Dưới đây là các bài dịch của Lưu Liên. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Ngày hội trồng rừng (Samuel Marshak): Bản dịch của Lưu Liên

Đi trồng rừng
Chúng ta trồng gì vậy?
Trồng cột buồm và dây néo
Trồng boong tàu và bánh lái
Hai bên sườn và lòng tàu hàng hải
Đi chu du trên các biển khơi
Trong bão tố và khi trời êm ả

Đi trồng rừng
Chúng ta trồng gì vậy?
Trồng những đôi cánh nhẹ
Tung bay lên bầu trời
Trồng chiếc bàn
mà bạn sẽ ngồi vào
vẽ, viết
Trồng cây bút
và chiếc thước kẻ
hộp đựng bút
và vở to vở bé

Đi trồng rừng
Chúng ta trồng gì vậy?
Trồng những khu rừng rậm
Nơi ấy đi lang thang
Những cáo, những chồn
Những chú chim gõ kiến
rực rỡ
gõ mõ từng hồi

Đi trồng rừng
Chúng ta trồng gì vậy?
Trồng bao nhiêu vòm lá
Xen vào rực rỡ
Những đoá hoa hồng
Không khí mát trong
và hơi nước của rừng nhẹ toả
Và bóng râm, bạn ạ

Chúng ta trồng được nhiều thế đấy
Trong ngày hôm nay, ngày hội trồng rừng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Về chú học sinh bị sáu điểm một (Samuel Marshak): Bản dịch của Lưu Liên

Một học sinh đi học về buồn xị
Sổ liên lạc trong cặp da cất kỹ

Mẹ hỏi liền: Sổ liên lạc con đâu?"
Chú đành đưa cuốn sổ nát nhàu

Mẹ chú xem lời phê: "Kém quá!"
Không nén được, bà thở dài buồn bã

Nghe đứa con biếng nhác, học lười
Bố chú thốt lên giận dữ: "Đồ hư"

- Tại làm sao lại xơi điểm một?
- Tại sao đuối về môn sinh vật

Hôm nay thầy giáo gọi con lên
Con gọi đa là một giống chim

Mẹ chú hỏi rất là nghiêm khắc
Nhưng tại sao điểm một xơi tràn

- Tại trường con không cho điểm kém hơn
Rất nhỏ nhẻ chú trả lời gọn trơn

- Thế con một thứ hai, sao vậy?
Xen vào hỏi ấy là cô chị

- Con một này không phải lỗi tại em
Tại con căng-gu-ru..., con đại thử ấy mà

Bố chú kêu lên: "Đồ cá sấu!"
Thế con một thứ ba, sao thế?

- Vì tron giờ hình học, con nhầm
Gọi đường huyền là tên một con sông

- Thế con một thứ tư sao lại bị?
Chú bé bèn trả lời, mặt xị:

Bởi vì con với bạn Pa-khom
Gọi ngựa vằn là giống côn trùng

- Còn một con thứ năm sao hả?
Vừa mở cuốn sổ nhàu, mẹ hỏi

- Hôm nay thầy ra toán lớp con
Con đã tập trung làm suốt một giờ liền

Và kết quả thật không ngờ tới
Hai người thợ đấu và hai phần ba là đáp số

- Và con một cuối cùng, sao vậy?
Rất giận dữ bố em liền hỏi

- Tại vì giờ địa lý hôm nào
Thầy hỏi con đâu là mũi Ca-nin?

Con chẳng nhớ mũi Ca-nin đâu nữa
Cứ chỉ bừa vào mũi Va-nin

Mẹ chú bé vừa thở dài vừa nói
Mày là một học sinh tồi quá đỗi
Hãy cầm đi cuốn sổ xấu xa này
Và vào giường nằm xuống ngủ ngay

Đứa con lười lủi thủi ra ngay
Im thin thít lên giường nằm ngáy
Đêm hôm ấy nằm mơ, em thấy
Một giấc mơ khủng khiếp, doạ đe

Bầy ngựa vằn trong bụi rậm vo ve
Vào một ngày hè nóng bỏng
Và con căng-gu-ru sống động
đứng lắc lư trên những chiếc đuôi dài
rực rỡ nở hoa

Rừng nhiệt đới âm u ẩm ướt
Chú bắt những cóc và rắn nước
Cây đa già có cánh phất phơ
Trên mũi Va-nin dài nhẵng lững lờ

Và đâu đó giữa đường đầy ác thú
Trong lùm cây gai góc rậm như bưng
Nằm kia kìa xác người thợ đấu
Thiếu mất đầu và thiếu cả đôi chân

Nhìn cảnh ấy
Không ai có thể cầm nước mắt

- Một phần ba người thợ kia ai chặt?
Câu hỏi này văng vẳng bên tai

- Kẻ cướp, mày chẳng chạy thoát đâu
Nào ta hãy đi tìm dấu vết

Con hà mã bò lên từ dưới nước
Ủn ỉn kêu cau có mặt mày

- Tao sẽ nghiền nó ra như cám không sai
Căng-gu-ru thét lên phẫn nộ
Cùng kêu lên có cây đa cổ thụ:
-Nó chạy đâu cho thoát khỏi chân này

Chú học sinh vùng dậy khỏi giường
Sáu giờ đúng, trời vừa sáng bạch
Sổ liên lạc vẫn nằm trước mặt
Ở trên bàn, giống hệt ngày qua


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Chiếc bàn từ đâu đến (Samuel Marshak): Bản dịch của Lưu Liên

Hãy cầm lấy sách vở
Các em ngồi vào bàn
Chúng ta sẽ kể chuyện
Chiếc bàn từ đâu sang?

Em xem bàn thơm không?
Thơm dịu mùi gỗ thông
Bàn từ rừng rậm lại
Bàn gỗ thông, em trông

Nó từ rừng sâu đến
Xưa nó là cây thông
Thân cây ri rỉ nhựa
Trong suốt và thơm lừng

Dưới bàn em - sàn gỗ
Đấy là đất ngày xưa
Gỗ lát trong rừng thẳm
Là cành cây đung đưa

Vỏ thông trông sần sùi
Cắm rễ sâu lòng đất
Chồn ngủ trong hang sâu
Đến đầu xuân thức giấc

Bàn từng thấy đàn sóc
Leo chuyền trên cành xanh
Làm xây xát vỏ lành

Nó đung đưa đàn quạ
Trên cành lá của mình
Từng lắng nghe rộn rã
Tiếng quạ lúc bình minh

Nhưng lưỡi cưa nóng bỏng
Siết ngọt vào thân cây
Thở dài, thông ngã xuống

Xưởng máy bên dòng sông
Cưa thông thành từng tấm
Rồi thông sang xưởng mộc
Thành chiếc bàn bốn chân

Ra từ tay công nhân
Rộng rãi và vững chắc
Nơi ngày xưa mọc cành
Nay - khẽ hi hí mắt

Nó thành vật trong nhà
Đứng bên tường chẳng bước
Chồn sẽ không nhận ra
Thông thân yêu ngày trước

Gấu sẽ rúc vào hang
Chồn rùng mình kinh hãi
Nếu bàn vào trong rừng
Trên bốn chân vững chãi

Nhưng bàn không vào rừng
Nó ở với chúng ta
Năm này qua năm khác
Bàn chỉ ở trong nhà

Trên bàn nào lọ mực
Sách vở, bút, lọ hoa
Suốt ngày ta làm việc
Đọc sách bên bàn ta

Bản sơ đồ rất hay
Trên bàn kia sẵn có
Theo sơ đồ chỉ dẫn
Em làm chiếc máy bay


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bài ca quả sồi (Samuel Marshak): Bản dịch của Lưu Liên

Với mũ chụp trên đầu
Như sắp phải đi đâu
Ẩn mình trong đám lá
Vàng tươi một quả sồi

Ơi, vĩnh biệt cành lá
Chiếc nôi xinh ấm êm
Cuộc du hành dài lạ
Trong hầm đặc bóng đêm

Dưới lòng đất, quả ngủ
Trong giá buốt mưa rơi
Và khi năm tháng đủ
Sẽ tự chui ra ngoài

Trong chiếc hộp nhẵn thín
Màu đồng đỏ au au
Giấu cây sồi tí xíu
Của mùa hè năm sau

Nếu chú sóc răng sắc
Không cắn chặt vỡ đôi
Nó sẽ thành cây khoẻ
Vạm vỡ trăm tuổi đời


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Nhà trường trên bánh xe quay (Samuel Marshak): Bản dịch của Lưu Liên

Tặng Toa xe - nhà trường trạm cơ khí số 61, trường học dạy con em công nhân đường sắt trong Đội sửa đường lưu động

Toa chúng em lăn theo đường ray
Ga lại ga, những cung đường nối tiếp
Trường chúng em, trường dân du mục
Qua nhiều xóm làng, rừng rậm, hố sâu

Toa chúng em không có gác đâu
Thay vào đó là ghế dài, bàn học
Những bản vẽ bay nhẹ nhàng, sột soạt
Trên thành tàu trải rộng những bức tranh

Đoàn tàu dừng hay lướt tới băng băng
Chúng em vẫn miệt mài học tập
Âm vang vọng tiếng xe quay xình xịch
Nhịp đều đều ru hát thân thương

Bố mẹ chúng em trong đội sửa đường
Cuộc sống cứ nay đây mai đó
Nơi nào cần, bố mẹ chúng em "xin có"
Toa-nhà-trường lại dắt díu nhau theo

Hôm nay chúng em ở giữa rừng sâu
Vùng Xi-bia, những bậc thang dựng đứng
Ngày mai đã về bờ Cáp-ca gió lộng
Tàu dừng chân, đốt lửa trại vui chơi

Nay thảo nguyên đầy nắng vui tươi
Sau cửa sổ toa xe rạng rỡ
Mai đã ở vùng núi non hiểm trở
Mắt chúng em luôn nhìn mới những chân trời

Chúng em thấy nhiều ở khắp mọi nơi
Đập Đnhi-ép mới toanh, tung bọt
Trên đồng cỏ hoa lửa hàn trắng bạc
Người trồng rừng cho thế kỷ tương lai

Đến nông trường chúng em cũng cắt cỏ như ai
Cỏ xa trục ùn ùn từng đống
Rồi đầu máy lại gọi trong gió lộng
Lên đường đi phương Bắc mù khơi

Đi theo nông trường miền Bắc, eo ơi!
Một vùng lạ chúng em chửa biết
Giờ địa lý, bài "Sông Đông" học lướt
Vì vùng sông Đông chúng em ở lâu rồi

Có bao giờ chúng em lại quên đâu
Mỗi buổi sớm khi mặt trời thức dậy
Em nhìn ngắm dòng sông xanh biếc ấy
Gợn sóng lăn tăn chảy tận chân trời

Cuốn sách lớn con đường em đi tới
Gặp biết bao thung lũng, dòng sông
Còn mở mãi sau cửa toa mát rượi
Đất quê mình giàu đẹp mênh mông


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Kèn và trống (Samuel Marshak): Bản dịch của Lưu Liên

Ngày xưa có chiếc trống
rỗng ruột và kêu to
Một hôm anh chàng rỗng
Cùng với kèn chuyện trò:

- Bạn kèn thân mến ạ
Số phận bạn sướng sao
Người ta thổi vào cậu
Cứ như hôn, ngọt ngào

Còn anh chàng đánh trống
Chẳng cho tớ yên nào
Cứ cầm dùi nện khoẻ
Trên mặt tớ, đau sao

Kèn bèn trả lời trống:
- Số chúng mình khác nhau
Dù ta đi bên cạnh
Trước đội ngũ dẫn đầu

Cậu ấm nên tự trách
Vì cái tội quen thân
Chờ có gậy điều khiển
Mới động tay, động chân


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thăm nữ hoàng (Samuel Marshak): Bản dịch của Lưu Liên

- Hôm nay đi đâu về, chú mỉu?
- Đi thăm nữ hoàng Anh

- Chú thấy gì trong triều?
- Một chú chít trên thảm xanh


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bài học lễ phép (Samuel Marshak): Bản dịch của Lưu Liên

Người ta dạy một bài luân lý
Cho chú gấu năm, sáu tuổi, bé tý:

Đến nhà ai gấu không được hét
Không vênh vang, nói năng thô tục
Gặp người quen cần phải cúi chào
Phải cất mũ lên, gấu nhớ chưa nào?

Chớ có dẫm lên chân người khác
Phải tỏ ra mình có giáo dục
Không được nhằn bọ chét bằng răng
Và không đi, không đứng bốn chân

Không chép miệng, không nhai nhóp nhép
Dù có mệt cũng không được ngáp
Còn một khi muốn ngáp tự do
Phải lấy chân che miệng lại cho

Khi tiếp chuyện, lắng nghe người nói
Hãy lễ phép, không tỏ ra nóng vội
Hãy nhường đường cho người lớn đi qua
Và nhớ luôn kính trọng người già

Trong sương mù và trên băng mỏng dính
Nhớ tiễn bà đến tận nhà cẩn thận

Người ta dạy một bài luân lý
Cho chú Mít-ca năm, sáu tuổi, bé tý
Nhưng gấu dù có lễ phép hơn
Cũng chỉ là lễ-phép-gấu thiếu tâm hồn

Nó cúi chào những người hàng xóm
Những bác chồn và ông gấu lớn
Biết đứng lên nhường chỗ cho người quen
Biết cất mũ chào hỏi họ, rất hiền

Còn đối với những người không quen thuộc
Hắn giẫm lên chân người ta đau buốt
Hắn chõ mũi vào những việc không cần
Xéo nát cả vườn và vò nát lúa đồng xanh

Trong tàu điện ngầm hắn hay chen hích
Đè gí những cụ già muốn gãy xương, suýt chết

Người ta dạy một bài luân lý
Cho chú gấu năm, sáu tuổi, bé tý

Nhưng rõ ràng những nhà giáo nhiệt tâm
Tiêu phí thời giờ một cách uổng công


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Con mèo và hai anh lười (Samuel Marshak): Bản dịch của Lưu Liên

Hai anh lười học
Soạn sửa lên lớp
Nhưng cả hai anh
Ra sân trượt băng

Cặp to đầy sách
Mang nặng trên lưng
Giày trượt cặp nách
Trên thắt lưng quần

Nhìn thấy từ xa
Trong cổng bước ra
Một con mèo xám
Xác xơ, u ám

Hai anh liền hỏi:
Mày cáu gì đó?
Tại sao cau có?

Mèo xám meo meo
Rầu rĩ, lèo nhèo:
Tớ là mèo râu
Sắp một tuổi rồi

Này hai cậu ạ
Tớ khá đẹp trai
Thông minh như ai
Nhưng tịnh không biết
Đọc chữ và viết

Họ không xây trường
Cho mèo đi học
Họ không muốn dạy
Chúng tớ viết, đọc

Nên giờ mù chữ
Đầu óc âm u
Còn lâu mới thoát
Cái cảnh chữ mù

Mù, ăn không no
Mù, uống không kỹ
Số nhà trên cửa
Cũng đọc không trôi

Hai anh lười nói:
Chú mèo thân yêu
Chúng tao cũng sắp
Mười hai tuổi rồi

Họ dạy chúng tao
Đọc sách và viết
Nhưng không dạy biết
Một tí xíu nào

Chúng tao học được
Tính lười chảy thây
Luôn luôn trốn học
Trượt băng suốt ngày

Không vẽ lên bảng
Bằng phấn trắng tinh
Mà bằng giày trượt
Vẽ trên sân băng

Mèo nghe xong nói:
Tớ là mèo râu
Sắp một tuổi rồi

Tớ biết nhiều đứa xấu
Lười nhác, chỉ ham chơi
Nhưng lười như các cậu
Gặp lần đầu trong đời


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Tai lừa (Samuel Marshak): Bản dịch của Lưu Liên

Lừa than vãn cùng voi:
- Khốn khổ cái thân tôi
Người đời thường đồn đại
Tai lừa dài quá thôi...
Thực ra tai của bác
Còn to hơn tai tôi!

Voi thong thả trả lời:
- Người đời đồn đúng đấy
Tai chúng tớ có dài
Nhưng không mọc vểnh lên
Khoe khoang như tai cậu


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối