Dưới đây là các bài dịch của Hữu Thế. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Chuột tỉnh và chuột đồng (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một hôm nọ, Chuột Nhà bày tiệc
Thết Chuột Đồng, bạn thiết tâm giao,
Thực đơn hấp dẫn biết bao,
Sơn trân hải vị, rượu vào lời ra.

Thêm môi trường thật là sang trọng,
Bàn trải khăn, phòng rộng bình hoa,
Mặc tình đôi bạn hát ca
Vui vầy sum họp, thật là phong lưu.

Tiệc đang vui, bỗng đâu nghe ngóng,
Có tiếng cười, xao động, ồn ào,
Nhanh lên! Hãy trốn đi mau!
Chủ nhà trông thấy, tài nào thoát thân!

Quá sợ hãi, Chuột Nhà chạy trốn,
Chuột Đồng cũng nhào lộn nối đuôi,
Nhậm lẹ, tức khắc rút lui,
Bảo toàn mạng sống, mau chui xuống hầm!

Nhưng, báo động tỏ ra lầm lẫn,
Chẳng thấy ai lẩn quẩn ra vào,
Chuột Nhà lên tiếng: “Thôi nào!
Chúng ta tiếp tục, trở vào bữa ăn.”

Cười mỉa mai, Chuột Đồng đáp lại:
“Cảm ơn anh, tôi phải về ngay.
Ở lâu e gặp hoạ tai,
Chủ nhà rượt bắt, uổng thay kiếp này.

Ngày mai, xin mời anh quá bộ
Đến tệ xá, xa phố, đồng quê.
Trăng trong, gió mát tư bề
Vui cảnh sàn dã, chẳng hề âu lo.

Chắc chắn thiếu cao lương mỹ vị,
Nhưng thức ăn giản dị, hiền lành
Thong thả bách bộ quẩn quanh,
Đói ăn, khát uống, ai dành với ta?

Cả năm tháng, an nhiên, tự tại,
Lòng nào biết sợ hãi, thất thanh,
Kiếp sống xa lánh đấu tranh,
Hướng thiện, hướng thượng, chẳng dành riêng ai..

Anh sống đây thật là sang trọng,
Thức ăn ngon, nhà rộng, cửa cao,
Nhưng khi đi, đứng, ra,vào
Đều nơm nớp sợ,dạ nào có yên”

Hưởng giàu sang, nhưng thường lo ngại,
Thà sống nghèo, lòng mải thảnh thơi,
Say ngắm no, nước, vòm trời,
Mặc cho thế-sự, trò đời ngược xuôi!

Ảnh đại diện

Cụ già và ba người trai trẻ (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một ông lão đầu râu tóc bạc,
Tuổi tám mưoi, vững chạc bước đi,
Sắc tướng diện mạo phương phi,
Tất cả đều mến, kẻ vì người thương.

Một hôm, ông ra công đào đất,
Để trồng cây, trông thật xinh tươi,
Dọc theo bờ lộ đông người,
Bộ hành qua lại, nói cười vui tai.

Bỗng có ba thiếu niên lân cận,
Nhìn lão ông đang bận với cây,
Phát cười với giọng thơ ngây,
“Tội thay! Quả Đất đang xoay lộn vòng.

Cụ nay đã già nua như thế,
Những ngày tàn không để nghỉ ngơi,
Dành giây phút chót cuộc đời
Suy gẫm quá khứ, tuỳ thời dưỡng thân.

Ở tuổi ông, khởi công xây cất,
Hữu lý hơn đào đất trồng cây:
Xây cất kết quả phút giây,
Còn trồng, dù hết kiếp nầy chưa xong!

Tại sao tự đoạ đày quá đáng,
Đừng tranh đấu, chớ rán uổng công.
Chớ lo những việc viển vông,
Nên tìm hưởng thụ, gieo trồng ích chi?

Những chương trình bao la rộng rãi,
Các tư tưởng khoáng đạt cao siêu,
Nhường cho giới trẻ chắt chiu,
Ông nên trù tính việc siêu linh hồn.

Thực tế hơn: chung trà, bầu rượu
Cạnh bạn bè tề tựu đủ đầy,
Cờ tiên, đàn khảy giải khuây,
Mai kia cất xác, tâm nầy thảnh thơi!”

Cụ già đáp: “Các con lầm lẫn,
Việc tử sinh không bận lòng ta.
Cái chết đến với trẻ, già,
Nào ai đoán được để mà âu lo!

Ta trồng cây không mong thụ hưởng,
Nhưng vì trọn tin tưởng tương lai,
Mong kẻ qua lại hàng ngày
Có được bóng mát, khoan thai, vui cười.

Những người ấy, dù quen hay lạ,
Cháu chít ta, đến cả thú cầm,
Vì thương, ta mở từ tâm,
Làm quà bóng mát, gieo mầm an vui.

Ta sung sướng ngay khi đào đất,
Hạnh phúc ấy mải cất trong lòng,
Vì giúp đở mà chẳng mong,
Được đền đáp lại, không mong bù trừ.

Niềm vui đó, các người không thể
Cản ngăn ta bồng bế, vun trồng.
Hãy cố gắng sống sạch trong,
Khi Tử Thần đến, thong dong ra về!

Tuổi thọ của mỗi người đều khác,
Rủi ta đưa đám xác các người,
Chừng đó nên khóc hay cười?
Vậy hãy cố gắng giúp người từ đây!”

Quả thật vậy, lão ông đoán đúng:
Một đứa chết về súng đạn bay,
Đứa kế gặp nạn thuỷ tai,
Đứa chót bỏ mạng ở ngoài rừng hoang.

Ông lão dự đám tang ba trẻ,
Tre khóc măng, lòng kẽ bàng hoàng,
Nhưng tâm cụ vẫn bình an,
Vì khăn gói đã sẵn sáng từ lâu.

Đời ông quả là gương sáng chói:
Muốn khi chết lòng khỏi buồn phiền;
Lúc sống hành thiện triền miên,
Dù mai cất bước, tâm yên vững vàng.

Tuổi tám mươi, ông còn cố gắng
Trồng cây giúp che nắng che mưa,
Tình thương ban rải chẳng chừa
Thân, sơ, lớn, bé, không lừa lọc ai.

Tình thương đúng là nguồn phép lạ,
Giúp mọi người, lẫn cá nhân ta,
Hạnh phúc sống cõi Ta-Bà,
Khi qua Âm Cảnh đậm đà thêm lên.

Ảnh đại diện

Lừa và các ông chủ (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một con lừa chủ nghề bán cỏ,
Hừng sáng, đến tận ngõ giao hàng,
Mối mang đông đảo rộn ràng,
Đường xa, dậy sớm, mọi đàng mới xong.

Lúc ra đi gà chưa gáy sáng,
Bận công việc đến mãn xế chiều,
Cỏ nhẹ, nhưng lượng quá nhiều,
Lắm khi mỏi mệt, muốn liều quyên sinh.

Nó tủi thân, thở than số phận,
Cớ sao quá lận đận, lao đao,
Cầu xin các Đấng Tối Cao,
Hộ trì cứu giúp thoát bao nhọc nhằn.

Lừa cầu xin Vị Thần Định Mạng
Nhân từ xét tình trạng hiện nay,
Cho phép vận số đổi thay,
Gặp một chủ khác, mong ngày đẹp tươi.

Thần Định Mạng động lòng trắc ẩn,
Muốn giúp Lừa thay vận đổi thời
Cho phép giúp việc một nơi,
Chủ: người bán cá, thảnh thơi ít nhiều.

Lừa tri ân Vị Thần rối rít,
Ơn tái tạo cảm kích vô ngần,
Từ đây mạng số định phân,
Siêng năng làm việc, ân cần chăm lo.

Chẳng bao lâu bắt đầu than thở,
Cá tanh hôi, chuyên chở nặng nề,
Lại thêm bụng đói ủ ê,
Xưa còn lượm lặt mọi bề cỏ rơi.

Nó bạo dạn khấn thần Định Mạng,
Cúi xin Ngài gia hạn ơn xưa:
Thay thời, đổi vận, đẩy đưa,
Ban chỗ làm mới cho vừa khả năng.

Thần Định Mạng hiện ra bất mãn
Trước đòi hỏi quá đáng, ngông cuồng,
Vì lỡ nên Ngài giúp luôn:
Chọn Lừa chủ khác: người buôn than thầm

Sau thời gian sống theo chủ mới
Lừa than thầm thấu tới tai Thần:
“Công việc nặng nhọc muôn phần,
Chở than, kéo gỗ, tảo tần nát thây!

Tương đối sánh trong ba nghề ấy,
Chở cỏ là phe phẩy nhất đời,
Lại thêm có cỏ để xơi,
Thời gian chở cỏ là thời vàng son.”

Thần Định Mạng hiện ra nổi giận,
Tặng cho Lừa một trận tơi bời:
“Kiếp sống nào phải trò chơi
Để người hưởng thụ, nghỉ ngơi, đua đòi?

Ngươi tưởng chừng thế gian nầy chỉ
Có ngươi thôi, để quỷ thần lo?
Quả đất nào phải cái kho
Chứa sẵn của cải để cho người dùng?

Muốn sống phải gian lao, khổ nhọc,
Siêng làm việc, ráng học và hành,
Chấp nhận hoàn cảnh Trời dành,
Với những cay đắng, đấu tranh không ngừng.

Mọi người đều tỏ ra chán nản,
Ước sống lại dĩ vãng đã qua,
Không vui hoàn cảnh tạo ra,
Mải dệt ảo ảnh thiết tha, điên cuồng.

Nên nhớ: hiện tại là sự thật,
Ngoài nó ra, đều trật, đều sai!
Quá khứ lẫn cả tương lai
Toàn là mộng ảo canh dài đêm đông!

Ta không thể nuông chìu ngươi mãi,
Hãy bằng lòng hiện tại của ngươi,
Dù đau khổ, ráng gượng cười
Kiếp sống nào phải để ngươi nô đùa?”

Ảnh đại diện

Sói và cò (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Giống Sói thường uống ăn hấp tấp,
Cũng dễ hiểu: vì gấp lánh thân,
Mải bị ruồng bắt xa gần,
Nên phải mau nuốt, lanh chân thoát nàn.

Một con Sói tâm hơ tâm hất,
Bị mắc xương, thật rất nguy nan.
Không thể trò chuyện, hỏi han,
Báo động cầu cứu xóm làng giải nguy

Rất may có con Cò nhìn thấy
Liền tự nguyện giúp lấy xương ra.
Bảo Sói há miệng đừng la,
Cò dùng mỏ nhọn để mà rút xương.

Việc cấp cứu trăm phần hữu hiệu,
Dù thần y cũng chịu thua luôn!
Cò mừng, Sói cũng hết buồn,
Nhớ tai nạn cũ như tuồng chiêm bao

Cò rụt rè thở than với Sói:
“Tôi cứu anh thoát khỏi Tử Thần,
Xin anh một ít đồng ngân
Giúp tôi trang trả nợ nần sống vui”.

Sói trợn mắt, nhìn Cò khinh bỉ:
“Im anh đi, chớ nghĩ xa xôi.
Chính anh phải cám ơn tôi,
Tha cho sống sót còn ngồi nơi đây.

Thật buồn cười cho anh khờ dại,
Dám đút đầu vô đại miệng tôi.
Nhân từ tôi chẳng khép môi,
Gìờ đây anh lại lôi thôi đòi tiền!”

"Hãy lập tức lánh xa nơi khác,
Bằng không ta xé nát thây thi.
Lý luận tình nghĩa ích gì?
Khôn thì sống mãi, trường kỳ thiên thu "

Trong câu chuyện có hai nhân vật,
Sói với Cò bản chất khác nhau.
Dại, không, khó định biết bao!
Trong khôn có dại, làm sao lọc lừa?

Người chậm tiến thường khôn như Sói,
Thích lợi mình, ghét nói nghĩa nhân,
Mấy khi phải quấy cân phân,
Miễn ta được việc, trọn phần ta thôi.

Kẻ tiến hoá chỉ lo phục vụ,
Giúp đỡ người, ấp ủ tình thương.
Chẳng màng tính toán đo lường,
Không đặt điều kiện, xem thường lợi riêng.

Hãy kiểm thảo: mình Cò hay Sói,
Ráng lắng nghe tiếng nói lương tâm.
Đắn đo tránh khỏi sai lầm,
Trên thang tiến hoá âm thầm ruổi giong.

Ảnh đại diện

Bà và và hai cô giúp việc (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một bà lão tính tình keo kiết,
Sống độc thân ở miệt đồng quê.
Láng giềng, thân quyến đều chê
Bản tánh ích kỷ, không hề thương ai.

Để nuôi thân, bà nghề dệt vải,
Có mướn thêm hai gái cập kê,
Để tránh sớm đến, chiều về,
Hai thiếu nữ sống cạnh kề chủ nhân.

Vì bỏn xẻn nên nhiều mưu chước,
Dù khổ người, miễn được lợi mình,
Khiến cho lắm kẻ bất bình,
Nhưng không ai dám sự tình hở môi.

Mỗi buổi sáng, khi gà vừa gáy,
Bà nhanh chân đến trại công nhân,
Hai cô an giấc ngủ ngần
Đánh thức “Mau dậy, chuyên cần quay tơ”

Bên ngoài, trời hãy còn mờ tối,
Không đồng hồ, khó nỗi đoán giờ.
Hai cô mệt mỏi, bơ phờ,
Chân bước không vững, mắt mờ như đêm.

Chợt một cô nêu ra sáng kiến,
Chủ thức giấc nhờ tiếng gà kêu,
Nếu gà lặng tiếng trong lều,
Cả nhà an giấc, thảy đều dậy trưa!

Cùng nhau lén thi hành diệu kế,
Thủ tiêu gà, chẳng để mối manh.
Dù ai tài mấy cũng đành,
Không thể tìm thấy ngọn ngành lý do.

Nhưng, từ hôm gà không còn nữa,
Lòng bà tham, nóng tựa dầu sôi.
Vào đêm, chợt đứng, chợt ngồi,
Luôn luôn e ngại, bồi hồi, âu lo!

Bà cứ sợ ngủ quên, trời sáng,
Công nhân mải lảng vảng rong chơi.
Nếu không khởi sự kịp thời,
Công việc ắt sẽ tời bời hư hao.

Vừa đầu hôm, bà liền đi ngủ,
Nửa đêm dậy, nghe đủ lắm rồi,
Để tránh giờ giấc lãng trôi,
Bà mau đánh thức: “Hãy ngồi quay tơ!”

Hai thiếu nữ quá ư khổ sở:
Cảnh trước kia thật đỡ hơn nhiều.
Giết gà là việc quá liều,
Trước nhờ nó gáy, ngủ nhiều hơn nay!

Một bài học để người suy gẫm:
Lắm cảnh huống đang giẫm chông gai.
Thà kiên nhẩn nhận ách tai,
Còn hơn tìm cách thoát ngay ưu sầu.

Tìm tiến thân là điều cao quý,
Nhưng lắm khi nó chỉ thêm phiền.
Thà can đảm, chịu đứng yên,
Để khỏi đau khổ đảo điên hơn nhiều!

Ảnh đại diện

Cáo và dê (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Trời hạn hán, ao hồ khô cạn,
Các thú cầm tử nạn đầy đường.
Cảnh vật xơ xác tang thương,
Tử Thần khủng khiếp vẫn thường vãng lai.

Một con Chồn chạy rong tìm nước,
Gặp Dê kia rảo bước kiếm ao.
Cả hai lo ngại, xôn xao
Chẳng lẽ chịu chết? Làm sao bây giờ?

May thay! Chúng tìm ra giếng lạng,
Nước ít oi, sắp cạn nay mai.
Reo cười, chúng nó mừng thay,
Ít ra sống tiếp vài ngày, hỉ hoan.

Muốn uống nước cũng không khó lắm,
Nhảy đại xuống, chịu lấm bộ lông,
Uống cho phỉ chí ngóng trông,
Nhưng thoát khỏi giếng, thật không dễ dàng.

Dê e ngại, ngập ngừng muốn thoái,
Chồn lanh lẹ, cứ hối thúc hoài,
“Sợ gì, có tớ cạnh Ngài,
Huynh đệ đùm bọc, chẳng nài công lao”

Nghe bùi tai, Dê bèn chấp nhận,
Cả hai liền nhảy tận giếng sâu.
Sẵn nước, uống chẳng bao lâu
Bụng hết chỗ chứa, bắt đầu muốn lên.

Dê lo sợ phen nầy không thoát,
Giếng thì sâu, vách cát khó trèo.
Hoàn cảnh thật rất hiểm nghèo,
Chỉ biết than thở, đành theo ý Trời.

Chồn trấn an: “Có chi đáng ngại,
Cảnh huống nầy cũng tại nơi em.
Mời anh uống cho đã thèm,
Sẵn có diệu kế, anh em thoát nàn.

Anh hãy đứng, dùng hai chân trước
Chống vào vách, mặt ngước lên trên,
Em sẽ nhè nhẹ bước lên,
Nhảy vọt thiệt mạnh đến bên miệng bờ.

Xong rồi, em sẽ tìm phương cách
Để kéo anh khỏi vách giếng sâu,
Tội chi mà phải u sầu?
Nhanh lên, ta sẽ bắt đầu thoát thân!”

Nghe Chồn nói, Dê mừng hớn hở,
Cố khom lưng giúp đở Chồn leo,
Chỉ trong nháy mắt Chồn trèo
Thoát khỏi miệng giếng, bèn reo cười dòn

“Đến phiên anh”, Dê bèn năn nỉ,
“Nhờ em giúp, chớ nghĩ thiệt hơn,
Công nầy anh sẽ đền ơn,
Tình sâu, nghĩa nặng, keo sơn vững bền.”

Nghe Dê nói, Chồn ta cười lớn,
Giọng mỉa mai: “Đừng giỡn, Dê ơi.
Xuống chi giếng lạng, chơi vơi,
Đành cam chịu chết, chẳng rời được đâu!

Trời sanh ngươi nhiều râu, dài quá,
Nhưng u mê. Nếu khá thông minh,
Nhận định sáng suốt tình hình,
Sẽ không dại dột bỏ mình giếng sâu.

Ta vì quá đa đoan công việc,
Chớ chẳng phải tính thiệt hơn đâu.
Giã từ! Người hãy nguyện cầu,
May gặp ai rảnh, ngõ hầu giúp cho.”

Bao nhiêu người như chồn, khôn, dại,
Miễn có lợi, xúi dại, hứa càn
Đến khi công việc dở dang
Chết ai nấy chịu, chẳng màng cứu nguy.

Trăm vạn sự, nhớ nhìn kết cuộc,
Hứa dối gian là thuốc giết người.
Thận trọng, chớ có dễ ngươi
Vội tin sẽ mắc, chọn người kết thân.

Ảnh đại diện

Ngựa và lừa (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một con lừa thân hình ốm yếu,
Kéo chiếc xe nặng trĩu món hàng
Chân bước mệt nhọc, lang thang
Tưởng chừng sắp ngã theo làn gió bay!

Một con ngựa đi bên cạnh nó,
Thân hình khoẻ, tuổi nhỏ,t ráng niên,
Trang bị hàm khớp với yên,
Thong thả bách bộ, hồn nhiên yêu đời.

Lừa mệt đuối, nhỏ to nài nĩ:
“Kính mong anh hoan hỉ giúp tôi,
Gánh nặng hai đứa chia đôi,
Cùng nhau có thể sớm hồi kinh đô.

Đối với anh, tấm thân tráng kiện,
Công việc ấy là chuyện dễ dàng.
Phần tôi sức yếu bất an,
Nghe như sắp chết, ráng càng thêm đau!”

Ngựa tàn nhẫn, khư khư từ chối,
Viện cớ thích rảnh rỗi, an nhàn,
Lại còn cười cợt, hát vang,
Bỗng lừa ngất xỉu, hồn sang Diêm Đài.

Chủ nổi giận kềm cương ngựa lại,
Thay cho lừa, nó phải kéo xe
Phần việc đó sẽ nhẹ re,
Nếu xưa nó nhận phụ xe với lừa.

Phải chi khôn, nó mau giúp trước,
Lừa khỏi chết, nó được suy tôn.
Đợi khi lừa trút linh hồn,
Ngựa cõng xác bạn chất dồn trên xe.

Một bài học cho người trần thế:
Sớm tích cực đoàn thể giúp nhau!
Một người gặp khó khăn nào
Láng giềng chung sức, cùng nhau chia sầu.

Tục ngữ ta có câu thường nói:
“Miếng khi đói hơn gói khi no”
Nếu nguy, hãy lẹ giúp cho,
Chờ khi hấp hối, còn lo được gì?

Ảnh đại diện

Thần chết và người sắp chết (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Người hiền triết luôn luôn tính trước
Không đợi chờ khi cất bước ra đi
Sang cõi Trung giới Âm ty
Mà không chuẩn bị kiên trì từ lâu

Lúc nào cũng sẵn sàng khăn gói,
Để ra đi, bỏ thói khóc than:
Tử thần xuất hiện hiên ngang
Khó bề đoán trước, chặn đàng cản ngăn

Con Vua Chúa lắm khi mở mắt
Chỉ chào đời mấy khắc rồi đi
Của cải, quyền lực ích gì?
Tài cao, sắc đetp cũng đi như thường!

Tánh tàn nhẫn, Tử Thần cương quyết,
Lòng lạnh lùng, giả điếc, vô tâm,
Bất ngờ xuất hiện, âm thầm
Tàn phá, giết chóc, gieo mầm đau thương

Một bô lão đã ngoài trăm tuổi
Nghe ngặt mình thui thủi yếu dần,
Xin được gặp mặt Tử Thần,
Mong được cầu khẩn điều gần, điều xa.

Bóng Tử Thần bỗng đâu xuất hiện,
Hỏi: “Lão Ông có chuyện chi cầu?
Gặp ta không dễ gì đâu,
Mau mau bày tỏ ngỏ hầu sớm đi.”

Ông lão đáp: “Sao Ngài hối hả,
Vì cớ nào bươn bả, vội vàng,
Đem người về Chốn Diêm-Đàng,
Không cho hay trước, chẳng màng báo nguy!”

“Ngài biết không: tôi còn nhiều việc,
Thiếu thì giờ giải quyết khó an,
Vì quá bận rộn đa đoan,
Không thể thu xếp vẹn toàn được đâu.”

“Kìa chúc ngôn tôi chưa kịp viết,
Để thu xếp mọi việc về lâu,
Vợ tôi cứ mãi nguyện cầu
Phu thê một lúc về chầu Diêm Vương

Tôi hãy còn một thân cháu nhỏ,
Cần có tôi giúp nó an bài,
Địa vị, nhà cửa, trong ngoài,
Lập xong gia thất, từ rày mới yên.

Nhà đang ở cần thêm một mái,
Để trẻ con rộng rãi chơi rong,
Đầu xuân cất, cuối hè xong,
Chừng đó hy vọng thong dong phần nào.

Đây chỉ mới một vài công việc
Sau hãy còn có biết bao nhiêu,
Mong Ngài thông cảm ít nhiều,
Giúp tôi giải quyết mọi điều an vui.”

Ngươi quá tham, Tử Thần đáp lại,
“Ta đã nhiều dễ dãi với ngươi,
Đếm xem trọn xứ mấy người
Bách niên giai lão, như ngươi bây giờ?

Ngươi trách ta sao không báo trước,
Một ít lâu khi rước người đi
Quả thật ngươi kém nghĩ suy,
Để kịp đón nhận những gì ta ban.

Khi thấy mình mắt lờ, tóc bạc,
Thêm răng long, thân xác ốm mòn,
Tay chơn run rẩy, héo hon,
Đó lời cảnh cáo chẳng còn bao lâu.

Ta đã cho ngươi nhìn tận mặt
Nhiều bạn bè bệnh ngặt ra đi,
Đó là cảnh cáo chớ gì?
Tại sao không hiểu, cứ ghì lấy thân?

Nay ngươi sống có chi lý thú?
Ăn không ngon, giấc ngủ khó khăn,
Đứng đi, cười nói nhọc nhằn,
Tình cảm, lý trí phải chăng yếu dần?

Ngươi tiếc rẻ những điều vô ích,
Đối với người chẳng thích, hết tươi,
Đâu còn tuổi trẻ đôi mươi,
Còn đâu phong độ, vui cười như xưa?

Thôi hãy mau lập tờ di chúc,
Để tránh điều lục đục sau này,
Xong rồi, trực chỉ phương tây
Xuôi tay, rũ áo, lướt mây, băng ngàn!”

Quả thật vị Tử Thần hữu lý,
Đến tuổi già hoan hỉ ra đi,
Thiết tha, luyến ái làm chi?
Thân xác tàn tạ, còn gì mà ham?

Hãy ra đi như tàn bữa tiệc,
Miệng tươi cười cáo biệt chủ gia,
Cám ơn chủ đã hào hoa,
Thâm tình thết đãi, Vương gia chẳng bì.

Hãy dọn mình sẵn sáng từ trước,
Tránh ngỡ ngàn khi bước ra đi,
Đừng trì huỡn, ích gì?
Kéo dài thêm được mấy thì, nghĩ xem?

Đừng thì thầm, ớ nầy quý Cụ,
Hãy nhìn xem những lũ thanh niên,
Nhìn chúng hăng hái, hồn nhiên,
Thi đua liều chết, lặng yên tươi cười!

Nhưng chúng đã chết vì tử tiết,
Chết hiên ngang, oanh liệt, phi thường,
Hào hùng, nhưng rất đau thương,
Chết vì chánh nghĩa, nêu gương muôn đời.

Thôi, nói mãi càng làm người ghét,
Hãy bình tâm xem xét thật gần,
Người càng giống hệt Tử Thần
Lại càng sợ chết hơn phần thanh niên.

Ảnh đại diện

Thần chết và tiều phu (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Lão tiều phu già nua, mệt nhọc,
Thân ốm gầy, da bọc lấy xương,
Nặng nề lần bước dò đường,
Trở về lều cỏ bên sườn núi cao.

Lưng cụ khòm vì nhiều năm tuổi,
Lại cõng thêm bó củi, băng rừng,
Mắt nhoà lệ ứa rưng rưng,
Tủi thân tự hỏi: “Khổ chừng nào vơi?”

Quá kiệt sức, cụ dừng chân lại,
Ném bó cây nằm sải bên đường,
Tìm phương giải thoát tai ương,
Trách Trời sao ít xót thương tuổi già?

Thử ôn lại quảng đời bạc phước,
Từ sơ sanh đã được hưởng gì?
Bây giờ tuổi cổ lai hi,
Vẫn nghèo, thường bịnh, ít khi no lòng!

Nào vợ yếu, cháu con lúc nhúc,
Sưu thuế cao gịuc thúc đêm ngày,
Lại thêm chủ nợ thẳng tay,
Nhẫn tâm vơ vét hơn loài sói lang.

Lão buồn nghĩ: "Sống chi thêm nữa?
Mải nghèo nàn, lắm bữa thiếu ăn,
Phải chăng bởi nghiệp, do căn,
Chi bằng chết quách, siêu thăng linh hồn!

Lòng hớn hở tìm ra diệu kế:
Sớm giúp ông thoát bể hồng trần,
Nhẹ nhàng lìa bỏ xác thân,
Thì thầm khấn nguyện Tử Thần cứu nguy.

Liền khi ấy, Tử Thần xuất hiện,
Hiên ngang cười, đánh tiếng hỏi ngay:
“Điều chi hãy khá tỏ bày
Để ta tế độ thoát ngoài vòng vây.

Xin Ngài hãy vui lòng giúp đỡ
Gác bó cây ngay ở giữa lưng,
Để lão lẹ bước nhanh chân,
Chóng về tệ xá, hợp quần thê nhi!”

Ai cũng bảo: "Chết đi là hết,
Dứt nợ trần, khỏi mệt, khỏi phiền,
Nhưng vẫn chịu đựng thản nhiên,
Thà đau khổ sống, hơn phiền mạng vong!

Ảnh đại diện

Cáo và cò (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Chung Hữu Thế

Một con chồn trổ tài lịch duyệt,
Mời bạn Cò dự tiệc kết thân,
Nào phải hải vị sơn trân
Chỉ đãi đơn giản một phần “xúp” thôi.

Món ăn nước đựng trong dĩa trẹt,
Cò mỏ nhọn chỉ quẹt ướt mồm.
Mặc dù xúp toả mùi thơm,
Chỉ đành ngó miệng,có “chôm” được gì

Chồn khi ấy ăn lia ăn lịa,
Trong nháy mắt, trọn dĩa sạch trơn.
Bụng đói, Cò rất căm hờn,
Chỉ đành có cách: lơn tơn ra về.

Ít lâu sau, Cò nguyền rửa hận,
Kính mời Chồn đến tận tệ gia
Dự tiệc thân mật gọi là
Kết tình giao hảo, một nhà chung vui.

Chồn mừng rỡ, ân cần tuyên bố:
Chỗ bạn bè làm khổ nhau chi?
Anh mời, tôi sẵn sàng đi,
Dù bận thế mấy, ít khi chối từ.”

Đúng giờ hẹn, Chồn mon men tới,
Lương thực sẵn, đang đợi khách thôi.
Bên chủ, bên khách đồng ngồi,
Mùi hương ngào ngạt từng hồi xông lên.

Chồn đoán chắc đó là thịt nướng,
Món thích nhứt, sung sướng tuyệt vời.
Mùi thơm làm khách rối bời,
Mồm đượm nước dãi, hết lời ngợi khen!

Nguyên do nào chủ nhà lẩn thẩn?
Thức ăn ngon, hấp dẫn biết bao!
Lại đựng trong bình cổ cao,
Miệng nhỏ túm lại, làm sao khách dùng?

Chồn thất vọng, đành cam đứng ngó,
Cò thong thả dùng mỏ gắp ăn.
Chủ nhà mời khách lăng xăng,
Khách thì chỉ biết mặt nhăn, thở dài!

Chồn giả từ, trở về hàn xá,
Lòng ê chề, buồn bã, rụng rời,
Lại thêm bụng đói tơi bời,
Chân bước hết nổi, chán đời, căm gan.

Người ác tâm đương nhiên trả giá,
Đừng vô cớ hại phá tha nhân:
Gạt người bữa trước: gieo nhân,
Hôm kế, người gạt: quả lần theo sau!

Trang trong tổng số 4 trang (33 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối