Dưới đây là các bài dịch của Một Danna. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Tình yêu (Joseph Brodsky): Bản dịch của Một Danna

Anh đôi lần tỉnh giấc đêm nay
mò ô cửa, tìm ánh đèn say ngoài phố.
Dòng ý nghĩ bị ngắt chừng dang dở,
dấu ba chấm chia đoạn giấc mơ…
sự thức tỉnh không khuây khỏa bao giờ...
Anh đã mơ em mang thai lặng lẽ
Từng ấy năm tuổi trẻ bên nhau
mà xa cách bởi anh chìm trong mộng ảo.
Đêm nay, anh thấy mình tội lỗi
nên chỉ muốn sờ nắn bụng em thôi.
Nhưng lạ thay, anh sờ mò công tắc điện
tìm ánh sáng hiển hiện khung cửa đêm
bỏ lại em âm thầm trong tối nghẹn,
cõi mơ đen em kiên nhẫn đợi chờ.
Em không giận khi anh trở lại giấc mơ,
bởi bóng đêm không bao giờ gián đoạn
bên cạnh cùng ánh sáng ngoài sân.
Nơi tối đen ta cùng nhau cưới hỏi
rồi trần truồng không mỏi mệt, say sưa
sinh linh con là biện minh điểm tựa
cho đêm nồng thú vật đôi ta.
Một mai kia cũng tại bóng đêm đây
em bước đến với thân xác khô gầy
với đứa con yêu thương. Khi ấy
anh sẽ không tìm công tắc điện đâu,
bởi anh không có quyền xa lánh đêm sâu
nơi mẹ con em luôn ngóng đầu im lặng
Mặc ngoài kia là tháng năm ánh sáng.

Ảnh đại diện

“Tôi chui vào khung cũi như thú hoang...” (Joseph Brodsky): Bản dịch của Một Danna

Tôi chui vào khung cũi như thú hoang,
nhốt cuộc đời trong sơn vàng và đinh vít.
Làm trò vui với những ống tròn quay tít.
Ăn cao lương với những con người lịch thiệp.

Từ chiều cao hầm sâu tôi nhìn một nửa thế giới,
trong tăm tối đôi lần chìm thăm thẳm.

Bỏ quê hương tôi lạc vào những thung lũng xa xăm
nghe tiếng hú bản năng khắc khoải.
Tôi gieo mầm rồi lợp mái đen kho thóc.
Đời khó nhọc, không chỉ uống nước mặn khô.

Tôi nhấn mình trong giấc mơ người quản ngục,
gặm bánh tù không bỏ lại chút vụn rơi.
Nói mọi loại câu lời, ngoại trừ tiếng hú,
âm thầm chuyển giọng câm. Tôi tứ tuần.

Cuộc sống ư? Rằng rơi vào bất tận.
Chỉ với khổ đau tôi mới chợt nhận ra mình.
Nay miệng tôi chưa nhét đầy đất chết
nên chưa thể hết những lời thơ cao đẹp.

Ảnh đại diện

Tượng đài (Joseph Brodsky): Bản dịch của Một Danna

Dựng một tượng đài
ở cuối con phố dài tăm tắp,
hay giữa quảng trường ngăn nắp người qua.
Dựng một tượng đài
vững chãi và hiện thực,
trong không gian kiến trúc hài hòa,
không làm phiền, không gây họa.

Dưới bục tượng là những luống hoa ngay ngắn,
những ngọn cỏ đứng thẳng đều chằn chặn.
Dưới ánh nắng ta nheo mắt nhìn
những thân hình sắt đá
mà họ bảo là “người suy nghĩ”,
nhac sĩ, tướng quân,
thiên thần, chính khách…
Và viết ở dưới những lời cam đoan
sẽ mãi đặt hoa tươi không gián đoạn.

Dựng một tượng đài
không gây phiền phức cho ai,
để cả người lái xe
cũng mê những hình thù vĩ đại.
Dựng một tượng đài
cạnh con đường dài vội vàng đến công sở,
cạnh những khách du lịch ba lô
cười nhăn nhở chụp hình.
Dựng một tượng đài
như bóng ma trong những đêm dài,
trắng trắng đen đen
trong ánh đèn nhân tạo.

Dựng một tượng đài dối trá.


Đây là một trong những bài thơ đầu tiên của Brodsky, viết khoảng năm 1960. Phảng phất đâu đây là cái hài hước của Gogol, cái tự chế giễu rất… Saint Petersburg. Bài thơ là một sự phản tỉnh cho mọi nền đạo đức luôn đề cao một khái niệm lí tưởng nào đó đã xuất hiện từ thời cổ xưa. Nó cũng từ chối tư tưởng anh hùng cứu rỗi của Nietzche đã ngự trị thế giới trong suốt thế kỉ XX đau đớn và bây giờ vẫn tiếp tục dai dẳng sống ở những tâm hồn những người lính Hoa Kì trên những mảnh đất xa lạ như Afganistan, Irac… Một bài thơ viết ra hơn 40 năm trước đây của một chàng trai trẻ 20 tuổi vẫn để chúng ta phải thận trọng ngẫm nghĩ.
Ảnh đại diện

Từ loại (Joseph Brodsky): Bản dịch của Một Danna


Tôi sinh ra từ đầm lầy Baltic,
và lớn lên trên những con sóng bạc đầu.
Mùi bùn, tiếng sóng đọng thành câu,
tạo vần thơ, xoắn mái tóc trên đầu ẩm ướt,
rung giọng nói nhàn nhạt. Tiếng nước
sôi, tiếng bồn rửa, tiếng vải lanh
trong gió, tiếng hải âu trên biển xanh…
không thể nào phân biệt. Mảnh đất bằng
không che giấu nhịp loạn trái tim. Băng
qua bó hỗn độn con sóng trào,
gẫy đoạn tiếng động nôn nao.


Thơ tôi, câm lặng tôi.
Ngựa câm kéo đời, kéo đớn đau.
Đi về đâu dưới ách ngôn từ tai hại?
Đi tìm ai khi cuộc sống gông đeo?
Như khung cửa rèm treo.
Mặt trăng lập lèo con đom đóm.
Sao đêm nhen nhóm tàn thuốc rơi.
Gió phun khói vàng răng cười. Vỡ mộng
đời điên dại lung mông.
Như máy khoan răng vỡ.
Đớn đau nhưng vẫn vờ lặng câm
dù sắp rơi rụng tay chân
dù đau buốt tinh thần. Tặng
thơ câm lặng.


Từ “tương lai” trong tiếng Nga
một con chuột hôi hám chạy ra
gặm những miếng kí ức ngon béo bở,
gặm quá khứ, gặm hồn thơ lỗ chỗ.
Sau những mùa đông tuyết đổ,
từ “tới” mơn man trên ngọn đồi,
trên cổ, trên môi, trên mái
tóc. Tháng năm qua còn lại từ
loại. Tất cả chỉ là từ loại. Từ
“từ loại” cũng là từ.


Năm 1975-1976 Brodsky viết thi phẩm “Từ loại” (Часть речи) nổi tiếng, nói về sự sáng tạo ngôn ngữ Nga trong thơ của ông. Ở tác phẩm này Brodsky sử dụng rất nhiều các thi pháp của phái Hình thức luận Nga, về mối liên hệ giữa hình thức và nội dung, về cách ngắt nhịp và gieo vần bất thường nhưng rất logic, về sự chơi chữ và sáng tạo ngôn từ… Nhưng ẩn giấu đâu đó là sự hóm hỉnh cười cợt của một người đã nắm ngôn từ như nắm một vật trong bàn tay, một người đã qui thế giới vào trong kí hiệu ngôn từ. Có thể nói đây là một tác phẩm lí luận văn học viết bằng thơ. Đây là một số trích đoạn.
Ảnh đại diện

Trò chuyện với người trời (trích) (Joseph Brodsky): Bản dịch của Một Danna

...
Nơi đây mặt đất.
Những ngọn núi trở thành nghĩa hẹp
giữa hai bờ vách, ngôn từ bị kẹp.
Chỉ nước bọt trôi xuống vực tối tăm.
Trái tim đói chui trong vải gai nằm dệt mộng,
để dấu chân đi thành vòng mặt đất lạ xa.
Xung quanh thánh giá.

Nơi đây địa đàng.
Bắt đầu từ bùn lầy mềm mại
đến núi đá điên dại lam nham,
con địa đàng chẳng ngại xu dụ thế nhân.
Nếu dừng lại ngước cặp mắt lên trần,
sẽ thấy ngọn đèn thần khát bỏng
sẽ thấy Chúa trú ngụ ở trong
sẽ thấy hồng tâm mỏi mong ngày tháng.
Một mũi tên vàng.

Nơi đây trần gian.
Tua tủa nước bọt phun vòi
hãnh diện cong lên như dấu hỏi
của người trộm xe,
của kẻ say đêm,
của tên hiền triết.
Dấu hỏi hình lưỡi câu mắc miệng cá.
Mắc cả miệng người.
Mắc tháp Babel giữa trời.
Nghiêng về bên trái...

Trong ngọn tháp này.
Những viên gạch ngôn từ rỉ máu son
hoà tiếng roi đòn không ngơi trên môi nô lệ.
Một kì quan không thể xây xong.
Cứ trèo lên hòng tìm chân lí
rồi nhận ra rằng đang đi xuống vực sâu.
Ngôn câu tối lạnh.

Trên kia bầu trời.
Chỉ tồn tại những lời cám ơn.
Cám ơn vì đã tước đoạt những linh hồn,
những phát ngôn, những kí tự,
những thế kỉ, những suy tư.
Cám ơn vì no đủ.
Cám ơn vì những mái tù.
Cám ơn!
...

Ảnh đại diện

Đồi (Joseph Brodsky): Bản dịch của Một Danna


Ai nhấc chúng lên đây,
từ đáy sâu đầm lầy bẩn thỉu?
Chết là chất lỏng nhụa nhầy,
trong sình lầy hám hôi bao tử.
Chết là đầu ngọn bút mực vây
vật vờ quanh từng câu từng chữ.
Chết là sữa đỏ tuôn mỏi nhừ
Từ vú sệ con bò quên ăn cỏ.

Chết trong màu đỏ.
Đỏ toa tàu,
đỏ con đường,
đỏ cầu vai,
đỏ bình sữa
trẻ con uống.

Chết trong tiếng nói, cái nhìn
chết trong hồn linh cổ áo.
Thành phố trả công họ thế sao?
Ừ đúng rồi, là đớn đau cái chết.
Hãy theo họ mà nhấc cao lên hết.
Nhưng làm sao nén chặt xuống nỗi đau,
khi ngày thành hôn giăng đầy màu chết chóc
và sữa đỏ vương ngổn ngang trên bàn học.

Chết không là bộ khung trắng ơn ởn,
tan nát dần giọt máu dưới hào mương.
Chết chỉ là khung xanh chồi mơn mởn,
ta núp mình dưới tán hứng giọt sương.
Chết chẳng là tiếng gào than thảm thiết
trong dải đen đẫm lệ sụt sùi.
Chết chính là tiếng quạ báo tin vui
trên nóc ngân hàng máu tươi đỏ thắm.

Chết là những máy móc lù lù
là nhà tù không bao giờ mở cửa,
là những buổi trưa lanh lảnh tiếng nhà thờ,
là ô kính mờ phòng tắm,
là hàng lối ngay ngắn khu nhà,
là tất cả, tất cả những gì mong muốn của chúng ta.

Chết là sức mạnh.
Chết là mồ hôi.
Chết là tâm hồn.
Chết là thể xác.
Chết là ngọn đồi man mác gió hu.
Chết là nhà tù cuộc sống.


Năm 1962, khi mới 22 tuổi nhà thơ vĩ đại Brodsky đã viết một trường ca nổi tiếng là “Đồi” (Холмы). Dưới đây là trích đoạn rất hay nói về cái chết. Chúng ta sẽ thấy đằng sau những ngôn từ tưởng như ủy mị bi thương lại ẩn chứa sự dũng cảm phi thường của một cái nhìn thấu suốt đến tận cốt tủy của cấu trúc nhận thức và ngôn ngữ. Tôi giật mình khi đọc đoạn thơ này vì năm 1967 Derrida mới bắt đầu manh nha giới thiệu deconstruction dưới dạng lí luận văn học thì từ năm 1962 chàng trai trẻ Brodsky đã thể hiện nó trong một tác phẩm thơ ca rồi, tất nhiên đó là linh cảm tuyệt vời của một nghệ sĩ. Ngoài ra, những ẩn ý sâu xa mà nhà thơ nhắn gửi cũng làm chúng ta không thể không phản tỉnh.

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]