Dưới đây là các bài dịch của Hà Khắc Nguyện. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 6 trang (53 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bồ câu và kiến (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Bồ câu và kiến

Bên suối nọ Bồ câu uống nước
Đứng trên cành sẩy bước, Kiến rơi
Đại dương Kiến đuối giữa vời
Kiến dùng hết sức khôn bơi vào bờ
Động trắc ẩn, Câu vơ cọng cỏ
Ngậm vào mồm, Câu bỏ xuống dòng
Cỏ kia cứu Kiến lên đường
Ngay trong lúc ấy có chàng trai quê
Tay cầm nỏ chân lê sát đất
Thấy chim Câu chàng chắc trong lòng
Chiều nay có bữa súp ngon
Dương cung... nhưng Kiến cắn luôn gót chàng
Chàng đau điếng vội vàng quay cổ
Thấy động liền Câu vỗ cánh bay
Bữa chiều chàng mất dịp say...


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Gà trống và hồ ly (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Gà trống và cáo

Gà trống già cành cao đương đỗ
Chú Cáo rừng đến ngỏ tình thân:
- Nghịch thù tôi chú đâu còn
Hòa bình nay giữa bà con chúng mình
Hãy xuống đây tỏ tình huynh đệ
Ôm hôn nhau thân kể từ đây
Tôi còn lắm việc hôm nay
Đường xa trăm dặm nội ngày phải qua
Ngay chiều nay gần xa bạn báo
Cáo và Gà đã tạo tình thương
Xin đừng sợ sệt vấn vương
Xuống tôi hôn để tỏ lòng thiết tha
Gà trống vội giả vờ vui sướng:
- Mừng biết bao! Mong luống bao ngày!
Hòa bình thực có từ nay
Lại do bạn nói, vui này vui sao!
Đôi chó săn đương lao đầu tới
Chắc tìm tôi để nói tin vui
Đứng yên bạn hãy chờ tôi
Bốn ta xum họp hôn môi "Hòa bình"
- Thôi bái biệt thực tình tôi vội
Cuộc vui này tái hội xin ghi
Nói xong bốn cẳng Cáo phi
Giận rằng mưu kế hết khi gặp thời
Thoát nguy Gà cất tiếng cười
Đã lừa được gã lừa người thú thay!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thỏ và lũ ếch (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Con thỏ rừng nằm nơi núp ẩn
Nó suy tư chìm đắm u buồn
Sợ lo giảm sút tinh thần
Những người nhút nhát thập phần đáng thương
Ăn uống cũng phập phồng để ý
Khắp tứ bề e bị tấn công
Thú vui toàn vẹn tất không
Cái đời tôi sống vô cùng khổ thân
Sự sợ hãi gây nên mất ngủ
Suốt ngày đêm đồng tử láo liên
Người khôn họ bảo tôi rằng
Tánh kia hãy sửa, anh đừng giữ chi
Tánh nhút nhát bỏ đi đuợc hả?
Tôi nghĩ người cũng sợ như tôi
Thỏ ta suy luận bồi hồi
Canh chừng mọi thứ nhỏ nhoi bên mình
Bỗng nghe tiếng ở gần động nhẹ
Nó vội vàng chạy lẹ về hang
Bôn qua ao nhỏ bên làng
Lũ ếch thấy động vội vàng rút lui
Con xuống nước, con chui vào lỗ
Thỏ rừng ta tự nhủ: “Lạ thay!
Người làm tôi chạy như bay
Tôi làm kẻ khác chạy dài thấy chưa?
Tôi xuất hiện làm lo kẻ khác
Cả trại này nhớn nhác vì tôi
Tại sao tôi lại có oai?
Sao con vật khác gặp tôi rụng rời?
Vậy hung tướng là tôi đích thực
Mọi người đều nhút nhát như nhau
Dù mình nhút nhát đến đâu
Kẻ nhát hơn nữa đàng sau thiếu gì”


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Lừa chở bọt biển và lừa chở muối (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Tay cầm trượng "coi lừa" một gã
Nhìn tựa vua La Mã oai hùng
Dài tai, hai thú đi cùng
Con mang bọt biển ung dung nhẹ nhàng
Con chở muối lần đàng dè dặt
Như chở ve, thấy thật nặng nề
Bộ ba du khách luôn kề
Băng ngàn, vượt núi, lối đi mọi ngày
Lúc thấm mệt thì đây quãng lội
Gã coi lừa lại hối tiến lên
Bắt lừa tải muối xung tiên
Chẳng may sa hố muối liền tan luôn
Lừa bọt biển học khôn mà dại
Cũng bước theo xuống đại hố này
Nước vô bọt biển uống đầy
Khiến lừa và cả ông thầy bị nguy
Không lên được, nước thì đến cổ
Chết đến nơi cả chủ lẫn lừa
Quáng mù bắt chước ngu chưa!
Con cừu gương cũ bây giờ phải soi


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Dơi và hai cầy (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Dơi và hai cầy hôi

Vì vô ý một hôm Dơi nọ
Lỡ sa vô chính tổ con Cầy
Cầy này ghét chuột xưa nay
Thấy Dơi, Cầy định phanh thây tức thì
Nó xỉ vả: “Loài mi quái ác
Là chuột mi cố hại mình tao
Nay sao dám dẫn xác vào
Phải mi là chuột, nói tao được tường?
Mặt mi là chuột rõ ràng
Nếu mi không chuột, tao không là cầy”
Lanh mồm Dơi vội thưa ngay:
“Tôi đâu phải chuột đây này chị xem
Kẻ ác ý mồm quen nói bậy
Đôi cánh này chị thấy hay không?
Ôi loài lướt gió muôn năm!”
Thấy Dơi hợp lý, Cầy đành cho đi
Nhưng sau đó gặp nguy lần nữa
Vì Dơi ta lạc cửa Cầy bên
Chị này vốn ghét muông chim
Toan bề rút ruột moi tim ăn liền
- Mày đích thực là chim chớ cãi
Dơi thưa rằng: “Xem lại cho nao
Thú thì mới có lông mao
Cầm thì lông vũ, trải bao đời rồi
Vạn vạn tuế chúng tôi là chuột
Xin trời cao giết tuốt bọn mèo!”
Bởi Dơi khôn khéo đủ điều
Hai lần thoát được hiểm nghèo cả hai

Đổi trang phục lắm người cũng khéo
Thoát tai ương như kiểu Dơi này
“Nhà vua vạn tuế” sáng ngày
“Liên minh vạn tuế” cũng ngay buổi chiều


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Hội đồng chuột (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Một con Mèo thật là quá dữ
Chuột trong vùng nó khử gần tiêu
Hang sâu ẩn sót ít nhiều
Đói ăn khát uống, sớm chiều khốn thay
"Con quỷ sứ Mèo này", Chuột bảo
Nhưng một hôm Mèo dạo xa miền
Cùng mèo gái mãi ái ân
Chuột kia được dịp hội bàn lo thân
Chuột niên trưởng mưu thần bày chước:
- Lấy nhạc đồng mà buộc cổ Miêu
Để khi hắn có leo trèo
Loong coong nghe thấy, liệu chiều ta xa
Mưu cao ấy Chuột già có một
Thẩy đều khen kế tốt lắm rồi
Duy còn việc buộc nhạc thôi
Anh nào anh nấy rằng: "Tôi dại gì!"
Rồi rốt cuộc đành thì giải tán
Họp kiểu này nhan nhản đó đây
Tu sĩ, giáo sĩ các thầy
Khi bàn đưa khuyến nghị này, nghị kia
Thi hành lại xếp ra rìa...


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Cây sồi và cây sậy (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Cây Sồi nọ một hôm bảo Sậy:
- Đủ lý do cho thấy trời già
Với mày ông chẳng xót xa
Một con chích đậu đã là ngàn cân
Gió thổi nhẹ lăn tăn mặt nước
Đã cất đầu không được khổ thay
Còn tao, mày hãy trông này
Tựa núi Cô-cát chọc mây, vững vàng
Ngăn ánh nắng phũ phàng chưa hả
Còn sẵn sàng chống trả cuồng phong
Gió nhẹ mày cũng hãi hùng
Với tao là một lương phong tầm thường
Nếu mày mọc dưới tàn lá tớ
Đâu mày còn e sợ gió rong
Thấy rằng tạo hoá bất công
Đày mày mọc ở đồng không ẩm sình
Sậy chậm rãi nghiêng mình kính cẩn:
- Cảm ơn lòng trắc ẩn của anh
Gió kia dù có bạo hành
Tưởng tôi sợ ít, mà anh ngại nhiều
Vì tôi sẽ theo chiều rạp lả
Gió không làm bật ngã được tôi
Đến nay tuy trải bao rồi
Gió mưa vẫn vững, anh thời chẳng sao
Nhưng hãy đợi xem nào anh ạ
Sậy dứt lời từ ngả bắc phương
Trận dông rất đỗi hùng cường
Chuyển trời thổi tới bất tường làm sao
Cây Sồi vẫn sững cao đứng đó
Còn Sậy thì nhăn nhó lướt theo
Bắc phong mạnh mãi thêm nhiều
Làm cho lốc rễ đổ xiêu cây Sồi
Từ lâu vẫn chọc trời cao ngất
Rễ xuyên dài tới sát âm ty
Chỉ trong giây lát đã thì...


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Gà và viên ngọc (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Gà trống và viên ngọc trai

Gà kia nhặt được hạt trai
Đến nhà thợ bạc van nài bán rao
- Ngọc này dù giá có cao
Với tôi, hạt thóc thế nào cũng hơn

Thừa hưởng bản thảo tiền nhân
Dốt đến tiệm sách ở gần mời mua
- Bản này chắc cũng hay ho
Nhưng nếu tôi được vài hào thích hơn


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Cáo và cò (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Chịu tiêu xài một hôm cha Cáo
Thết mẹ Cò bữa cháo rải mâm
Hà tiện, Cáo đã chủ tâm
Cháo mâm Cò tất chẳng ăn được gì
Yên lặng Cáo liếm dài hết sạch
Còn khách Cò được đếch chi đâu
Rửa hờn quyết lập kế sâu
Cò liền mời Cáo khoảng sau mấy ngày
Cáo vui vẻ nhận ngay lời bạn
"Chỗ thân tình đâu dám làm cao"
Tới giờ Cáo đã bước vào
Hết lời tán thưởng cô đào bạn thân
Cỗ đủ cả vây tần, yến hấp
Mùi thơm ngon, ngây ngất trêu người
Tiệc bày trong lọ cổ dài
Trôn phình, miệng nhỏ khổ ngài Cáo chưa?
Cò cúi cổ, đẩy đưa mời Cáo
Cáo to đầu lơ láo khôn ăn
Lần đi, bước lại loanh quanh
Đành đem bụng lép chạy nhanh về nhà
Lòng hổ thẹn biết là bị hố
Đã bị gà một vố dạo nao!
Cúp đuôi hết cả tự hào
Khuyên phường gian mãnh nhìn vào chuyện đây


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thần chết và tiều phu (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Thần chết và lão tiều phu

Lão tiều vác củi rừng một bó
Củi đã nhiều thêm khổ niên cao
Còng lưng lê gót lao đao
Vừa rên vừa bước, cố sao đến nhà
Hạ củi xuống lão già muốn khóc
Tủi phận mình cực nhọc quanh năm
Hết phu dịch, lại thuế thân
Suốt đời chạy mặc, chạy ăn không rồi
Chẳng một phút nghỉ ngơi, nhàn rỗi
Thiếu bánh mì, chịu đói thường luôn
Không vui mà chỉ có buồn
Chào đời chí lão thảm thương cuộc đời
"Thần chết hỡi! Giúp tôi chăng tá
Lôi tôi đi cho đã kiếp người"
Thần chết đà tới nơi rồi
Hỏi già: "Khi nãy kêu tôi chuyện gì?"
Lão tiều thấy cơ nguy cuống sợ:
- Nhờ tay ngài cất đỡ lên vai
Hộ tôi bó củi nặng này
Rồi ngài cũng sớm lôi tôi đi mà!

Vẫn biết chết là ta hết khổ
Nhưng ta nên chống cự đến cùng
Khổ còn hơn chết rõ ràng
Mọi người coi đó châm ngôn cuộc đời


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 6 trang (53 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ›Trang sau »Trang cuối