Trang trong tổng số 2 trang (11 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thơ tình người đứng tuổi (Nguyễn Trọng Tạo): Blog daophonglan.vnweblogs.com

ĐÀO PHONG LAN

Đây là bài thơ tôi thích từ rất lâu, nhưng đi tìm thì không thấy ở đâu cả. Có vẻ như bài này chú Nguyễn Trọng Tạo định "giấu làm của riêng"(?) Một hôm gặp chú tại Sài Gòn, trong căn phòng trên khách sạn Sài Gòn mù mịt khói thuốc (từ chú NTT và một ông bạn trùm nhà đất của chú thổi ra), chú lâng lâng đọc cho hai vợ chồng tôi nghe bài này. Nếu như không có những bài thơ chú đọc hôm ấy, chắc tôi chẳng bao giờ chịu ngồi lại để ngửi khói như thế. Tôi vốn ghét khói thuốc lá nhất trên đời.

Bài thơ có thể không đúng ở một vài chữ mà tôi không chắc lắm. Nếu có sai vài chữ thì chú Nguyễn Trọng Tạo thông cảm cho cháu nhé, đôi khi trí nhớ cũng không làm việc hoàn hảo lắm đâu.

Đào Phong Lan


Thơ tình người đứng tuổi

Sao người chẳng hỏi một câu
Ngây thơ như thuở đã lâu, hỡi người
Sao người chẳng đếm sao trời
Cho tôi sống lại cái thời trẻ con?...

Cái thời ngọn cỏ thì non
Bông hoa như quả chuông con người cầm
Cái thời giọng hát trong ngần
Nắm bàn tay, để một lần chia tay.

Bây giờ cao bổng vòm cây
Dòng sông trôi đã vơi đầy tháng năm
Áo tôi đạn xé bao lần
Tóc người hao mấy mùa xuân đợi chờ.

Lá rừng rụng mấy mùa khô
Trang thư qua mấy mùa mưa phập phồng
Chiến trường tây, chiến trường đông
Gặp dòng sông, nhớ dòng sông, nhớ mình...

Lắm khi ngỡ đến vô tình
Chẳng hình dung nổi dáng hình người xa
Bất ngờ một sợi tóc già
Sau cơn sốt rét xa nhà mười năm

Bây giờ qua cuộc chiến tranh
Bây giờ qua tuổi xuân xanh tôi về
Bàn tay người có gầy đi
Run run nước mắt ướt nhòe ngực tôi

Vẫn dòng sông thuở xa xôi
Vẫn bờ đê gió xanh ngời trăng khuya
Vẫn là người của ngày xưa
Mà bàn tay nắm như vừa yêu nhau!...

Nguyễn Trọng Tạo


* GỬI TỚI BẠN ĐỌC THÂN MẾN bài từ blog nhà thơ nữ Đào Phong Lan.
Ảnh đại diện

“Đây xứ sở màu xanh...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Đất nước màu xanh. Và vui làm sao
Tâm hồn tôi dành cả cho bài hát
Gió từ biển ơi, hãy thổi và quạt mát
Có nghe không chim sẻ gọi hoa hồng?

Có nghe không hoa hang đang gục xuống
Đang rữa tan. Bài hát vẫn vang lên
Gió từ biển ơi, hãy thổi và quạt mát
Có nghe không chim sẻ gọi hoa hồng?

Em - đứa trẻ, đó là điều dễ hiểu
Còn nhà thơ, nào có phải tôi không?
Gió từ biển ơi, hãy thổi và quạt mát
Có nghe không chim sẻ gọi hoa hồng?

Ghe-li-a thân mến, đừng buồn
Nhiều hoa hồng trên con đường đã nở
Nhiều hoa hồng đã gục và đã rữa
Nhưng có một hoa vẫn nở cười…

Cười cùng nhau – anh và tôi
Bởi những vùng quê yêu tha thiết
Gió từ biển ơi, hãy thổi và quạt mát
Có nghe không chim sẻ gọi hoa hồng?

Đất nước màu xanh. Và vui làm sao
Tâm hồn tôi bán cả cho bài hát
Như vì Ghe-li-a trong bóng những cành cây
Con chim sẻ ôm hoa hồng thơm ngát…

Ảnh đại diện

“Trên cửa sổ là trăng. Dưới là ngọn gió...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Bên cửa sổ một ánh trăng. Bên cửa sổ một ngọn gió
Thổi vào cây bạch dương – cây nến cây bạc của tôi.

Tiếng khóc cô đơn xe trượt tuyết xa xôi
Sao mà thân thuộc, sao mà xa lạ.

Bài hát âm ỉ: khóc và cười
Ở đâu rồi cây đa của tôi – cây đa thế kỷ

Ở đâu rồi một ngày xưa trong buổi lễ
Tôi cùng người yêu, xe trượt tuyết đổ kềnh?

Và bây giờ đối với người yêu, tôi chẳng là gì
Tôi khóc, tôi cười trong bài hát không hề thân thuộc.

Ảnh đại diện

“Một chiều xanh, một chiều trăng...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Một chiều xanh. Một chiều trăng
Một thuở xa xưa anh trẻ và anh đẹp

Không giữ được. Không quay lại được
Tất cả đã bay đi… bay xa… bay qua…

Cho đến lúc tim ngừng đập và mắt sầm khép lại
Ôi hạnh phúc xanh! Những đêm trăng!..

Ảnh đại diện

Thư gửi người phụ nữ (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Nhớ chăng, người có nhớ chăng
Lặng im tôi đứng tựa lưng bên tường
Lời người gay gắt trong phòng
Ném vào tôi, chẳng xót thương chút nào?

Bảo rằng: đến lúc biệt nhau
Đời người cực nhục âu sầu vì tôi
Bảo rằng? Đã đến lúc rồi
Tự người lo liệu cuộc đời mình thôi
Mặc cho số phận của tôi
Cứ lăn xuống dốc… Hỡi người yêu thương.

Hỡi người, có hiểu hay không
Đã bao giờ thấy tận lòng yêu tôi?
Ở trong hỗn độn lũ người
Tôi như con ngựa đường dài ruổi rong
Hỡi người, có hiểu hay không
Tôi phi ngơ ngác bão giông dòng đời?...

Kề nhau chẳng rõ mặt người
Xa nhau mới thấy rạng ngời chân dung
Là khi sóng dữ biển tung
Con tàu số phận bão bùng, ai hay…

Con tàu trái đất quay quay
Bỗng người cầm lái bỏ tay lái rồi
Vinh quang tìm chốn sao trời
Để con tàu giữa bời bời cuồng phong

Chúng ta còn đứng trên boong
Ai chửi rủa với ai còn oẹ nôn
Và ai khoẻ mạnh kiên cường
Hiên ngang trụ giữa trùng dương sóng gào

Tôi chui tọt xuống hầm tàu
Cúi trên miệng cốc với màu rượu Nga
Để dồi dịu bớt xót xa
Trong men rượu – thứ rượu Nga tuyệt vời

Hỡi người yêu của tôi ơi
Mắt buồn day dứt nhìn tôi tủi hờn
Trước bao gây gổ om xòm
Trước bao câu chuyện kinh hồn về tôi
Nhưng người nào hiểu giữa đời
Tôi buồn ngơ ngác biết rồi về đâu?...

Năm qua mau tháng qua mau
Tôi không còn trẻ – nhuốm màu thời gian
Chẳng như xưa nữa tâm hồn
Nghĩ suy, xúc động chẳng còn như xưa
Tôi nâng chén rượu tung hô
Mừng vui, chợt nhớ âu lo mắt người…

Hỡi người yêu của tôi ơi
Giờ đây tôi muốn tìm người, báo tin:
Tôi không rơi xuống biển đen
Bởi tôi còn một niềm tin trên bờ
Giờ trên đất nước Tự Do
Tôi là người bạn đường xa trọn đời

Bây giờ tôi khác xưa rồi
Chẳng làm người khổ như hồi xa xưa
Dưới cờ sáng tựa bông hoa
Tôi đi, dù đến trời xa vô cùng…

Hãy cho qua những lỗi lầm
Người ơi, tôi biết chắc rằng, giờ đây
Người đang sống với tháng ngày
Bên chồng mực thước, dạn dày, thông minh
Những niềm mơ ước chúng mình
Với người, hẳn đã trở thành lạ xa
Và tôi, tôi của bây giờ
Với người, người chẳng cần gì nữa đâu!…

Sao đời dắt dẫn thế nào
Xin người cứ sống ngọt ngào vậy thôi
Và tôi xin gửi tới người
Lời chào của kẻ suốt đời không quên
Với bao thương nhớ kề bên
Lời chào của một người quen của người

Ảnh đại diện

“Đồng nội tuyết, một mặt trăng màu trắng...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Đồng nội tuyết, một mặt trăng màu trắng
Như vải liệm phủ lên bốn phía cuộc đời
Cây khoác áo tang khóc trong rừng trắng lạnh
Ai đã chết ở đây? Ai chết? Hay lại chính là tôi?...

Ảnh đại diện

“Không tiếc nuối, không gọi, không than khóc...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Tôi chẳng tiếc, chẳng kêu van, chẳng khóc
Tất cả sẽ tan đi như làn khói mong manh từ cây táo trắng kia
Tất cả sẽ héo tàn, thời vàng ngọc sẽ qua
Tôi cũng chẳng còn thêm tuổi trẻ...

Như vậy đấy, tim tôi giờ băng giá
Đã dâng đầy. Đâu sôi động như xưa
Và xứ sở của bạch dương trải lụa
Những chân trần trượt ngã, chẳng bị lừa.

Hồn lang thang mỗi ngày một ít đi
Những tiếng xôn xao, những lời lửa cháy
Ôi mất mát của tôi - những gì tươi tắn ấy
Mắt ngang tàng và thác lũ tình yêu.

Giờ ước mong, tôi dè dặt hơn nhiều
Cuộc sống của tôi ư? Tôi có mơ thấy nó
Trên ngựa hồng phi qua miền hoa nở
Đầy âm thanh một mai sớm mùa xuân.

Rồi tất cả chúng ta, tất cả chúng ta nơi trần thế
Như lá phong lặng lẽ trút sắc đồng
Thôi, thế này, với nó hãy cầu mong:
Rằng… nó đến… ánh lên… rồi tan biến...

Ảnh đại diện

“Ở đâu rồi ngôi nhà cha mẹ...” (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Ở đâu nhà của bố tôi
Tấm lưng còm sém nằng trời tháng, năm
Cát vàng chưa một dấu chân
Trước sân như thể tấm khăn của người
Ở đâu nhà của bố tôi?…

Người chăn bò hát ngoài sông
Đàn bò gặm cỏ trên đồng bao la
Bỗng dưng mặt nước sáng lòa
Ba ngôi sao nhỏ trời xa bềnh bồng
Người chăn bò hát ngoài sông…

Cối xay gió – cánh của mình
Thời gian quay miết rung rinh sau làng
Trăng như quả lắc bằng vàng
Nhịp thời gian đổ mơ màng mưa êm
Cối xay gió - cánh của mình…

Cơn mưa ngàn vạn mũi tên
Xuyên mây bay xuống trước thềm nhà tôi
Tấm khăn nhàu nát mất rồi
Cát vàng như đã bao người giẫm lên
Cơn mưa ngàn vạn mũi tên…

Ảnh đại diện

Với Pushkin (Sergei Yesenin): Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo

Sao nhớ quá một tài năng kỳ diệu
Của một người mang số phận nước Nga
Tôi đứng trên đại lộ Tơ-ve-rơ
Và tôi nói với chính mình đang đứng

Trước một người tóc vàng, gần như trắng
Ngỡ mù sương trong thần thoại xa vời
Ôi! Alexandro! Anh là người lêu lổng
Như hôm nay tôi lêu lổng vậy thôi.

Nhưng những trò vui trìu mến ấy
Chẳng làm mờ hình ảnh của anh
Và trong đồng của sự vinh quang tôi luyện
Đầu anh còn kiêu hãnh rung lên

Còn tôi vẫn đứng đây như trong cuộc lễ mừng
Và trả lời anh: Tôi có thể chết
Tôi có thể chết ngay bây giờ, từ hạnh phúc
Giống như số phận của anh kia.

Nhưng tôi là một người trong xua đuổi
Tôi phải còn, và phải hát không ngừng
Để những bài hát của tôi về đồng nội
Mãi rung lên như tiếng ngân đồng!…

1924

Ảnh đại diện

Thiên thần (Nguyễn Trọng Tạo): Đính chính

Câu 4 xin sửa lại là:
Anh là đá tảng cũng tan thôi

Trang trong tổng số 2 trang (11 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: