Trang trong tổng số 2 trang (13 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Mưa tháng sáu (Vũ Thanh Hoa): Vô thức gọi tên mình

VTH: Tiến sĩ Vương Cường là Nhà Khoa học, Nhà Thơ đã từng đạt giải thưởng thơ và còn là một người bình Thơ khá kỹ tính và có phong cách riêng, khó lẫn.  Được anh chọn Thơ và bình, là một vinh dự của Vũ Thanh Hoa. Xin giới thiệu cùng Quý vị bài bình in trên Tạp chí Văn Nghệ BRVT số 96 (12-2008).


VÔ THỨC GỌI TÊN MÌNH ...



(Đọc bài thơ MƯA THÁNG SÁU của nhà thơ VŨ THANH HOA )






MƯA THÁNG SÁU

mơ hồ như sương bụi
lác đác rắc nhạt nhòa
trong suốt mây áo mỏng
run rẩy rồi vỡ òa

lặng lẽ mưa thấm thềm nhà vắng lạnh
gió thở dài hoang hoải trải nhớ nhung
hình như đã có một ngày rất nắng
có một ngày cầu vồng ngả ngang sông

lô nhô sỏi nối lối về vô định
buồn chơi vơi tím biếc phút chiều tà
thì thầm gọi
riêng tên mình
rất khẽ
mưa vô tình
rơi mãi
phía
thinh không

16.6.2008
Vũ Thanh Hoa




Hai cơn mưa đan dệt vào nhau không gỡ ra được. Cơn mưa trời và cơn mưa lòng. Có những ngày thậm chí cả tháng, những cơn mưa buồn thăm thẳm, nhưng mưa tháng sáu nhẹ nhàng hơn, đẹp hơn. Không biết có phải vì thế mà cơn mưa tháng sáu đã lựa chọn Vũ Thanh Hoa không? Trước thiên nhiên lòng thi nhân dễ rung động, dễ thổn thức buồn, vui. Thiếu phụ ngắm cơn mưa tháng sáu bỗng lòng rộn ràng lên:



mơ hồ như sương bụi
lác đác rắc nhạt nhòa
trong suốt mây áo mỏng
run rẩy rồi vỡ òa


Dưới cặp mắt thiếu phụ, hai cơn mưa ấy, ta phải kinh ngạc thốt lên, mưa tháng sáu, đẹp quá! Mà đẹp thật: mơ hồ như sương bụi, rắc nhạt nhòa, mây áo mỏng, run rẩy, vỡ òa...
      
Không biết vì sao và từ đâu, làn mưa mỏng, bỗng "run rẩy rồi vỡ oà ". Cơn mưa lòng đã kéo thiếu phụ sang một trạng thái khác. Sau hai chữ vỡ òa, những  gì giấu kín từ lâu, được giải phóng. Âm thanh ấy như buộc ta phải chú ý, buộc ta phải lắng nghe. Mưa đã kéo thiếu phụ , thiếu phụ và mưa đã kéo ta. Nhưng có gì đâu, chỉ là một sự im lặng, im lặng đến ngột ngạt! Mưa thấm thềm nhà vắng, gió thở dài hoang hoải...
      
Tất cả thấm dần vào các giác quan. Lòng thiếu phụ gập ghềnh, trống vắng bao nhiêu nỗi niềm đan cài, dằng xé. Có lẽ lúc này thiếu phụ đang trở lại với chính mình , với một mình thôi. Thời gian xam xám vồn vã trở về. Hai câu thơ bật ra bất ngờ, ta có cảm giác mưa đã qua rồi chỉ còn lại một nỗi lòng như đốm lửa cố cháy lên nhưng cũng chỉ đủ ấm một vùng nhỏ nhoi thôi, giữa bủa vây của giá lạnh:


hình như đã có một ngày rất nắng
có một ngày cầu vồng ngả ngang sông


Có nắng, có cầu vồng, chỉ là cái bóng một thời đã qua, đã xa, đã thuộc về ký ức. Không đủ  làm bức tranh mưa rộn ràng hơn, không đủ  làm cho cặp mắt thiếu phụ bớt buồn, hình như còn buồn hơn, không đủ làm ta vui, không thể gượng vui lên được:


lô nhô sỏi nối lối về vô định
buồn chơi vơi tím biếc phút chiều tà


Mắt thoáng lạnh xa xăm, thiếu phụ thấy rõ cả lô nhô sỏi trên hun hút con đường vô định, trong sắc tím chiều tà chơi vơi, lòng lại tan nát  buồn. Nỗi buồn dường như đã đạt đỉnh .
      
Mưa như tạm lùi xa, còn một nỗi lòng thiếu phụ bị bủa vây giữa sắc màu tối và lạnh. Thiếu phụ trở nên vô thức, thì thầm gọi tên mình. Sao thiếu phụ không gọi tên ai? Người xưa đã xa rồi, có thể nhói lên một chút, rồi vội lịm chìm đi trong cơn mưa lòng ngay. Đến đây ta không thấy cơn mưa trời đâu nữa, cơn mưa lòng đã xâm chiếm hết tất cả không gian.  
      
Có lẽ cần nói thêm một chút về nhịp điệu bài thơ này. Nhịp điệu, nhạc điệu hay thể loại thơ đều do cảm xúc thơ và nội dung thơ lựa chọn . Cảm xúc và nội dung thơ do tâm thức và thực tiễn giây phút thăng hoa, lựa chọn. Nhà thơ hoàn toàn không làm chủ được. Nói thế nghe có lạ không? Thế đấy, có phải cái hồn nhiên, rộn rã, vui vẻ của cơn mưa tháng sáu, những câu thơ năm chữ hổn hển , mới diễn tả được, phải không? Có phải quá khứ đang tái hiện trở về, mơ hồ, thủng thẳng, cần những câu thơ dài hơn và đều đều như những câu thơ giữa bài đó không? Những câu thơ cuối, phải chăng cơn mưa trời đã lùi xa, cơn mưa lòng đã chiếm lĩnh, có gì đó như thắt lại, nỗi buồn bò ra điểm danh, chậm rãi và cắt khúc, không có khuôn khổ  nào, đòi hỏi thơ như thế phải không?   
       
Những câu thơ hay thường thoát ra từ trong vô thức. Và ta nhận ra le lói một ngọn lửa, những câu thơ kết của bài thơ này đã chạm tới thơ:



thì thầm gọi
riêng tên mình
rất khẽ
mưa vô tình
rơi mãi
phía
thinh không
      

Mưa vẫn còn, gió vẫn còn, trời vẫn còn mưa, còn gió. Nhưng tất cả đã hòa vào thành duy nhất một cơn mưa: mưa lòng. Cơn mưa chưa bao giờ dứt, bài thơ cũng chưa bao giờ kết thúc, nỗi lòng thiếu phụ cứ thế mà lạnh mãi...

TS Vương Cường

Ảnh đại diện

Dòng sông mặc áo (Nguyễn Trọng Tạo): Nhân bài "Dòng sông mặc áo" trò chuyện cùng tác giả (Yên Khương, Huy Thông)

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
“TÔI LÀM THƠ TÌNH TỪ NĂM 14 TUỔI”
Kỳ 1

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tác giả bài thơ “Dòng sông mặc áo” (SGK lớp 6 cũ – lớp 4 mới) “Quê cát”(SGK lớp 5 cũ) và 2 bài văn khác trong SGK… được bạn gọi là “người đa tài”. “Cầm kỳ thi họa” ông đều thể hiện được tài năng vốn có của mình. Nhưng có lẽ tài năng của ông được mọi người biết đến sớm nhất là tài làm thơ. Bằng chứng là ngay từ năm 14 tuổi ông đã làm được thơ, và hơn thế nữa, đó lại là thơ tình, một thể loại thơ với người khác thường là “chưa đủ tuổi” biết đến chứ đừng nói gì làm được thơ tình hay như ông...
Làm thơ tình vì “nhiễm bệnh” thi sĩ từ Hàn Mặc Tử
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói về ngày sinh tháng đẻ của mình bằng thơ thế này:
Vẽ tôi con Lợn cầm tinh
Con Gà cầm tháng con Tình cầm tay
Nói rõ ra thì ông sinh ngày 25/8/1947, tại Diễn Châu, Nghệ An nơi có đền Công thờ Thục An Dương Vương, đèo Mụ Dạ, Lèn Hai Vai và con sông Bùng được ví “như dòng nước mắt của bà tướng khóc chồng tuôn trào ra biển”. Cụ thân sinh ra nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là một ông đồ vừa giỏi Hán học và tinh tường tiếng Pháp. Ông có thể đọc nguyên bản tác phẩm "Những người khốn khổ" của Víchto Huygô bằng tiếng Pháp, từng bắt nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo học chữ Hán nhưng học bao nhiêu, tác giả của “Đồng dao cho người lớn” này cũng “giả lại” cho thầy bấy nhiêu vì không nhớ nổi. Ông chỉ thích làm thơ, và quả đã làm được thơ ngay khi mới chỉ 14 tuôi. Thậm chí, đáng ngạc nhiên hơn là ngay bài thơ đầu tay có tên “Không đề” đã là một bài thơ... tình. Một thể loại mà với người khác chắc “chưa đủ tuổi” để nghĩ, viết ra những câu rất tình và đẹp như thế này:
Tôi nằm nhoài giữa ánh trăng
Lưng tôi thảm cỏ rối hăng hương nồng
Bạn ơi, trăng hóa dòng sông
Tôi con thuyền nhỏ bơi trong nỗi niềm

Bây giờ tôi dịu tôi hiền
Biết đâu tôi dại tôi điên bao giờ
Mai sau tôi chết trong thơ
Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi?...

Trăng trên ngọn liễu trăng ngồi
Tôi trên ngọn liễu tôi rơi bây giờ!...

Bạn ơi, trăng quá ngây thơ
Còn tôi cằn cỗi già nua thế này
Bao giờ tôi hóa làn mây
Hẳn tôi muôn thuở sum vầy cùng trăng!...

1961

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thú nhận: “Ngày đó tôi mê thơ Hàn Mặc Tử lắm. Thậm chí cho đến giờ tôi vẫn mê thơ ông. Tôi “nhiễm bệnh” thi sĩ chính từ Hàn Mặc Tử nên thơ tôi làm hay dính dáng đến sông hoặc trăng. Thuở ấy, vào một ngày đẹp trời, tôi đọc được cuốn sách của Trần Thanh Mại viết về Hàn Mặc Tử. Nhiều bài thơ của ông khiến tôi ngây ngất, nhiều câu thơ của ông khiến tôi nhập tâm. Khi tôi làm xong bài “Không đề” cha tôi là độc giả đầu tiên được đọc. Ông nói với tôi: “Con chép thơ của ai vậy?. Thơ Hàn Mặc Tử phải không?” Tôi thưa “không phải” mà nhận là của mình thì ông cụ lại khuyên: “Nếu viết được như thế này thì khá. Nhưng lúc này người ta không ưa loại thơ này đâu”. Nhiều tòa soạn khi tôi gửi bài thơ đến “cũng không dám đăng” chỉ vì không tin một thằng bé mới 14 tuổi đã làm được một bài thơ tình hay đến thế. Mãi đến năm 1987, tức là 26 năm sau từ khi bài thơ “Không đề” ra đời, tôi mới đưa in lần đầu trong tập “Gửi người không quen”... của tôi”.
“Dòng sông mặc áo” ra đời nhờ liên hệ với tuổi thơ khi ngắm nhìn những dòng sông
Năm 1972, 11 năm sau khi viết bài thơ tình đầu tay, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lúc đó đã vào lính và đóng quân ở Hà Tĩnh. Nhà thơ bồi hồi nhớ lại: “Ngày đó tôi còn trẻ lắm. Tuổi trẻ luôn đồng nghĩa với lãng mạn và rất nhiều tưởng tượng. Mà lãng mạn và tưởng tượng thì luôn làm cho người ta trẻ ra. Hồi xưa, làm thơ thấy bom đạn chết chóc thì đau đớn vô cùng, thấy những gì đẹp đẽ thì rung động thích thú cũng không kém. Thời đó, đơn vị tôi hoạt động ở vùng Hương Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh. Ở nơi đó tôi thấy những con sông rất đẹp, mà đẹp nhất là sông Ngàn Phố. Địa bàn ở đó đất đai thì trù phú, nhất là vùng quê ngoại Hải Thượng Lãn Ông, cây cối thyền đò đẹp như một bức tranh thủy mặc. Mùa hè nước sông trong văn vắt, nhìn thấu xuống đáy thấy cả cát và đặc biệt là những viên sỏi hồng như những nốt ruồi son. Mỗi khi đi qua đó tôi luôn thấy bị ám ảnh với mùi hoa bưởi trắng và hương rất thơm của nó. Tôi đã nhìn dòng sông ở nhiều thời điểm, thời gian khác nhau. Lúc thì nhìn dòng sông ban ngày, lúc ngắm dòng sông ban đêm, những khi bình minh hay hoàng hôn chạng vạng. Vào những thời điểm như thế những màu sắc dòng sông luôn thay đổi, thấy dòng sông cũng như đang “thay áo mới”. Nó giống như những đứa trẻ vậy, thay cái gì nó không thích chứ được thay áo mới thì trẻ con rất thích. Người ta tặng người già một hộp sữa nhưng tặng trẻ con một chiếc áo hoa thì khỏi phải nói, còn gì bằng khi được vận vào mình một chiếc áo mới phải không? Chính vì “dòng sông thay áo” theo thời gian khiến tôi nhớ về tuổi nhỏ luôn thích sự thay đổi, những điều bất ngờ từ người lớn và thế giới xung quanh mang lại. Bằng con mắt của một người biết làm thơ, tôi cho thế, từ nhìn đến liên hệ và cuối cùng là tưởng tượng, dòng sông đó chuyển màu theo thời gian, sáng, trưa, chiều, tối và đến sáng hôm sau… cũng như sự lớn lên theo thời gian của những đứa trẻ. Thế là cái tứ thơ “Dòng sông mặc áo” hiện lên, và tôi đã “ghi lại” những liên hệ và tưởng tượng đó của mình.”
“Dòng sông mới điệu làm sao
Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha
Trưa về trời rộng bao la
Áo xanh sông mặc như là mới may
Chiều trôi thơ thẩn áng mây
Cài lên màu áo hây hây ráng vàng
Đêm thêu trước ngực vầng trăng
Trên nền nhung tím trăm ngàn sao lên
Khuya rồi sông mặc áo đen
Nép trong rừng bưởi, lặng yên đôi bờ.

Sáng ra thơm đến ngẩn ngơ
Dòng sông đã mặc bao giờ, áo hoa?
Ngước lên bỗng gặp la đà
Ngàn hoa bưởi trắng nở nhoà áo ai...

Hà Tĩnh, 1972

Nhiều giáo viên đã ra đề thi xoay quanh bài thơ

Sau khi ra đời “Dòng sông mặc áo” đăng lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam ngay trong năm 1972 cùng một số bài cho thiếu nhi khác. Tuy nhiên, việc tác phẩm này được đưa vào SGK giảng dạy trong nhà trường thì nhà thơ Nguyễn trọng Tạo không hề biết chính xác là năm nào. Chỉ biết sau khi ra đời được được “8 tuổi” (1972 - 1980) “Dòng sông mặc áo” nhà thơ mới biết bài thơ được tuyển đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 6 nhờ một số học trò “học phải” khoe lại. Ông nói: “Không biết là ‘Dòng sông mặc áo’ được đưa vào SGK năm nào. Tôi chỉ biết khi một em học trò nói lại là cháu vừa được học bài thơ của chú, rồi một vài thầy cô giáo quen biết bảo được giảng “Dòng sông mặc áo” thì tôi mới hay chứ khi nó được tuyển, tôi hoàn toàn không thấy ai xin phép gì cả. Đến bây giờ “Dòng sông mặc áo” vẫn được giữ lại trong SGK Tiếng Việt lớp 4. Đầu năm nay, tôi có nhận được thư cám ơn của Nhà xuất bản Giáo Dục cùng 100 ngàn đồng, chắc là nhuận bút cho mấy bài được đưa vào SGK. Tôi cảm động lắm. Lần đầu tiên đấy, còn trước đây thì không, trong khi hàng năm SGK xuất bản đến hàng triệu bản?!
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tiết lộ thêm: “Bài thơ “Dòng sông mặc áo” nhiều người bảo dạy cho học sinh thời nào cũng được, học sinh thời nào cũng thích vì nó là một cái quan sát rất hồn nhiên, độc đáo ở chỗ là nhân cách hóa dòng sông như một con người, biết mặc (thay) áo mới. Chỉ tiếc là khi đưa vào SGK câu: “Đêm thêu trước ngực vâng trăng” bị sửa thành: “Rèm thêu trước ngực vầng trăng”. Chữ “rèm” không làm “sập” toàn bộ bài thơ nhưng nó đã làm lệch đi tính biểu tượng và liên hệ trong toàn bộ hệ thống thời gian của bài thơ. Như tôi đã nói, tôi ngắm nhìn con sông trong những khoảng thời gian khác nhau. Sáng, trưa, chiều, tối, lúc hoàng hôn và cả khi bình minh ló rạng. Việc sửa chữ “đêm” thành chữ “rèm” chắc không phải là do người biên tập cố ý mà chắc là do người đánh máy đánh sai hoặc photocoppy nhiều lần quá nên nhìn chữ “đêm” hóa ra chữ “dèm”. Nếu mà chữ “dèm” viết thế thì sai chính tả nên phải sửa thành “rèm” cho đúng. Nhưng suy đoán sai của họ đã làm hỏng một phần trong tổng thể cấu tứ bài thơ. Vậy mà người ta cứ để bấy nhiêu năm, giảng cho học trò nghe bấy nhiêu năm và tái bản cả bấy nhiêu năm mà không hề hỏi lại ý kiến tôi là đúng hay sai mặc dù tôi ở ngay Hà Nội, gần với NXBGD.
Sau này nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường có viết một bài ký “Mùa xuân thay áo ở trên cây” (1995) cũng bắt nguồn từ ý tưởng “Dòng sông mặc áo”. Đọc thích lắm, bởi ‘thay áo’ chứ không phải là ‘thay lá’. Thay lá thì bình thường thôi, không có gì là ấn tượng cả.
Đã có rất nhiều giáo viên dạy văn ‘khoe’ với tôi về việc ra đề thi xoay quanh bài ‘Dòng sông mặc áo’. Tôi nhớ, cô Võ Thị Quỳnh, giáo viên chuyên văn ở Huế gặp tôi có nói rằng rất thích bài thơ “Dòng sông mặc áo”, và nhiều lần cô đưa bài này làm đề thi cho các em học sinh chuyên văn lớp 12 trường cô và hầu như các em đều viết rất hay về bài thơ này vì chính các em cũng rất thích. Tôi rất vui vì bài thơ của mình đã có ấn tượng với không chỉ bạn đọc nói chung mà còn ấn tượng với các thầy cô giảng văn trong nhà trường và các em học sinh. Đó cũng được xem như là một thành công của người làm thơ như tôi vậy!”
_______________
Hết kỳ 1


Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
“PHẢI GIÁO DỤC CÁI TINH HOA MỚI CÓ GIÁ TRỊ”
Kỳ 2
Không chỉ được bạn bè mệnh danh là “người đa tài” nhiều người còn ví nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là “người ham chơi”, “dọc ngang không biết trên đầu có ai”. Nhưng ông thì nói khác. “Người ta gọi tôi là người đa tài vì thấy tôi làm được nhiều thứ. Làm thơ, làm nhạc cũng đoạt hàng chục giải thưởng quốc gia, văn thì được dịch sang 5, 6 thứ tiếng, lý luận phê bình cũng có những cái để người ta nhớ. Vẽ măng – sét, trình bày mỹ thuật hay minh họa cho các báo tạp chí cũng đều “ẵm” giải thưởng. Nói chung, tôi có nhiều cái đáng để nhớ lắm...”.
Cái tài và tình nhớ nhất thuở thiếu thời
Ngày còn học phổ thông, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “học tài” tất cả các môn mà nổi bật là toán và văn, từng có mặt trong danh sách thi học sinh giỏi quốc gia. Với môn văn, nhờ sẵn có năng khiếu nên hầu như môn văn “trò Tạo” tiếp thu rất nhanh và học nổi hơn hẳn so với các bạn cùng lớp. Cũng chính vì thế nên “trò Tạo” được mọi người quý và “trọng” lắm. Chẳng thế mà có lần thầy thầy dạy văn bận việc riêng đã nhờ “trò Tạo” lên giảng thay. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo kể: “Ngày ấy tôi đang là một học sinh, vậy mà đã được đứng vào vị trí người thầy để giảng bài cho... bạn cùng lớp. Thường là mỗi khi thầy dạy văn lớp tôi bận bịu với những công việc riêng, không giảng bài được lại ới tôi lên “giảng” thay. Nhờ mê văn chương nên tôi cũng dễ “lên đồng” khi nói về một tác phẩm nào đó. Thật vui và cũng thật đáng nhớ là tôi cũng làm tròn được “trọng trách” thầy giao phó. Các bạn trong lớp cũng không thấy phản ứng gì, thậm chí nhiều người còn cho rằng tôi giảng... hay hơn cả thầy. Vậy nên, tôi thường bị bạn bè quây tròn “hỏi bài” mỗi khi bí, không cần biết tôi có thoải mái hay không.”  
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “mang bản chất nhị nguyên” như một bạn viết đã nói. Đa tài là vậy nhưng trong đời cũng đã không ít lần đối diện với những tháng ngày được xem là “họa vô đơn chí”. Đó chính là quãng thời gian em gái nhà thơ làm giáo viên ở Đắc Lắc bị nhiễm độc máu. Vậy là mọi dự định cá nhân nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đành phải tạm gác lại để “cố thủ” tại bệnh viện chăm người em thân yêu của mình suốt nửa năm trời. Cũng may những năm tháng khó khăn ấy nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được thủ trưởng “đặc cách” nên mới có thể “rày đây mai đó”, lúc Đắc Lắc, khi Đà Nẵng, lúc Hà Nội, khi Nghệ An… theo chăm cô em gái của mình. Nhà thơ Nguyễn trọng Tạo xúc động kể lại: “Ngày ấy, tôi vất vả lắm. Vừa phải bám bệnh viện chăm sóc cô em vừa phải làm đủ nghề kiếm tiền. Tôi đi nói chuyện thơ, viết báo không biết đến nghỉ ngơi trong ròng rã 6 tháng trời. Cũng may là ngày ấy đội ngũ bác sĩ nơi em tôi điều trị cùng với một số anh em bằng hữu nhiệt tình mỗi người một tay xắn vào hỗ trợ tôi, không thì chưa biết cơ sự thế nào. Vậy rồi cuối cùng, sau 3 lần thay máu, một lần phẫu thuật em gái tôi đã thoát khỏi cơn nguy kịch và khỏe mạnh trở lại”. Và với những tháng ngày tận tụy với em gái như thế, ông đã làm cho rất nhiều người cảm động. Cái tình ấy của ông đã làm xúc động không biết bao nhiêu con người. Họ vừa khâm phục, vừa kính trọng và ngày càng yêu quý ông hơn bởi chính cái tình mà ông đã dành cho cô em gái của mình.
Giảng văn cần phải hướng tới tinh thần tư tưởng tác phẩm
Trao đổi xoay quanh việc giảng dạy môn văn trong nhà trường hiện nay, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói: “Những người có trí tưởng tượng phong phú bao giờ cũng tiếp cận xa hơn những người ít tưởng tượng. Theo tôi, giảng dạy văn cho học trò thì trước tiên chính người thầy phải là những người biết tưởng tượng. Bởi lẽ, đọc một tác phẩm thì sự rung động có được hẳn phải là người có kinh nghiệm. Ví dụ một người thầy ở thành phố dạy về nông thôn sẽ ít có điều kiện hiểu sâu sắc về nông thôn được. Ngược lại, với một người chỉ biết về nông thôn thì khi đọc những bài về thành phố thì tiếp cận sẽ có giới hạn của họ. Cho nên cảm nhận văn chương nó cần có trực giác riêng của mỗi người. Nhưng mỗi một kinh nghiệm người ta sẽ tiếp cận khác nhau. Trong một người khi đọc tác phẩm văn chương thi mỗi thời kì lại hiểu về tác phẩm ấy khác do kinh nghiệm và sự từng trải làm cho họ có những cảm nhận sâu hơn, rộng hơn. Tôi lấy thêm một ví dụ về bài “Dòng sông mặc áo” chẳng hạn. Khi giảng trong nhà trường, nếu nói về vẻ đẹp của dòng sông quê hương để từ đó thấy yêu quê hương hơn thì đó là đúng. Tuy nhiên, như tôi đã nói rất nhiều lần rằng nếu chỉ giảng hình ảnh dòng sông nhí nhảnh thì chẳng qua là mới chỉ nói đến cái giọng điệu, nói đến cái quan sát thiên nhiên dưới một cái nhìn hóm hỉnh nhìn thấy nó thay đổi màu sắc. Nhưng thực ra cần phải có một cái nhìn lớn hơn, xa hơn, rộng hơn. Tức là tinh thần tư tưởng của tác phẩm. “Dòng sông mặc áo”, thay áo theo thời gian cũng như sự lớn lên của dòng sông. Giống như một đứa trẻ nó lớn nhanh lắm, ngày hôm nay nó thế này, nhưng ngày mai đã khác. “Dòng sông mặc áo”, thực chất là thay áo cũng đang lớn dần lên từng buổi một. Có thể buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối hôm nay nó thế này nhưng sang sáng hôm sau nó khác rồi. Tinh thần ấy cũng chính là tinh thần của bài thơ muốn hướng tới vậy.
Phải giáo dục cái tinh hoa thì mới có giá trị
Tôi có viết một tác phẩm “Miền quê thơ ấu” (sau đó NXB  Kim Đồng tái bản thì đổi tên là “Mảnh hồn làng”) mà các nhà phê bình nói rằng, hầu như đoạn văn nào cũng đưa vào SGK được. Đó là môt tác phẩm văn xuôi viết về tuổi thơ nhưng là một kiểu văn xuôi mang chất thơ. Nói về mảng văn học trong nhà trường, vì là một người làm báo nên tôi cũng rất quan tâm, thậm chí thời còn làm tờ “Báo Thơ”,  tôi đã mở mục thơ trong nhà trường. Nhưng rất tiếc là không tiếp tục được…

Nói về việc làm sách giáo khoa của nước mình nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng đang còn rất nhiều hạn chế.  Ông nói: “Thường những tác phẩm được chọn in lại không phải là những bài xuất sắc nhất của tác giả đó có. Nếu anh dạy, anh chỉ chọn theo chủ đề chủ điểm thì cái đó là đúng, nhưng đồng thời bài đó phải là bài hay. SGK không phải là tuyển tập để đánh giá về văn chương. Theo tôi, đã tuyển văn vào SGK dạy cho học sinh phải tính đến việc tìm cho ra những bài hay nhất trước đã. Đó là những tác phẩm văn chương thực sự rồi sau đó mới đưa nó vào chủ đề, chủ điểm. Hiện nay tôi thấy ban tuyển chọn các tác phẩm đưa vào SGK chỉ lựa chọn theo chủ đề là chính rồi sau đó họ mới lựa những tác phẩm dù kém một chút nhưng hợp với chủ đề thì vẫn “cố nhét” vào. Làm thế là sai, tức là anh đã dạy văn cấp thấp, văn hạng 2 cho học trò. Tất nhiên không phải nói thế là tôi đánh đồng những tác phẩm trong SGK là dở cả nhưng quả thực bài hay là không nhiều, chính vì thế học trò không nhớ, nó ngại học văn vì chúng cũng biết bài văn đó quá dở.
Trong hệ thống giáo viên ở nước ta hiện nay, có người là nhà văn, có người là nhà thơ, có người là giáo viên dạy giỏi toàn quốc, ngoài ra cũng có những người rất yêu và coi trọng văn chương, còn hầu hết là ù ù cà cạc, chỉ dựa vào sách hướng dãn để soạn bài giảng, thậm chí giảng sai mà vẫn giảng. Có khi họ chẳng hiểu gì về bài thơ họ cũng phải cố mà giảng”.
Ông nói tiếp: “Trong cảm thụ  nghệ thuật thì cảm thụ thơ là khó nhất, vì nhiều khi họ cứ tưởng đọc được Tiếng Việt là hiểu được một bài thơ Việt. Nhưng thực chất thì không phải thế. Đọc một bài thơ Việt là phải đọc được cả nhịp điệu của nó, đọc đươc cả cấu tứ, thi pháp của nó. Lúc ấy anh mới nhận ra toàn bộ bài thơ. Nói chung là, một giáo viên đọc được một bài thơ đạt yêu cầu là không  nhiều, Bởi vậy, khi anh chưa đọc được một bài thơ mà phải giảng cho học trò là một điều khó khăn. Lý do thì nhiều nhưng chung quy là do người dạy văn không biết đọc đúng bài thơ, nhiều người mang tiếng thầy dạy văn nhưng lại không thích, không yêu văn và nghề sư phạm, thậm chí nhiều người thì kiểu như “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” thì giảng văn làm sao nổi.
Tôi không quan tâm học sinh bây giờ học nhiều hay ít môn văn là tốt mà chỉ quan tâm học như thế nào. Học nhiều mà không hiểu thì cũng chẳng để làm gì. Cho nên điều quan trọng là học trò phải thích văn, yêu văn, đam mê văn đó mới là điều quan trọng hơn là việc chúng có bị quá tải hay không?! Muốn được như vậy thì cần phải giảng văn cho học sinh thật hay, làm sao cuốn được các em, làm cho chính các em tự hiểu và thích môn văn.  
Thế nên tôi cho rằng, chọn tác phẩm văn học để giảng dạy cho học sinh là chọn những cái thuộc về tinh hoa chứ không phải chỉ theo chủ đề chủ điểm, theo giai đoạn phân bổ áp đặt. Cùng với đó là việc đội ngũ giáo viên giảng dạy văn phải giảng về những cái tinh hoa, giáo dục cái tinh hoa thì mới có giá trị lâu bền...”
__________________
YÊN KHƯƠNG – HUY THÔNG

Ảnh đại diện

Ngày không em (Nguyễn Trọng Tạo): Cảm nhận “Ngày không em” (Phan Chí Thắng)

Các nhà phê bình, bạn bè văn chương và cả người đọc viết khá nhiều về thơ Nguyễn Trọng Tạo. Tôi khó tìm ra điều gì để viết thêm về nhà thơ danh tiếng này. Tôi muốn viết một cái gì đó nho nhỏ, hợp với sức mình, về thơ Nguyễn Trọng Tạo, với tư cách một người đọc bình thường. Tôi không cố chọn ra một số bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Tạo để nói đến. Tôi đơn giản lấy luôn bài thơ mới nhất mà anh công bố để đọc và cảm nhận.

Viết về thơ Nguyễn Trọng Tạo là một công việc cực kỳ khó khăn. Vườn thơ anh quá rộng, cây hoa nào cũng đẹp, bông hoa nào cũng lung linh. Vừa định “yêu” bông hoa này, ta lại thấy bông khác quyến rũ không kém.

Một nhà “Nguyễn Trọng Tạo học” chắc chắn phải bỏ cả năm để đọc, nghiên cứu và viết một công trình khoa học về thơ anh. (Xin xem Phụ lục ở cuối bài để hình dung kho “sản phẩm” mang thương hiệu Nguyễn Trọng Tạo)

Mấy chục năm qua nhiều bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo vẫn sống trong lòng người đọc, được nhiều người thuộc lòng. Tiến sỹ Hoàng Kim, một nhà nông học tên tuổi, hễ khi nào trò chuyện với bạn bè về thơ văn là nhắc đến mấy câu:

Anh trót để ngôi sao bay khỏi cát.
Biếc xanh em mãi chớp sáng bầu trời.
Điều có thể đã hoá thành không thể.
Biển bạc đầu nông nổi tuổi hai mươi
Tôi chỉ lấy lấy ra trường hợp tiến sỹ Hoàng Kim làm ví dụ. Những người khác có thể thích bài khác, những câu thơ khác. Những câu thơ mượt mà, dễ nhớ, không cầu kỳ nhưng hình ảnh hấp dẫn, mới lạ, dưới con chữ là Tình và Lý ẩn hiện.

Đó là nói về những bài thơ thành danh của Nguyễn Trọng Tạo, thế thơ của anh gần đây thì sao? Xin mời đọc bài thơ sau:
NGÀY KHÔNG EM
Tặng Em

Ngày không em
anh cây chổi tựa mòn góc bếp
anh cái chảo mốc meo
anh con mèo đói kêu khan
anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối...

Ngày không em
anh làm gì với gió
gió mềm mại dáng em
anh làm gì với lửa
lửa cháy môi em
anh làm gì với cơn mơ giật liên hồi tiếng nấc

Ngày không em
anh không có thật
anh bị phép tàng hình
chiếc bình vỡ không sao gắn lại...

Mưa vẫn rơi
anh bão về miền thẳm
ngày không em
con chó tru điên
con chó điên tru hình anh mờ tỏ
nó chạy thật xa
về mách anh lưỡi được liếm gió...

Anhnhớ em
mắt liếm màn hình
những dòng chat thơm mùi da thịt

Anh thấy mình bay làtrên cỏ ướt
trên cánh trần tay em
đêm dồn đêm
ngày cũng là đêm
anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng

Ngày không em
ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng...

24.9.2008
Cách tân (đổi mới) là một quy luật của sự tồn tại, một yêu cầu tự thân của mỗi tác giả. Ai liên tục cách tân, tuổi thọ sáng tác của người đó càng dài lâu.

Có người hiểu cách tân nghệ thuật là múa không mặc quần áo như mấy chú ở FPT, có người lại làm cho câu văn lủng củng đến vô nghĩa, câu thơ cầu kỳ khó hiểu. Thậm chí có người cho rằng phải đập phá các tượng đài mới là cách tân mạnh mẽ.

Dẫu đã bước sang thập kỷ thứ 7 của cuộc đời, Nguyễn Trọng Tạo vẫn liên tục cách tân thơ mình, theo cách của anh.

Bài thơ “Ngày không em” được xây dựng theo cấu trúc:
1. Xa em, anh là gì
2. Xa em anh làm gì
3. Xa em anh như thế nào
4. Nguyên nhân - Vì nhớ em
5. Khát vọng yêu đương

Là hoạ sỹ, Nguyễn Trọng Tạo đương nhiên là giỏi bố cục. Là một người làm kỹ thuật, tôi hay tìm “sơ đồ khối” của mọi thứ.

1. Xa em anh biến thành vật bất động, mất hết công năng:
anh cây chổi tựa mòn góc bếp
anh cái chảo mốc meo

hoặc là động vật hoang dại, thiếu thốn và bải hoải:

anh con mèo đói kêu khan
anh con chồn hoang ngủ vùi trong hốc tối...

Đã ai ví sự cô đơn, nhớ nhung của mình như một con mèo đói kêu khan?

2. Xa em, anh thành người bất lực, không còn biết làm gì:

Ngày không em
anh làm gì với gió
gió mềm mại dáng em
anh làm gì với lửa
lửa cháy môi em
anh làm gì với cơn mơ giật liên hồi tiếng nấc

Đụng vào cái gì, kể cả cái vô hình là gió, cũng gợi nhớ đến em. Anh bất lực với sự khủng khoảng của chính mình.

3. Tác giả xác định trạng thái của”anh”, đẩy logic nhớ nhung lên mức cao hơn:

Ngày không em
anh không có thật
anh bị phép tàng hình
chiếc bình vỡ không sao gắn lại...

Anh như bị biến mất, thành vô hình, không xương không thịt. Cảm thấy nói thế hơi điêu, hơi vô lý, tác giả tự gán mình là cái bình đã vỡ.

4. Cái gì làm anh ra nông nỗi này? Vì nhớ em. Tác giả diễn tả nỗi nhớ đến kinh người:
- thành bão về phương em,
- thành con chó điên chạy thật xa.

Tác giả không nói nhưng người đọc hiểu là con chó điên chạy đến “em”, vì ở trên tác giả đã nói “gió mềm mại dáng em”.

Muốn biến thành con chó đến “liếm” được người yêu một cái, hình ảnh này mới lạ, theo tôi là chưa ai nghĩ đến để mà dùng trong thi ca. Một lần nữa, tự thấy mình “phiêu” quá, tác giả lại quay về với cõi thực:

Anh nhớ em
mắt liếm màn hình
những dòng chat thơm mùi da thịt

Liếm màn hình như con chó ảo liếm gió. Động từ “liếm” là một từ trần tục, ít ai dám dùng trong thơ, Nguyễn Trọng Tạo dùng nó, rất sex mà không sex, rất thật mà vẫn rất ảo.

5. Khát vọng yêu đương:
Nhớ đến vậy, điên cuồng đến vậy, nhưng chỉ nói đến mức đó thì bài thơ mới chỉ là hay chứ chưa rất hay. Tiếp tục là khát vọng yêu đương, tuy vẫn là ảo ảnh, nhưng bây giờ thực tế hơn, đắm đuối và hạnh phúc hơn:

Anh thấy mình bay là trên cỏ ướt
trên cánh trần tay em
đêm dồn đêm
ngày cũng là đêm
anh nhắm mắt một thiên đường mây trắng

Hai câu thơ cuối, thông thường là câu kết.

Ngày không em
ngọn cỏ khát đâm mù tia nắng...

Nhưng cái kết thật bất ngờ. Hình ảnh kỳ lạ: ngọn cỏ làm sao đâm mù được tia nắng? Một cái gì đó là ao ước, một chút gì đó là giận hờn hoàn cảnh, một sự khao khát đến tột cùng.

“Ngày không em” là một bài thơ chứng minh sức sáng tạo trẻ trung của Nguyễn Trọng Tạo. Có thể mạnh dạn mà nói: các nhà thơ lớn phải làm một việc lớn là đi tiên phong trong công cuộc đổi mới thơ.

Trên đây là cách tôi hiểu, tôi cảm nhận một bài thơ được lấy hú hoạ trong mấy trăm bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo. Không biết là tôi đã cảm thụ được hết nó hay chưa. Nếu tôi chưa cảm thụ được hết nó thì đó cũng là điều đáng mừng: bài thơ ở một tầm cao hơn sức với của tôi.

Ảnh đại diện

Tự hoạ (Nguyễn Trọng Tạo): Bài thơ "Tự hoạ" của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (Lê Thanh Chung)

Tiễn anh Tạo ra sân bay JFK (New York) trở về, tôi chui vào chăn ngủ vùi một giấc đến tận chiều tối. Một tuần đi liên tục trên đường, tôi còn mệt thế, chắc chắn anh Tạo còn mệt hơn. Cũng may anh còn có 24 giờ bay để nghỉ ngơi, trước khi bước vào một "cuộc rượu" mới với bạn bè trong nước.

Mặc dù được anh Tạo ký tặng bốn cuốn thơ, nhưng phải đến khi anh Tạo về rồi tôi mới có thời gian mở ra đọc. Tập thơ "Em đàn bà" đã được anh đọc và giới thiệu một số bài nên không còn ở vị trí "ưu tiên số một". Tôi chọn cuốn "36 bài thơ" để tìm hiểu thêm về nhà thơ mà tôi đã có ấn tượng từ đầu thập kỷ tám mươi thế kỷ trước với "Tản mạn thời tôi sống". Ngày ấy, thơ anh Tạo được chép vào sổ thơ của sinh viên không phải vì những áng thơ tình mượt mà, lãng mạn theo kiểu Xuân Diệu hay Hàn Mạc Tử. Chúng tôi truyền tay nhau những bài thơ của anh bởi những ý nghĩ độc đáo hay đột phá theo kiểu:

Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá
(Tản mạn thời tôi sống)

Hoặc:
Và đôi khi đến vô tình
Chẳng hình dung nổi dáng hình người xa
(Thơ tình của người đứng tuổi)

Bẵng đi nhiều năm với gánh nặng áo cơm, tôi không có nhiều thời gian cho thơ nói chung và thơ anh Tạo nói riêng. Có một dạo, người ta thích đọc báo An ninh hơn báo Văn nghệ... Cách đây hai năm, nhân bắt gặp bài phỏng vấn anh trên Talawas khi anh in cuốn "Thế giới không còn trăng", tôi đã nhờ nhà văn Bùi Ngọc Tấn xin anh một cuốn có lời đề tặng. Chẳng gì thì tôi đã từng là độc giả của anh hơn hai mươi năm về trước. Bây giờ "viện cớ" xa Tổ quốc, chắc chắn là anh cũng không nỡ chối từ.

Trở lại với tập "36 bài thơ", bài đầu tiên là chân dung "tự hoạ":

Vẽ tôi rượu mực giấy trời

Nếu có bản soft copy tất cả các bài thơ của anh, chắc chắn tôi sẽ dùng công cụ đếm từ trong Word để thống kê xem anh đã bao nhiêu lần đưa "rượu" vào thơ. Biết anh Tạo sang, Bọ Nguyễn Quang Vinh hỏi nhà tôi có đủ rượu để tiếp anh Tạo không. Nhà văn Văn Công Hùng cảm nhận "kể về chuyến đi của anh Tạo mà không nói chuyện uống rượu thật rõ chán". Anh Tạo không tự vẽ mình bằng chất liệu bột màu hay sơn dầu. Chắc bây giờ chẳng còn mấy còn dùng "mực" để vẽ ngoài những nhà thư pháp. Đọc câu thơ này, tôi liên tưởng đến những nét chấm phá bằng mực tàu, một hình dáng phiêu du hắt bóng lên bầu trời. Vẽ bằng "rượu" nhưng anh Tạo không ngật ngưỡng như những đồ đệ trung thành của "lưu linh".

Vẽ tôi rượu mực giấy trời
Nửa say nửa tỉnh, nửa cười nửa đau.

Anh Tạo uống nhiều, nhưng tôi không biết khi nào anh say. Tối hôm uống rượu với anh Thế (làm ở Ngân hàng Thế Giới) ở Washington DC, tôi không nhớ khi mình nhận xét về một tác giả nào đó, anh Tạo nâng ly với anh Thế và nói: "Em thông minh thế thì thật 'khốn nạn' cho thằng nào cưới phải em làm vợ. Tôi và anh Thế phải uống mừng vì mình may mắn hơn thằng cha đó". Phụ nữ được khen xinh vẫn thích hơn là được khen thông minh. Nhưng nếu không có gì đáng để khen nhau thì câu nói của anh cũng là một lời "an ủi". Chỉ cho đến tận hôm sau khi anh thú nhận, tôi mới biết lúc đó rượu nói chứ không phải anh nói. Cũng may tôi thường dị ứng với mọi lời khen nên không bị "thương tích" gì khi rơi xuống từ chín tầng mây. Có lẽ tại anh chỉ say một "nửa", nên "nửa tỉnh" kia vẫn giữ được cho anh cái thần thái của nhà thơ khi "rượu vào lời ra".

Vẽ tôi thấy đẹp là mê
Thấy ghen là sợ, thấy quê là nhà.

Có một thời, để chứng tỏ mình "đứng đắn" người ta không dám thú nhận mình "háo sắc" - "thấy đẹp là mê". Nhưng anh Tạo không ngại ngần khi tự hoạ con người mình như vậy. Dưới bài thơ không đề năm sáng tác, nhưng tôi đoán ít nhất nó cũng được ra đời cách đây gần hai chục năm, khi anh Tạo chỉ có "bốn mươi chín ký thấp cao chân mình". Người "quê choa" là thế. "Bọ chỉ rứa thôi!". Nếu không mê mẩn với cái đẹp thì làm sao thi sĩ có thể viết được những áng thơ tình nóng bỏng như:

Nghìn sau gặp lại... em hăm mốt
Môi ngực vòng tay vẫn thiên thần
(Thiên thần)

Mê mẩn thế, nhưng nhà thơ cũng còn biết sợ. Sợ ai đó ghen với các bóng hồng thấp thoáng sau những câu thơ. Sợ các bóng hồng ghen với nhau khi bất chợt nhiều em cùng nhìn anh bằng đôi mắt say. Hoặc khi rượu đã ngà ngà, thi sĩ của chúng ta lại thấy em nào cũng đẹp. Thôi thì cứ để cho các "bóng hồng" "nướng" nhà thơ trên ngọn lửa "ghen tuông". Biết đâu lại chẳng có những bài thơ tình bất hủ về ghen.

Vẽ tôi lặng nhớ mưa xa
Tiếu lâm đời thực, khóc oà chiêm bao

Cười cợt, vui vẻ giữa đám đông, bạn bè. Nhưng khi chỉ còn lại mình với mình trong giấc chiêm bao, nhà thơ lại đau đớn vì những trớ trêu, trái ngang của đời. Thêm một lần nữa, nhà thơ khẳng định cho nét khái quát chung nhất về mình - "Nửa say nửa tỉnh, nửa cười nửa đau".

Vẽ tôi con Lợn cầm tinh
Con Gà cầm tháng con Tình cầm tay

Các nhà tử vi tướng số chắc cũng phải chào thua, khi phải  thêm vào một "con Tình" trong 12 con giáp. Có phải tại "con Tình" này mà đi đến đâu thi sĩ của chúng ta cũng làm cho nhiều em "nghiêng ngả" và cũng "nghiêng ngả" vào nhiều em? Anh Tạo nói, ai cũng nghĩ anh là người có những mối tình "lông gà lông vịt", nhưng thực ra anh rất chung tình. Nhà thơ Tố Hữu khi yêu chỉ dám chia cho người mình yêu chưa đến một phần ba trái tim: "Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều - phần cho thơ và phần để em yêu". Nguyễn Trọng Tạo khi đã yêu thì dâng hiến trọn vẹn:

"Chia cho em một đời thơ
Một lênh đênh - một dại khờ - một tôi".
(Chia)

Tôi chỉ là một người thích thơ, đôi khi có thời gian rảnh rỗi thì đọc dăm ba cuốn sách. Gặp một bài thơ hay cũng muốn tìm người chia sẻ, nhưng không dám có ý định bình thơ anh Tạo. Chắc gì tôi đã hiểu được ý tứ sâu xa phía sau ngôn từ của anh. Một tuần làm "tour-guide" không chuyên đưa anh đi thăm hai tiểu bang của nước Mỹ, tôi bỗng muốn viết một điều gì đó về anh. Và bài thơ "Tự hoạ" đã tạo cho tôi nguồn cảm hứng để viết. Tôi xin lấy bốn câu trong bài "Ảo ảnh" của mình để kết thúc bài viết này, thay cho lời chia sẻ với "Em - Đàn bà"  của anh:

"Tôi là kẻ lang thang, phiêu dạt giữa cuộc đời
Từng lạc chân qua nhiều miền ảo ảnh
Chỉ mong em gắng giữ cho ngọn lửa tình yêu đừng bao giờ tắt
Để trái tim tôi đừng lạc lối - quay về".

New York, 10.12.2008

Ảnh đại diện

Bài thơ tình tặng người trồng cây trong thành phố (Nguyễn Trọng Tạo): Cám ơn bạn đã sửa

Cám ơn bạn Vanachi đã sửa lại đúng nguyên bản.

(Nguyễn Trọng Tạo)

Ảnh đại diện

Bài thơ tình tặng người trồng cây trong thành phố (Nguyễn Trọng Tạo): Cám ơn và sửa lại giùm

Tác giả cám ơn Die Autumn đã chép lại bài thơ này đưa lên thi viện, vì bài thơ này tác giả không còn lưu giữ nữa. Nhưng ở khổ cuối có vài chỗ sai, nhờ bạn sửa lại giùm nhé:

Dãy phố nhà em chợt xuân  sang
cưới nhau lộc biếc dẫn hai hàng
cô bé nhà bên rồi kịp lớn
nép bóng đường cây đứng đợi chàng.

(Nguyễn Trọng Tạo)

Ảnh đại diện

Bếp lửa (Bằng Việt): Đọc lại “Hương cây, Bếp lửa”

1. Còn nhớ ngày tôi nhập ngũ, chị Yến của tôi là nhân viên bán sách ở Hiệu sách Nhân Dân huyện tặng tôi tập thơ Hương cây - Bếp lửa và một chiếc khăn bông thêu hoa trắng. Tôi giữ mãi hai món quà của chị suốt những năm chiến tranh ác liệt. Nhưng rồi chiếc khăn phải dùng dọc đường hành quân không còn nữa; chỉ còn lại tập thơ. Rồi đến lượt tập thơ chuyền tay sang một người bạn lính, và người bạn lính của tôi đã hy sinh. Hai vật lưu niệm của chị cho tôi không còn, nhưng thơ của Lưu Quang Vũ và Bằng Việt thì tôi vẫn nhớ. Bây giờ 35 năm đã trôi qua, tập thơ được tái bản, Lưu Quang Vũ không còn nữa, Bằng Việt nhờ tôi làm lại bìa sách. Thú thực là tôi vẫn thích mẫu bìa Văn Cao vẽ cho lần xuất bản đầu tiên, và vì thế, tôi đã cố giữ lại bằng cách thu nhỏ nó lại như để lưu giữ một tác phẩm nghệ thuật đặt giữa nền bìa mới phỏng theo mô-típ của ông. Tập thơ còn được bổ sung thêm một số tấm ảnh của hai tác giả, như để nhắc nhớ lại thời thanh xuân đã tràn ngập hồn thơ mê đắm của các anh.

2. Thơ Vũ giàu cảm xúc tinh tế, đấy là những rạo rực đầu đời - tình bạn, tình yêu, tình quân dân, tình quê hương... luôn đan xen một cách ý vị:

Chiều ấy các anh đi
Nắng nhạt vàng hoe gốc rạ
Gío xạc xào qua luỹ tre
Anh đứng nhìn theo sau cửa
Đất nước đánh thù đường trăm ngả
Các anh đi về đâu?

Em muốn nói trăm câu ngàn câu
Mà chỉ nghiêng đầu chào khe khẽ
Bóng các anh ngả dài theo vườn dâu
Mũ các anh rập rình trên bãi mía...
Và:
Ta đi giữ nước yêu thương lắm
Mỗi xóm thôn qua mỗi nghĩa tình.
(Gửi tới các anh)
Đặc biệt bài Vườn trong phố của Vũ thì được nhiều bạn lính của tôi chép vào sổ tay và thuộc nằm lòng:
Trong thành phố có một vườn cây mát
Trong triệu người có em của ta
...
Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi
Cái thời bom đạn ầm ào, nóng bỏng mà có được một không gian dịu mát như vậy trong thơ thật là hiếm hoi. Đấy là sự non tươi trong thơ chống Mỹ. Sự non tươi gây ấn tượng thật mạnh mẽ. Sự non tươi không bị lãng mạn hoá, mà là sự non tươi chân thành nhất của tâm hồn người lính trẻ đầy mơ mộng. Nhiều câu thơ của Vũ thuở ấy còn non tươi đến tận bây giờ:
Dãy bàng lên búp nhỏ
Xanh như là thương nhau
(Chưa bao giờ)
Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa
(Vườn trong phố)
Phút đưa nhau ta chỉ nắm tay mình
Điều chưa nói thì bàn tay đã nói
Mình đi rồi hơi ấm còn ở lại
Còn bồi hồi trong những ngón tay ta
(Hơi ấm bàn tay)
Những hình ảnh so sánh ví von thời ấy kiểu “Xanh như là thương nhau”, “Em như cầu vồng bảy sắc...” là rất mới lạ. Nó làm cho thơ Vũ rực rỡ màu sắc, cái sắc màu mà chỉ có con mắt của người thi sĩ trẻ tuổi mới nhìn thấy được. Và cái “hơi ấm bàn tay” nữa, nó khiến cho những người yêu nhau cảm nhận được những khao khát lớn lao trong cuộc chiến đấu sống còn một thuở: “Bàn tay ta trên ngực lớn cuộc đời’. Thời đó, chúng tôi cứ tò mò xem người có tên là Uyên được Vũ đề tặng bài thơ ấy là ai. Mãi sau này mới biết đấy là Tố Uyên, cô bé đóng vai chính trong phim Chim vành khuyên nổi tiếng - lại chính là người yêu, người vợ đầu tiên của Vũ.

Thế đủ biết thơ Lưu Quang Vũ khởi ra từ niềm đam mê chân thật, kể cả khi anh nói lớn về lý tưởng, về cuộc chiến đấu: “Từng viên đạn lắp vào nòng pháo - Bồi hồi nghe hương lá bưởi lá chanh”, ta vẫn đọc thấy sự bồi hồi xao động của một tâm hồn còn non trẻ trước cuộc đời vô cùng rộng lớn.

Thơ ấy là thơ rung lên từ cảm xúc hồn nhiên, như Hương Cây toả ra cùng trời đất. “Hữu xạ tự nhiên hương”.


3. Khác với Lưu Quang Vũ, Bằng Việt lại mang tới một giọng thơ giàu suy tư, ngẫm ngợi - giọng thơ của người trí thức mới, nghĩa là anh mang tới cho thơ ta thời ấy một tầng văn hoá đương đại được vun đắp bởi trí thức mở rộng ra thế giới. Bằng Việt biết nghe nhạc giao hưởng Bê-tô-ven và nhận ra giá trị mới mẻ của nó trong cuộc kháng chiến chống lại cái chết của dân tộc Việt ngày nay qua bản Giao hưởng số 5, còn gọi là Tiếng đập cửa số phận:
Nghĩ chi em, bốn tiếng sấm bão bùng
Bốn tiếng đập dập vùi số phận
Bốn cái tát trong cuộc đời gián gậm
Bốn thanh âm dựng đứng tâm hồn lên!
...
Đừng ngồi yên trong cuộc sống bình yên
Khi bốn tiếng vang tàn khốc còn nguyên
Bê-tô-ven và âm vang hai thế kỷ)
Cũng viết về những lớp học trong lòng đất, nhưng Bằng Việt không miêu tả “bom đạn trên đầu, sự sống giữa đất sâu” mà anh mở một góc nhìn về phía tri thức mới của thế hệ đang chuẩn bị cho tương lai:
Cô-péc-níc và Niu-tơn đã cùng các em xuống đấy
Ơ-cơ-lit và Pi-ta-go đã cùng các em xuống đấy
Bên bãi tha ma ngọn đèn dầu rực cháy
Bên bãi tha ma đang bắt đầu tương lai.
(Học trò Hà Tĩnh)
Ta gặp trong thơ anh những “động thái khoa học” trong cuộc chiến tranh mà chúng ta phải vượt qua cái rập rình trong những quả bom nổ chậm:
A-xit đặc khoét vào hạt nổ
Chỗ chưa ai qua là chỗ có anh qua
Cái chết nằm im cho anh thao gỡ
(Người giữ tuyến đường xuân)
Và những liên tưởng về màu sắc thật lạ lùng, gây nên ấn tượng chấn động lòng người trong hy sinh mất mát:
Màu xanh, màu trắng, màu đen
Tất cả bỗng tan ra
Thành có một màu thôi: máu đỏ!
(Màu và tiếng)
Với cách nhìn lấp lánh trí tuệ, Bằng Việt đã mở rộng bien độ rung cảm của mình để hoà nhập cùng thế giới. Từ “Thư gửi một người bạn xa đất nươc”, anh cất “Lời chào từ Việt Nam 1966” (Gửi một bạn châu Phi) chia sẻ nỗi lòng của những người cùng đứng lên giải phóng xích xiềng đế quốc:
Hỡi mây trời, sứ giả bay về đâu
Đang trong bước vui, lại chùng bước nhớ...
...
Đêm trong ngần đối diện với lòng tôi
Ngỡ như xưa mà đã khác xưa rồi
Hoặc anh nhắc tới những “Kỷ niệm về Chê Ghê-va-ra” (gửi một bạn Cuba), người anh hùng du kích luôn “muốn nơi nào cũng có Việt Nam” như một đồng điệu “không ngừng thổi gió lên” trong tinh thần bất khuất chống lại kẻ thù xâm lược. Thơ Bằng Việt nhờ thế mà đã tạo ra được hướng mở cho “thơ chống Mỹ” ngay từ thời đầu cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của chúng ta.

Nhưng thơ Bằng Việt không chỉ được viết bằng trí tuệ, mà anh còn để lại nhiều ấn tượng ngạc nhiên bất ngờ trước những rung cảm độc đáo và mới mẻ. Tôi cứ nhớ mãi câu thơ thuở ấy của anh:
Gáy sách cũ xếp chồng như kỷ niệm
Những gác xép bộn bề hy vọng
Mỗi ngõ nhỏ dấu một lời tâm sự
Tôi trở lại những lối mòn tình tự

Cánh bướm màu hạnh phúc cứ bay đôi
- Ôi rất lâu rất lâu
Tôi mới lại đi một ngày thong thả
Thành phố như tim tôi yên ả
Sau rất nhiều gian lao
(Trở lại trái tim mình)
- Mưa trên áo khiến động lòng thuở nhỏ
Mười mấy năm, mưa lũ ngỡ quên rồi
(Mừng em tròn 16 tuổi)
- Cò vỗ cánh bay vào ráng đỏ
Chiều có gì đâu cũng lạ lùng
(Giữa thác người dâng)
- Những cánh hoa bìm gợi nhớ rất xa
(Từ giã tuổi thơ)
Và đặc biệt là bốn câu thơ da diết một tình yêu xen lẫn tự hào về Thủ đô- trái tim của Tổ quốc, thấm đẫm sắc màu huyền thoại:
Sông Hồng ơi! Dông bão chẳng phai màu
Rùa thần thoại vẫn nhô lưng đội tháp
Chùa Một Cột đổ lên đầu giặc Pháp
Lại nở xoè trọn vẹn đoá hoa sen
Với cái nhìn thi sĩ được chiếu rọi qua lăng kính văn hoá, Bằng Việt đã mang đến cho “thơ thời chống Mỹ” một dung lượng suy tưởng mới. Nó vượt lên những cảm xúc đơn điệu, sáo mòn của loại thơ chỉ thiên tình cảm, vì thế mà đánh thức cả một thế hệ làm thơ hướng tới những sáng tạo trong chiều sâu của tri thức và tư tưởng hiện đại.

4. Sau 35 năm, đọc lại Hương câyBếp lửa, dù ít nhiều bài thơ trong tập đã rơi rụng theo thời gian, nhưng những gì còn lại vẫn tươi non cái cảm xúc ban đầu trong tôi. Và không chỉ thế hệ tôi, cả những thế hệ sau vẫn còn tìm thấy ở tập thơ này sự đồng điệu và chia sẻ. Tôi đã chứng kiến một lần trong quán bia Vạn Lộc, một cô bé nhân viên đã xúc động đọc thuộc lòng bài thơ Bếp lửa khi biết khách bia chính là Bằng Việt.
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?..
Được bạn đọc thế hệ sau thuộc thơ mình, đấy chính là hạnh phúc lớn của nhà thơ. Lưu Quang Vũ và Bằng Việt chính là hai nhà thơ như thế.


Hà Nội, 9-2004
Nguyễn Trọng Tạo

Nguồn: Thơ Lưu Quang Vũ và Bằng Việt, NXB Văn học, 1968 (tái bản 2005)
Ảnh đại diện

Con sông huyền thoại (Nguyễn Trọng Tạo): Huyền thoại sông - Huyền thoại bóng

Huyền thoại là một giải pháp thẩm mỹ khi con người chưa đủ sức mạnh tri thức nhằm giải thích những hiện tượng tự nhiên, nhưng khi con người đã nắm được tri thức khoa học thì huyền thoại lại là một giải pháp tối ưu để nhận thức khám phá cuộc sống, làm giàu cảm thụ và mở rộng liên suy tưởng của mình. Trong nghệ thuật ngôn từ, trường hợp thứ nhất thuộc về phương pháp sáng tác huyền thoại - dân gian, trường hợp thứ hai thuộc về phương pháp sáng tác huyền thoại - hiện đại.

Bài thơ Con sông huyền thoại của Nguyễn Trọng Tạo là một “siêu văn bản” của tư duy huyền thoại - hiện đại. Tác giả đã tích hợp các hình ảnh, động thái liên tưởng theo kiểu đồng nhất hoá thần thoại (identification mysthique) cũng do mình tưởng tượng ra để tôn vinh một con sông mang tên huyền thoại. Đây là kiểu tư duy độc đáo, tạo thành hình tượng thơ mới lạ ngỡ như siêu thực nhưng lại tiềm ẩn những giá trị thẩm mỹ hiện thực, nghĩa là người đọc có thể hình dung về một con sông có thật nào đó, và cũng có thể nó chỉ là một con sông mơ hồ tuyệt đẹp như cổ tích trong tâm tưởng của riêng mình.

Con sông mình hạc xương mai
Vàng son in bóng đền đài hoa khôi
Đến đây tôi gửi bóng tôi
Vớt lên thì vỡ tan rồi lại nguyên
Đấy hẳn là một con sông thiếu nữ đài các. Những hình ảnh “mình hạc xương mai” và “vàng son in bóng” gợi lên cảm giác mảnh mai mà lộng lẫy, dịu dàng mà rực rỡ, quí phái vô cùng. Con sông nữ tính này dường như tượng trưng cho cái Đẹp, và người đến gửi bóng chính là nhân vật trữ tình lấy cái Đẹp làm đối tượng để gửi gắm lòng mình. Cái hay của câu thơ ở đây là hình tượng cái bóng gửi vào sông đã hoá thành hữu thể, có thể vỡ tan rồi lại lành nguyên, như tình yêu không bao giờ tan biến mất. Chính ảo giác và ảo ảnh đã làm cho đoạn thơ trở nên lung linh, huyền diệu và giàu sức quyến rũ lạ thường.

Khi cái bóng gửi vào sông đã nguyên lành trở lại, tác giả đưa liên tưởng trở về với hiện thực, và ngay cả hiện thực cũng đồng hiện trong liên tưởng đa chiều, khiến cho đoạn thơ tiếp theo bỗng trở nên sinh động hẳn lên:
Con sông mướt cỏ tóc tiên
Những đêm kỹ nữ bỏ quên nguyệt cầm
Vầng trăng loã thể ướt đầm
Sẩy chân thi sĩ vớt nhầm mỹ nhân
Có một chút gì thật liêu trai trong những câu thơ nửa thực nửa ảo ấy. Từ ngữ ở đây hàm chứa những nghĩa kép liên tưởng đồng hiện: “cỏ tóc tiên” là cỏ hay là tiên? “bỏ quên nguyệt cầm” là bỏ quên đàn hay là bỏ quên trăng? “Vầng trăng loã thể” hay là sông loã thể, hay là mỹ nhân...? Rõ ràng đây là một dòng sông của tài tử và giai nhân có đàn ca xướng hoạ trong đêm trăng tuyệt đẹp. Hai chữ “vớt nhầm” xuất hiện khá bất ngờ và đắc địa khiến câu thơ trở nên thi vị khác thường. Lối kiến trúc thơ theo kiểu tư duy ảo này đã làm cho không gian và thời gian nghệ thuật vừa kỳ ảo lại vừa thăng hoa, gieo vào lòng người những cảm xúc nên thơ và thánh thiện.

Đến đây, liên tưởng của thi sĩ còn đi xa hơn nữa. Nguyễn Trọng Tạo như muốn ngược về quá khứ mờ xa của lịch sử để dệt nên một huyền thoại chưa ai từng biết tới:
Con sông đám cưới Huyền Trân
Bỏ quên giải lụa phù vân trên nguồn
Đồng hiện chi tiết lịch sử có thật là đám cưới của công chúa Huyền Trân (với vua Chiêm là Chế Mân) để đổi lấy 2 châu Ô, Lý cho nước Việt (1306), có liên quan đến “con sông huyền thoại”, gợi ta nhớ đến con sông Hương thơ mộng trong thực tại. Phải chăng “giải lụa phù vân” mà Huyền Trân bỏ quên đã hoá thành dòng sông hay chính dòng sông đẹp như giải lụa phù vân ấy? Câu thơ huyền thoại hoá lịch sử này đã tạo nên một nhận thức mới về Huyền Trân. Có bi kịch nào giữa Huyền Trân và số phận lịch sử của nàng không? Câu trả lời dành cho người đọc, còn thi sĩ ở đây chỉ giúp ta nói lên cái nỗi buồn như định mệnh mà cao cả và thiêng liêng của một bậc “quyền quí trâm anh”, biết nén tình riêng vì đại cuộc, vì chính nghĩa. Vì thế mà hai câu thơ tiếp theo là một tiếng than thầm, một lời đồng vọng, đồng cảm đến day dứt của tác giả:
Hèn chi thơm thảo nỗi buồn
Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ
Đến đây, người đọc có thể khẳng định được “con sông huyền thoại” chính là con sông nào rồi. Một con sông lưu hương nỗi buồn thiên cổ cùng với hoàng hôn màu tím riêng biệt, hiếm con sông nào có được. Đấy chính là con sông Hương của xứ Huế mộng mơ.

Dùng ảo để gợi thực, dùng xưa để đánh thức nay, quả là bài thơ đã hướng tới vẻ đẹp nhân văn bằng lối đi của sương khói vô thường. Nhưng Nguyễn Trọng Tạo không dừng lại ở đấy, anh muốn đẩy cái Đẹp tới đỉnh điểm tuyệt đối:
Con sông nửa thực nửa mơ
Nửa mong Lý Bạch nửa chờ Khuất Nguyên...
Hai câu kết bài thơ bỗng mở ra một liên tưởng xa vời, gợi ta nhớ đến hai con sông Tương Giang và Mịch La nơi hai bậc kỳ tài là Lý Bạch và Khuất Nguyên đã gửi thân vào miền miên viễn. Khuất Nguyên nhảy xuống sông tự tử, Lý Bạch nhảy xuống sông ôm trăng mà chết. Hai cái chết cũng “nửa thực nửa mơ” như huyền thoại vậy. Nhưng tại sao Lý Bạch và Khuất Nguyên lại xuất hiện bất ngờ ở cuối bài thơ? Và con sông mong chờ hay nhân vật trữ tình trong bài thơ mong chờ? Cả hai! Người ta sống vì cái Đẹp, nhưng cũng có thể chết vì cái Đẹp. Đấy mới chính là thông điệp mà nhà thơ muốn gửi tới người đọc - thông điệp về vẻ Đẹp tuyệt đối của Con sông huyền thoại. Và vẻ Đẹp ấy lại được chuyển tải bằng điệu thơ lục bát vô cùng điêu luyện, hữu duyên, hàm súc và thăng hoa của Nguyễn Trọng Tạo, nên càng đọc càng có cảm giác là ta đang hoà nhập vào thế giới huyền thoại sông, huyền thoại bóng ảo diệu của riêng anh.


Huế, 28.12.2002
Hồ Thế Hà
Ảnh đại diện

Ru trắng (Nguyễn Trọng Tạo): Lời bình của Anh Thái

Anh Thái Canada:
Tôi đọc nhiều thơ anh Nguyễn Trọng Tạo từ hồi còn ở trong nước, thấy thơ anh luôn chứa chất nỗi buồn đa cảm và nhân hậu, ví dụ trong bài Xonnê buồn anh đã viết: "buồn ơi buồn có thương tôi/ đừng làm tôi phải mồ côi nỗi buồn". Hôm nay đọc được bài thơ mới của anh tôi thấy anh Tạo vẫn còn dồi dào nỗi buồn người cùng nỗi buồn nhân thế. Tôi không rõ đây có phải là bài thơ tặng riêng một Em nào đó không, nhưng tôi đọc cũng thấy cả một nỗi buồn mơn man chua chát xâm chiếm hồn tôi. Tôi nhớ quê hương nên cũng thấy nỗi buồn đó chính là nỗi buồn quê hương xứ sở. Có thể là do tâm trạng lúc đọc bài thơ này mình cũng đang buồn nhớ da diết về mẹ và những người bạn ngày xưa. Nhà thơ thông cảm cho tôi nếu có gì không vừa ý.

Ảnh đại diện

Ru trắng (Nguyễn Trọng Tạo): Lời bình của Minh Thuỳ

Ngày tháng mỏi buồn
Đường xa mỏi nhớ
Những trắng đêm mỏi thăng trầm bồi lở
Mỏi mặt người mặt giấy
Mỏi hoa nở hoa tàn
Mỏi cay đắng hân hoan…

Ru căn phòng ảo mờ khung tường trắng
Ru nghĩa trang trắng phớ vết thư xưa
Trước mặt sau lưng chập chờn ảo mộng
Đêm tan vào hoang vắng tiếng ru mưa…

Đọc những câu thơ này sao mà thấy buồn lây, buồn như sắp tan ra cùng với bóng đêm đang tàn dần, tàn dần... Thì ra tôi đã hiểu ru trắng còn có nghĩa là ru trắng một đêm buồn. Cám ơn nhà thơ rất nhiều.

Trang trong tổng số 2 trang (13 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: