Dưới đây là các bài dịch của Lê Trọng Bổng. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 7 trang (61 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Chim bị tên bắn (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Chim bị thương nặng
Vì một mũi tên
Mà cánh được gắn
Là mảnh lông chim
Lòng thêm đau quặn
Than thân trách phận:
"Có nên góp phần
Vào điều tai hoạ
Cho cả bản thân?
Loài người ác hiểm
Lông cánh chim đây
Các ông chế biến
Thành cánh tên bay
Để chúng ngày ngày
Làm máy gây chết
Hỡi quân nhẫn tâm
Đùa mà không biết
Số phận loài người
Thường cũng giống hệt
Như chim này thôi"
Có đến một nửa
Con cái Japet
Sẽ cấp vũ khí
Cho một nửa kia


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bác nông phu và con rắn (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Ê-dốp kể bác nông phu nọ
Thương người nhưng ít có trí khôn
Đúng vào buổi sáng mùa đông
Một mình lối xóm lòng vòng dạo chơi
Thấy rắn lạnh sóng soài trên tuyết
Thân cứng đờ sắp chết đến nơi
Không hề tính chuyện lỗ lời
Nhặt ngay rắn, chạy một hơi quay về
Đặt con vật gần kề bếp lửa
Nó ấm dần rồi cựa quậy mình
Lát sau rắn đã hồi sinh
Cùng cơn thịnh nộ thình lình bốc cao
Thổi phì phì ngóc đầu hung dữ
Cuộn mình toan nhay bổ vào người
Vào người cứu nó đấy thôi
Vào người cha đẻ, vào người ân nhân
Bác nông phu định thần quát khẽ:
"Đồ vong ân bội nghĩa đây mà
Cách này để trả công ta?
Mày đáng tội chết, không tha được mày"
Nói dứt câu lòng đầy căm giận
Bác cầm rìu chặt rắn làm ba
Ba khúc giãy giãy lấy đà
Toan chắp liền lại nhưng mà uổng công

Thương: tốt, nhưng phải thương đúng chỗ!
Kẻ phụ ơn dù có làm gì
Chết không nhắm mắt một khi.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Sư tử dùng binh (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Ấp ôm dự định trong lòng
Sư tử bèn họp hội đồng chiến tranh
Sai quân cảnh vòng quanh cáo thị
Để thần dân lĩnh ý của Ngài
Tham gia tuỳ sức tuỳ tài
Thảy đều nhất trí việc ai nấy làm
Đồ quân dụng kềnh càng cần thiết
Đã có voi thồ hết trên lưng
Khi cần chiến đấu như thường
Gấu sắp sẵn việc xung phong diệt thù
Cáo chuyên tính mưu mô hữu ích
Khỉ chú tâm dụ địch làm trò
Để cho chúng bị bất ngờ
Cuối cùng sót lại thỏ, lừa, hai anh
"Lừa thì nặng, thỏ toàn khiếp hãi
Dùng làm chi, xin hãy thải hồi
"Không đâu - Sư tử đáp lời -
Quân mình còn thiếu hai người này đây
Nghe lừa hí, địch đầy khiếp đảm
Tưởng kèn đồng sang sảng bên tai
Thỏ nhanh liên lạc đường dài
Chuyển thư cho trẫm còn ai hơn chàng"
Đấng quân vương khôn ngoan, minh triết
Có lương tri lại biết dùng người
Dù cho tài trí nhỏ nhoi
Cũng không bỏ sót hoặc coi là thừa.

Ảnh đại diện

Gà và viên ngọc (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Một con gà
Mang viên ngọc
Đến tận nhà
Người buôn ngọc
Gần đấy nhất
Để cho không
Chú nói luôn:
"Ngọc đẹp đấy
Nhưng tôi thấy
Hạt kê con
Được việc hơn"

Một anh dốt
Được kế thừa
Tập bản thảo
Mang sang cho
Bác hàng sách:
"Chắc là quý
Nhưng tôi nghĩ
Đồng hào con
Được việc hơn"

Ảnh đại diện

Sư tử về già (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Xưa kia sư tử oai trời
Đến nay già lão nằm dài khóc than
Còn đâu dũng khí sức xuân
Yếu hèn chịu để quần thần tấn công
Ngựa xông tới quay mông đá hất
Sói xông vào cắn ngập chân răng
Bò vung sừng hấp bất thần
Chúa sơn lâm không một lần kêu van
Buồn thê thảm thân tàn ma dại
Lặng lẽ chờ lưỡi hái tử thần
Chẳng còn hơi sức thét gầm
Đến lừa cũng xáp lại gần ra tay
"Ôi chao, quá lắm thay, lừa hỡi
- Sư tử già liền nói một hơi -
Phận đành chờ chết đấy thôi
Nhưng nhục hình có nhà ngươi góp phần
Thà rằng ta chết hai lần"

Ảnh đại diện

Đôi gà trống (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Xưa đôi gà trống sống hoà bình
Vì mái mà nên cuộc chiến tình
Ái tình, ngươi để thành Tơroa mất
Vì người mà ròng rã đao binh

Máu người và cả máu thần linh
Đỏ lòm dòng nước cuộn chân thành
Còn đây dai dẳng và nức tiếng
Tình địch đôi gà trống nổi danh

Họ hàng mào đỏ tới bâu quanh
Bao chị Hêlen đẹp hết mình
Đem làm phần thưởng trao người thắng
Kẻ bại chuồn êm sống lặng thinh

Lẻ bóng khóc than chuyện nhục vinh
Nỗi đau bị mất cả khối tình
Mà tên cướp đoạt luôn vênh váo
Ve vuốt ngang nhiên trước mặt mình

Nung nấu tâm can mối hận tình
Thù sâu dũng khí lại hồi sinh
Chàng mài sắc mỏ, vàng đôi cánh
Tung gió ngày đêm luyện sức mình

Chàng không cần đánh gã cướp tình
Hắn đã bay lên dáng hợm mình
Tót đậu nóc nhà và cao giọng
Gáy liên hồi ca ngợi quang vinh

Kiêu ngạo gà kia tự diệt mình
Vĩnh biệt quang vinh, vĩnh biệt tình
Kền kền nghe tiếng sà ngay xuống
Vuốt quặp gà ngông chết cực hình

Kẻ bại trời cho được lại tình
Được thêm nhiều ả đến là xinh
Làm duyên làm dáng, thao thao gáy
Bù lại bao ngày phải nín thinh


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Gã điên bán trí khôn (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Chớ bao giờ đứng trong tầm với của người điên
Không thể có lời khuyên nào khôn ngoan hơn thế
Hễ thấy ai có gió cuộn trong đầu
Tốt nhất là hãy chạy trốn cho mau
Người điên thì thường triều đình nào cũng có
Hoàng tử lấy thế làm thích thú
Bởi người điên bao giờ cũng sẵn sàng
Chế giễu kẻ bất lương, bọn ngu, lũ người nhăng nhố...
Mọi ngã ba đường một gã điên rao bán trí khôn
Thiên hạ cả tin xô nhau chạy tới
Xúm đỏ xúm đen
Gã điên nhăn mày nhăn mặt
Ai trả tiền là nhận được ngay
Một cái tát rất đau và một doạn chỉ dài hai sải
Phần đông tức điên, tím cả mặt mày
Nhưng cái này dùng vào việc chi đây?
Họ là người bị giễu nhiều nhất hội
Tốt hơn cả là cười và bỏ đi không nói
Sau khi nhận cái tát tai và đoạn chỉ dài dài
Nếu cố tìm ra ý nghĩa của chuyện này
E sẽ bị suỵt ầm lên cho là mình dốt đặc
Liệu việc người điên làm liệu có đáng tin?
Óc bị rồi thì mọi cái đều do ngẫu nhiên...
Nhưng một trong số những người bị lừa kia thắc mắc
Về đoạn dây dài hai sải và cái tát nên thân
Bèn tìm đến một nhà hiền triết
Không chần chừ lâu, nhà hiền triết trả lời:
“Đây là lối nói tượng hình thôi
Nhưng ai khôn ngoan và muốn làm nên việc tốt
Thường đặt giữa họ và lũ người điên
Một khoảng cách bằng đoạn chỉ nói trên
Nếu không thì cầm chắc có ngày ăn “hôn má”
Anh không hề bị lừa: đúng gã điên bán trí khôn.”

Ảnh đại diện

Người làm vườn và ngài lãnh chúa (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Một người nửa tỉnh nửa quê
Có mảnh vườn nhỏ mải mê vun trồng
Bác ta cũng đã rào xong
Khu đất bên cạnh kín bưng cây cành
Chút chít, rau diếp lên xanh
Khá nhiều rau húng, vài nhành nhài thơm
Hoa đây đầy cả một ôm
Tặng nàng sinh nhật thì còn gì hơn
Nhưng rồi một chú thỏ rừng
Bỗng dưng làm bác phiền lòng ngày đêm
Tìm ngay lãnh chúa trong miền
Than van về kẻ gây nên chuyện này
"Con vật chết tiệt tới đây
Gặm nhấm phá phách bầy hầy vườn tôi
Bẫy giăng đá ném nó cười
Gậy vụt liên hồi nó chẳng hề chi
Nó là phù thuỷ có khi"
"Ta thách đó, phù thuỷ gì con ranh
Cho dù là quỷ hiện hình
Gian ngoan cũng phải nộp mình cho mau
Ta nói có trước có sau
Chú mày yên trí!" "Hôm nao thưa Ngài?"
"Không lần lữa, ngay ngày mai"
Thế là ngài đến, quân ngài theo chân
"Nào chúng mình hãy điểm tâm
Gà tơ anh đó thịt hầm mềm không?"
Con anh bao giờ gả chồng
Lại đây cô gái, biết không chú mày
Cái điều cốt tử là đây:
Nhắm hầu bao lục lọi ngay bây giờ"
Dứt câu lãnh chúa ỡm ờ
Bắt quen cô gái, mời cô cùng ngồi
Nắm tay ôm khuỷu đôi hồi
Mùi-xoa gập chéo lại rồi đưa lên
Giở trò thô bỉ liền liền
Khẽ khàng cô gái né mình sợ uy
Người cha rồi cũng sinh nghi
Ngài lãnh chúa đang làm gì con ông
Gia nhân dưới bếp rùng rùng
Ăn nhậu phá phách lung tung quá trời
"Giăm bông đẹp thiệt đi thôi
Bác ướp lâu chóng?" "Xin mời quý ông"
"Thật ư? Ta rất bằng lòng"
Ngài lại đánh chén vui cùng gia nhân
Vui cùng những đứa lắm răng
Chó, ngựa, đầy tớ, phàm ăn một bầy
Nhà người ngài chỉ huy thay
Tự do ngài thấy gì hay thì mần
Nốc rượu của chủ đã đành
Vuốt ve co ổng, ngài thành chủ nhân
Sau bao nhiêu chuyện lần khân
Bọn người mới tính việc săn thỏ rừng
Om sòm náo động khác thường
Tù và lớn nhỏ cả vùng rộn vang
Chủ nhà xiết nỗi bàng hoàng
Tai hoạ lớn nhất: tan hoang mảnh vườn
Đến diếp tỏi cũng chẳng còn
Vĩnh biệt nồi xúp thơm ngon thường ngày
Thỏ rừng làm hang tới đây
Chân cây cải bắp lớn tày vòng tay
Bị dồn đuổi, thỏ chạy ngay
Qua lỗ toang hoác ngựa ngài phóng sang
(Tuân theo mệnh lệnh ngài ban
Gia nhân đã khoét thủng hàng rào xanh
Trông như vết chém khó lành
Để ngài cưỡi ngựa đình huỳnh phi qua)
Bác kia mặc sức kêu ca:
"Đây là áp chế, đây là dã man
Trò chơi của lũ bạo tàn"
Chó, người, cả lũ hoàn toàn làm ngơ
Chúng phá phách có một giờ
Mà hơn triệu thỏ giở trò trăm năm

Các ông hoàng nhỏ ngẫm xem
Hãy ngừng tranh chấp cho êm mọi đàng
Nhờ vua là chuyện điên khùng
Đánh nhau chớ để họ cùng tham gia
Cũng đừng rước họ vào nhà

Ảnh đại diện

Sư tử mẹ và gấu mẹ (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Sư tử mẹ có con
Bị thợ săn bắt mất
Nó gầm rú như điên
Cả rừng già nhức óc
Rạn vỡ cả bóng đêm
Rách toang màn tĩnh lặng
Không có gì ngăn đặng
Mồm nữ chúa sơn lâm
Cả một vùng mất ngủ
Gấu mẹ liền bảo mụ:
"Chỉ xin hỏi một câu
Bọn trẻ mà bấy lâu
Bà đã từng nhai sống
Đều không mẹ không cha?"
"Có chứ, chúng có đấy"
"Vậy mà không hề thấy
Họ khóc lóc kêu la
Thương con mình chết chóc
Làm mọi người nhức óc
Bao người mẹ không khóc
Bà lặng tiếng được chăng?"
"Ta lặng tiếng sao đang
Thật khổ thân ta quá!
Mất con rồi còn đâu
Sẽ phải sống khổ đau
Lê tuổi già tàn tạ!"
"Nhưng có ai bắt bà
Tự đoạ đày như vậy?"
"Than ôi, Định mệnh đấy
Định mệnh căm ghét ta"
Một câu nói cửa miệng
Suốt lớn bé trẻ già
Thời nào cũng tuôn ra

Hỡi nhân loại khốn khổ
Hãy nghe ta nói đây
Đã đày ắp tai này
Bao lời than vô bổ
Những ai đụng thương đau
Mà than khóc kêu gào
Nói Trời xanh căm ghét
Hãy nhớ tới một người
Hekabê (*) bất diệt
Rồi sẽ cám ơn Trời


(*) Hekabe (tiếng Hy lạp: Ἑκάβη): hoàng hậu, vợ vua Priamos của thành Troy, có 19 người con với vua, trong đó nổi tiếng nhất là hoàng tử Hector, đã bị Archilles giết chết trong cuộc chiến thành Troy.
Ảnh đại diện

Sói và cừu non (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Lý kẻ mạnh bao giờ cũng nhất
Xin chứng minh lập tức châm ngôn

Một hôm có chú cừu non
Ung dung uống nước trên dòng suối trong
Nơi lão sói đói thường mò đến
Lúc này đây xuất hiện bất thần:
"Tên kia sao dám táo gan
Nước của ta, mày tới làm đục lên?
- Tiếng sói thét giữa cơn điên
Táo gan ta phải trị liền mới xong"
Cừu thưa: "Xin Đức Ông chớ giận
Mà xét cho thực trạng như vầy
Nơi con đang giải khát đây
Nằm dưới nơi uống của Ngài rất xa
Vậy không thể nói là làm đục"
"Chính mày vầy bẩn nước đây mà
Ta còn biết được năm qua
Miệng mày từng nói xấu ta rồi còn"
"Nói chi khi má con chưa đẻ
Nay con còn bú mẹ hàng ngày?"
"Chẳng mày thì thằng anh mày"
"Nhưng con đâu có" "Lũ bay rành rành:
Mày này, mấy thằng chăn, lũ chó
Chẳng tha ta, ta rõ hết rồi
Chuyến này phải báo thù thôi"
Sói già vừa nói dứt lời
Đã lao lên quật tơi bời cừu con
Cắn chết tha lên non ăn thịt
Mà chẳng cần xét xử gì hơn


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 7 trang (61 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] ›Trang sau »Trang cuối