Dưới đây là các bài dịch của Lê Trọng Bổng. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 7 trang (61 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Mù và mưa (Charles Baudelaire): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Ôi những ngày cuối thu, mùa đông, mùa xuân bùn ngập
Hỡi những mùa mơn man! Ta yêu thương và khen ngợi các ngươi
Vì đã bọc trái tim ta cùng khối óc
Trong tấm liệm mù sương và nấm mộ chơi vơi

Giữa bình nguyên mênh mông, nơi gió lạnh phương nam thổi rát
Nơi chiếc chong chóng gió giọng khàn đi trong những đêm dài
Tâm hồn ta, còn hơn cả khi mùa xuân ấm áp
Sẽ rộng dang đôi cánh quạ giữa trời

Đối với con tim chất chứa nhiều tang tóc
Nơi từ lâu sương giá trút xuống hoài
Ôi những mùa nhờn nhợt, các nữ hoàng khí hậu

Thật không gì êm dịu hơn vẻ bền lâu nơi bóng tối nhạt nhoà của các người
- Nếu chẳng phải chuyện một đêm không trăng, từng đôi một
Cùng ru ngủ niềm đau trên chiếc giường phiêu lưu


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Quạ bắt chước đại bàng (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Thấy đại bàng quắp con cừu sống
Quạ yếu hèn nhưng cũng háu ăn
Lập tức chàng muốn đi săn
Lượn vòng nhiều lượt quanh đàn trăm con
Thấy một chú béo tròn nhất hội
Thêm dáng hình xiết nỗi đẹp xinh
Hẳn đây là vật hiến sinh
Quạ ngắm nó, nói một mình như sau:
"Ai cho mày bú, tao không biết
Nhưng tấm thân mày thật tuyệt vời
Vậy là trúng mánh thực rồi
Quạ này mà đã ăn thời ra ăn"
Dứt lời nhằm mồi săn sà xuống
Toàn thân cừu lông cuộn rất sai
Cừu nặng hơn miếng phô mai
Cho nên vuốt quạ cào hoài không xong
Móng lại mắc vào lông nữa chứ
Tiến hay lui chết dở cả rồi
Người chăn cừu đến tận nơi
Biến chàng quạ thành đồ chơi nhi đồng
Bằng cách bắt lấy bỏ lồng

Hậu quả rõ, liệu chừng lượng sức
Rạch túi sao khoét được tường người
Mẹo lừa nguy hiểm lắm thôi
Ăn người không phải là nòi đại phu
Vò vẽ ra thoát nơi mô
Y rằng ruồi nhặng dính vô đó liền


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Con la huênh hoang về phả hệ (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Chú la đức hồng y
Tự cho là quý phái
Cứ kể lể dài dòng
Rằng mẹ mình, ngựa cái
Đã lập bao kỳ công
Làm việc này việc khác
Ở nơi nọ nơi kia
La ta lòng đoan chắc
Rằng của bà chuyện gì
Cũng phải ghi sử sách
Tin rằng hầu thầy thuốc
Là hạ mình hết sức
Khi la tuổi đã già
Người ta bèn sắp xếp
Cho hầu chiếc cối xay
Trong ký ức lúc này
Thấy cha lừa xuất hiện

Có khi cái không may
Lại trở thành điều hay
Giúp đưa được người ngốc
Trở về con đường ngay


Dựa theo cốt truyện của Ésope (Con la)

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Đại bàng, lợn lòi và mèo (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Ngay trên ngọn một thân cây rỗng
Gia đình đại bàng sống lâu nay
Lợn lòi ngụ dưới gốc cây
Còn mèo thì ở giữa hai láng giềng
Khéo thu xếp khoảng riêng từng hộ
Không bên nào gây khó chịu gì
Dùng đồ chung chạ kể chi
Các con, các mẹ tuỳ nghi hàng ngày
Mèo phá cảnh hoà thuận này
Bằng tính gian giảo xưa rày lừng danh
Trước tiên mụ trèo ngay lên ngọn
Gặp đại bàng bảo gọn như sau:
"Cái chết lơ lửng trên đầu
(Ít ra cũng lũ lau nhau đi đời
Mẹ con là một mà thôi)
Chẳng bao lâu nữa là toi hết rồi
Bác có thấy lợn lòi đào đất
Dưới chân ta để đặt quả mìn?
Con mụ đáng rủa đáng nguyền
Làm cây bật gốc gây nên lụi tàn
Cho vận mạng hai đàn con nhỏ
Cây quay lơ là nó vồ luôn
Nếu còn sót được một con
Em đây cũng dịu bớt cơn kêu trời"
Bơm lo sợ đầy vơi chốn đó
Xong mèo ta xuống chỗ lợn lòi
Chị mới sinh mấy hôm thôi
Lại gần nói nhỏ mấy lời vào tai:
"Hỡi cô bạn tôi đây mến mộ
Người láng giềng sướng khổ có nhau
Xin báo một tin như sau:
Thằng đại bàng vẫn rình lâu nay rồi
Bạn vắng nhà một lát thôi
Là các cháu sẽ đi đời nhà ma
Nhưng xin chớ nói hở ra
Nếu không kẻ chịu chính là mèo đây
Cơn giận của thằng này khiếp lắm
Hãy giúp tôi im lặng nghe không?"
Gieo kinh hoàng nơi đây xong
Mụ bèn chào lợn ung dung về nhà
Đại bàng không dám ra khỏi tổ
Nên các con chẳng có gì ăn
Nhà lợn lòi còn tệ hơn
Cả hai chị ngốc đều không biết rằng
Mối lo âu chiếm phần lớn nhất
Là đừng cho đói khát xảy ra
Cả hai ở lì trong nhà
Phòng khi sự cố xảy ra sẵn sàng
Mới cứu kịp cả đàn con nhỏ
Đại bàng sợ ming nổ cây tan
Lợn lo bị đột nhập chăng
Cả con lẫn mẹ cái ăn không còn
Cái đói phá sạch trơn mọi thứ
Họ đại bàng cùng họ lợn lòi
Từ chỗ sinh sống thảnh thơi
Sa cơ đến nỗi tàn đời đấy thôi
Thế là họ mèo thu lời
Được tăng viện lớn mà hời làm sao

Giọng lưỡi xúc xiểm nào mà lạ
Thấu mưu cao che đậy hại người
Rất nguy cho thảy mọi nhà?
Trong muôn tai hoạ của bà Pandore
Vung ra vì tò mò thái quá
Thì cái mà thiên hạ trước sau
Ghê tởm chính đáng hàng đầu
Là tính gian giảo chứ đâu


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Ếch nhái đòi có vua (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Ếch nhái chán chính quyền dân chủ
Bèn kêu trời được có đức vua
Kỳ kèo trời mãi trời thua
Bèn cho tõm xuống từ khu thiên đình
Một ông vua hoà bình hết ý
Nhưng tiếng rơi ầm ĩ một vùng
Dân đầm lầy ngốc lạ lùng
Tính lại cả sợ nên cùng trốn đi
Chui xuống nước rậm rì cỏ lác
Hang với hầm lau lách kín sình
Mặt rồng lâu chẳng dám nhìn
Tưởng đâu ngài cũng là tên khổng lồ
Vua đây, khúc củi khô thực sự
Dáng nghiêm trang gây sợ từ đầu
Nhưng ngài rong ruổi tới đâu
Người nơi đó dám ra mau khỏi hầm
Lại gần ngài, toàn thân run rẩy
Thêm một người rồi lại một người
Dần dà bâu kín như ruồi
Thân tình hết nhẽ vua tôi hoà đồng
Đám ộp oạp có ông nào đó
Trèo cả lên lưng của nhà vua
Vua cứ chịu vậy, im ro
Trời bỗng choáng óc nghe thưa như vầy:
"Hãy cho một đức ngài động đậy
Xuống trị vì ếch nhái được nhờ"
Trời bèn cử sếu làm vua
Sếu nhai sếu giết búa xua đêm ngày
Và nuốt chửng khi ngài thấy khoái
Thay vua ngay ếch nhái lại đòi
Trời rằng: "Ấy chết, các ngươi
Chớ tưởng hễ cứ buộc trời là yên
Lẽ ra cứ giữ nguyên chính phủ
Việc trước tiên các chú phải làm
Vua củi nhu nhược hiền lành
Mà không ai chịu thì đành vậy thôi
Vua sếu cứ thế được rồi
Hơn gặp vua khác còn tồi tệ hơn".


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Người đàn ông và hình bóng mình (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Tặng Công tước de La Rochefoucauld.

Có một chàng yêu mình đến độ
Nghĩ trên đời chẳng có ai bằng
Luôn trong đầu óc cho rằng
Mình người đẹp nhất thế gian này rồi
Luôn kết tội gương soi không thật
Mãn nguyện trong sâu sắc sai lầm
Thần số mệnh thật ân cần
Muốn giúp chàng chữa khỏi căn bệnh này
Bèn đem gương cho bày khắp chốn
Để chàng nhìn đâu cũng thấy gương
Gương trưng cửa hiệu lái buôn
Gương treo nơi ở, trên tường, ngoài sân
Gương trong túi các chàng phong nhã
Trên dây lưng óng ả các bà
Gương soi được mệnh danh là
Cố vấn câm lặng chị em ta dùng
Chàng yêu bản thân quá chừng
Bèn tìm một chốn kín bưng giấu mình
Không dám nhìn bóng hình như trước
nhưng rồi một dòng nước trong veo
Ngời ngời giữa cảnh đìu hiu
In bóng chàng xuống bao nhiêu lần rồi
Tức tối nhìn nghĩ nơi suối lặng
Luôn hiện hình ảo tưởng hão huyền
Chàng tìm mọi cách ngày đêm
Tránh xa con suối êm đềm xanh trong
Nhưng rồi cảm thấy cực lòng
Bởi dòng nước đẹp quá chừng khó quên

Mọi người biết, qua chuyện trên
Với họ tôi muốn nói lên điều gì
Cái dở mà thích bảo trì
Sai lầm cực kỳ là việc này đây
Tâm hồn mình trúng ngay người đó
Bao gương trưng rạng tứ bề
Là những ngu ngốc thuộc về người ta
Gương vốn hoạ sĩ tài ba
Bao nhiêu thiếu sót vẽ ra bời bời
Còn con suối thì mọi người
Biết là cuốn sách sáng ngời Châm ngôn


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Ong bầu và ong mật (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Có bắt tay vào việc
Mới biết được dở hay
Bắt gặp mấy tầng mật vô chủ
Đàn ong bầu đòi nói của mình
Đàn ong bầu yêu cầu xác minh
Vụ kiện đưa vò vẽ xét xử
Của thuộc về ai
Khó làm sáng tỏ
Các chứng tá khai
Từ lâu đã gặp
Một loài động vật
Nâu nhạt dài dài
Xung quanh tầng mật
Vo vo cánh bay
Tựa như ong vậy
Nhưng đặc điểm ấy
Cũng giống ong bầu
Vò vẽ trước sau
Không có cách nào
Tìm được lý lẽ
Nhằm gỡ thế bí
Lại cho điều tra
Chứng tá hàu toà
Đông như tổ kiến
Mịt mù vụ kiện
Tựa mớ bòng bong
Xử mãi chưa xong
Một chị ong mật
Thận trọng xưa nay
Bèn nói như vầy:
"Xin toà cho biết
Cứ để thế ni
Thì ích lợi gì?
Sáu tháng trôi đi
Giẫm chân tại chỗ
Mật thì bỏ đó
Hỏng dần từng ngày
Lúc này là lúc
Toà phải khẩn trương
Có vì thói thường
Nay thêm mai bớt
Chẳng cần phúc tra
Chẳng cần phản chứng
Một mớ lủng củng
Lần mãi không ra
Xin toà chiếu cố
Cho hai loài ong
Ra đây xây tổ
Qua đó sẽ rõ
Ai biết ai không"
Ong bầu phản đối
Lời giải quyết này
Vì thế biết ngay
Bọn này không thạo
Nghệ thuật xây tầng
Mật ong tuyệt hảo
Ai thật ai xạo
Trắng đen rõ ràng
Vò vẽ giao hoàn
Vật về cố chủ

Lạy trời phù hộ
Cho vụ kiện nào
Cũng theo lối Thổ
Xét xử nhanh sao
Lẽ thường bình dị
Thay luật không sai
Đỡ bao lệ phí
Đằng này cứ thế
Họ gặm họ nhai
Xét xử kéo dài
Làm ta kiệt quệ
Tình hình tồi tệ
Đến nỗi về sau
Quan toà hưởng ruột ngao
Người thưa còn cặp vỏ


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bà và và hai cô giúp việc (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Bà già có hai cô giúp việc
Xe sợi tài, Thần Chết thua to
Phân công việc cho hai cô
Ấy điều bức thiết bà lo phải làm
Thần Thái Dương óng vàng sợi cước
Vừa bị Thần Đại dương rượt trồi lên
Là xa đã vội quay liền
Con thoi thoăn thắt dưới trên trong ngoài
Không một phút phí hoài ngưng nghỉ
Ấy thế mà cứ hễ tinh mơ
Chú gà thảm hại đã lo
Gồng cổ há họng thật to gáy dồn
Thảm hại hơn, bà già cũng dậy
Luông ngay vào chiếc váy rất dơ
Thắp đèn rồi chạy thẳng vô
Tới giường đánh thức hai cô ngủ vùi
Thật tội nghiệp, quên đời ngủ kỹ
Say giấc nồng miệng hé tay dang
Chuyện xảy ra khiến hai nàng
Vô cùng tức giận nghiến răng buông lời:
"Đồ gà toi, tội mi đáng chết!"
Tinh mơ gà rục rịch lấy hơi
Họ cắt họng nó làm đôi
Đồng hồ báo thức đi đời nhà ma
Vụ sát nhân xem ra vô bổ
Bởi chủ nhà từ đó đêm đêm
Chỉ lo hai nàng ngủ quên
Nên thấy mắt họ chợp yên lúc nào
Là lúc ấy bà mau vùng dậy
Như đồ yêu tinh chạy đó đây

Thường ta hay thấy chuyện vầy trớ trêu:
Tưởng thoát được một điều ngang trái
Ngang trái này lại mãi sâu thêm
Bằng chứng hai cô gái trên
Đã phải trả giá nhãn tiền thế kia
Bà già nọ thay vì gà trống
Làm hai cô rơi trúng không xa
Từ tay Ma vương, quỷ Dạ xoa


Dựa theo truyện Esope (Người đàn bà và những cô giúp việc).

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Đại bàng và cú (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Đại bàng và cú thôi cãi cọ
Cùng làm lành đến độ ôm hôn
Một lấy danh dự minh quân
Một lấy danh dự của dân mắt mèo
Hai bên thề cùng yêu lũ nhỏ
Tuyệt đối không coi đó là mồi
"Mấy đứa con nhỏ của tôi
Hình như bác đã biết rồi phải không?"
Đại bàng lắc, Cú buồn giọng tiếp:
"Tính mạng con chẳng biết thế nào
Trứng để đầu đẳng sợ sao
Nhờ vào may rủi lấy đâu vẹn toàn
Bác là vua, Đại bàng chúa tể
Bác chẳng hề để ý chi li
Xem là ai, xem cái gì
Dù có nghe nói này kia cũng vầy
Vua và thần xưa nay vẫn vậy
Mọi thứ coi cùng loại y chang
Lúc bác gặp chúng, phải chăng
Là lúc vĩnh biệt, tan hoang cửa nhà"
Đại bàng nói: "Xin bà mô tả
Các cháu nhà hoặc giả cho xem
Suốt đời tôi sẽ để yên"
"Chúng đáng yêu lắm" - Cú bèn nói ngay
"Mình bụ bẫm, mặt mày xinh xắn
Không kém thua các bạn trong miền
Tới nhà bác nhận ra liền
Những đặc điểm ấy khi nhìn chớ quên
Tên tử thần đáng nguyền rủa đó
Xin bác đừng để nó theo vô"
Trời cho một lũ con thơ
Một hôm Cú bận lần mò cái ăn
Do tình cờ Đại bàng thấy chúng
Đang nằm trong lỗ thủng lều tranh
(Hay trong hốc đá gập ghềnh
Người kể không nhớ ngọn ngành nơi mô)
Trông gớm ghiếc tựa hồ quái vật
Nhăn nhó hoài, nét mặt u sầu
Giọng địa ngục cứ làu bàu
Đại bàng nhìn chúng, trong đầu đinh ninh:
"Không phải con bạn mình, cứ xực!"
Vốn hào hoa không chút lần chần
Chàng chén sạch, chỉ còn chân
Cú mẹ về thấy than van, khẩn cầu
Xin các thần mau mau trừng phạt
Tên bất lương gieo rắc tang này
Nhưng thần có vị bảo ngay:
"Đi mà buộc tội chính mày, nếu không
Buộc tôi quy luật chung cứ muốn
Thấy con mình ngồn ngộn tươi xinh
Dễ thương, bụ bẫm hết mình
Mày vẽ cho bạn ảnh hình như ri
Hỏi rằng có chút giống chi?"


Dựa theo truyện của Verdizzoti.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thần thái dương và Thần gió bấc (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Trọng Bổng

Thần thái dương và thần gió bấc
Cùng nhận ra một bác đi đường
Người ngựa mang đủ vật dùng
Lo thời tiết xấu bất thường tấn công
Đã sang thu, dự phòng rất tốt
Cho những ai cất bước đường xa
Mưa rơi, ánh nắng chói loà
Cầu vồng báo trước cho ta biết rằng
Tấm áo choàng là cần hết sức
Phải mang theo trong suốt mùa này
Mỗi lần đi đó đi đây
Dân Trung Ý gọi người vầy đa nghi
Vậy bác đi đường kia đã ngợ
Trời sẽ mưa nên có mang theo
Một tấm áo choàng tuyệt chiêu
Gồm hai lần  vải bền siêu nhập vào
"Anh chàng này tưởng đâu đã đủ
Để chống bao sự cố trên đời
Thần gió bấc nói - Được thôi
Nhưng y không lượng sức tôi thế nào
Tôi sẽ thổi rụng ào hết cúc
Tôi muốn thì áo tuột bay luôn
Phen này rung lắc ra tuồng
Chẳng biết Ngài có thích không mà làm?'
Không lắm lời lan man đến vậy
Thần thái dương đáp lại nhẹ nhàng:
"Chúng mình đánh cuộc đàng hoàng
Xem ai lột được áo choàng bác kia
Ông hãy bắt đầu đi, tôi thuận
Cứ làm mờ tia nắng của tôi"
Thần thái dương vừa dứt lời
Thần gió bấc vốn mấy đời thổi thuê
Há họng thu hơi về hít hết
Phình to dần như chiếc khí cầu
Ầm ầm quỷ khốc thần sầu
Rít lên, thổi mạnh, ào ào phong ba
Đập vỡ bao mái nhà mệt oải
Nhấn chìm bao xuồng máy tầu thuyền
Chỉ vì chiếc áo nói trên
Không chịu thua, gió quất lên thân hình
Bác kỵ sĩ luôn tìm mọi cách
Ngăn không cho dông lách áo choàng
Giữ cho cổ, nếp an toàn
Gió càng xoáy khoẻ bác càng kiên tâm
Đến khi hết thời gian đặt cuộc
Thần thái dương liền tước hết mây
Cho bác ấm lên phút giây
Sau cho tia nắng chui vào đầy thân
Lớp vải chần mồ hôi ướt đẫm
Buộc bác ta cởi tấm áo choàng
Thần dùng ít sức rõ ràng

Dịu dàng hơn hẳn cả ngàn hung hăng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 7 trang (61 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối