đối với ta, nhưng họ từ nghìn dặm xa mà tới, vị tất không có sự lo lắng “Tôi không lừa anh, anh không hại tôi”, nên họ phải lấy đất ấy làm chỗ ở yên để làm mạnh cái thế của họ và làm vững cái hoà của ta. Hai là để thu địa lợi, vì đất đai sáu tỉnh Gia Định màu mỡ, sản xuất lúa gạo nhiều hơn các hạt khác, nên vị tất họ không có ý lần lữa trông chờ. Hơn nữa, sự thế sáu tỉnh Nam Kỳ và bốn tỉnh Bắc Kỳ thật không giống nhau, sáu tỉnh Nam Kỳ bị lấy từ ngày Hoà ước mới bắt đầu quy định, còn bốn tỉnh Bắc Kỳ thì ở vào thời gian Hoà ước đã quyết định rồi. An Nghiệp làm càn, lý của họ trái, nên không thể không trả sớm, còn sáu tỉnh tạm hoãn ít lâu cũng là có nguyên nhân vậy.

Xin hoàng thượng hết lòng thành thực, đối xử với họ, dùng nghi thức văn chương trang trọng để tiếp đãi họ. Đối nội đã không bỏ chính sách tự trị, đối ngoại lại mở rộng chữ tín đối với người, khiến họ vui vẻ thấy được ý tốt của triều đình mà thôi, không bụng ngờ vực nữa. Xưa đức Khổng Tử làm tể tướng nước Lỗ, nước Tề trả lại đất đã xâm chiếm chỉ vì người hết lòng thành thực nên đã cảm động được họ. Vả lại đã mưu việc lớn thì không tiếc tốn nhỏ, do đó mà người xưa đã chóng giải quyết xong việc.

Xin hoàng thượng cho xem xét kỹ sự thể, nếu họ hám lợi thì lấy thuế quan, thuế bến mà đổi cho họ, hoặc giao ước tăng tiền bồi thường đợi sau thanh toán lại kéo dài điều ước hoà hiếu khiến cho họ nhận thấy lẽ phải trái trong tình lý và sự lợi hại trong sự thể, ắt họ phải đem sáu tỉnh sớm trả lại cho triều đình, đâu đến nỗi phiền hoàng thượng phải lo lắng vất vả.

Vả lại bậc trí giả không mê hoặc, không làm người mất vui; bậc nhân giả không tàn nhẫn, không làm người mất nơi nương tựa. Họ đã cảm động về sự hậu đãi và sự ân cần trân trọng của triều đình thì tất nhiên chẳng chịu ở vào vị trí của kẻ bất trí, bất nhân, do đó, họ chẳng đợi ta yêu cầu mới đáp ứng.

Thần cúi đọc chế sách biết bao ân cần tha thiết, thành khẩn ham hỏi, ham xét, Nghiêu Thuấn khi xưa hầu như chẳng hơn.

Thần sơ hoạ mới tiến, không biết việc trọng yếu của chính sự, nhặt nhạnh những điều bình luận tầm thường, mạo phạm đức chí tôn.


Bản dịch của Phạm Thị Kim (nghiên cứu viên Viện Thông tin Khoa học xã hội), Chương Thâu. Đặng Thai Mai hiệu đính.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]