Trang trong tổng số 22 trang (215 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Nhâm Ngọ xuân hoạ An Sơn Tôn Thất tiên sinh lục thập tự thọ nguyên vận (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh

Còn rượu Đồ Tô mừng tiệc thọ
Nghiêng ly rót chúc uống say mèm
Kiếp tằm kéo kén nhưng còn mạnh
Tuổi hạc về trời cứ mãi thêm
Tranh vẽ hoa cười màu thắm thiết
Thơ ngâm đàn đệm điệu êm đềm
Nghe tin thế giới đầy binh lửa
Thần quỉ cơ trời sợ cũng êm

Ảnh đại diện

Thứ Mính Viên Huỳnh tiên sinh Nhâm Ngọ nguyên đán thí bút nguyên vận tự thuật (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh

Tuổi đời sáu chục mới vừa qua
Ít kẻ từ xưa được tuổi già
Rượu chẳng nghiện chi ngông có lúc
Thơ thì đã sẳn sợ gì ma
Cửa cài đã hứa lòng không rộn
Trồng trọt nhàn qua tóc điểm hoa
Giữa lúc xuân sang đâu thú vị
Vườn Kỳ cây cỏ với hoa trà

Ảnh đại diện

Độc báo kỷ sự (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh

Nữ sĩ Mô Di người nước Nhật
Lần đầu đến viếng đất Thăng Long
Tự mình đem ví thân như bướm
Ngàn dặm bôn ba tỏ tấm lòng

Ảnh đại diện

Lưu đề An Lạc tự kỳ 1 (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh

Nấp bóng non Bình chốn lặng yên
Đến thăm thử hỏi chủ nhân xem
Thân làm quan lớn tâm là Phật
Kinh tế lo ngày kinh tụng đêm

Ảnh đại diện

Phụng hoạ Chu Khuê tiên sinh thất thập tự thọ nguyên vận (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh

Pha trà nấu rượu ngắm hoa cười
Bao chuyện thư nhàn gợi hứng chơi
Mấy lượt mùa sang chim hạc đến
Cây vang xuân lại giọng oanh mời
Hưu so Bành Trạch mong nhàn ẩn
Thơ sánh Trần Tư có biệt tài
Khoẻ mạnh tuổi đời qua bảy chục
Cùng vui thưởng ngắm ánh trăng soi

Ảnh đại diện

Phụng hoạ Chu Khuê tiên sinh Tân Tỵ xuân thủ thí bút nguyên vận (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh

Phong trào tới tấp từ bên ngoài
Chiến Quốc Xuân Thu ấy một thời
Ngoài cuộc vương tôn ôm gối mộng
Trên non tể tướng cụng ly chơi
Ngày càng thọ tuổi thân thường mạnh
Hương thoảng đào tiên tiệc sắp mời
Đây Lộc Minh đình thường đến ở
Hướng dương hoa nở cạnh Bồng Lai

Ảnh đại diện

Hoạ Từ Quang tự hoà thượng ngẫu ngâm tương thị nguyên vận (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh

Thanh thản thiền môn tự tại lòng
Tâm là Phật tử cốt tiên rồng
Dấu tên ẩn dật lòng không lụy
Như họa đề thơ bút thần thông
Sớm tối kệ kinh đây Lục tổ
Tới lui đàm đạo có vương ông
Với người cửa Phật cùng làm bạn
Tên khắc trên bia duyên phải không

Ảnh đại diện

Ngẫu tác (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh

Cửa Tề kèn trống ai thèm hỏi
Thổi sáo chợ Ngô có kẻ thăm
Kèn sáo cho dù hay hoặc dở
Hoạch tìm phương kế sớm lo chăm

Ảnh đại diện

Bánh canh Nam Phổ (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Câu hò và chén bánh canh Nam Phổ

Châu Hương Viên là chốn hưu đình mà thầy tôi đã tọa lạc tại đó, ở về phường Tây Thượng. Từ làng Tây Thượng đi lên phía ngã phố là giáp với làng Vỹ Dạ, đi xuống ngã Thuận An thì giáp với làng Nam Phổ, quê hương của món đặc sản rất Huế là món bánh canh.

Bánh canh chỉ là món ăn bình dân, nhưng có cái lạ là không có nơi nào bắt chước được để nấu ăn ngon như người làng Nam Phổ.

Hàng ngày cứ khoảng 12 giờ đến 3 giờ chiều thì những hàng bánh canh bắt đầu gánh lên từ phía Nam Phổ, đi lên ngã phố Huế. Mấy chị bán bánh canh thường mặc áo dài và gánh đi bán dạo. Tôi còn nhớ không biết bao nhiêu lần, hễ nhà có khách làng thơ hay bà con tới thăm là thầy tôi chuyện trò quên cả giờ giấc. Nên chi, đến bữa ăn trưa, thầy tôi thường giữ khách lại và sai người nhà ra ngõ đón một gánh bánh canh đưa vào nhà. Thế là chủ khách ngồi vây quanh gánh bánh canh.

Chị bán hàng tươi cười vừa mở nắp nồi ra, khói bay thơm phức. Sợi bánh canh lớn gấp mấy lần sợi bún, làm bằng loại bột gạo lọc, trắng như tuyết; ở trên mặt rải một lớp nhụy tôm cua và ớt đỏ như son, trông rất là bắt mắt.

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thường nói rằng: "Hầu cơm cụ Thúc Giạ thì món ăn nào, dẫu đạm bạc đến bao nhiêu cũng trở thành cao lương mỹ vị. Vì dùng tới món nào cụ cũng bảo rằng 'tuyệt trong thế gian' và đương nhiên món bánh canh Nam Phổ lại càng 'tuyệt trong thế gian' hơn".

Trước khi mời khách thưởng thức món bánh canh "tuyệt trong thế gian" này, thầy tôi thường bảo tôi khoanh tay lại đứng bên cạnh chị bán bánh canh hò câu hò do Người đặt ra để ca tụng món ăn đặc biệt của xứ Huế. Những người khách rất lấy làm ngạc nhiên và vô cùng thú vị. Còn chị hàng bánh canh một tay cầm cái tô, một tay cầm vá để múc bánh, nhưng bàn tay chị bỗng khựng lại, sững sờ nhìn tôi, ngẩn ngơ và say sưa nghe tôi cất tiếng hát.

...

Khi tạp chí Kiến thức ngày nay ra, có một người miền Nam cầm tờ báo đem đến nhà hàng Phú Xuân ở đường Đinh Tiên Hoàng nói rằng: "Ở Huế có món ăn gì mà cụ Ưng Bình tả ngon như vầy, ở đây có bán không?". Chủ nhà hàng Phú Xuân rất lấy làm vui và trả lời cho biết không có bán. Tuy nhiên bà chủ Hoàng Anh hứa sẽ nấu mời khách và hẹn ngày khách đến dùng thử. Khách vui vẻ cám ơn và y hẹn ngày trở lại. Sau khi thưởng thức món bánh canh Nam Phổ, khách còn nhờ nhà hàng nấu thêm mấy lần mời bạn bè.


Tôn Nữ Hỷ Khương
(Trích Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị, 1996)
Ảnh đại diện

Những câu hát trên sông Hương (Nguyễn Phúc Ưng Bình): Chữ ai trong hai câu hò

Tôi không thể nào quên được buổi chiều mùa thu năm 1954, khi nhà in Khánh Quỳnh (Huế) vừa in xong quyển "Bán buồn mua vui". Hôm ấy thầy tôi bảo tôi đọc lại những phần viết về sự bắt nguồn của ca Huế, ca trù, hò khoan giã gạo, hò mái nhì và hát tuồng. Sau đó tôi hò hát vài câu hầu thầy tôi nghe.

Khi tôi hò đến câu:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non


Bỗng thầy tôi chợt hỏi: "Con có biết chữ ai trong câu hò này là ai không?". Tôi chưa kịp thưa, mà có lẽ Người cũng hiểu là tôi không thể nào biết được, nên Người bỗng hạ thấp giọng thong thả nói, với vẻ mặt trầm tư, mà tôi nghe gần như một lời tâm sự: "Thuở ấy, có tin vua Duy Tân giả dạng thường dân ra ngồi câu cá ở Phu Văn Lâu, chờ gặp Trần Cao Vân để mật bàn chuyện quốc sự". Tôi nghĩ cái tin này đã làm cho thầy tôi vô cùng xúc động nên mới có thể viết thành câu hò bất hủ ấy.

Buổi chiều đó tính đến nay đã gần 40 năm, mà tôi còn mơ hồ tưởng như mới đâu đây - một buổi chiều thu gió se lạnh, tại thư phòng của thầy tôi, hình ảnh yêu quý của thầy tôi và giọng nói êm ấm, dịu dàng của Người mà suốt cả cuộc đời tôi, tôi không bao giờ có thể quên được.

Một lần khác, trong lúc vui câu chuyện giữa hai cha con thầy tôi còn nói cho tôi biết, người đã dùng chữ ai trong một khúc hát để chỉ một nhân vật lịch sử khác; đó là Đào Duy Từ:

Khi trông lên đò Trạm, khi ngó xuống Lũy Thầy
Đố ai có biết dạ này thương ai?


Tôn Nữ Hỷ Khương
(Trích Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị, 1996)

Trang trong tổng số 22 trang (215 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: