Trang trong tổng số 6 trang (54 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

“Vì tôi không thể ngưng chờ thần chết...” (Emily Dickinson): Bản dịch của Vũ Hoàng Linh

Bởi ta không thể dừng chờ Thần Chết,
Nên người dừng đợi ta;
Chiếc xe ngựa chỉ chở hai ta
Và Bất Tử.

Chúng ta đi chậm, người không vội vã,
Và ta cũng bỏ qua
Cả công việc với nghỉ ngơi,
Để đáp lại lịch thiệp của người.

Chúng ta đi qua trường học, nơi lũ trẻ đua tranh
Trong giờ nghỉ và ngoài sân chơi;
Đi qua những cánh đồng ngút ngàn lúa chín,
Đi qua hoàng hôn đang vội đến.

Hay có lẽ, là người đi qua ta;
Những giọt sương rẩy run, lạnh ngắt,
Nhỏ trên y phục ta mỏng manh,
Và khăn choàng vải voan.

Chúng ta dừng trước một ngôi nhà
Mọc như thể vết sưng mặt đất;
Mái nhà hầu như biến mất,
Còn gờ đua là gò bụi đất.

Kể từ đó nhiều thế kỷ trôi đi,
Nhưng chúng đều ngắn hơn ngày hôm đó
Khi lần đầu ta ngờ những đầu ngựa
Đang hướng đến vĩnh hằng.

Ảnh đại diện

Sonnet 073 (Trong tim anh chỉ mùa đông em thấy) (William Shakespeare): Bản dịch của Vũ Hoàng Linh

Người hãy ngắm trong tôi mùa đến
Khi lá vàng lặng lẽ trút rời cành
Gió lạnh về run rẩy những cành cây
Những chú chim cuối mùa ngân tiếng hát

Ở trong tôi, người hãy ngắm mỗi hoàng hôn
Khi mặt trời phương Tây chìm khuất
Đêm đen đến lấy những gì đi mất
Như cái chết, niêm phong trên mọi vật

Ở trong tôi, người hãy nhìn lửa cháy
Trong tro tàn tuổi trẻ nghỉ ngơi
Như giường chết khi sự sống lìa đời
Nuốt tất cả những gì từng tồn tại

Điều người thấy làm tình yêu thêm mạnh mẽ
Để thật yêu thương trước khi mãi xa lìa

Ảnh đại diện

Người kiều nữ xa xưa... (József Attila): Bản dịch của Tế Hanh

Nhớ sao người đẹp ngày xưa
Bao nhiêu quyến rũ, tiên vừa hiện ra
Cùng tôi dạo giữa đồng hoa
Nàng vui nhí nhảnh nhưng mà nghiêm trang
Nàng nhìn tôi thấy xốn xang
Tình yêu đâu phải mơ màng của tôi

Chỉ mong gặp lại nàng thôi
Nàng đi trong nắng hay ngồi dưới cây
Nàng cầm quyển sách trên tay
Mùa thu, những cụm lá dày xôn xao
Nàng đứng lên, gió thì thào
Nàng như trong giấc chiêm bao bước đều

Con đường hoa lá thân yêu
Nàng đi cây cũng nhìn theo gửi lời
Như con nhớ mẹ chết rồi
Tôi mong gặp lại con người xa xăm
Vừa xa nhưng lại rất gần
Nàng như tan biến trong vầng nắng lên


1936 (Theo Gullevich)
Tựa đề được dịch là: Người đẹp ngày xưa

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bài ca dân tộc (Petőfi Sándor): Bản dịch của Nguyễn Xuân Sanh

Người Hung, đứng ngay dậy
Tổ quốc gọi ta đây
Nô lệ hay tự do
Phải chọn ngay số phận

Với trời cao dân Hung
Ta thề! Từ nay đó
Chẳng chịu làm nô lệ
Thề: mãi chẳng chịu làm!

Đến nay ta nô lệ
Tổ tiên bị rủa nguyền
Họ tự do khi chết
Đất nô lệ đâu thể nằm yên?

Với trời cao dân Hung
Ta thề! Từ nay đó
Chẳng chịu làm nô lệ
Thề: mãi chẳng chịu làm!

Khốn thay không ai dám
Hy sinh khi cần đến
Khốn ai coi đười riêng thô bỉ
Quý hơn danh dự của quê hương

Với trời cao dân Hung
Ta thề! Từ nay đó
Chẳng chịu làm nô lệ
Thề: mãi chẳng chịu làm!

Tên người Hung sẽ đầy quang vinh
Với ngày xưa anh rất trung thành
Ta sẽ xoá cho xong cái nhục
Mang từ bao thế kỷ tối đen

Với trời cao dân Hung
Ta thề! Từ nay đó
Chẳng chịu làm nô lệ
Thề: mãi chẳng chịu làm!

Con cháu, bên mồ ta
Sau đây sẽ đến quỳ
Trong lời chúng cầu nguyện
Có tên thiêng người xưa

Với trời cao dân Hung
Ta thề! Từ nay đó
Chẳng chịu làm nô lệ
Thề: mãi chẳng chịu làm!


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bài số 56: Ngày của trận đánh (Alfred Edward Housman): Bản dịch của Hoàng Tâm

“Tôi nghe thấy tiếng kèn trận từ xa
Gọi từ nơi tôi không muốn đến
Và tiếng súng bắt đầu bài hát:
“Hỡi người lính, xông lên hay nằm lại”.”

“Là chiến hữu, nếu anh trở lại
và xông lên, người lính có chết đâu
Tôi muốn xông lên, dù người không muốn?
Thú vị chi khi bắn giết nhau”

“Nhưng từ khi là người chạy trốn
Cuộc sống chết dần trong những ngày trôi
Và tang lễ cho những người hèn nhát,
họ đến thăm, không giọt nước mắt rơi”

“Bởi vậy trước khi có thể thành người xấu
Hãy đứng lên, làm chàng trai tốt nhất trong tôi
Đứng lên, chiến đấu và nhìn cách giết người
Rồi chấp nhận viên đạn nằm đầu anh trăng trối”


Dự án dịch thơ của Thi viện
Ảnh đại diện

Gửi... (Percy Bysshe Shelley): Bản dịch của Liễu Nga Đoan

Là âm nhạc, là những gì tồn đọng
Trong tâm tư khi âm điệu tắt rồi
Là mùi hương của loài hoa tím dại
Thoảng một mùi và mãi mãi trong tôi

Hồng cũng thế, dầu hoa hồng úa héo
Vẫn còn đây ấp ủ quanh người
Em nào khác, dẫu bước chân ngàn dặm
Tình yêu đầu vẫn day dứt khôn nguôi


(hongha83 gửi)
Ảnh đại diện

Tống biệt (Tản Đà): Có lẽ là một bước

Hồi mình học cũng là một bước! Mà bài này mình học không biết bao lần rồi! Lại là bài mình thích nữa, thế thì sửa thành một bước nhé! :D

Ảnh đại diện

Bóng (Hoàng Vũ Thuật): Lời bình bài thơ “Bóng”

Nhan đề bài thơ Bóng đã là một sự gợi mở. Đây là bóng đa, bóng trúc sau hè hay bóng ai? Hoá ra là bóng của con người; bóng của chính mình, bóng của người khác?

Bài thơ có 5 khổ, được đánh số thứ tự. Người đọc có cảm giác như 5 bài thơ kiểu hai-ku của Nhật Bản được xếp gần nhau vì cùng chủ đề; hoặc như 5 đơn vị ngắn nhất của ca dao. Đó cũng là sự cách tân về mặt hình thức. Nhưng điều quan trọng hơn là nội dung mà nó chứa đựng. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cũng đã có tập Hoài nghi và tin cậy (Nxb Hội Nhà văn – 2004) với 309 bài, không đầu bài, chỉ có số thứ tự, mỗi bài chỉ từ một đến bốn câu. Với hình thức như thế, bài thơ đã chứa đựng cô đọng nhất những ý tưởng của Hoàng Vũ Thuật. Nhan đề bài thơ Bóng đã là một sự gợi mở. Đây là bóng đa, bóng trúc sau hè hay bóng ai? Hoá ra là bóng của con người; bóng của chính mình, bóng của người khác. Hình tượng nghệ thuật này là một ẩn dụ, nó như một điểm sáng thẩm mỹ cứ láy đi láy lại ở 5 khổ thơ. Đó cũng là những lời độc thoại nội tâm của chính tác giả, nhằm đánh thức tiềm lực suy ngẫm nơi bạn đọc.

Ở khổ một “Hãy để bóng đi theo người thực/ Con người này chỉ có bóng này thôi” là một lời nhận xét mang tính khái quát. Mỗi người đều có một cái bóng của chính mình, phản ánh đúng bản chất của mình. Người ngay trực thì bóng thẳng thắn, kẻ xu nịnh thì bóng khom lưng, người nấp vào ô dù của kẻ khác thì đâu còn bóng của mình nữa… Câu thơ giản dị là thế mà chứa đựng cả một phán xét như chân lý cuộc đời. Bốn khổ còn lại nhằm triển khai bốn ý cụ thể về tình yêu, về sự giận dỗi và nỗi đau, về sự sống và cái chết.

Hai câu thơ tiếp, tác giả ngợi ca một tình yêu đẹp: “Khi hai người yêu nhau/ Họ chỉ còn một bóng”. Có thể xem câu thơ này như một “thần cú”, diễn đạt một điều đơn giản mà ít người nhận ra. Yêu nhau đến độ hoà quyện vào nhau chỉ còn “một bóng” là biểu tượng của một tình yêu nồng nàn và dâng hiến, si mê và đắm đuối, vừa tỉnh lại vừa say, hiện thực là lãng mạn… ở đây, những người đang yêu nhau nồng nàn sẽ tìm được “một nửa” của chính mình. Và đến khi “giận dỗi”, dù trong tình yêu hay trong thế sự, con người lại có sự phân thân, để “bóng vỡ làm đôi”, và nói như Xuân Diệu “anh đi đường anh, tôi đường tôi/ tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Bóng của người nào lại đi theo bóng người ấy. Song cũng có khi trong một con người, hai mặt đối lập như tốt và xấu, đen và trắng, thiện và ác, yêu và ghét, thất vọng và hy vọng… luôn tồn tại bên nhau. Bấy giờ cái bóng vô hình kia của mình cũng bị “vỡ làm đôi” như vầng trăng bị “xẻ làm hai” vậy. Vì thế, anh mới có lời khuyên: “Đừng giận dỗi…”.

Triết lý sống càng được nâng cao với một liên tưởng mới “Nỗi đau buồn của người này/ Là cái bóng của người kia”. Câu thơ tưởng như vô lý nhưng lại rất hữu lý. Nỗi buồn hay niềm vui của một con người có thể lan truyền, tác động tới người khác. Có khi vì cái “bóng” của người kia mà ta buồn. Lại có khi chính sự đau buồn của ta làm nên cái “bóng” của người kia. Câu thơ là một ý tưởng siêu thực bay giữa cõi vi vô, bởi một hình tượng nghệ thuật đa nghĩa.

Năm khổ thơ như ứng với ngũ hành: Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Hoặc như triết lý sống của nhà Phật về cuộc đời của mỗi con người phải trải qua vòng: Sinh, trưởng, lão, bệnh, tử. Cặp câu thứ năm, kết thúc bài thơ, nói về sự già đi và cái chết của con người như một định mệnh, không ai chống lại được: “Tuổi già bóng mãi trẻ/ Người chết bóng sẽ là cánh chim”. Tại sao “tuổi già” mà “bóng mãi trẻ”? Bởi bóng chỉ là ảo ảnh thôi, đâu có tuổi tác, mắt tai, râu tóc cụ thể như con người. Khi mặt trời lặn, trăng khuất, đèn tắt thì bóng cũng chẳng còn. Nhưng đẹp làm sao khi “Người chết bóng sẽ là cánh chim”! Cánh chim bay lên thiên đàng, về chốn vĩnh hằng. Vậy, chỉ có những người sống tốt, sống đẹp với những điều thiện thì khi chết hồn mới được “thăng hoa” về cõi Niết Bàn. Nếu kẻ ấy sống ác với những điều xấu xa, đê tiện thì cả xác lẫn bóng phải đoạ xuống địa ngục. Câu thơ gợi được nhiều tầng liên tưởng.

Bài thơ giản dị mà đằm thắm, sâu lắng với những triết lý về lẽ sống còn của con người. Mỗi câu cô đúc một khía cạnh của chân lý đời sống. Tôi có cảm giác như bài thơ phảng phất một chất Thiền. Sự thành công của Hoàng Vũ Thuật ở kiểu thơ này chính là ở đôi mắt thơ với một góc nhìn nghiêng để triển khai tứ thơ theo chiều nghịch. Những bài thơ như thế ta cứ nhâm nhi sẽ tìm ra bao điều thú vị về nhân tình thế thái.

Ảnh đại diện

Vĩnh biệt em (Lord Byron): Bản dịch của Đào Xuân Quý

Xin chia tay và nếu là mãi mãi
Lại một lần xin mãi mãi chia tay
Mặc dù em không tha thứ bao giờ
Tim anh vẫn không vì em giận dỗi

Làm sao trải lòng anh cho em rõ
Nơi xưa kia em thường vẫn kề đầu
Giấc mộng yên lành thuở ấy còn đâu
Và em sẽ không bao giờ có nữa

Làm sao được dưới mắt em bày tỏ
Những nỗi niềm sâu kín của lòng anh
Chắc rồi đây em sẽ thấy bất công
Đã đối với anh phũ phàng đến thế

Dù thiên hạ có khen em đi nữa
Dù họ cười hưởng ứng chuyện vừa qua
Lời khen kia chắc em sẽ đuổi xua
Bởi nó dựa trên đau buồn kẻ khác

Dù tội lỗi của anh nhiều đến nỗi
Cần phải cho anh một nhát rõ sâu
Thì không tìm tay nào khác được sao
Mà dùng tay đã ôm anh thế nhỉ?

Chớ, chớ, em ơi, chớ tự dối mình
Tình yêu có thể tan dần từng lúc
Nhưng xin em chớ tin rằng đột ngột
Có sức nào xé được trái tim ta

Trái tim em vẫn còn nguyên sự sống
Và tim anh vẫn đập, dẫu thương đau
Nhưng ý nghĩ trọn đời day dứt mãi
Là chúng mình mãi mãi phải xa nhau

Đây những lời của sầu muộn gắt gao
Còn hơn cả tiếng khóc than người chết
Ta sẽ sống nhưng mỗi ngày ta thức
Trên chiếc giường của goá bụa cô đơn

Khi em muốn kiếm một lời an ủi
khi con ta bập bẹ những âm đầu
Em có dạy con tập nói "Cha ơi"
Dù anh chẳng được về chawmsocs nó

Khi bàn tay bé bỏng đến ôm em
Khi môi cin tìm hôn em tha thiết
Hãy nhớ kẻ luôn cầu em hạnh phúc
Kẻ tình em sẽ đem lại phúc lành

Những nét mặt của con ta sẽ giống
Những nét mà em không thấy nữa bao giờ
và tim em sẽ nhẹ nhàng rung động
Cùng nhịp tim dành đập cho anh đây

Bao tội lỗi cuả anh, em đã rõ
Và những điều dại dọt mấy ai hay
Những hi vọng của anh đều bị tàn phai
Khi gặp em mà vẫn theo em mãi

Mọi tình cảm của anh đều lay chuyển
Lòng tự hào chưa từng chịu luỵ ai
Phải luỵ em - Khi bị em ruồng rẫy
Chính hồn anh cũng ruồng rẫy anh rồi

Thế là hết bao nhiêu lời cũng uổng
Lời cuả anh lại càng bất lực hơn
Nhưng ý nghĩ vẫn theo đường của chúng
Không để ta cầm giữ lấy dây cương

Xin chia tay! Và thế là tan vỡ!
Phải rời xa hết mọi kẻ thân yêu
Trái tim anh héo hắt lẻ loi
Tệ hơn nữa: anh còn chưa được chết


Bản dịch này thiếu đoạn thơ trích trong Christabel của Samuel Coleridge
Ảnh đại diện

Nhạc Dương lâu ký (Phạm Trọng Yêm): Bản dịch của Bùi Kỷ

Mùa xuân, năm thứ tư niên hiệu Khánh Lịch, ông Đằng Tử Kinh phải trích ra làm thái thú quận Ba Lăng. Đến năm sau, chính sự thông đạt, lòng người vui vẻ, phàm việc gì từ trước phế thì đều sửa lại cả. Bèn sửa sang lại lầu Nhạc Dương, khắc những thơ phú của các nhà hiền sĩ từ đời Đường đến đời nay ở trên lầu, cậy ta làm bài ký.

Ta ngắm xem: Cảnh đẹp nhất của Ba Lăng là hồ Động Đình, ngậm bóng núi, nuốt nước sông, mông mênh man mác, không biết đâu là bờ; ánh sáng buổi sớm, bóng râm ban chiều, khí tượng muôn nghìn thay đổi, đấy thật là cái đại quan của lầu Nhạc Dương, mà người xưa đã trước thuật nhiều rồi. Song Động Đình mặt bắt thông đến núi Vu Giáp, mặt nam thông đến suối Tiêu Tương, là những chỗ hay tụ hội của những người trích giáng, và những bọn tao ngâm; không biết đối với phong cảnh chốn này, nỗi cảm xúc của những bậc người ấy có khác nhau hay không?

Khi mưa dầm gió bấc, trăng sao mù mịt, sông núi lờ mờ, thuyền buôn đóng bến, lái gãy mui lật, chiều hôm tối đen, hổ gào vượn hét, ai lên lầu này, xa nước nhớ làng, lo sợ sàm báng, mà lại trong thấy cảnh tiêu điều ở trước mắt, tất phải cảm mà thương khóc vậy.

Khi mùa xuân êm ái, sóng gió im lặng, chân trời mặt nước xanh biếc một màu, đàn sa âu lặn lội tự do, cỏ quanh bờ xanh tươi mơn mởn. Hay là khi một trời khói trắng, muôn dặm trăng trong, sáng nổi lớp vàng, bóng chìm hạt ngọc, tiếng hát của bọn thuyền chài xướng hoạ theo chiều gió, ai lên lầu này, tâm khoáng thần di, quên cả vinh nhục, uống rượu hóng gió mát, vui biết là chừng nào!

Than ôi! Đến như ta, sao ta muốn tìm xem lòng của các bậc nhân nhân đời xưa, lại thấy khác hẳn với sự buồn và sự vui vừa nói ở trên này: không vì cảnh vật mà mừng, cũng không vì thân thế của mình mà buồn, ở chỗ cao như trên lang miếu thì lo dân, ở chỗ xa như ngoài giang hồ thì lo vua, thế là iến cũng phải lo mà thoái cũng phải lo vậy. Song thế thì lúc nào được vui? Tất phải trả lời rằng: “Khi lo là lo trước cái lo của thiên hạ, khi vui là vui sau cái vui của thiên hạ.” Than ôi! Nếu không phải được người như thế, thì ta cùng với ai?


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 6 trang (54 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: