(Bia chùa xã Đồng Hải, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình)

Công chúa Thiệu Ninh đời Trần, xây dựng chùa này ở đất Tây Quan; trong chùa có nhà hương hoả thời bà sinh mẫu là Thiện Huệ Ưu-bà-di. Bắt đầu khởi công từ tháng 11 năm Tân Dậu. Đến tháng 12 năm Nhâm Tuất hoàn thành. Thái tử thiêm sự tước Trung tĩnh thượng hầu, đặt tên chùa là Từ Ân, để tỏ lòng không quên gốc vậy.

Thái tử cho rằng tôi từng là người nho nhã xưa nay. Vả lại giữ việc về chữ nghĩa; cho nên bài văn khắc vào kim thạch, ngoài tôi ra thì không thể ai biết được. Vì vậy, cùng với người dẫn đường, tôi theo lại xem cho biết hình thế đất, gốc ngọn của ngôi chùa. Tôi đâu dám từ chối, bèn ghi hết sự thật để truyền lại cho đời sau.

Đất Tây Quan thuộc làng Cổ Lũ, phía đông có một nhánh sông lớn chảy từ Kinh đô đến cửa Pháp Khẩu. Nước sông đầy tràn, mênh mông, thấm nhuần muôn khoảnh. Giòng sông lượn, như đóng như mở. Quanh về phía đông là khe Phí, chảy về phía bắc là khe Chủng. Những dòng nước đó thường chạy vòng vèo rồi ngưng đọng lại một chỗ, trở thành đầu nguồn của những dòng nước đẹp ở đất Tây Quan. Cảnh này đâu phải do trời đất xếp đặt, mà phải đợi người có đức rồi sau mới cho chăng? Sao trước chưa từng nghe nói có cảnh này, mà nay lại thấy rõ vậy?

Than ôi! Tăng Tử nói: "Cẩn thận với sự chết của cha mẹ, tưởng nhớ đến tổ tiên đã lâu đời, thì đức của dân sẽ về với lòng trung hậu đó". Nói vậy có lẽ vì đối với cái chết, người ta dễ khinh hốt, đối với tổ tiên đã xa dời, người ta dễ quên, chỉ có người con hiếu mới hay thận trọng và tưởng nhớ đến những điều dễ sơ suất, dễ bỏ quên. Cho nên người có đức đó thì dân sẽ hoá theo mà trở về với điều trung hậu.

Công chúa tuy là dòng dõi cao quý của nhà vua, nhưng vẫn không quên chốn gốc. Hàng năm mỗi khi động lòng tưởng nhớ, thì hình ảnh đất Tây Quan vẫn ngời ngời trong lòng; trở đi trở lại nhiều lần. Kịp đến khi nhìn thấy đường vũ thâm nghiêm, ngắm những cây tùng cây giá tươi tốt. Thấy bâng khuâng lo lắng, cảm xúc sinh ra. Bèn xây dựng chùa, để làm chỗ cho bốn phương trông vào. Này hương này khói, này chuông này trống. Từ lòng nhân từ của đức Phật mà nghĩ đến lòng nhân từ của người sinh ra mình. Từ nguồn ân huệ của đức Phật mà nghĩ đến ân huệ của người sinh ra mình. Lòng thành tâm đến như thế ru! Biết đâu dân đất Tây Quan tai nghe âm thanh của chuông trống, mắt nhìn thấy sự tốt đẹp của nền đạo đức mà lại không hoá theo, để trở về với sự trung hậu chăng? Cho nên, hiểu được tên của chùa như thế là cũng góp phần bổ ích cho giáo hoá ở đời, chứ đâu phải chỉ tán dương Phật pháp mà thôi!

Minh rằng:
Tây quan có chùa,
Gọi chùa Từ Ân.
Tên do người đặt,
Lòng hiếu dựng chùa.
Công chúa hiền thay,
Đạo hiếu rất thành.
Dựng chùa ở đây,
Báo ơn người sinh.
Người sinh theo phật,
Chẳng kém anh linh.
Nghe chiêng nge trống,
Xin về chứng minh.
Đức của công chúa,
Ngàn năm thơm danh.
Dân được cảm hoá,
Quyết không nhẹ tình,
Chúc vua dài lâu,
Phật thường anh minh.
Ôi người đời sau,
Hãy coi bài minh.

Niên hiệu Xương Phù thứ 6, năm Nhâm Tuất (1382), tháng Bảy (3) trước tết Trung Nguyên 3 ngày (ngày 12).
Vinh lộc đại phu giữ chức Trung thư lệnh, kiêm Hàn lâm học sĩ phụng chỉ tri thẩm hình viện sự, từ kim ngư đại trượng thích quân Hồ Tông Thốc soạn.
Nội học sinh á hạ liệt phẩm Chu Nghĩa Phương viết.
Ngự tiền điêu kinh nội cục Lê Luật Khắc.