Trang trong tổng số 11 trang (109 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Sonnet 152 (Trong tình yêu, em trách anh giả dối) (William Shakespeare): Bản dịch của Hàn Quốc Vũ

Em trách anh giả dối tình
Hai lần em dối yêu anh thế nào
Còn chồng, em lỗi tính sao
Bạc tình nhân, bây giờ sau lời thề

Nhưng sao phạm hai lần nghe
Lời thề phá vỡ tổn thề em ơi!
Ngẫm mình thề dối gấp mười
Lòng anh tự dối với người thuỷ chung

Nhủ rằng thật dạ một lòng
Em yêu trong trắng thề cùng kiên trinh
Anh mù, em sáng, hỡi tình
Để không nhìn thấy bóng hình xấu xa

Anh thề thương tổn nhiều là
Thành kẻ thề dối chống ba…thật thà.


Tiền Giang, 2023
Ảnh đại diện

Sonnet 151 (Tình mới chớm lương tâm làm sao biết) (William Shakespeare): Bản dịch của Hàn Quốc Vũ

Trẻ bấy làm sao để hiểu lương tâm
Lương tâm sanh ra tình ai chẳng hiểu?
Rồi kẻ lừa không nhẹ nhàng hối thúc
Ngọt ngào dỗ tôi chứng tỏ thật nhiều

Vì người phản bội ta, ta mới phản
Phần quý hơn là phản lại thân luôn
Hồn mình bảo xác thân rằng có thể
Thắng ái tình, xác thịt lý gì hơn

Dâng tên mình chỉ mình thấy tên mình
Như thắng giải thường nghe thật tự hào
Rất hài lòng trước nô lệ tội nghiệp
Đứng phía người, ngã xuống cạnh làm sao

Không muốn lương tâm giữ mà tôi gọi
Tình yêu em tôi sa xuống, dậy thôi.


Tiền Giang, 2023
Ảnh đại diện

Sonnet 003 (Nhìn vào gương và hãy nói với mình) (William Shakespeare): Bản dịch của Hàn Quốc Vũ

Nhìn gương hãy nói với mình
Có con là lúc ái tình níu ta
Nếu không, phụ bạc đời nha
Tước đi hạnh phúc ai là mẹ thôi
Đâu nhà cần kẻ trông coi
Đâu hoang đâu lạnh để rồi bỏ hoang
Giống nòi nào chẳng vương mang
Chôn lòng ích kỷ tình vàng son sau?
Anh – gương mắt mẹ nhìn lâu
Tháng tư tìm lại kỳ đầu mẹ ơi!
Khi già cũng thế anh vui
Dấu vết thời vàng son ơi rành rành
Giá anh chỉ sống cho mình
Cô đơn rồi chết ảnh hình một thân.


Tiền Giang, 2023
Ảnh đại diện

Sonnet 005 (Ôi, thời gian, với bàn tay tinh xảo) (William Shakespeare): Bản dịch của Hàn Quốc Vũ

Tay thời gian tinh xảo làm sao
Làm nên cảnh đẹp xiết bao huy hoàng
Thời gian dần biến tan hoang
Những điều làm đó ngỡ ngàng vỡ tan
Thời gian – thác nước chảy tràn
Cuộn đi hè, tối, đông tàn nào hay
Run rẩy cành trơ lá lay
Thành băng phủ trắng đất đầy đồng xa
Duy tháng hạ, hương hồng hoa
Ai giam lọ nhỏ thế mà hương sao
Trên tay nhắc giá đông nào
Từng qua ấm áp ngày nao tuyệt vời
Vướng đông màu chẳng còn tươi
Mùi hoa giữ lại một trời ngọt thay.


Tiền Giang, 2023
Ảnh đại diện

Sonnet 002 (Khi cái tuổi bốn mươi, già, đau yếu) (William Shakespeare): Bản dịch của Hàn Quốc Vũ

Bốn mươi già đến yếu đau
Trán thì nham nhở những sâu đường cày
Đoán hiểu về anh, nhìn đây
Nay xinh đẹp giống cái ngày xa trôi?
Nếu ai hỏi đẹp đâu rồi
Hào hoa một thuở trẻ thời đi qua
Trả lời sao có lễ mà
Ầm ừ, xấu hổ thế là cũng thôi
Danh giá khi anh nói rồi
“Con tôi, các vị nhìn, mời cứ xem
Nó thừa kế tuổi ấm êm
Sôi nổi, sắc đẹp, đi kèm niềm tin!”
Dạ thế, anh già sao xinh
Làm máu nóng lại thật tình nhé anh!


Tiền Giang, 2023
Ảnh đại diện

Nảy mầm (Ngô Thị Hạnh): Nảy mầm

Em gặm nỗi cô đơn trong đêm tĩnh mịch
những ngày không anh
mật ngọt thành nhức nhối
nỗi buồn mồ côi cuốn trào bọt sóng
va vào em –bờ cát nặng nỗi niềm
Những con chữ đến hồi vàng vọt
em níu giữ bằng gì màu xanh phía tuổi thơ
bóng tối và ánh sáng trong em chen lấn…
Khi giọt nước mắt nảy mầm
khi nỗi buồn bung cánh
em yêu thương đến khao khát quên mình…
Từ cây tầm gai làm ra sợi chỉ
từ đêm buồn ca ngợi ánh mai.
Thế giới tình yêu đang bắt đầu thay đổi khi có những cây bút trẻ như NGÔ THỊ HẠNH. Chị đã mở ra dòng sông thơ ca mới mẻ cho riêng mình, và uống cạn nó bằng những ngôn từ, tư tưởng và cấu trúc tự do.
Giờ đây, thơ nảy mầm theo ngày tháng; chị cũng đã nảy mầm trong bao giấc mơ hoài bão về phía tương lai ngập tràn hương vị tình yêu tươi đẹp. Để xua tan nỗi buồn bã, chị viết: “Em gặm nỗi cô đơn trong đêm tĩnh mịch/ những ngày không anh mật ngọt thành nhức nhối/ nỗi buồn mồ côi cuốn trào bọt sóng/ va vào em – bờ cát nặng nỗi niềm”, thì có những cụm từ và câu thơ khá xuất sắc: “gặm nỗi cô đơn trong đêm tĩnh mịch; mật ngọt thành nhức nhối; nỗi buồn mồ côi cuốn trào bọt sóng; bờ cát nặng nỗi niềm” vì chính tác giả đã nặng nỗi niềm, ưu tư trong lúc cô đơn và nỗi khao khát bên người trai trẻ ấy.
Hạnh nhìn thời gian trôi qua theo qui luật vận hành của trời đất mà thổ lộ tâm sự: “Những con chữ đến hồi vàng vọt/ em níu giữ bằng gì màu xanh phía tuổi thơ/ bóng tối và ánh sáng trong em chen lấn…”, biết chắc chắn một điều là không bao giờ tìm được những ngày thơ ấu, những ngày không để tâm lo lắng chuyện gì, dù là ăn uống ngủ nghĩ, nhưng lúc này thì phải bận tâm với việc đời, việc tình yêu nên phần nào cũng chi phối khối óc của tác giả, thậm chí làm con tim mỏi mệt hơn nhiều. Người thiếu nữ như Hạnh phải chiến đấu tới mức căng thẳng.
Đến đoạn thơ đầy tính quyết liệt: “Khi giọt nước mắt nảy mầm/ khi nỗi buồn bung cánh/ em yêu thương đến khao khát quên mình…”, nữ thi sĩ của chúng ta đang cá cược chính cuộc đời mình để đổi lấy sự hạnh phúc an lành và nỗi buồn, niềm đau khổ không tày nào ràng buộc được Hạnh.
Tác giả vẫn tự tin những nỗi buồn, những điều tưởng như là bất lực lại làm ra những sản phẩm tốt đẹp cho đời: “Từ cây tầm gai làm ra sợi chỉ/từ đêm buồn ca ngợi ánh mai.”, thế thì nhu cầu sống còn của Hạnh vươn tới sự hiểu biết hoàn mĩ, phấn đấu cho lẽ sống cao đẹp chứ không ngồi than vãn mãi trong hố sâu đau khổ.
Tôi thiết nghĩ, động lực sống là nguyên nhân để cho bao người hành động tốt hơn, hi vọng mạnh mẽ hơn, làm việc ngoan cường hơn và quyết tâm quật ngã bao trò đời nghiệt ngã đang rình mò mình. Giọng thơ của Hạnh đã tạo được hi vọng cho người đọc thưởng thức, an ủi cho biết bao tâm hồn, khuyên khích người ta xông vào trận mạc để giành được vương miện của tình yêu bất tử.
Hơn lúc nào hết, Hạnh vẫn thành công bởi ý chí quyết chiến của mình, dù thơ hay đời gì cũng vậy. Có lẽ chị có cái nghị lực lạ lùng để làm thơ tự do hiện đại, có cái bản lĩnh làm người phụ nữ biết đứng lên, biết giẫm bỏ những điều gì thuộc về quá khứ thương đau. Tôi cho là thế hệ @ này, những thi sĩ 8X làm được nhiều điều, phát biểu nên tầm sức sống cao đẹp, cần được vun bồi thêm cho ngày mai.
Gói gọn vấn đề, bài thơ tuy viết về nỗi buồn tình yêu nhưng tia hi vọng vẫn tràn ngập trong tác giả và sẽ ảnh hưởng đến những tâm hồn đồng điệu khi đọc NẢY MẦM.


Cái Bè, Tiền Giang, tháng 4 năm 2016
Hàn Quốc Vũ
Ảnh đại diện

Xa lắc mùa thu (Trương Nam Hương): Bản dịch của Dấu ấn đặc biệt về thơ của thi sỹ Trương Nam Hương

TRƯƠNG NAM HƯƠNG sinh ngày 23-10-1963, quê cha tại Huế, quê mẹ tại Bắc Ninh.
Đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
- Khúc hát người xa xứ (thơ)
- Cỏ, tuổi hai mươi (thơ)
- Ban mai xanh (thơ)
- Ngoảnh lại tháng năm (thơ)
- Viết tặng những mùa xưa (thơ)
- Hè phố tuổi thơ (truyện dài)
- Máu người màu đất (trường ca)
- Thơ tình Trương Nam Hương
GIẢI THƯỞNG:
- Giải thưởng thơ tạp chí Văn Nghệ Quận Đội
- Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Việt Nam
- Giải thưởng Văn học 20 năm TP. HCM
XA LẮC MÙA THU
Em không đến mùa thu năm ấy nữa
Em không đến trường cả mùa thu năm sau
Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa
Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu
Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu
Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc
Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay kí ức
Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng
Biết em còn đến lớp với tôi không
Lo phấp phỏng tháng ngày trôi vội vã
Nắng kí thác đời mình trên sắc lá
Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi
Tôi quá tuổi học trò từ ấy em ơi
Chiều nay trước cổng trường rươm rướm mắt
Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất
Con gái tôi tan lớp giục tôi về.
Mười mấy, hai mươi năm về trước, khi thi sỹ TRƯƠNG NAM HƯƠNG là một nhân vật nổi tiếng thì tôi chỉ là đứa bé một tuổi trong làng văn học Việt Nam, tôi cũng từng đam mê chữ nghĩa, nên thầy NGUYỄN THÔNG (tức nhà báo Nguyễn Thông) có dặn dò tìm TRƯƠNG NAM HƯƠNG với tư cách anh ấy là cựu học sinh - người cùng học Trường Dự Bị Đại Học TP. Hồ Chí Minh như tôi đã đang học thời bấy giờ.
Ấy vậy mà thời gian cuốn hút mỗi người về mỗi ngả, anh và tôi chỉ có vỏn vẹn mấy lần gặp nhau ở ngoài đời, hầu như chỉ toàn là gặp trên báo, bây giờ là qua mạng. Trong lòng tôi luôn cảm ơn anh ấy đã đét cho tôi một roi ở đít để ngộ ra rằng: thơ mình còn bé bỏng, non nớt, chả ra gì cả, viết chưa có đều tay.
Hôm nay khi lần lại anh ấy, tôi vẫn còn nghe canh cánh bên lòng bài thơ XA LẮC MÙA THU dường như nó đã trở thành bất tử theo thời gian trong lòng người có quan tâm, ái mộ nó. Thế thì tại sao XA LẮC MÙA THU được mệnh danh là bài đinh, cũng là bài nói lên sự nghiệp cao nhất về thơ của TRƯƠNG NAM HƯƠNG thời ấy và bây giờ? Có lẽ đây là lập trường riêng của bản thân tôi khi phân tích, mổ xẻ, và tìm hết cái tâm lý của nhà thơ để nói ra chân tướng của nó cho dù lớp tro tàn thời gian có vô tình lướt qua hay lấp vội lên thơ anh nhưng không bao giờ che được bài thơ này.
XA LẮC MÙA THU, một cái tựa nghe cũng như là huyền thoại hay có tính chất lịch sử nào đó, tác giả viết:
“Em không đến mùa thu năm ấy nữa/ Em không đến trường cả mùa thu năm sau/ Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa/ Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu” làm khơi gợi kỷ niệm đẹp thời học sinh, sinh viên biết mấy, thuở ấy có em áo dài, có tóc dài Cửu Long quấn quanh sông ngòi chằng chịt hoà với hương thơm đê mê của cái mùi đặc tính thiếu nữ, và những đường cong tuyệt mỹ ấy để lại tâm trí ta sự kín đáo, thu hút và hay hay làm sao! Chính là hình ảnh cô gái Việt Nam đang lẩn khuất đâu đây trong thơ HƯƠNG – anh đang mơ về dĩ vãng tuyệt vời như một giấc liêu trai của một nhà tiểu thuyết vĩ đại. Ngôn ngữ ở đây anh dùng là ngôn ngữ kể chuyện, lời nói bình dị mà day dứt, khe khẽ mà nhớ nhung, lập luận mà không gàn dở để nói về thời gian, về một người thiếu nữ mà anh yêu thích. Vậy thì, “mùa thu năm ấy” và “mùa thu năm sau” đã dạy cho ta thế nào là ly biệt và những nỗi nuối tiếc khôn cùng. Con người, thật hạnh phúc và bất hạnh biết bao, biết được niềm vui và nỗi buồn, nhưng điều day dứt nhất là tác giả không nắm giữ nổi một bóng giai nhân! Thơ hay khi tình dang dở là vậy, nên dẫu lý do gì thì HƯƠNG đã khơi lại màu thời gian càng tuyệt đẹp, thi vị trong cái tâm lý yêu đương. Đến câu thơ xuất sắc: “Chiếc lá rụng xuống hoàng hôn xẹt lửa” đầy tính sáng tạo, vì lá mà rụng xuống đời, với tốc độ bay của nó mà cũng có thể xẹt lửa thì cách nói ngoa ngữ rất tuyệt diệu đã tạo nên tính hình tượng của lá: vẽ vòng vèo nhũng nét cọ lá trong không gian. Và ta có thể nghĩ ngợi thêm phải chăng lá đã vẽ đôi tim tình nhân thơ mộng?
Lần đến câu thơ: “Theo mùa thu tiếc nuối chảy qua cầu”, ta đã biết buổi tiệc tương ngộ và chia tay của con người càng làm nao lòng thời áo trắng, có thể khóc sướt mướt vì người ấy đã ra đi và bỏ lại mình anh trơ trọi gót chân lạnh giá, là lạ làm sao! Ở đây, ngôn ngữ thơ rất chân thành: tất cả đều xa ta khi em đã xa ta.
Nhịp thời gian lần hồi đến đoạn thơ:
“Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu/ Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc/ Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay kí ức/ Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng/ Biết em còn đến lớp với tôi không/ Lo phấp phỏng tháng ngày trôi vội vã/ Nắng kí thác đời mình trên sắc lá/ Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi” thì ta lại bắt gặp nét thơ, hồn thơ, tứ thơ và sự sáng tạo mới lạ một cách dâng trào: “Tháng năm buồn ghềnh thác vực sâu/ Câu thơ chở chòng chành tiếng khóc/ Tôi uống cạn dòng sông trong vốc tay kí ức/ Nghe mùa thu xa lắc ngấm vô lòng” làm ta ngỡ ngàng đến tìm hiểu, đọc, suy ngẫm và phát hiện ra mọi vật mà Trương Nam Hương dùng có hình ảnh biết chuyển động, biết tính người: “Tháng năm buồn; Câu thơ chở” và điều dồn nén về một nỗi khổ đau trong cái cơn khóc ái tình: “trong vốc tay kí ức; ngấm vô lòng”. Sự dụng công của tác giả đến độ phải bật ra niềm đau đớn ấy với cảnh cũ, với người xưa khuất bóng mà cụ đại thi hào NGUYỄN DU có viết: “Người buồn cảnh cũng vui đâu bao giờ”! Và những câu thơ: “Biết em còn đến lớp với tôi không/ Lo phấp phỏng tháng ngày trôi vội vã/ Nắng kí thác đời mình trên sắc lá/ Mới hiểu mùa thu đánh tráo tuổi xanh rồi” là sự hoài niệm tuổi yêu đương, tuổi áo trắng, tuổi biết yêu mà chưa dám nói năng chi nhiều, chỉ nhìn, nhìn và nhìn ngây dại bấy…! Ta hãy nhìn những cụm từ: “Nắng kí thác đời mình; mùa thu đánh tráo” đều đồng mô tả cái trạng thái của con người khi mà tác giả cố ý dùng vật để có cái nét thơ ngoa ngữ thật hay. Đến đây thì sự tế nhị trong thơ ấy, cái ý tại ngôn ngoại ấy càng để cho bao lớp người mê thơ, sáng tác thơ học tập lấy, nghĩa là chớ viết những điều gì quá thô, quá mộc, quá trơ trụi mà ép chết một câu thơ, đoạn thơ và cả bài thơ.
Đọc đến đoạn thơ lớn tuổi này, ta thấy tác giả viết: “Tôi quá tuổi học trò từ ấy em ơi/ Chiều nay trước cổng trường rươm rướm mắt/ Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất/ Con gái tôi tan lớp giục tôi về.” thì sướng bấy! Tại sao? Vì theo XUÂN DIỆU: “Ta thấy em xinh, khẽ lắc đầu/ Bởi vì ta có được em đâu!” để chứng minh HƯƠNG là một người biết yêu, biết hối tiếc mà là cách tỏ tình một cách giàu tâm lý yêu đương. Với câu thơ: “Chưa kịp nhặt mùa thu vừa chạm đất” đã làm nên đoạn thơ hay khi nó ghép lại những điều tác giả muốn nói: khóc, hối tiếc, thể hiện hành động chiều theo định mệnh khi con gái anh giục anh về với cuộc sống thực tại, với gia đình riêng và với nghĩa vụ của mình.
Xét về tính nghệ thuật, TRƯƠNG NAM HƯƠNG rất điêu luyện trong cách dùng từ, có cái tài viết ngoa ngữ, nói lên được khát khao của thời học sinh, sinh viên và giọng thơ trong trẻo, nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình.
Có thể nói, ta thực sự hạnh phúc để có một TRƯƠNG NAM HƯƠNG như thế này với dòng thơ như thế này để người đời còn nhắc đến tên tuổi anh, không phải bởi cái loại thơ thơ nào khác nữa. Đó là lý do tại sao tôi hy vọng anh nắm trọn cái sở trường này để một ngày không xa TRƯƠNG NAM HƯƠNG sẽ bật ra một tập thơ về thời hoa mộng tuyệt vời nữa.
Chân thành cảm ơn một người anh trong làng văn học Việt Nam! Chúc gia đình anh hạnh phúc và thành công trong cuộc sống!


Cái Bè, Tiền Giang, 04 - 8 - 2016
Hàn Quốc Vũ
Ảnh đại diện

Hồn giăng sao Gấu (Chiêu Dương): Bài thơ “Hồn giăng sao Gấu” của Chiêu Dương

Sao Gấu hay sao Đại hùng tinh và tiểu hùng tinh, nghĩa là sao Gấu lớn và sao Gấu nhỏ. Tại vì sao một người viết trẻ như Chiêu Dương lại chọn đề tài này để viết?
Nhìn vào bài thơ:
“Hồn giăng sao Gấu
Hớp ánh sáng bạc
chấp chới bay,
Linh hồn trả trăng những câu thề hẹn,
Người đi!
Dốc men tình phụ,
Say chếnh choáng,
Thịt da lạnh lẽo cô đơn rợn người,
Ta khóc!
Quấn dải khăn tang,
Thít chặt mình,
Ruột gan cuộn thắt, não tim nứt vỡ,
Tình chết!
Oà nôn tạng phủ,
Ném linh hồn giăng sao Gấu,
Hình hài mây khói,
Du ca buồn thế nhân!” ta thấy được tố chất mê say của một chàng tứ tuần đang thả mình giữa vùng trời êm dịu, dẫu linh hồn anh có nhiều va vấp ắp đầy những đau thương mất mát. Cái sự ngông cuồng trong thơ đôi khi là sự tò mò cho những người đọc nó bởi cái chất lãng tử trong tâm hồn. Và từ đây giá gì Chiêu Dương cứ đi tiếp tục nữa cho dòng thơ THIÊN ĐÀNG này, khám phá sâu sắc hơn nữa để cho nàng thơ anh mỉm cưởi với độc giả thì hay biết mấy! Qua các từ và cụm từ: “hớp; bay; dốc men; lạnh lẽo cô đơn rợn người; oà nôn tạng phủ; ném linh hồn; hình hài mây khói”, ta thực sự bị choáng ngợp vì một ma lực của thơ Chiêu Dương nằm ở tầng thượng thanh khí, bởi nhiều lý do chán ngán cuộc đời trần tục, chán mình mà thơ anh cứ bay lên tận chót rồi ngùn ngụt vứt ra những lời thơ có phép. Phép gì? Phép bay tự do về một miền viễn ảo để được cầu mong yêu thương và hạnh phúc. Có thể là anh đã đáp đậu nơi nhân gian chưa lấy gì làm chắc chắn nên anh cứ hoài vọng. Ở đây, một trong những lý do mà anh có thể xuất thần được bài thơ này là vì cái tính chất nửa vời của một nhà thơ giữa thực và ảo. Cái khó nói nhất của thơ ca chính ở chỗ: ảo diệu, mà ảo diệu của thơ từ mỗi nhà thơ lại khác nhau hoàn toàn.
Bài thơ này đã nâng chất tư tưởng của một con người phàm tục từng thành công và chiến bại, từng nếm những vị đời chà xát anh mà sinh ra cái hồn thơ kỳ dị. Ở Việt Nam ta có thơ tình yêu, thơ thất tình, cũng có thơ buồn, thơ vui; với Chiêu Dương, anh là một tạng người được nảy nở ra từ bông hoa hồng đen và sự bạc mệnh để làm nên cái vui ít ỏi. Anh đang dùng hồn để nói chuyện với chúng ta như kẻ điên say là ngà mà ú ớ gọi tên người tình trong tuyệt vọng, ú ớ kêu gọi tình yêu tồn tại trong lòng anh, trong cái quả tim đầy khổ ải. Số phận anh đã thế, cuộc đời đã thế mới sinh ra dòng thơ bi luỵ mà ai chưa từng bi luỵ thì chưa từng biết vui sướng là gì, ngược lại đã từng sung sướng thì sẽ nhất định nếm đắng cay mới công bằng theo quy luật của Thượng Đế: ăn ngon rồi đến ăn dở, uống sữa rồi đến ăn cơm cháy khô khan,… Đọc thơ anh, ta không khỏi chua xót từ thể xác lẫn linh hồn anh như đang đấu tranh bằng mọi lẽ để lìa xa nhau hay không xa nhau, như một người thiếu nữ đang ngắt từng cánh hoa hồng mà tìm thấy ra số phận của mình: may hay rủi.
Bài thơ HỒN GIĂNG SAO GẤU cũng là tựa tập thơ mà anh vừa xuất bản tại Nhà xuất bản Thanh niên năm 2016. Mới nghe qua ta cứ như ngỡ tay nhà thơ này hơi khá kiêu ngạo ư, nhưng không, đây là một kiểu giấc mộng của nhà thơ muốn truyền lại cho ta khi cảm thụ điều gì đó thuộc về linh hồn – một thứ duy tâm và duy vật lẫn lộn vào nhau. Vả lại, ai cũng có quyền ao ước mình sẽ sống quanh một chòm sao có giá trị cao, chòm mà nhiều người ưa thích. Cái năng khiếu của một người am hiểu về võ thuật lẫn văn chương như Chiêu Dương có thể chấp nhận được. Song anh còn nhiều bài khác như thế này nữa sẽ trình làng sau để góp tiếng vui cho nhân thế, chứ hoàn toàn chưa đến độ tuyệt vọng. Anh thích chọn một mảng tối và một mảng sáng hay một mảng hướng thượng và một mảng hướng hạ, nên thảo nào cái tư tưởng thuần chủng thơ làm anh càng được người ta chú ý tới – dám lao vào đề tài hóc búa, chính là cái buồn mà buồn thì người ta hay xa lánh(?).
Nhưng qua nhiều nhạc phẩm của những nhà nhạc sỹ trứ danh như TRỊNH CÔNG SƠN, qua một thiên tài thơ HÀN MẶC TỬ, họ cũng đã để lại cái thứ đau buồn cho thiên hạ nhớ. Phải chăng Chiêu Dương đang bắt chước các tiền nhân để cũng làm nên tứ thơ đau khổ? Điều này khi bạn đọc sống gần gũi với anh thì sẽ thấy rõ hơn: Chiêu Dương thực ra rất yếu mềm từ thể xác đến tinh thần, mặc dù khối óc ấy có mạnh bạo để suy tính nhiều việc đời nhưng rồi văn là người không giấu được anh vào đâu được!
Nhìn ở câu thơ: “Oà nôn tạng phủ”, ta thật bất ngờ như cái phép thuật mà anh dùng theo kiểu phim TÂY DU KÝ mà Tề Thiên đã làm trước nhà vua và yêu quái. Nhưng ở đây, ta hãy hiểu là nỗi đau khổ tột cùng của tác giả mà chưa có ngôn từ nào thay thế được – một cách nói ngoa ngữ mà gần gũi như ông bà ta bảo “đau cháy lòng cháy dạ; tức lộn gan lên đầu; ho ra máu” mà có như vậy đâu bèn là cái chả có để nói về cái có nhằm tìm ai đó đồng điệu với mình.
Hầu hết các nhà thơ thành công mà để lại dấu ấn cho người ta nhớ mình dường như chưa được tỉnh bao giờ và đang nằm trong trạng huống nửa tỉnh nửa say. Như vậy, tác giả sẽ ngày càng thành công hơn ở cách viết thật về cuộc đời, về mình là nên theo cái triết lý nhân sinh, tức phải có còn thương xót những kẻ nghèo lang bạt, kẻ ăn mày, kẻ đĩ, kẻ vô gia cư,… Bên cạnh một nhân cách mà có lòng quan tâm đến con người, đến đất nước thì ngòi bút sẽ càng trưởng thành hơn nữa.
Trở lại bài thơ HỒN GIĂNG SAO GẤU, tôi thấy tác giả đang có một tia sáng nhỏ ở đằng bầu giời xa xa rồi sẽ tiến gần hơn nữa nếu như anh cứ rầm rộ bước đến gần cái đỉnh của thơ ca vào một ngày gần đây nữa. Sự phấn đấu để xứng với cái danh từ “nhà thơ” thì không phải dễ, nếu như chưa đi đúng hướng.
Về nghệ thuật, Chiêu Dương thành công ở lối dùng từ, biết tận dụng các động từ, cụm từ làm mới mẻ cách suy nghĩ của người đọc mặc dù cũng nói đến đề tài thiên đường, đến không trung nhưng khác hẳn với mọi nhà thơ khác. Cái quý ở đây mà anh sẽ tiếp tục đi là chả cần phải trùng lấp ai và chả ai giống mình nên thơ mới thực sự là thơ, còn việc hay hay dở đến độ nào đó là tuỳ mọi sự cảm nhận của tác giả. Với riêng tôi, bài thơ này là tiền đề cho những lần tác giả chao bay trên không trung nữa về thơ. Theo cách viết này, Chiêu Dương có cơ hội để dần dần sai khiến được hồn mình hoá thánh mà mọc cánh bay đi về miền mà tự do suy nghĩ là có. Nếu mai này dòng thơ THIÊN ĐÀNG tồn tại thì tôi nghĩ tác giả phải dụng công gấp dăm bảy lần nữa để khỏi phụ lòng mong đợi từ phía độc giả.
Vài lời cho bài thơ của anh, chúc anh hạnh phúc trong việc làm văn chương đầy vất vả!


Cái Bè, Tiền Giang, tháng 6 năm 2016
Hàn Quốc Vũ
Ảnh đại diện

Lâm chung thi (Đường Dần): Bản dịch của Hàn Quốc Vũ

Đời người tại thế phải ra đi
Tới nơi địa phủ có gì than đâu!
Dương gian – địa phủ giống nhau
Phiêu lưu có khác nẻo nào mà thôi!

Ảnh đại diện

Tuyệt bút thi (Đường Dần): Bản dịch của Hàn Quốc Vũ

Ngày cuồng lại gấp hai ngày
Ba vạn sáu nghìn bay bay từng qua
Năm sau có ai hỏi ta
Thì thân phiêu giạt xứ xa vui rồi.

Trang trong tổng số 11 trang (109 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: