Trang trong tổng số 14 trang (131 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Cảm hoài [Thuật hoài] (Đặng Dung): Bản dịch của Tạ Ngọc Liễn

Thế sự vời trông hỡi tuổi già,
Mênh mang trời đất rượu say ca.
Gặp thời đồ tể thành công dễ,
Vận hết anh hùng nuốt hận qua.
Giúp chúa những mong xoay chuyển đất,
Rửa binh không lối kéo Ngân hà.
Quốc thù chửa báo đầu mau bạc,
Mấy bận mài gươm bóng nguyệt tà.


Bình luận về bài thơ cảm hoài này, danh sĩ thế kỷ XV Lý Tử Tấn nói: "Nếu không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể làm được bài thơ này" (Phi hào kiệt chi sĩ bất năng 非豪傑之士不能).

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Niệm nô kiều - Xích Bích hoài cổ (Tô Thức): Bản dịch của Phan Văn Các

Trường Giang xuôi chảy
Sóng trôi hết
Thiên cổ phong lưu nhân vật.
Luỹ cũ bên tây, rằng chốn ấy
Xích Bích chàng Chu Tam Quốc...
Đá chọc mây tan,
Sóng tràn bờ rách
Cuốn dậy ngàn gò tuyết.
Non sông như vẽ
Một thời biết bao hào kiệt!

Xa nhớ Công Cẩn năm xưa
Tiểu Kiều vừa cưới được,
Oai hùng oanh liệt,
Khăn lụa quạt lông,
Giữa nói cười
Giặc dữ tơi bời tan tác.
Đất cũ dạo chơi
Ai đa tình cười tớ
Tóc đã sớm bạc;
Đời như giấc mộng
Chén này cúng trăng dưới nước!

Ảnh đại diện

Vị Thành khúc - Tống Nguyên nhị sứ An Tây (Vương Duy): Bản dịch của Hải Anh

Vị Thành mưa sớm thấm bụi bay,
Liễu mới xanh xanh quán trọ này.
Chén nữa, khuyên mời anh hãy cạn,
Dương quan bạn hữu mấy người hay.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Tống biệt (Tống quân Nam Phố lệ như ty) (Vương Duy): Bản dịch của Nguyễn Sĩ Đại

Tiễn người, Nam Phố lệ như tơ,
Đông Châu xuôi biệt, đáng buồn chưa!
Xin bảo: cố nhân mòn mỏi hết,
Đâu còn như thuở Lạc Dương xưa.

Ảnh đại diện

Ức Đông Sơn kỳ 1 (Lý Bạch): Bản dịch của Nguyễn Sĩ Đại

Lâu không về núi cũ,
Tường vi mấy độ hoa.
Tụ rồi tan mây trắng,
Biết đâu vầng trăng xưa?

Ảnh đại diện

Ký đệ tử thi (Nam Trân): Bản dịch của Nguyễn Sĩ Đại

Vun đắp lâu rày, dạ chứa chan,
Vườn thơm đào lý, nhựa đang tràn.
Buồn nay vô lực truyền xuân sắc,
Trước gió thu dài, một tiếng than!


Phần dịch thơ lấy trong bài viết: “Hành xử và đóng góp của một trí thức yêu nước” của nhà nghiên cứu Nguyễn Sĩ Đại.
Ảnh đại diện

Bài ca lưu biệt (Huỳnh Thúc Kháng): Chú giải một số câu từ Hán Việt, điển cố, địa danh!

Tiêu Đồng Vĩnh Học đã tra cứu trong Tổng tập Văn học, Tập 19 (Chương Thâu chủ biên), thì đọc được các chú giải (1, 2, 3, 4, 5, 7). Riêng chú giải (6) về từ ghép “Cơ cầu” 箕裘, tra được trong sách Từ ngữ điển cố Văn học do Nguyễn Thạch Giang và Lữ Huy Nguyên soạn. Các phần chữ Hán do Tiêu Đồng căn cứ vào âm và nghĩa mà chép ra, chắc sẽ có sai sót, mong quý vị thức giả góp ý thêm. Bài thơ này trong Tổng tập có đôi chỗ hơi khác so với bản trên Thi Viện. Vì vậy, Tiêu Đồng chép toàn bộ bản mình có ra đây để bạn đọc tham khảo:

Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết,
Người ở đời đâu khỏi tiết gian nan.
Đấng trượng phu tuỳ ngộ nhi an,
素 患 難 行 乎 患 難
Tố hoạn nạn, hành hồ hoạn nạn (1).
前 路 定 知 天 有 眼
Tiền lộ định tri thiên hữu nhãn (2),
深 宵 猶 許 夢 還 家
Thâm tiêu do hứa mộng hoàn gia (3),
Mấy mươi năm cũng vẫn chưa già.
Nọ núi Ấn, này sông Đà (4),
Non sông ấy còn chờ ta thêu dệt.
Kìa tụ tán chẳng qua là tiểu biệt,
Ngựa Tái ông hoạ phúc biết về đâu? (5)
Một mai kia con tạo khéo cơ cầu (6),
Thảy bốn bể cũng trong bầu trời đất cả.
於 百 年 中 須 有 我
Ư bách niên trung tu hữu ngã (7),
Dầu đến lúc núi sụp, biển lồi, trời nghiêng đất ngả,
Tấm lòng vàng tạc đá vẫn chưa mòn.
Trăng kia khuyết đó lại tròn!

Chú giải một số câu từ Hán Việt:

(1) Trước nay (tố 素), hoạn nạn phải xử trí theo hoạn nạn.

(2) Trên đường đi biết chắc trời có mắt.

(3) Đêm khuya còn thấy mộng về nhà.

(4) Núi Ấn ở làng Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Sông Đà, con sông chảy qua Đà Nẵng.

(5) Điển tích “Tái ông thất mã 塞 翁 失 馬” lấy trong sách Hoài Nam Tử 淮 南 子, đã rất quen thuộc với mọi người. Câu này có ý là: chuyện chẳng may bây giờ (bị đày ra Côn Đảo) chưa hẳn đã là tuyệt vọng.

(6) Cơ cầu (cừu) 箕 裘: do chữ trong sách Lễ Ký 禮 記: 「良 冶 之 子,必 學 為 裘;良 弓 之 子,必 學 為 箕 」Lương dã chi tử, tất học vi cừu (cầu); lương cung chi tử, tất học vi cơ, Nghĩa là: Con nhà thợ hàn đúc giỏi, tất học được cách may áo cầu (áo da thú); con nhà thợ làm cung giỏi, tất học được cách làm thúng (cơ). Cơ cầu: nói việc con hay nối được nghiệp cha ông.

(7) Trong khoảng trăm năm cần phải có ta. Ý nói ta sẽ phải sống trong cõi đời này để làm phận sự.


Nguồn:
1. Nguyễn Thạch Giang và Lữ Huy Nguyên, Từ ngữ điển cố Văn học, NXB Văn học, 1999
2. Chương Thâu (chủ biên), Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 19, NXB KHXH, 2000
Ảnh đại diện

Phụng hoạ ngự chế “Tư gia tướng sĩ” (Đàm Thận Huy): Bản dịch của Duy Phi

Hàng hàng tướng sĩ ai quên mình,
Trăng lạnh tiêu tao lẻ bóng hình.
Mật tỉnh rượu tàn hồn sắt lạnh,
Lòng theo cờ gió nỗi buồn tênh.
Mối tơ nghìn rối sầu vo chặt,
Thử cá muôn trùng tin lắng thinh.
Biết đến ngày nào xong việc nhỉ,
Về quê yên ủi lại hồi kinh.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thuật hoài (Nguyễn Xuân Ôn): Bản dịch của Nguyễn Đức Vân, Hà Văn Đại

Tinh thần báo quốc dám đơn sai,
Ngán nỗi lòng riêng trái việc đời.
Trước bệ tâu bày dầu có trước,
Ngoài biên đánh dẹp thẹn không tài.
Kinh thành nộp sớ hiềm không kịp,
Tân Sở dâng thư lại quá chầy.
Vinh nhục thân này chi xá kể,
Lòng son giết giặc chết không phai.

Ảnh đại diện

Độc Tưởng công huấn từ (Hồ Chí Minh): về cụm từ "Cô thần nghiệt tử 辜臣孽子"!

Tiêu Đồng Vĩnh Học xin góp vài ý kiến về nghĩa lý của cụm từ “Cô thần nghiệt tử” như sau:
  Trước hết, bản dịch thơ trên do GS. Đỗ Văn Hỷ, một nhà Hán Nôm học cự phách thực hiện, thiết tưởng cũng là điều chúng ta nên suy ngẫm, thận trọng. Tôi đã đọc một số bản dịch chú của cụ Đồ Hỷ trong sách Thơ văn Lý Trần (cũng như một số tác phẩm khác) thì thấy rất tâm đắc và cảm phục về những kiến giải rõ ràng, cẩn trọng của Cụ. Tôi hình dung ra rằng GS. Đỗ Văn Hỷ là một học giả uyên bác, sâu rộng một tâm hồn thơ.
  Bây giờ, tôi chép ra đây một đoạn thông tin trong sách “Từ điển Ngục trung nhật ký” của các tác giả Nguyễn Thế Nữu, Trần Hữu Thung, Trần Hữu Dinh để bạn đọc tham khảo thêm:
  “Năm 1936, sau sự biến Tây An, Tưởng buộc phải hợp tác với Đảng Cộng Sản chống Nhật. Lúc Bác Hồ viết bài thơ này, Tưởng đang làm Thống chế kiêm Tổng tư lệnh quân đội Chính phủ Trung Hoa dân quốc hồi đó.
  Theo Hoàng Tranh: “Tưởng công huấn từ”, chỉ những lời nói của Tưởng Giới Thạch: Những lời phát biểu của Tưởng Giới Thạch quyết kháng chiến đến cùng trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật. Hồ Chí Minh đã được đọc trên các tờ báo xuất bản ở Đệ tứ chiến khu lúc bấy giờ như tờ Trần trung nhật báo. Lúc này Quốc Cộng đã hợp tác chống Nhật. Bài thơ khéo léo không tỏ thái độ với bài huấn thị mà chỉ liên hệ với bản thân. Nhà thơ đã một đời chiến đấu khó khăn không lùi, dù khó khăn đến mấy vẫn tin rằng quyết tâm chiến đấu thế nào cũng đến được ngày thắng lợi.

   “Cô thần nghiệt tử 辜臣孽子”: Theo Trần Đắc Thọ, câu này lấy ở chương Tận tâm thượng  trong sách Mạnh Tử (孟子盡心上), 孟子曰:「人之有德慧術知者,恒存乎疢疾。獨孤臣孽子,其操心也危,其慮患也深,故達。」 Nhân chi hữu đức tuệ thuật trí giả, hằng tồn hồ sấn tật. Độc cô thần nghiệt tử, kỳ thao tâm dã nguy, kỳ lự hoạn dã thâm, cố đạt (Những người có đức và sáng suốt thường được nung đúc ở trong cảnh đau đớn và hoạn nạn. Riêng hạng bề tôi không có phe cánh thế lực và con cái của vợ thứ nàng hầu khéo léo giữ gìn tâm ý trong cơn nguy khốn, phải biết phòng ngừa hoạn nạn một cách sâu xa, cho nên họ đạt ở đời). Đoạn đã dẫn có hai vế, vế trên nói về những người tài đức, vế dưới nói về những người có số phận hẩm hiu, thua thiệt. Tác giả khiêm tốn nhận mình ở trong số những người gặp cảnh ngộ không may trong vế thứ hai, nhưng khi nghiên cứu ta không thể không liên hệ tới vế thứ nhất. Cái ý sâu sắc của câu thơ là ở chỗ đó. Cho nên có bản đã dịch: “Phận tôi con bơ vơ, nhà tan nước mất, cái nghĩa phải như vậy”, không biết đã chính xác, hợp với dụng ý của tác giả chưa? Trong bài thơ của mình, tác giả chỉ mượn lời Mạnh Tử để ám chỉ cảnh ngộ của mình, mà không có ý nhận mình là “cô thần nghiệt tử”.

  Chúng tôi (các tác giả cuốn Từ điển Ngục trung nhật ký) cho rằng ý kiến của Trần Đắc Thọ là thỏa đáng nên xin được trích dẫn ra đây để tham khảo”.

  Phần kiến giải trên có đoạn: Cho nên có bản đã dịch: “Phận tôi con bơ vơ, nhà tan nước mất, cái nghĩa phải như vậy”, tôi đã tra cứu trong sách “Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù” và biết được câu dịch nghĩa này nằm trong "Bản dịch trọn vẹn" của Viện Văn học. Sau khi đọc kỹ kiến giải của cụ Trần Đắc Thọ, tôi nhận ra rằng câu thơ của Bác Hồ thực là tinh tế, sâu sắc vô cùng. Và tất cả những điều đó đã giúp tôi hiểu vì sao GS. Đỗ Văn Hỷ lại dịch thành thơ là: “Thù nhà nợ nước, nghĩa đương nhiên”.
Mấy ý vụng về, mong được sự góp ý của quý vị thức giả.


Nguồn:
1. Nguyễn Thế Nữu, Trần Hữu Thung, Trần Hữu Dinh, “Từ điển Ngục trung nhật ký”, NXB Nghệ An, 2007.
2. Viện Văn học, "Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù", NXB Giáo dục, 2003.

  Trong sách "Hồ Chí Minh - Thơ, Toàn tập", Trung tâm nghiên cứu Quốc học xuất bản, chú thích như sau: Cô thần nghiệt tử: (Cô thần: kẻ bề tôi mất hết thế lực bị cô lập, nghiệt tử: con vợ lẽ nàng hầu, con của một nhà đã tồi tàn gần hết mà còn lại một người, cũng như con mồ côi). Ý nói những người làm thần tử mà gặp phải buổi nước mất nhà tan.

Trang trong tổng số 14 trang (131 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: