Trang trong tổng số 20 trang (195 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Hoa tím ngày xưa (Cao Vũ Huy Miên): Về sự ra đời của bài thơ “Hoa tím ngày xưa”

Nhắc đến Cao Vũ Huy Miên, ai cũng nhớ đến Hoa tím ngày xưa. Nhưng giờ thì Hoa tím ngày xưa vẫn còn đó, vậy mà…

Chúng tôi giới thiệu với độc giả bài thơ Hoa tím ngày xưa và bài viết của chính tác giả Cao Vũ Huy Miên về sự ra đời của bài thơ này!

Thời còn học trung học ở Đà Nẵng, mỗi sáng đến trường, tôi thường đi ngang qua một ngôi nhà đầy vẻ u tịch, phía trước có giàn hoa giấy màu tím sẫm và trong sân có cội ngọc lan già lúc nào cũng toả hương. Điều khiến tôi càng thêm chú ý là từ ngôi nhà, đôi khi lại văng vẳng tiếng dương cầm…Và một người con gái đẹp đi học chung đường…

Tôi làm quen được em nhờ những tháng ngày kiên trì lẽo đẽo theo sau với một tâm hồn lãng mạn rất thơ ngây và những bài thơ hoa bướm vụng dại. Mối tình học trò nẩy nở nhẹ nhàng với những buổi hẹn hò đi ăn bánh bèo Huế, chè đêm, cùng những câu chuyện mưa nắng bâng quơ, đôi khi cũng có những dỗi hờn để không gặp nhau vài ba bữa…

Nhưng rồi, đậu tú tài tôi phải đi học xa và xa mãi mối tình đầu. Em đi lấy chồng, gởi cho tôi một phong thư, bên trong chỉ là trang giấy trắng và những cành bông giấy màu tím sẫm ép khô! Nhìn những cánh hoa mỏng manh sắc tím, tôi có cảm giác như trong đó còn thấm đẫm những giọt nước mắt…

Tôi trở về thành phố cũ, một buổi chiều mưa bay, dù ngại ngần nhưng không hiểu sao vẫn muốn đi ngang qua ngôi nhà cũ của em và bất chợt dừng lại trú mưa dưới giàn hoa giấy…

Từ đây một tứ thơ sáu chữ bỗng hình thành trong đầu và trong đêm đó tôi đã viết nên bài Hoa tím ngày xưa: “Con đường em về ban trưa, Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ - Tuổi em vừa tròn mười bảy - Tóc em vừa chấm ngang vai… Con đường em về thơm hương, ngọc lan khuya rụng trong vườn - Tiếng dương cầm đâu lặng lẽ - Đưa ta về phía cuối đường… Con đường em về năm xưa - Có biết hay chăng bây giờ - Hoa tím thôi không chờ nữa - Chỉ còn ta đứng dưới mưa…”.

Bài thơ được đăng trên báo Tuổi Trẻ vào năm 1985, ngay sau đó được hai nhạc sĩ Võ Công Anh và Vũ Hoàng phổ nhạc, song lúc đó cả hai bài hát ấy chưa được chú ý. Vào khoảng năm 1998, trên thị trường băng, đĩa nhạc xuất hiện bài hát Hoa tím ngày xưa của tác giả Hữu Xuân với giọng hát của ca sĩ Lam Trường.

Lúc đó tôi nghĩ, Hữu Xuân chắc là một nhạc sĩ trẻ sáng tác bài hát trùng tên với bài thơ của tôi. Một bữa, ngồi coi tiết mục tập hát “Bài hát được nhiều người ưa thích - Hoa tím ngày xưa” do ca sĩ Võ Thu Hà hát trên sóng VTV3, tôi mới nhận ra đó là lời bài thơ của tôi.

Lúc đó, tôi thực sự băn khoăn và không hiểu vì sao nhạc sĩ Hữu Xuân phổ nhạc bài thơ, nhưng lại không liên hệ với tôi. Và vì sao tên tác giả bài thơ đã không được giới thiệu? Qua một bài viết trên báo, nhạc sĩ Hữu Xuân đã đến toà soạn tìm gặp tôi.

Thật bất ngờ, khi biết nhạc sĩ Hữu Xuân là một bậc cao niên thuộc lớp nhạc sĩ tốt nghiệp khoá đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội, từng là Trưởng đoàn Ca múa nhạc Dân tộc (Nhà hát Ca múa nhạc trung ương). Ông than trời chuyện đi tìm tôi, bởi ông đã đến toà soạn 10 lần, nhưng lần nào cũng được báo tôi đi công tác.

Sau này, ngồi nhâm nhi với nhau, nhạc sĩ Hữu Xuân kể: Một buổi chiều trú mưa dưới hiên một quán sách, anh thoáng thấy tập thơ có tên Hoa tím ngày xưa khá lãng mạn, anh mua về đọc và rất yêu cách chia tay của mối tình trong bài thơ cũng như khổ thơ sáu chữ giàu ngữ điệu.

Anh đã phổ nhạc và hoàn chỉnh bài hát ngay trong đêm.

Bài hát này có phần hay hơn là nhờ phần hoà âm của nhạc sĩ, ca sĩ Nhật Trung - con trai anh (hiện đang học tập và hoạt động âm nhạc tại Mỹ)- với tiết tấu dạo đầu khá ấn tượng, chỉ cần trỗi lên vài nốt là người nghe đã nhận ra… Hoa tím ngày xưa

Thơ và nhạc thành duyên, điều quan trọng có lẽ là sự cảm nhận từ người nhạc sĩ. Tôi hết sức cảm ơn nhạc sĩ Hữu Xuân đã chắp cánh để bài thơ của mình thành một bản nhạc hay, được nhiều người yêu mến. Cũng từ bài hát này, giữa anh và tôi cùng ca sĩ Lam Trường đã trở thành những người anh em thân thiết...


Cao Vũ Huy Miên
Ảnh đại diện

Tấm thảm Tibet cũ (Else Lasker-Schüler): Bản dịch của sabina_mller

Tâm hồn của anh yêu tâm hồn em
Cùng nhau biến mất trên thảm Tây Tạng

Tia sáng hoà nhau, màu sắc thương yêu
Chòm sao quấn quít dọc cả bầu trời

Bàn chân ta thảnh thơi trong cao sang
Hàng ngàn sợi dây nhưng xa vạn dặm

Con trai Đạt Ma ngự ghế xạ hương
Môi anh hôn môi em bao lâu nữa
Má kề má, thời gian đau màu.

Ảnh đại diện

Gửi Annetten (Johann Wolfgang von Goethe): Bản dịch của thanhbinh82_tp

Người xưa đặt tên sách của mình
Theo tên những vị thần bất tử
Tên của nàng thơ, tên của bạn thân
Nhưng tên người yêu quả là chưa ai đặt

Annetten ơi, em là vị thần, là nàng thơ của anh
Là người bạn và là tất cả
Tại sao anh không thể lấy tên em
Mà đặt tên cho sách anh yêu quý?

Ảnh đại diện

Những câu hỏi của một công nhân đọc sách (Bertolt Brecht): Bản dịch của Vũ Hoàng Linh

Ai xây Thebes với bảy cổng thành
Sẽ chỉ thấy tên các vị vua trong sử sách
Có phải họ đã khuôn những viên đá?
Và Babilon, sau bao lần tàn phá
Ai dựng lại chúng lên?
Thành Lima chói lóa ánh hoàng kim
Trong những căn nhà nào, các thợ xây sinh sống?

Vào cái đêm Vạn Lý Trường Thành được xây xong
Những thợ nề, họ sẽ đi đâu?
Trong thành La Mã, cổng vinh quang có ở khắp nơi
Ai dựng chúng lên? Trước những ai, Caesar mừng chiến thắng?
Còn Byzantium, vinh danh trong các bài hát
Có phải cung điện ở đây dành cho mọi dân cư?
Và cả Atlantis huyền thoại
Vào cái đêm nó bị đại dương nuốt
Những kẻ chết chìm có quát nô lệ?

Alexander trẻ tuổi chinh phục Ấn Độ.
Ông ta chỉ đi có một mình?
Caesar đánh tan người Gaul
Ông ta mang theo người nấu ăn không nhỉ?
Philip ở Tây Ban Nha khóc khi hạm đội tan tành.
Có phải mỗi mình ông ta khóc?

Fredereck đệ nhị thắng cuộc chiến Bảy năm.
Ngoài ông ta, còn ai là người thắng?

Mỗi trang sử có một chiến thắng.
Ai là người nấu bữa tiệc cho những kẻ thắng trận?
Cứ mười trang sách lại có một vĩ nhân.
Ai là người phải trả tiền cho họ?

Quá nhiều sự kiện.
Quá nhiều câu hỏi.

Ảnh đại diện

Tôi muốn đi với người tôi yêu (Bertolt Brecht): Bản dịch của Vũ Hoàng Linh

Tôi muốn đi với người tôi yêu
Tôi không muốn tính toán chi nhiều
Tôi không quan tâm nếu đó là điều tốt
Anh ấy yêu tôi không, tôi cũng không muốn biết
Tôi muốn đi với người tôi yêu

Ảnh đại diện

Gửi Annetten (Johann Wolfgang von Goethe): Bản dịch của sabina_mller

Người xưa đặt tên sách
Theo tên những vị thần,
nàng thơ và bằng hữu,
mà chẳng ai lấy tên
của người mình yêu dấu!
Annetten của anh ơi,
Em vừa là thần linh,
nàng thơ ở trong anh,
người bạn và tất cả
sao anh lại không lấy
tên của em yêu dấu
cho tên sách của anh?

Ảnh đại diện

Gửi hoàng tử Benjamin (Else Lasker-Schüler): Bản dịch của thanhbinh82_tp

Khi chàng lên tiếng
Trái tim em bừng tỉnh

Trên đôi môi của chàng
Muôn loài chim hát ca

Lời chàng trải ra xanh biếc
Trên mọi nẻo đường;
Nơi nào chàng kể chuyện nơi đó là thiên đàng.

Lời của chàng là những bài ca,
Em sẽ buồn nếu như chàng im lặng

Ở khắp nơi chàng hát
Có như chàng ước mơ ?

Ảnh đại diện

Những bông hoa nhỏ (Hugo von Hofmannsthal): Bản dịch của Hoàng Tâm

Những bông hoa, những bài ca
Âm thanh trong trẻo thiết tha huy hoàng
Bông hoa anh không vun trồng
Bài ca anh cũng không xong âm hoà
- Và anh, không một chút quà
trao em để được nói ra cõi lòng
Hôm nay im lặng nên chăng?
Ừ, bao suy nghĩ đã từng của anh
Từ lâu em biết rõ rành,
(Đã từ lâu, mọi ngọn ngành thuộc em).

Ảnh đại diện

Giấc mơ (Văn Cao): Đọc lại bài thơ 'Giấc mơ' của Văn Cao

Tác giả: Đào Duy Hiệp


Một bài thơ thưa vắng âm thanh mà dường như lại nhiều dằn vặt, xót xa, xôn xao những nỗi niềm câm nín: chỉ với 6 dòng mà có đến ít nhất ba giấc mơ. Mỗi giấc mơ mang một "nội dung". Nhưng "nội dung" của những giấc mơ đó nói gì?

Mới đây khi dọn lại thư viện gia đình, đến ngăn Thơ, tôi bất giác cầm lên cuốn Lá của Văn Cao, in tại nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, năm 1988. Tập thơ mỏng, giấy đen, chữ in xấu, nét hơi bị nhòe như nhiều sách cùng thời. Đã 20 năm từ bấy. Tập thơ đã theo tôi qua nhiều không gian. Ký ức bất giác của tôi về những ngày tháng đã qua hiện về... Những biến thiên, trồi sụt của đời sống, lòng người. Thấy bâng khuâng, buồn bã.

Tập thơ có tất cả 28 bài: lạc khoản bài đầu tiên ghi 14-10-1941 và bài cuối cùng Xuân Đinh Mão 2-1987: gần 46 năm cho một tác phẩm 83 trang văn bản! Trong hành trình nửa cuộc đời ấy có nhiều bài buồn, lắng đọng, những chiêm nghiệm nhân sinh, cả thế thái nhân tình.

Tôi dừng lâu ở bài Giấc mơ, một bài thơ ngắn và lạ:

"Giấc mơ
Dưới mái nhà
Một người đang ngủ
Với giấc mơ của những vì sao
Những vì sao đang kể chuyện
Giấc mơ của mái nhà
Giấc mơ của một người đang ngủ"

(5/1/1972)


Ấn tượng về sự kiệm lời, về một khí quyển lạ, hư ảo của bài thơ khiến ta phải dừng lại suy nghĩ. Giấc mơ về những giấc mơ... Mà chủ thể của giấc mơ lại không chỉ có một; chúng đan cài vào nhau tạo ra những tầng ý nghĩa. Đã đành, bài thơ nào cũng được viết bằng lời; nhưng sự tằn tiện, mộc mạc của lời ở đây như không còn lời nữa, mà vẫn âm vang về một điều gì đó. Nó như được chắt ra từ hiện thực-thức để dệt nên hiện thực-mơ; mà lại là mơ-kép đầy siêu thực, ảo mộng, thành một giấc mơ-thơ.

Dưới mái nhà / Một người đang ngủ: thông báo trần thuật khách quan, thản nhiên, sự vật và con người, yên tâm, tự tại như bao đời và có ở mọi nơi. Nhưng nghiêng về hơi hướng phương Đông hơn bởi tiêu cự được rộng rãi, bao quát và thoáng đãng.

Bắt đầu từ dòng ba là "có chuyện": Với giấc mơ của những vì sao. Nếu không phải là "của" mà là "về những vì sao" thì mọi sự đều rõ ràng: người ngủ đang mơ về / tới những vì sao; nhưng ở đây, chủ thể của ngôi nhà ngủ, còn các vì sao lại mơ - những vì sao mơ “hộ” người đang ngủ!

Song sự phi lý chưa hết! Cấu trúc hình ảnh bắc cầu và siêu thực đi tiếp con đường phi lý của nó: những vì sao "mơ" nhưng đồng thời lại vẫn đang "kể chuyện": Những vì sao đang kể chuyện. Trong khi "mơ" mà vẫn "kể" được thì cũng lạ.

Đến đây, (dòng thơ này nằm giữa bài) nếu có âm thanh thì âm thanh đó cũng chỉ nằm trong tưởng tượng của bạn đọc về hành động "đang kể" của các vì sao. Đối xứng giữa hai đầu của "âm thanh" này là sự im lặng của những giấc mơ.

Hai dòng cuối cùng: Giấc mơ của mái nhà / Giấc mơ của một người đang ngủ là cấu trúc quay vòng trở lại, nguyên lý của thơ, hình ảnh của hai dòng đầu, nhưng đã có thêm "hành động - mơ": như vậy, không chỉ những vì sao mơ, mà mái nhà cũng mơ, người ngủ cũng mơ và giấc mơ nọ đang kể chuyện về giấc mơ kia, chồng chất lên giấc mơ kia. Đến đây, mọi sự vật và con người đều thi đua "mơ" mà không cần nhờ vả đến sự trợ giúp "mơ" của các vì sao nữa. Và lạ lùng thay: tất thảy đều "đang" diễn ra song song, đồng thời trên mặt bằng ở thì hiện tại của động từ, như trong đời thực.

Một bài thơ thưa vắng âm thanh mà dường như lại nhiều dằn vặt, xót xa, xôn xao những nỗi niềm câm nín: chỉ với 6 dòng mà có đến ít nhất ba giấc mơ. Mỗi giấc mơ mang một "nội dung". Nhưng "nội dung" của những giấc mơ đó nói gì?

Phải chăng, "nội dung" của những giấc mơ, như bao đời, vẫn chỉ là những giấc mơ. Ở đây còn là những giấc mơ-thơ.


Đào Duy Hiệp
Hà Nội, tháng 5/2008
Ảnh đại diện

Kim lũ y (Đỗ Thu Nương): Bản dịch của Trần Trọng Kim

Khuyên anh chớ tiếc áo hoa
Mong anh tiếc lấy thuở ta đương thì
Cành hoa nên bẻ, bẻ đi
Đừng chờ hoa hết, bẻ gì cành không.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 20 trang (195 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: