Dưới đây là các bài dịch của Đỗ Khắc Siêm. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 6 trang (53 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hai người tranh nhau con sò (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Con sò và các tụng nhân

Hai lữ khách một hôm cùng thấy
Một con sò sóng đẩy đưa lên
Cả hai tay chỉ mắt nhìn
Miệng tuôn nước dãi, cùng thèm nên tranh
Giơ tay vói, một anh định nhặt
Anh bạn kia cản, giật tay ra
Nói rằng hai đứa chúng ta
Ai trông thấy trước mới là được ăn
- Theo điểm đó, mắt thần chính tớ
Anh kia rằng: "Mắt tỏ, nhất tôi
Tôi trông thấy trước hẳn hòi
Nói sai tôi chịu tội trời chết ngay"
- Anh trông thấy, tôi đây ngửi thấy
Giữa lúc này qua đấy một ông
Cả hai đem việc trình luôn
Ông này cầm lấy phanh tung con sò
Ông xơi ruột, còn cho đôi gã
Hai vỏ sò ông đã xé ra
Rồi ông lên giọng quan tòa:
- Cấm không tranh chấp, về nhà cả hai
Án phí tòa miễn không đòi

Gẫm xem kiện tụng xưa nay
Bao nhiêu tiền của vào tay quan tòa
Còn chi cho kẻ kiện thưa
Còn chiếc bị rỗng, sao mà không hay


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bác chữa dép và ông chủ bạc (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Người sửa giầy và nhà tài phiệt

Anh sửa giầy cả ngày ca hát
Tự mãn rằng hơn bát tiên xưa
Nhìn anh thú vị thực ưa
Giọng anh hát khiến say sưa mọi người
Ông tài phiệt cạnh thời trái lại
Ngủ ít và chẳng thấy ông ca
Bạc vàng chất chứa đầy nhà
Thường đêm về sáng mới vừa thiu thiu
Thì thợ giầy lại cao tiếng hát
Khiến phú ông khôn đạt giấc mòng
Ước gì cái ngủ bán rong
Như đồ ăn uống! Trời không chìu người!
Anh ca sĩ tức thời được thỉnh
Sang nhà bên diện kiến phú ông
Vào đề không hỏi viễn vông:
"Mỗi năm anh kiếm được bao công là?"
Vốn vui tính, cười xòa anh đáp:
"Tính toán thì không hạp với tôi
Tôi đâu có được tiền dôi
Kiếm ăn năm tháng lần hồi đủ tiêu"
- Vậy mỗi ngày bao nhiêu cho biết?
- Buổi ít nhiều, chi tiết đâu ghi
Khổ năm lễ lạt lắm kỳ
Những ngày lễ lạt tôi thì ngồi meo
Người ta mắc phải nghèo vì lễ
Hết lễ này lại kế lễ sau
Nghe lời chất phác gật đầu:
"Hôm nay tôi giúp anh giàu sang ngay
Hãy giữ lấy tiền này tôi tặng
Mỗi khi cần sẵn có mà tiêu"
Nhiều sao, ôi thật là nhiều!
Của cả thế giới bây nhiêu là cùng
Anh đem về vô chum, chôn cất
Bản tính anh vui mất tự đây
Ca cũng bặt, ngủ hết say
Lo âu, sợ sệt đêm ngày trông nom
Dẫu con mèo chân bon nhè nhẹ
Cũng nín hơi anh ghé tai nghe
Ngờ luôn cả chú mèo kia
Nó toan ăn trộm cái gì của ta!
Sau quyết định sang nhà bên cạnh
Người khi xưa anh đánh thức hoài
Đòi về giấc ngủ đêm dài
Đòi về giọng hát thảnh thơi vui ròn
Tiền ông, anh túc số hoàn...


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Ngựa và lừa (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Nên giúp đỡ, ở đời phải vậy
Không giúp nhau tất thấy hại mình
Láng giềng có kẻ qui tiên
Gánh nặng của hắn chuyển liền sang ta

Lừa rong ruổi đường xa cùng Ngựa
Lưng Lừa mang rương chứa nặng đồ
Oằn mình kiệt sức Lừa lo
Chắc rằng phải quỵ, sao cho tới thành
Ngựa chỉ có yên cương nhẹ hẫng
Lừa van nài: "Xin bạn giúp tôi
Nếu không chắc chết quá rồi
Dù mang phân nửa, anh coi ra gì"
Ngựa từ chối, lại phì tràng rắm
Lừa không kham gánh nặng chết toi
Sau khi Lừa đã chết rồi
Ngựa ta mới hối, hỡi ôi muộn màng...
Lừa đã chết, người đành bắt Ngựa
Đồ của Lừa phải chở trên yên
Da Lừa còn phải tải thêm...


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Chó bị cắt tai (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

"Tôi đâu có tội tình gì
Tai tôi sao chủ xẻo đi thế này?
Hình dung trơ trẽn quái thay
Mặt mày còn dám phơi bày với ai
Chúa tể loài vật tôi ơi!
Ai dám hành xử vơi ngài vậy không?"
Chó ta than vãn khóc ròng
Nhưng người chẳng để chút lòng xót vay
Nó tưởng thiệt hại lắm thay
Thời gian cho thấy nó sai lầm rồi
Mất tai là cái lợi hay
Vì thường nó vẫn cùng loài cắn nhau
Chắc rồi tai cũng rách sâu
Chó hay cắn lộn tai đâu có lành

Địch càng ít chỗ tấn công
Càng dễ phòng thủ, ta không nao lòng
Cổ chó chủ đã đeo vòng
Đinh dài nhọn hoắt. Chó không tai nào
Sói còn biết cắn vào đâu


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Cụ già và ba người trai trẻ (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Ông già và ba thanh niên

Một ông già tám mươi tuổi chẵn
Trước cửa nhà ông vẫn trồng cây
Ba anh trai xóm thấy vầy
Bảo nhau: "Có lẽ cụ này đã điên
Cụ cất nhà ở liền có thể!
Nhưng trồng cây trái để ai ăn?
Họa là sống sánh cụ Bành
Mới hòng hy vọng trái lành cụ xơi
Nhọc sức cụ lo thời vị đáo
Vị đáo kia thực hão đâu cần
Nên ôn quá khứ lỗi lầm
Bỏ đi ý nghĩ viển vông xa vời
Tư tưởng ấy chúng tôi mới hợp"
Lão đáp liền: "Chẳng hợp bay đâu
Biết đâu chết trước chết sau
Đời người quá ngắn, khác nhau mấy mà?
Giờ đương sống biết là mình sống
Còn ngày mai tháng rộng khôn hay
Mai đây ai hưởng bóng cây?
Cũng là cháu chắt sau này của ta
Đừng nên cấm những nhà hiền đức
Ráng sức mình lưu phước người sau
Ý nghĩ "làm ích về lâu"
Đó là cái quả của bao công trồng
Ta còn sống, còn mong hưởng nữa
Sống hơn bay cũng chửa biết mà!"
Lời lão nói đúng không ngoa
Thanh niên một gã trong ba anh này
Qua Mỹ quốc không may chết đuối
Một anh thì định với danh cao
Đầu quân anh vội nhảy vào
Không may tử trận, danh nào đến tay
Còn anh nữa leo cây ghép nhánh
Rơi khỏi cành, chết cạnh gốc cây
Ông già khóc họ bao ngày
Bia đề chuyện ấy đến nay vẫn còn


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Giấc chiêm bao của một người Mông Cổ (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Xưa kia có một người Mông Cổ
Một đêm mơ thấy sự lạ thường
Anh mơ anh đến thiên đường
Thấy ông Tể tướng tinh thần ung dung
Hưởng phúc lạc vẹn toàn vĩnh viễn
Anh lại mơ anh đến cõi âm
Thấy ông ẩn sĩ thọ hình
Lửa bùng đốt cháy thân mình ghê sao!
Phạm nhân khác thảy đều thương hại
Hẳn Diêm Vương sai trái vụ này
Ngạc nhiên người mộng tỉnh ngay
Vội đi đến cậy ông thày giảng cho
Ông thày bảo: "Lạ chi chuyện ấy
Kinh nghiệm tôi từng thấy đã nhiều
Thần linh cảnh cáo kẻ nào
Tuy lòng giả dối, ra chiều thẳng ngay
Ẩn mà đến khoanh tay cửa tướng
Xin xỏ luôn không ngượng nghịu gì?
Còn ông Tể tướng lại kỳ
Tìm nơi thanh vắng để đi ẩn mình"

Nếu tôi được phép trình ý mọn
Khuyên mọi người ở ẩn an nhàn
Đó là hồng phúc trời ban
Phúc lành toàn vẹn, thế gian khôn tìm
Cảnh thanh vắng, êm đềm, kín đáo
Xa những nơi huyên náo tranh dành
Xa nơi thành thị triều đình
Nàng thơ sẽ đến cùng mình hoan ca
Dạy ta cách thiên hà chuyển vận
Mắt trần gian khó nhận hành trình
Nêu hiệu lực các hành tinh
Biết chúng tác động đời mình ra sao
Nếu việc lớn tôi nào hiểu được
Cũng cho tôi thưởng thức suối trong
Hoa thơm cỏ dại bên dòng
Tôi đem tô điểm mấy vần ngao nghêu
Đời của tôi đừng thêu kim tuyến
Ngủ chi trong cung điện huy hoàng
Sao bằng một chiếc giường xoàng
Ngủ nơi cô tịch nhẹ nhàng thú thay
Cho đến lúc xuôi tay mãn số
Nối gót người quá cố ra đi
Sống không lo lắng điều gì
Chết không hối hận những chi đã làm


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thỏ và rùa (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Thỏ và rùa

Đâu cần phải chạy mất công
Khởi hành đúng lúc là mong thắng người
Rùa thách Thỏ đua tài nhanh nhẹn
Nhắm đích trồng hai bạn tiến lên
Tới trước sẽ được ăn tiền
Thỏ rằng: "Rùa hỡi! Chị điên thực rồi"
- Dẫu điên thực thì tôi cũng cá
Thỏ tự tin ha hả nhận lời
Chỉ cần bốn bước tới nơi
Nhẩn nha gặm cỏ, nhìn trời gió đưa
Và dẫu ngủ cũng chưa có trễ
Mặc cho Rùa lễ mễ mang mai
Muốn cho chiến thắng xứng tài
Vinh dự chiến thắng thêm oai hơn nhiều
Khởi hành trễ, phải sao thật trễ
Thì Rùa kia mới nể mặt mình
Nghĩ xong nhìn lại hoảng kinh
Đích kia, Rùa đã tới gần ngay bên
Thỏ vội vã phi lên không kịp
Rùa thành công nói miệt Thỏ rừng:
- Ấy là thiên bẩm anh nhanh
Nếu mang mai nữa thì anh thế nào!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Già kén kẹn hom (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Con gái

Một cô gái lòng đầy tự phụ
Cô kén chồng có đủ thứ này
Là người tuổi trẻ, học hay
Đẹp trai, duyên dáng, lại tay nhà giàu
Không lạnh nhạt, luôn hầu cạnh vợ
Không ghen tuông, lại họ nhà dòng
Nghĩa là đủ thứ ước mong
Hỏi trong thiên hạ có không hạng này?
Rồi số mạng đó đây dẫn dắt
Có những chàng thấy thật cũng nên
Có địa vị, có lắm tiền
Nhưng mà chưa được hoàn toàn như mong
Cô hợm hĩnh: "Họ không tự xét
Tôi ấy à, đâu kết duyên nhăng"
Anh mặt choắt, chú vổ răng
Kẻ thì học thức rõ ràng kém thay!
Nêu khuyết điểm, chê bai đủ thứ
Hết đám hay, tới lũ tầm phào
Cô còn vẫn cứ giọng cao:
"Rộng lòng mở cửa họ vào là may
Họ chớ tưởng thân này đã lỡ
Vội lấy chồng để đỡ cô đơn"
Rồi thì năm tháng xuân mòn
Những chàng thương mến không còn vãng lai
Cô buồn tủi, sắc phai, dáng ủ
Mượn phấn son khôn rủ xuân về
"Thời gian" chú đại bợm kia
Làm sao cô thoát luật lề gã đây
Nhà điêu tàn khéo tay chữa được
Mặt điêu tàn hết chước sửa sang
Từ đây cô hết làm tàng
Không còn cảnh vẻ, cũng không hợm mình
Gương soi bảo, dục tình cũng bảo
Lấy chồng đi, tuổi báo xuân tàn
Khiến cô vội vội, vàng vàng
Lấy anh cục mịch, chẳng sang chút nào
Nhưng rồi cô cũng tự hào...


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Gà trống con, mèo và chuột con (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Gà giò, mèo và chuột con

Con Chuột nhắt sống sâu trong lỗ
Lần đầu tiên thoát ổ ngao du
Lang thang gặp sự bất ngờ
Khi về gặp mẹ vội thưa ngọn ngành:
- Con vừa vượt đồi xanh, núi đỏ
Nước non này mọi xó, mọi nơi
Y chàng cống nhỏ rong chơi
Bỗng dưng cùng lúc gặp hai giống loài
Một con bộ mặt mày hiền hậu
Một con thì hung gấu làm sao!
Tiếng to hiếu động mình cao
Ó ò o thét ai nào không kinh
Lại thêm nữa như hình tay vẫy
Xòe dang ra muốn nhảy từng không
Phía đuôi hội một túm lông
Đầu thì cục thịt đỏ hồng thấy ghê
Khiến con phải quay về hết vía
Nếu không thì có thể gặp anh
Đuôi dài, mắt dịu màu xanh
Lông mềm, tai nhỏ hiền lành đáng yêu
Mẹ nghe kể vội kêu thật lớn:
- Nó là Mèo, hung tợn ăn ta
Chớ lầm ở bộ lông da
Ngoài thì đạo đức, gian tà dấu trong
Đã từ xưa hại dòng giống chuột
Còn con kia chẳng độc hiểm gì
Mình còn ăn nó đôi khi
Xét người con chớ lầm chi bề ngoài
Đời con nếu được còn dài...


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Sói và cáo (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện

Giếng hai thùng trục quay lên xuống
Một đêm kia giữa tháng trăng ngời
Vành tròn in đáy giếng khơi
Cáo tưởng phó mát ngon xơi vội vàng
Nhảy vô thùng đeo ngang miệng giếng
Thùng nặng liền rời miệng tuột sâu
Cầm bằng cái chết không lâu
Cáo mong có một con nào như anh
Cũng háu đói, cũng lầm phó mát
Nhảy vào thùng, vổng nhắc Cáo lên
Hai ngày sốt ruột như điên
Không một con thú đến miền giếng khơi
Thời gian qua, canh vơi nguyệt khuyết
Chú Cáo ta chắc chết mười phần
Bỗng nhìn thấy một Sói non
Khát nước lui tới, dòm nom tìm tòi
Cáo bảo Sói: "Bạn ơi tôi quyết
Đãi bạn vàng bữa tiệc phô-ma
Nhìn đây Sói thấy chăng là?
Tròn tròn, ngon tuyệt, hai ta cùng dùng
Chính Thượng đế khi không được khỏe
Ngài xơi vào là dễ chịu ngay
Vành ngoài tôi đã ăn đây
Phần bánh còn lại anh xơi đủ mà
Bước vô thùng, đại ca hãy xuống
Đừng để chờ, mà luống công nhau"
Ngay lòng Sói chẳng nghĩ sâu
Bước vô thùng nặng làm cầu Cáo lên

Ta thường cũng dễ tin như vậy
Nhất là khi ta thấy lợi nhiều
Hoặc khi ta sợ ta e!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 6 trang (53 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối