Trang trong tổng số 2 trang (13 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]

Ảnh đại diện

Ru trắng (Nguyễn Trọng Tạo): Lời bình của Vương Cường

Đẹp quá! Không thể nói khác được, đầy mơ mộng và rất hiện thực, tình yêu đạt đến đỉnh rồi mới có thể có những câu thơ dịu êm đến thế, người ru cũng “bị” ru, một bức tranh nhoà trong lời ru ấy với một giai điệu mượt mà êm dịu, vui tươi hơi trầm:

Choàng lên thân thể em mây trắng dệt nghìn năm lụa trời non nõn trắng
Em bồng bềnh thức ngủ phía anh ru
Vui chưa hết bỗng ta lại phải sang một trạng thái khác, buồn, lời ru có vẻ rủ rỉ hơn và hình như có cả tiếng khóc thầm, sao nghe lời ru mà lòng ta có gì cũng tan nát theo lời ru ấy. Có lẽ người ru và người được ru đã trải qua những năm đau buồn của số phận, nỗi đau buồn chìm thật sâu trong từng lời ru:
Ru cô đơn chìm vào da thịt đêm trắng buốt
Ru đau thương hoang hoải dấu lưng trần
Những trắng đêm mỏi thăng trầm bồi lở
Tôi đã bị hút theo lời ru, từ ru em đến ru cô đơn, ru đau thương, ru bàn tay, bàn chân... Ru nhưng càng ru ta càng không thể ngủ được, càng ru càng thức, một nỗi buồn lan toả trong từng lời ru. Có một giọt nước mắt lăn chìm trong từng lời ru cùng với sự tha thiết vô cùng. Lời ru đó da diết quá chừng, không gian và thời gian không có lỗi gì nhưng nó chứng kiến nỗi đợi chờ của cả hai con người “Những trắng đêm mỏi thăng trầm bồi lở”:
Ngày tháng mỏi buồn
Đường xa mỏi nhớ
Những trắng đêm mỏi thăng trầm bồi lở
Mỏi mặt người mặt giấy
Mỏi hoa nở hoa tàn
Mỏi cay đắng hân hoan…
Đã ru thế tưởng nỗi đau thương cũng đã đến đỉnh rôi, lời ru vẫn chưa dừng lại, nỗi đau còn nhiều lắm, hình như nỗi đau chập lại. Nhưng ru nghĩa trang đến trắng phớ thì quả thật ngoài tưởng tượng của người đọc, và cũng là câu thơ NTT nhất! Tôi chưa đọc được câu thơ nào mà làm mình dựng tóc gáy như thế. Hình như tiếng ru cũng nhỏ dần và tiếng ru đã là nước mắt, tiếng ru đó đã tan vào tiếng ru mưa. Sự cộng hưởng này làm ta chìm đi và trào dâng một tình thương kiếp người vô hạn...
Ru căn phòng ảo mờ khung tường trắng
Ru nghĩa trang trắng phớ vết thư xưa
Trước mặt sau lưng chập chờn ảo mộng
Đêm tan vào hoang vắng tiếng ru mưa…
Thơ anh Tạo vốn giàu thi ảnh, nhưng không phải ở bài nào cũng được như thế. Nhưng ở bài này thật sự là một thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo của xa xưa. Thơ đầy thi ảnh, và vì thế nó ám ảnh muốn xoá cũng không được vì chính ta tự giác buồn tha thiết theo thơ! Thơ không rên mà lòng ta rỉ, thơ không kêu mà lòng ta đau, thơ không trách mà lòng ta xót, thơ cứ thế mà đi vào lòng ta để tự ta đánh thức dậy trong ta một tình thương yêu con người mạnh liệt. Hình như ta muốn hét vang lên một tiếng để ra khỏi ma trận tự bủa vây mà ban đầu thơ dẫn ta đi...

Ảnh đại diện

Cỏ may trên sân thượng (Nguyễn Trọng Tạo): Lời bình của Đỗ Trọng Khơi

Cảm xúc thơ bắt đầu từ một cái nhìn ngỡ ngàng, sửng sốt về một sức sống bền dai tươi tốt lạ lùng. Sức sống một loài hoa cỏ. Loài cỏ may vốn chỉ nẩy nở ở cánh đồng. Vậy mà như theo bước người “phiêu bạt sáu tầng mây” cỏ vẫn đơm hoa trên sân thượng nơi thành phố. Như một cuộc rượt đuổi, một ám ảnh không thể dứt. Như một định mệnh của tình yêu, của số phận kẻ nhà quê.

Nhà quê - một khái niệm vừa bao la, vừa trừu tượng vừa cụ thể xương máu. Những hình bóng người thân, cảnh vật thiên nhiên... sẽ mãi theo bước người tha phương dựng một cõi nhớ da diết vô cùng. Cái cõi nhớ mang riêng một hệ thời gian và nó luôn trong tình trạng mở cửa dẫn bước người trở về. Một mảnh trăng, màu khói, hay một miếng ăn ngon... tất thẩy như đã thành chất gây men gây nghiện. Thời gian nỗi nhớ thương càng lùi xa càng thêm cộng hưởng. “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng / Cúi đầu nhớ cố hương...” (Lý Bạch) hay “Anh đi anh nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” (Á Nam Trần Tuấn Khải). Và ở thơ Nguyễn Trọng Tạo, hình ảnh mang bóng dáng quê nhà đó là “cỏ may khâu áo làng quê”.

Nỗi nhớ thời gian là cảm xúc chủ đạo chi phối thơ Nguyễn Trọng Tạo qua các tập thơ ông cho in gần đây. Như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng... Bài thơ Cỏ may trên sân thượng rút từ tập Thế giới không còn trăng tiêu biểu cho hướng cảm xúc này. Và nỗi nhớ thời gian ở bài thơ này còn nằm sâu, rất sâu trong một vết thương tình yêu: Trái tim rạn vỡ vẫn chưa vá lành. Bởi vậy “cỏ may” xuất hiện mang trong nó cả hình bóng quê nhà với chức năng “khâu vá” cho vết thương: Tìm ta khâu vá cho lành nhớ thương. Mang ý niệm cao quý đó, tư tưởng thơ mới tạo nên một biểu cảm: Cỏ may! Ta cúi xuống chào cỏ may. Ấy là cái “cúi chào” cả hình bóng quê nhà mà cỏ may là một cưu mang, một khả thể duy nhất đưa lại hình bóng quê nhà trong tâm cảnh đó. Và cũng qua đây cho hay, từ con mắt nhân sinh quan ấy một thế giới mang sức ôm trùm thời gian (nỗi nhớ) trượt sang không gian (cảnh sống): Ngang trời hoa cỏ đẫm sương / Loanh quanh sân thượng mà thương cánh đồng... là một tổng thể bao quát mà ẩn ức, cô lẻ. Chữ “ngang trời” đặt bên chữ “loanh quanh” thể hiện ý niệm tinh thần ấy. Đại từ nhân xưng Ta và hình ảnh “sáu tầng mây”, “ngang trời” hoạ nên vị thế cao sáng đấy, tuy vậy nó vẫn không thể làm giảm thiểu và nó cũng không hề có ý định giấu diếm đi một thân phận, một nỗi buồn cô vắng, cô thôn nơi phố thị: Người như con tốt sang sông / Chìm trong phố thị còn trông quê nhà... Ấy là tấm chân dung chân thực của một phận người mang ký ức tình yêu với chốn làng quê như định mệnh và như một thực tại sống.

Cỏ may trên sân thượng: Tình buồn mà cảnh đẹp. Ý nhẹ thoát, chữ giản dị. Với yếu tố cấu thành bút pháp ấy, bài thơ đã dựng nên một cõi nhớ riêng. Và đấy cũng là cõi quê nhà muôn thuở của những hồn thi nhân xưa nay vậy.

Ảnh đại diện

Biển chết (Nguyễn Trọng Tạo): Thử bình bài thơ “Biển chết”

Không phải Biển Chết nằm giữa biên giới Israel, Palestine và Jordan, là nơi có vị trí địa lý thấp nhất trong đất liền. Cũng không phải biển đã bị khai tử ở nơi này hay nơi khác. Biển chết của Nguyễn Trọng Tạo như một ẩn dụ tượng trưng để nói về tình yêu con người với con người hay con người với biển.

không còn ai yêu nhau
biển chết
Câu thơ mở đầu đã khẳng định ngay nỗi đau tưởng tượng. Tưởng tượng mà đau thật. Đau nhói lòng người. “Không còn ai yêu nhau”, làm gì có chuyện đó khi con người chưa bị huỷ diệt hoàn toàn, khi mà Adam và Eva vẫn còn hiện diện trên trái đất ba phần tư là biển!

Từ nỗi đau biển chết, nhà thơ đã rọi chiếu ánh sáng vào nơi tăm tối của con người. Và anh thấy “nụ cười”, “bàn chân”, “xương sườn”... như tàn rữa dần:
biển chết nụ cười không sóng
biển chết bàn chân lún cát
biển chết đêm hoang
sét đánh vào núi đá
những thanh sắt rỉ dét xương sườn
Vâng, “nụ cười không sóng”, phải chăng là sự phản chiếu của xác cười? Và rồi nhà thơ chợt thấy trái tim cùng với mọi cảm giác của mình cũng đang chết dần, chết mòn:
anh chết trái tim vô cảm
không gọi tên
biển nhạt
mắt khô
môi đắng
Nhưng cũng không đau bằng trái đất không còn ai nhớ biển. Nói cách khác, biển đã chết trong trí nhớ của con người:
không thể hình dung một ngày không nhớ biển
nỗi nhớ cũng chết rồi
Sau nỗi đau tưởng tượng, nhà thơ như bừng thức một tột cùng phi lý. Bỗng đột nhiên, cảm giác sống như trở lại thật chậm chạp, nhưng cụ thể, rõ dần:
có cái gì cựa quậy trong chăn
giống bàn tay quen
giống giọt biển quá khứ
giống một chút gì gìn giữ
Thì ra tình yêu đang trở lại, đang đánh thức con người trong cơn “ngái ngủ biển”. Và biển trở lại trong ý thức con người dù chưa hoàn toàn hiện hữu. Trong sự bừng thức của tâm linh, thì thơ có thể mang phận sự chiếc đinh cho sự sống biển treo vào để hồi sinh như nó đã trường tồn:
một nửa câu thơ làm biển hồi sinh?
Bài BIỂN CHẾT 1 được kết thúc bằng câu hỏi, cũng là câu trả lời từ một giấc mơ hãi hùng về biển.

Bài thơ đã kết thúc, nhưng hình như vẫn chưa thoát khỏi giấc mơ. Chính thế mà nhà thơ đã chờ phút định thần hoàn toàn để viết nên BIỂN CHẾT 2. Bài thơ 2 câu này hoàn toàn trong trạng thái tỉnh. Tuy vậy, cảm xúc “hậu giấc mơ” này đã làm thăng bằng lại tình yêu sâu thẳm nhưng cũng luôn thảng thốt của con người:

BIỂN CHẾT 2

không còn nửa câu thơ về biển
có nghĩa là biển chết phải không em?
Biển chết mà không chết, vì biển vẫn còn thơ, vẫn còn sóng, còn gió, còn bão tố và bình yên cho tình yêu của cả loài người. Hai bài thơ nhỏ về một chủ đề là hai khoảnh khắc nối tiếp từ thảng thốt vực thẳm đến hạnh phúc bình yên của hồn người yêu biển...

Cám ơn nhà thơ đã cho tôi những hồi hộp và hân hoan từ hai bài thơ mang ẩn dụ biển-yêu.


Toronto
NHẤT NAM

Trang trong tổng số 2 trang (13 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: