Trang trong tổng số 2 trang (16 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]

Ảnh đại diện

Nửa mùa (Vũ Thanh Hoa): Đặng Ân mến!

Hay lắm chị H ơi!nhưng em chưa hiểu  cái " nhờ nhờ quên " của chị; chúc chị vui!
-------------
"Nhờ nhờ quên" hình như là "quên không hẳn mà nhớ không xong" bạn à, mệt nhỉ? Hi hi. Cám ơn bạn cảm nhận, mấy câu thơ ứng tác thật hay.


Vũ Thanh Hoa
Ảnh đại diện

Giấc hồ nghi (Vũ Thanh Hoa): Từ "Giấc Hồ nghi" - Thơ một người tặng VTH

CƠN BÃO KÝ TỰ MỚI

mải mê như ngọn gió vô hình
trong thế giới ảo
lớp lớp ký tự vô hồn
nhà nhà nhốn nháo
những ký tự thiếu tư duy số phận
ta bỗng lắc lư
bay
bay
lên
từ muôn đợt sóng ngầm
chìm trong cơn bão không hề dự báo

cơn bão đưa ta vào thượng tầng khí quyển
say điệu luân vũ thiên nga
lá rừng hoá than trở về xanh cành lộc mới
đá bí mật mở dần pho ký tự núi lửa
đồng hồ ngực biển quay ngược
những vệt đồi mồi biến khỏi bóng đêm

cơn bão nổi mạnh dần lên
thế giới ký tự mới mở ra
mỗi hơi thở nồng nàn bạt ngàn tín hiệu

em cứ ngon giấc hồ nghi giữa mùa hoa cúc
cơn bão nối những ký tự nồng nàn cất tiếng thuỷ tinh

9.12.2010


(Một người tặng VTH)
Ảnh đại diện

Tôi vẽ một hình nhân tôi (Vũ Thanh Hoa): Gửi hongha83 (gui hồi âm không được)

Bạn thân mến,
Cám ơn câu hỏi của bạn. Vũ Thanh Hoa viết "mù mơ" chứ không phải "mùa mơ" bạn ạ. Từ "mù mơ" nghe lạ, mới và ảo nghĩa hơn "mùa mơ" bạn nhỉ, hi hi.
Chúc bạn vui nhiều nhé. Thân mến.

Ảnh đại diện

Giao hưởng biển (Vũ Thanh Hoa): Đọc Giao hưởng biển của Vũ Thanh Hoa (Trần Thiện Anh)

Năm ngoái tôi có đọc được mấy bài thơ của Vũ Thanh Hoa trên báo Tết, gần đây mới đọc được nhiều bài thơ của chị trên mạng, thú thật, cảm giác đầu tiên của tôi là bị choáng ngợp trước một phong cách thơ táo bạo, mãnh liệt  lẫn dịu êm, bảng lảng và đầy nữ tính. Thơ chị có kiểu cũ và có kiểu mới, dường như càng ngày càng mới (theo thời gian chị ghi dưới mỗi bài thơ). Chị chú trọng đến tứ thơ và cũng trăn trở cách tân ngôn ngữ thơ. Nhưng điều quan trọng hơn là thơ chị khoan sâu vào nhiều trạng thái yêu của nữ giới như muốn bộc bạch, muốn tiết lộ dần những bí mật mà tưởng như cần giữ kín, tưởng như còn húy kị trong thơ truyền thống ở ta.  Trong những bài thơ gần đây của Vũ Thanh Hoa, chứng tỏ chị muốn bứt phá vượt qua rào cản ấy một cách tự nhiên nhưng không thô ráp như một vài nhà thơ trẻ nữ đã làm. Chị từng trải và nồng nàn, chân thành và chân thật nhưng lại nhận biết cái ranh giới mỏng manh của cái giả-chân trong nghệ thuật. GIAO HƯỞNG BIỂN là một bài thơ như thế, nói về tình yêu cùng với sự thăng hoa của nhục thể, mà cách nói lại chứa đựng những thi ảnh đầy gợi cảm.

ướt
cát mịn
phập phồng
trần ngực biển
lưỡi thanh âm giao hưởng ngút mây trời
dừa rừng rực vươn thẳng cây đón đợi
mơ màng dương lún phún lá đong đưa
Mới đọc thoạt tưởng chị tả cảnh biển với sóng với cát với rừng dương, hàng dừa... Nhưng cái cảnh ấy đã có một chút gì nhân cách hóa, gợi ra một trường liên tưởng về người với những "trần ngực biển", "lưỡi thanh âm", "vươn thẳng cây", lún phún lá". Có một chút Hồ Xuân Hương ở đây chăng?
Nhưng đấy mới chỉ là màn dạo đầu êm dịu của bản "giao hưởng biển". Rồi âm nhạc như bắt đầu cuộn xiết trào dâng hơn khi cuồng phong xuất hiện:

ngây ngất sóng
cơn cuồng phong
chạm đáy
thăm thẳm xanh mạch chảy
tận khôn cùng
vòng hoan lạc siết bến bờ
ngây dại
cổng thiên đàng he hé nụ mung lung

Những "chạm đáy", "hoan lạc", những "ngây dại", "thiên đàng" đều gợi tới cảm giác của đam mê mãnh liệt. Nó gấp gáp, nó dồn dập và nó đang "yêu". Cảm giác mạnh ấy chính là rung động của một hồn thơ trước thiên nhiên lộng lẫy và hoang vu, nhưng cũng là cảm giác của rung động thân thể của người thơ. Và không kìm được nữa, thiên nhiên đã hóa con người (hay con người đã hóa thiên nhiên) bằng những ngôn ngữ lộ diện, và "bản giao hưởng" đã được đẩy tới cao trào:

thở trong thở
cuốn về hun hút bão
thân ghì thân
run rẩy nhịp tinh cầu
dòng nham thạch phun quyện hòa núi lửa

Rồi tất cả như đang trôi, như đang bồng bềnh thực ảo sau cơn phun trào núi lửa của đam mê và hoan lạc tình yêu:

trôi
bềnh bồng
phiêu dạt
cánh buồm
yêu

Người ta nói thơ hiện đại thường lấy việc tạo cảm giác làm chủ đạo sáng tạo. Thì GIAO HƯỞNG BIỂN đã làm được điều đó. Mà lại là cảm giác nhục thể. Nhưng nhục thể ở đây không hề thô thiển hay dung tục, bởi sự kết hợp thiên nhiên con người thực - ảo thật tinh tế và hài hòa. Hài hòa cả về thi ảnh, ngôn ngữ và nhịp điệu; hài hòa cả về sự việc và góc nhìn thẩm mỹ.
Đọc kỹ bài thơ, đọc nhiều lần theo nhịp ngắt xuống dòng, ta thấy lối thơ tự do tạo nhịp này thực ra lại xuất phát từ những nhịp thơ 8 chữ truyền thống khá quen thuộc. Tôi đã thử ghép chúng lại và thấy rất rõ hình thức câu thơ cũ:

thở trong thở/ cuốn về hun hút bão
thân ghì thân/ run rẩy nhịp tinh cầu

Nhưng cái tài của nhà thơ không chỉ cố ý ngắt dòng hợp lý, mà chính là nhờ từ mạch nguồn cảm xúc và cách nhìn mới mẻ đã khiến cho bài thơ mang một hơi thở mới về cả nội dung lẫn hình thức. Đó cũng là điều dễ nhận thấy khi đọc thơ Vũ Thanh Hoa, mà GIAO HƯỞNG BIỂN là một bài thơ trong dòng mạch mới mẻ đó.

2009

Ảnh đại diện

10 bài thơ và một lời ước muốn (Nguyễn Trọng Tạo): Viết tiếp về Nguyễn Trọng Tạo và “Thơ viết trong đêm tự tử”

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Không thể không tin gì mà viết (*)

Trước hết, tôi cảm ơn báo TT&VH và bạn đọc đã quan tâm tới “sự kiện không vui” trong đời thơ của tôi. Sự kiện ấy đã qua 28 năm rồi, (…), tâm trạng trong “đêm tự tử” thật vô cùng phức tạp. Chắc nó có khác với người khác đôi chút, vì tôi là một nhà thơ. Bởi vậy, sau khi quyết định tự tử, thay cho việc viết một lá thư tuyệt mệnh hay một “di chúc”, tôi đã làm thơ. Khi ngồi vào bàn viết, tôi viết liền 6 bài để bày tỏ tâm trạng /lý do tự tử, cùng với lời vĩnh biệt những người thân thiết. Kết bài thứ 5 tôi viết:


Chỉ riêng điều này cũng thấy mình hạnh phúc:
Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây...

Khi đó, cái chết của nhà thơ Nga Xergay Exenhin ám ảnh tôi rất mạnh. Tôi rất mê thơ Exenhin, cũng đã từng tập dịch mấy chục bài thơ của ông, và tôi nghĩ, lại đến lượt tôi:


Tôi đã vẫy cho Ê-xê-nhin cái vẫy tay anh muốn
Giờ đến lượt tôi. Ai sẽ vẫy tôi đây?

Tôi đọc lại 6 bài thơ, thấy thế cũng đã đủ. Để nguyên cuốn sổ trên bàn, tôi lên giường và kê 2 khẩu súng ngắn đã lên đạn vào hai bên thái dương. Tại sao lại 2 khẩu súng thì tôi đã giải thích ở bài trước rồi. Tâm lý của người tự tử là muốn mính chết thật nhanh, chết dứt điểm. Nhưng khi đã kê súng vào thái dương, tôi tiếp tục suy nghĩ. Tôi nghĩ đến những vụ việc vừa qua (…) và thấy cái chết thật là phi lý. Tôi dậy viết tiếp 4 bài thơ nữa với những câu hỏi lặp đi lặp lại: “Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây”. Đó là câu hỏi đánh thức tất cả những suy nghĩ nhân văn của tôi tiếp theo. Thay cho lời phán xét, thơ đã giải toả dần cho tôi:

Và tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!

Nghĩa là trái tim tôi vẫn tái sinh. Và tôi từ bỏ quyết định tự tử ngay sau khi kết thúc bài thơ thứ 10.

Mỗi bài thơ đều có một “câu chuyện thơ” kèm theo mà chỉ có tác giả của nó mới biết đích xác(…). Nhưng có người không tin chuyện đó (Nguyễn Hoà), lại cho rằng tôi đã “mông má”, “nói vống lên” và hỏi ai làm “chứng nhân” khi tôi định tự tử thì tôi thấy buồn. Trong “sự kiện” này theo tôi 10 bài thơ và câu chuyện thơ luôn bổ sung cho nhau. Còn việc tin hay không tin, tôi đã từng viết:

Nhưng tôi người cầm bút, than ôi
Không thể không tin gì mà viết:
Tin thì tin không tin thì thôi!

Một lần nữa, tôi cảm ơn độc giả đã quan tâm, và nhờ báo TT&VH đăng bài thơ để bạn đọc được đọc liền mạch, như một chia sẻ cái khoảnh khắc không bao giờ trở lại của một thời đã xa.


(*) Đầu bài do TT&VH đặt

Nguồn: Báo Thể thao & Văn hoá
Ảnh đại diện

10 bài thơ và một lời ước muốn (Nguyễn Trọng Tạo): Lời bình của Đỗ Quyên

1- Về Ý nghĩa:

Vụ ì xèo “tự tử” này phải nói là cái Dở nó đỡ cái Hay: Nhờ nó mà bạn đọc - trong đó có tôi - được biết 10 bài thơ “hồi sinh” NTT. Dạo đọc bài phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng với các bác, ĐQ đã nghĩ đến việc vấn hỏi về “thi chứng” đó (Ha ha! “Nhân chứng” với nghệ thuật là cái đinh mục!) nhưng chưa có dịp...

2- Về Nội dung:

10 BÀI THƠ VÀ MỘT LỜI ƯỚC MUỐN quả là 1 Di chúc nghệ thuật, nhưng là 1 Di chúc cho chính mình, của 1 nhà thơ trong lúc chấp chới giữa 2 dòng Sinh-Tử. Có mấy ai ở đời được đọc-lại-di-chúc như vậy?

3- Về Nghệ thuật:

Đây là 1 bi tráng ca của thi ca VN chứ chả bỡn! Nhịp thơ đi liền như hơi thở gấp của kẻ bị đuổi cùng đường, nhưng cú pháp thơ vẫn rất từ tốn như của người lần cuối nhìn lại gia tài tinh thần: Mẹ, Con, Bạn hữu, Vợ/Người yêu, Thơ ca, Kẻ khác mình (Cái hay là ở chỗ đọc thơ không thấy kẻ thù!). Một biên bản cuộc đời bằng ngôn ngữ thơ như vậy quả ít nhà thơ nào có.

4- Về Cấu trúc, Ngôn ngữ:

+ Không phải ngẫu nhiên tác giả gọi là “10 bài thơ” dù về cấu trúc nó là 10 “đoạn” của 1 “bài” thơ? Nếu đọc 10 bài độc lập thì cũng chả... chết thằng Tây nào cả! Ta hình dung: tác giả trong lúc ở bờ vực tâm lý, đã chọn 1 giải pháp toả dần tình cảm nhưng phải là gọn; để nếu nhỡ... quá tay súng lỏng tay thơ thì “Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây...”. Nhưng để sắp đặt đúng 10 bài - đủ 10 ngón tay trong 2 bàn tay - với cấu trúc khá chặt chẽ, đúng là Trời viết chứ không phải nhà thơ viết.

+ Tôi đọc tập thơ độc đáo về thi phận và hay về thi cảm này tới 5-6 lần, trong 2 ngày. Một lần đọc to ơi là to! (Cho thằng nào sắp tự tử nghe! Ha ha ha) Nhưng lần đọc nào cũng chọn lúc vội (dù không có súng lục kề tai!). Ấn tượng rõ nhất là như không thấy dụng công ngôn ngữ, tu từ... Nhưng chúng vẫn có, về “hình thức”, đó là các thi ảnh khá quen thuộc, dùng không cao tay là bị “sến”, “sáo”, trừ hình ảnh cuối cùng rất siêu thực. Thế mà trong mạch chảy chung toàn bài, ta như không thấy “thơ” (của thi sĩ viết với người đọc) mà chỉ thấy “lời” nói cuối cùng của một Người nói với nhiều Người.

5- Các câu và các đoạn (bài mini) rực sáng:

+ Câu đề từ:
“Và tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!”
Vẻ ảo và vẻ thực của hình ảnh rất rõ: Chôn tim là chuyện thường nghe nói (tim ông kẹ nhạc Chopin chẳng hạn!) Còn mọc mặt trời lên từ đất thì quả là siêu - chỉ có người sắp chết nói. Thoạt tiên, chắc nhiều người đọc cũng nghĩ một cách “lãng mạn cách mạng” như một bạn trên blog hỏi tác giả rằng sao không là “bình minh”. Câu đáp của khổ chủ hơi bị thật thà! Tôi mà được hỏi vậy, sẽ “nổ” rằng: “Cái chết sắp có của tui là 1 cái chết “đen”. Nó báo hiệu sự oan ức, sự đi xuống của... mặt trời”. Vân vân và vân vân.
Bác NTTạo này, tôi ngờ là cái chàng Tây Ban Nha - Lorca đã ám vào anh chàng Việt NTTạo ở 2 câu cuối trên: thi sĩ Tây Ban Nha có câu thơ, đại khái, sau lưng người bị bắn trên pháp trường nhô lên một ông mặt trời!

+ Bài 1 (Mở): Kỹ thuật lặp lại đúng là của người lúng ta lúng túng trước cái chết mà mình là kẻ sát nhân.
“Tôi ra đi nào phải không yêu Mẹ” là 1 câu làm xúc động nhiều lần, với sự giản dị nhiều lần. Câu này nâng bài thơ tới ý nghĩa khác hẳn nếu thiếu nó. Khi ta chết, ta nghĩ đến đấng sinh thành nên ta – đó là đạo người, đạo Việt. Hôm qua, đọc Nguyễn Quang Thiều trên lethieunhon.com có 1 câu về mẹ cũng giản dị và thổi cả bài tuỳ bút bay lên; đại thể, trong thời ấu thơ làng quê nghèo và buồn, “anh chị em tôi không có một gia sản gì ngoài mẹ.”

+ Bài 2: Nhân tính và khá tỉnh táo: “Vì sao tôi phải tự giết mình bằng hai viên đạn”. Đoạn trên tôi nói bài thơ khai tử này không có “kẻ thù” là thế!

+ Bài 5: Súc tích! Lời nói nhuyễn không phải nhờ nước trong miệng mà bằng... máu từ tim! Chỉ có thi ca mới làm được vậy!
“Không ngờ tôi có thể biết rõ ràng bài thơ cuối cùng tôi viết
Bài thơ nghiêm trang và run rẩy của tôi
Chỉ riêng điều này cũng thấy mình hạnh phúc:
Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây...”
Hai cặp chữ đối trọng mà lại không đối lập “nghiêm trang và run rẩy” trúng tâm trạng của 1 “di chúc” và của 1 “tuyệt tự” với kẻ không có vũ khí gì ngoài thơ để chống lại súng lục!

+ 3 bài 7-8-9 có nhẽ là đoạn “lùng bùng” nhất trong cả thiên bi tráng ca này. Về nghệ thuật cũng lộ vẻ “non” nhất! Dường như chúng hiện ra trong lúc tay súng đang... siết thì buông, buông thì lại siết? Chúng cho thấy tác giả không dám kết tội ai hay vấn đề nào 1 cách róng riết (dù căn nguyên của các bức bối khiến tác giả cùng đường cũng đã được chỉ ra khá rõ - nhất là ở thời 1981, mà như vậy cũng đáng nể!) Nó cho thấy tác giả dao động giữa các suy nghĩ mà không cái nào làm “phạm nhân” cho 1 sự chết đang được thực thi.

+ Bài 10 (Kết): đúng là cái giẫy cuối cùng của Con Thiên Nga thi ca! Các hình tượng đẹp với vẻ tuyệt vọng. Ném tim lên trời xanh đã là đẹp, nhưng hơi... bốc, mà đặt tim mình vào “ngực em” thì không chỉ đẹp lại thánh thiện, lại kỳ ảo 1 cách hiện thực, kiểu như bác Thanh Tâm Tuyền cứ đòi “khóc bằng mắt em” chẳng hạn.

6- Về sáng tác “tiền tự tử”:

Còn 101 điều quanh bài thơ “tiền tự tử” kỳ khôi này của NTTạo cần sự xử lý của nhiều loại gia: phê bình gia, nghiên cứu văn bản gia, bình luận gia, tâm lý gia, và cả hình sự gia, rồi còn v.v... gia nữa! Gọi “kỳ khôi”, vì với làng văn Việt không có nhiều “văn bản” tương tự (như Nhất Linh với Chúc thư văn học).

Nghiên cứu hành trình tự tử của các nhà văn An Nam (và cả Tàu), tôi thấy có vẻ đìu hiu không phong phú như cánh văn sĩ Nhựt Bổn, Tây Âu, Bắc Mỹ... Hồ sơ nhà văn An Nam hiện đại tự tử đến nay chưa quá... 5 đầu ngón tay thì phải? Như trong chương Mộ Văn của trường ca Đống Chữ mà tôi đã phác lập chỉ nhõn có có 2 bác: Nhất Linh và Nguyễn Tất Nhiên (bên cạnh các “đại gia tự tử” của thế giới như Lý Bạch, Essenin, Hemingway, Maia...). Nhà văn Việt nào gần đây đã tự tử xin giơ tay lên để bổ sung?

Thôi, nào tay ly tay bút ăn mừng cho “giai đoạn” tay súng tay bút đã qua!


Bài bình này là 2 comment của Đỗ Quyên trên blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Trang trong tổng số 2 trang (16 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: