Trang trong tổng số 4 trang (39 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Gánh xiếc (Huy Cận): ... Hiểu thêm về xuất xứ của một câu thơ...

... Có người đã nhận xét : cái khó đối với một người vẽ chân dung là biết nhận ra một chân dung đẹp đã đạt được (chân dung đẹp theo nghĩa nghệ thuật, chứ không phải người mẫu đẹp); nhận ra rồi thì dừng lại đó, đừng thêm bớt nữa, đừng “vờn” nữa. Dừng lại đúng lúc.

Làm nhà thơ làm thơ và chữa thơ cũng vậy. Phải biết lúc nào câu thơ đẹp đã hiện ra thì chụp lấy nó. Và tất nhiên là phải sành sỏi trong nghề mới biết vật lộn với bản thảo, mới biết xóa và biết thêm, mới biết thay và biết giữ lại. Không nhất thiết là cứ chữa thật nhiều mới là hay! Có khi chữa nát trang giấy ra chỉ tổ làm nát bài thơ, làm rách nát tứ thơ. Tất nhiên là cũng có khi do một sự tình cờ mà được một câu thơ hay. Có lần tôi đã “gặp may” như vậy.

Bài thơ Gánh xiếc của tôi có mấy câu, lúc đầu tôi viết:

Gái lệ kiều đi với ngựa voi
Về nhà đứa bé vẫn đùa chơi
Nhưng lòng trẻ đã theo đoàn xiếc
Xếp với màn to của rạp dời.

Dời nghĩa là dời đi, rạp xiếc đã dời đi chỗ khác. Câu thơ cũng gợi cảm, cũng nói lên được cái ngơ ngẩn của chàng trai trước cái trôi nổi của gánh xiếc, của cuộc đời.

Nhưng đến lúc chữa mo rát (bản in thử) thì tôi thấy: “Xếp với màn to của rạp đời”. Tôi choáng ngợp vì thấy chữa rạp đời hay quá. Và tất nhiên là tôi để nguyên, không chữa nữa, không máy móc theo nguyên bản của tôi. Tôi thầm cám ơn người thợ in đã xếp chữ nhầm, hoặc giả đã ý thức chữa giùm tôi câu thơ! Nhưng công bằng mà nói, tôi cũng cảm ơn tôi đã biết nhận ra vàng mà chụp lấy nó; vì có lẽ cái ý rạp đời đã nằm trong luồng cảm xúc của cả bài thơ. Phải có tấm lòng bè bạn mới gặp được những người bạn tốt là như vậy.


Huy Cận, nguồn Văn Nghệ, số ra ngày 8-3-1986)
Ảnh đại diện

Đời phiêu lãng (Hàn Mặc Tử): Một góc nhìn khác về xuất xứ của bài thơ

... Người cậu, anh thứ hai mẹ tôi bỏ nhà đi theo hoạt động Cách Mạng do Đông Kinh Nghĩa Thục từ ngày xảy ra biến cố, và đã tạo ít nhiều huyền thoại trong dòng họ, tác động mạnh tinh thần Hàn Mặc Tử thưở còn bé.

Mẹ tôi là em út được Cậu rất thương, dạy mẹ tôi học làm thơ, dạy đàn. Về ông, chúng tôi sẽ kể câu chuyện sau đây:

(Câu chuyện mà tôi kể lại, từng được nghe từ thưở bé, đã thành văn trong trí nhớ. Vì vậy chưa bao giờ nghĩ đến tra cứu sử sách. Nếu có những sai lầm nào đó về không gian về thời gian, xin quý độc giả lượng tình bỏ qua và xem như huyền thoại vậy).

CẬU THÔNG OANH (VÀ ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC)

Cậu Nguyễn Văn Oanh từng làm thông dịch viên nên thường được gọi là Thông Oanh. Một con người kỳ lạ trong dòng họ, ít ai hiểu được rõ ràng.

Chỉ biết là con người tài hoa, thơ hay đàn giỏi, phong lưu rất mực và đa tình như cánh bướm vườn xuân.

Theo mẹ tôi kể lại thì ông xấu trai, hơi rỗ hoa mè nhưng ăn nói rất hấp dẫn, chinh phục được hầu hết những ai nghe cậu tôi trò chuyện.

Cha tôi khi đổi vào tòa sứ Hội An, Cậu khuyên ông bỏ tòa sứ qua Thương Chánh, để hoạt động cho Đông Kinh Nghĩa Thục. Vì Thương Chánh, tức Hải quan có nhiều cơ hội liên lạc với Cách mạng hải ngoại.

Mẹ tôi nghe được chuyện này hơi lo, nhưng rất tin ở cậu Thông Oanh. Theo Bà kể lại, việc cậu làm nghe rất nguy hiểm, vào sinh ra tử mà cậu xem như dự một cuộc hòa đàn, một buổi ngâm thơ. Rượu uống tràn như nước. Những lúc cao hứng thì ngâm bài thơ Đường mà mẹ tôi thuộc lòng.

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Lại ngã ra ngủ say. Lúc tỉnh dậy, xách dù ra đi không ai biết. Cậu tôi đi về Quảng Châu Loan – Hội An như đi chơi, không bao giờ có hành trang, thoắt đi, thoắt đến không báo trước.

Năm cha tôi đổi về Quảng Bình, cậu tôi ở hải ngoại về, thỉnh thoảng ra thăm trò chuyện rất tương đắc.

Một hôm cậu tôi ra thăm, trông thấy anh Trí vừa được 3 tuổi, cậu xem tướng khen: “Thằng ni được lắm, Cô Dượng cho tôi đem nó đi với tôi”. Mẹ tôi nói: “Anh chưa có nơi định trú chắc chắn, đem nó về ở đâu”. Cậu cười: “Trong thiên hạ không có chỗ nào là không ở được. Hai năm nữa tôi về đem đi”.

Lúc bấy giờ mẹ tôi dự trữ cá khô, mắm để cậu tôi đem đi. Hình như trong làng chú ý nhiều lần rồi.

Bỗng một hôm thình lình cậu đến lúc nửa đêm, nói chuyện rất lâu với cha tôi, gần sáng lại ra đi. Cha tôi vội vào phòng đem tất cả giấy tờ đốt sạch. Sau lần này, cậu biệt tích luôn. Anh Trí nghe chuyện cậu, lấy làm thích chí, xem Cậu như thần tượng. Anh làm bài thơ tả ý chí ngang tàng của Cậu:

ĐỜI PHIÊU LÃNG

Mây trắng ngang trời bay vẩn vơ
Đời anh nào có khác chi mô
Đi đi đi mãi nơi vô định
Tìm cái phi thường, cái ước mơ

Ở chốn xa xôi em có hay
Nắng mưa đã trải biết bao ngày
Nụ cười ý (nhị) như mai mỉa
Mỉa cái nhân tình lúc đổi thay.

Trên đòi gió bụi anh lang thang
Bụng đói như cào, lạnh khớp răng
Không có nhà ai cho nghỉ bước
Vì anh là kẻ chẳng giàu sang.

Ban đêm anh ngủ túp lều tranh
Chỗ tạm dừng chân khách bộ hành
Đến sáng hôm sau anh cất bước
Ra đi với cái mộng chưa thành.

Luôn mấy năm về sau, tìm hỏi các bạn thân của Cậu. Chẳng ai biết gì, nhưng một người Tàu ở Hội An cho hay: Sau một cuộc biến động ở Quảng Châu Loan nhiều người Việt bị bắt đem đi mất tích, không nghe nói gì. Trong số đó chắc có Cậu Thông Oanh tôi. Đúng như Cậu đã tiên tri:

Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Cuộc chiến cậu đã tham dự có lẽ âm thầm, cũng có thể đã nổ bùng trong một biến động không biết là trong hay ngoài nước.

Hàn Mặc Tử thương tiếc Cậu, so sánh khí phách ngang tàng, xem cái chết nhẹ như lông hồng của Cậu với Cao Bá Quát, khi nghe truyền tụng câu nói họ Cao lúc đưa ra pháp trường vì tội phản loạn theo giặc Châu Chấu. Câu nói vừa chua chát đùa cợt, ngạo nghễ.

Ba hồi trống giục mồ cha kiếp
Một lát gươm đưa bỏ mẹ đời.

Hàn chê vua Tự Đức hẹp hòi, đối xử với một thiên tài đất nước không bằng Đường Minh Hoàng tha chết cho Lý Bạch, nhà thơ bất hủ đời Đường đã theo phản loạn An Lộc Sơn. Vậy mà vua Tự Đức cũng đã từng khen:

Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường.

Phải chăng vua Tự Đức muốn đề cao văn chương hai ông hoàng, Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương lên ngang các thiên tài Siêu, Quát?

Giặc Châu Chấu so với giặc An Lộc Sơn chỉ là một thứ tép riu mà nhà vua Tự Đức cũng sợ hãi phải giết Quát đi thì thật là tồi tệ, nếu không muốn nói là mượn cớ giết người tài...


Nguồn: Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nguyễn Bá Tín, NXB Hội Nhà Văn, 1994.
Ảnh đại diện

Sao, vàng sao (Hàn Mặc Tử): ... Đề nghị bổ xung...

@Vanachi!

Bài nầy Hàn Mặc Tử viết theo thể Thơ Mới Tám chữ, không phải Thơ Tự do.

- Câu "Để dầm dề hạt lệ đôi ta" là thiếu một chữ. Và
- dưới câu "Khói nhạt nhạt xen vô màu sắc biếc" thiếu một dòng (cũng có nghĩa là: trên "Đẩy đưa dài hơn ngào ngạt trầm mơ" thếu một câu)
- "Tầng" chớ không phải "Tần"; "hơi" chớ không phải "hơn"...

bạn có thể tham khảo thêm trên bản sau:

Thượng thanh khí, tiết ra nguồn tinh khí
Xa xôi đời trăng mọc nước huyền vi
Đây Miên trường, đây vĩnh cửu đề phi
Cao cao vượt với hai hàng bóng vía
Trời nhật nguyệt cầu vồng bắt tứ phía
Ôi! Hoàng Hoa, hồn phách đến nơi đây
Hương ân tình cho kết lại thành dây
Mong manh như lời nhớ thương hàng triệu
Đàn cung bậc gió dồn lên âm điệu
Sững lòng chưa say chấp cả thanh bai
Sang chơi thôi, sang chơi thôi, mà ai
Thu đây rồi bước lên cầu Ô thước
Sao! Vàng sao rơi đầy trên sông nước
Đừng ngã tay mà hứng máu trời sa

Thôi kéo về đừng cho lòng bay xa
Thu vươn này, thu vươn ra như ý
Mau rất mau trong muôn hoa kiều mị
Mùa rất trai mà ánh sáng rất cao
Đừng nói buồn mà không khí nao nao
Để chơi vơi này bông trăng lá gió
Để phiêu phiêu này tờ thơ vàng vọ
Để dầm dề hạt lệ ta đôi ta
Tầng thượng tầng, lâu đài ngọc đơm ra
Khói nhạt nhợt xen vô màu xanh biếc
Tiếng huyền dịệu gò theo tia yếu nguyệt
Đẩy đưa dài hơi ngào ngạt trầm mơ
Thinh không tan như bào ảnh hư vô
Giải Ngân hà biến theo cầu Ô thước
Và ước ao và nhớ nhung lần lượt
Đắm im lìm trong mường tượng buồn thiu


Nguồn: Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nguyễn Bá Tín, NXB Hội Nhà Văn, 1994.
Ảnh đại diện

Siêu thoát (Hàn Mặc Tử): ...Nên thêm vào đâu..?...

Siêu thoát

Hồn vốn ưa phiêu lưu trong gió nhẹ
Bay giang hồ không sót một phương nào
Càng lên cao giây đồng vọng càng cao
Hồn hỡi hồn lên nữa quá thinh gian…


Nguồn: Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nguyễn bá Tín, NXB Hội Nhà Văn, 1994.
Ảnh đại diện

Ra đời (I) (Hàn Mặc Tử): Bổ xung cho hoàn chỉnh bài thơ

A! A! A!
Thiên địa đắm hoang mang
Là đương khi thờ lạy cả Thiên đàng
Bay xa những tiếng tung hô Thánh Đức
Muôn thần phẩm trong lâng lâng chầu chực
Ánh hào quang chang chói ngất mê ly
Ôi cao sang khôn ví trọng ai bì
Trên nước cả có muôn vàn châu báu
Trí rất ngớp bởi chưng Xuân hồn hậu
Đã ra đời theo lệnh cả Ngôi Hai
Ôi! Thánh tai, Thánh tai và Thánh tai

Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng rất thơm tho man mác
Rất phương phi trên hết cả anh hoa
Xuân ra đời…
Điềm ngọc ấm như ngà…


Nguồn: Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nguyễn bá Tín, NXB Hội Nhà Văn, 1994.
Ảnh đại diện

Cô gái đồng trinh (Hàn Mặc Tử): Tìm hiểu về.... xuất xứ bài thơ...

... "Khi Hàn Mặc Tử đã thực sự biết mình mắc bệnh nan y, anh vẫn không hề tỏ vẻ sợ hãi lo lắng bên ngoài, nhưng có nhiều hiện tượng cho thấy anh tự đè nén nỗi lo âu từng giây từng phút.

Mặc dù mọi người trong gia đình vẫn tìm cách bưng bít dư luận xôn xao bên ngoài cái thành phố bé nhỏ nầy, mà mỗi một gia đình, mỗi một người dân đều như thông cảm nhau, hiểu biết lặng lẽ với nhau, như qua cả hơi thở. Vì vậy, cái truyền thống cảm nhận đó cũng đã đến với anh được.

Anh Trí vẫn biết cả: Từ con đường Khải Định, con đường Jules Perry cho đến Gia Long, những ai đã có triệu chứng mắc bệnh phong, anh đếm được cả trên đầu ngón tay. Câu chuyện Giang Đông Nhị Kiều ở Gia Long bỗng nhiên mất tích, vắng bóng từ một năm nay cả mùa hè trên bờ biển, càng làm cho anh xót xa hơn.

Nỗi đau buồn càng dồn dập cho anh, từ khi Hoàng Hoa về Huế, Mộng Cầm giải ước, khiến cho anh phải nhiều đêm thao thức, bồi hồi tâm sự nhiều tam canh, và tiếng đàn tranh của “Nàng” trước kia nghe sao dịu dàng, say đắm bao nhiêu thì nay trở nên dày vò ray rứt anh bấy nhiêu.

“Nàng” là Mỹ Thiện, ở cách nhà chúng tôi độ 30 mét thôi, một thiếu nữ người Huế, con gái nhà giáo họ Cung, vốn là một cây đàn tỳ bà lỗi lạc, lại còn nổi tiếng đàn đủ năm cây (tranh, tỳ, nhị, nguyệt, bầu).

Cho nên, cây đàn tranh dưới bàn tay tuyệt kỹ của nàng đã làm cho bao nhiêu con tim xao xuyến một vùng trời Khải Định.

Nàng đẹp như bức tranh thuỷ mặc tàu mà vẻ kiều mỵ tình tứ như ẩn như hiện dưới nét đan thanh mờ ảo.

Hình như con người nàng có nhiều tâm sự, mà chỉ bộc lộ vào những đêm khuya thanh vắng qua tiếng đàn tranh nỉ non như than thở, như bơ vơ tìm kiếm, đuổi theo vào tận cùng giấc cô miên trằn trọc, những tâm hồn nghệ sĩ, lẻ loi.

Tiếng đàn đó làm cho anh Trí vừa sợ hãi vừa lo lắng đợi chờ, những đêm dài tuyệt vọng vì biết mình mắc phải chứng nan y ghê gớm.

Anh thường đánh thức tôi dậy để cho có bạn, để cùng theo dõi tiếng đàn ma quái đó.

Có đôi khi bảo tôi gióng dây tơ cây đàn nguyệt, so phím cách không hòa điệu, khiến nhiều căn phố kế cận vang nhẹ tiếng động của tò mò.

Có phải vì thế mà nhiều bà đạo đức lên giọng nặng nề phê phán lẳng lơ mất nết. Nhất là bà kế mầu mẫu nàng, vốn không lớn tuổi hơn nàng bao nhiêu, theo dõi hằn học, chỉ vì bà cũng rất đẹp.

Tôi thỉnh thoảng có dịp đến hòa đàn với ông giáo, đôi khi cũng có nàng dự hòa, vì ông giáo rất nghệ sĩ và phóng khoáng, trẻ trung.

Anh Trí chỉ nghe danh nàng nhưng chưa biết mặt. Có lần anh hỏi tôi về nàng, tôi cười, đọc cho anh nghe mấy câu:

"… Và đôi mắt ai rười rượi buồn
Ngón tay trên phiếm nhẹ sầu buông
Trễ tràng mái tóc gây thương nhớ
Chỉ bấy nhiêu thôi đủ vấn vương."

Quả thật là tai họa “bạc số”. Chỉ có cách bảy tháng sau đó, khi tôi lên Đà Lạt, bỗng được tin nàng quyên sinh trong một giấc ngủ dài với 10 viên thuốc Véronal để từ giã cõi đời khắt khe độc ác.

Nàng đã mất, một buổi sáng cuối thu buồn thảm.

Nhà thương đã ra công chạy chữa. Họ không phục hồi được mạng sống nàng, nhưng đã phục hồi được tiếng thơm trinh bạch nàng, mà phương pháp chạy chữa đã có dịp chứng minh ngược lại những gi gì gièm siễm thị phi về nàng.

Mọi người đều ứa lệ. Vậy mà trước đó chỉ mấy tiếng đồng hồ, khi nghe Mỹ Thiện quyên sinh, đã có xôn xao luận điệu hoang thai. Ôi xót xa chưa!

Anh Trí khi nghe anh Bửu Dòng, từ nhà thương chạy về vội vã báo tin buồn cho cả xóm đang chờ đợi, bỗng sững sờ ngơ ngác.

Anh ngậm ngùi hồi lâu rồi lặng lẽ đi vào phòng riêng đóng cửa lại viết ngay bài thơ: CÔ GÁI ĐỒNG TRINH...

... Mấy tháng sau đó tôi về Qui Nhơn nghỉ tết. Anh Trí đem bài thơ trao cho tôi, giọng nghẹn ngào anh nói: Tao giải oan cho Mỹ Thiện đó. Rồi anh hỏi: “Sao, mi có khóc cho nàng được câu nào không?”...

_______

nt: @Vanachi! Câu kết của bài thơ nầy, chắc cần phải hiệu đính lại chút a!

"Như chưa xuân về thổ lộ ra" có lẽ không đúng. Trên bản của mình là "Như chực xuân về thổ lộ ra". Bạn coi lại nha!... Trân trọng.


Nguồn: Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nguyễn Bá Tín, NXB Hội Nhà Văn, 1994.
Ảnh đại diện

Nhớ thương (Hàn Mặc Tử): ... Hiểu thêm về xuất xứ của bài thơ...

...

Mẹ tôi là con gái út, trong khi các anh chị trưởng thành gia thất. Lúc bấy giờ vào khoảng trên dưới 10 tuổi, mà trí nhớ của Bà không hề bỏ sót một chi tiết nào.

Bà thường theo Bà Ngoại vào Đại nội chữa bệnh cho các phi tần cung nữ, cùng ngồi chung một võng với Bà Ngoại vì lệnh rất nghiêm, cấm không được ai vào nếu không có nội thị hướng dẫn. Và cũng không được tiếp xúc riêng tư với các phi tần cung nữ.

Bà Ngoại rất am tường khoa chẩn mạch đông y. Mẹ tôi kể lại, nhiều bệnh khó, Thái ý và Ngự y phải mời Bà Ngoại vào tham khảo tranh luận. Vì vậy rất được tin cẩn. Chính Ông Ngoại là Ngự y mà cũng không giỏi hơn Bà Ngoại.

Nhờ vậy, Bà Ngoại được phép tiếp xúc riêng tư với các phi tần bằng phương pháp chẩn mạch: Vọng, văn, vấn, thiết (nhìn, nghe, hỏi và gần gũi) được nghe nhiều chuyện trong thâm cung ghê sợ.

Nguyên nhân mắc bệnh trong cung phần đông do những thiếu thốn về sinh lý, tâm bệnh mòn mỏi. Và cũng là do những trò chơi quái nghịch của vua chúa xem mạng người như cỏ rác.

Câu chuyện toán nữ binh lõa thể tập trận, dưới triều vua Thành Thái, một ông vua điên loạn mà hoàng cung giải thích như kế hoạch đánh lừa chính phủ Pháp để chờ phen nổi dậy là một ví dụ.

Không có người nào trong đám nữ binh, không mang nhiều thương tích, thậm chí thành tật vì đao kiếm.

Những cái chết rùng rợn của các vị vua Vua con nít: Hiệp Hòa, Kiến Phước cũng được nghe kể lại chi tiết. Hiệp Hòa mới 10 tuổi bắt lên ngôi báu rồi phải nhận tam ban Triều Điển (gươm, thuốc độc và giải lụa).

Nghe kể lại ông vua Vua trẻ con đó, khóc la không chịu làm Vua, chạy trốn ẩn trong cầu tiêu, bị lôi ra chận họng đến lòi cả mắt ra để đổ thuốc. Kiến Phước cũng chết như vậy.

Vua Dục Đức biết trước số phận, đã xé chíêc áo địa xanh (một thứ gấm mỏng) nuốt hết mà chết trong ngục.

Đó là thời lộng hành của các gian thần, loạn tướng để lại cho lịch sử nước nhà những chiếc khăn tang và nước mắt đẫm máu.

Những câu chuyện trong thâm cung, tuy bị bưng bít ra ngoài bá tánh nhưng người nào có cơ hội kể lại, vẫn tự xem như nhẹ bớt nỗi buồn phiền của chính họ.

Cái chết của nàng cung nữ bất hạnh này, chỉ vì ước mơ được gần vua một lần, dù chết cũng can tâm. Đó là một cung nữ trẻ đẹp trong số mấy ngàn người trong Tam cung, Lục viện sống mòn mỏi không hề có mùa xuân thắm.

Cung nữ này, được nghe kể lại, xuất thân nhà nghèo, được tiến vào cung nhưng không có tiền lo lót cho nội giám, nên chỉ được quét dọn ở bên ngoài nội tẩm.

Một lần trông thấy vua Vua (Minh Mạng) một “Ngài Ngự” trẻ đẹp, đem lòng say đắm, mong mỏi được gần gũi một lần thôi, mà chết cũng chịu.

Vua Minh Mạng nổi tiếng hiếu sắc và hiếu sát tàn nhẫn hơn hết các vì vua Nguyễn triều, không kém Dương Quảng (Tuỳ Đế nước Trung Hoa).

Một hôm, người cung nữ đẹp mà vắn số này, không biết làm thế nào vào được long sàng, gặp lúc vua đang ngủ. Nhìn sững sờ một hồi, không cầm được nỗi ước mơ, rón rén hôn nhẹ má vua.

Vua giựt mình tỉnh dậy, nàng hoảng sợ vội vàng bỏ chạy. Còn chưa tỉnh, vua thét nội thị tìm bắt và đem chém. (Có người nói là vua la lên: thích khách). Minh Mạng độc ác nên luôn luôn sợ kẻ ám sát.

Cung nữ bị đem ra chém. Theo kể lại, nàng bị chém ngang lưng (yêu trảm) không khóc than, chỉ hướng về nội tẩm lạy mấy lạy rồi bình tĩnh thụ hình pháp.

Trong nội cung nghe nói đều gạt lệ thầm nhưng không ai dám hở môi.

Hàn Mặc Tử nghe câu chuyện bị xúc động mãnh liệt, anh có làm một bài thơ nhắc lại thảm kịch đó bằng một giọng tuy oán trách nhẹ nhàng nhưng không thiếu phần xót xa đau đớn...
 
Trong bài thơ này, Hàn Mặc Tử mượn cuộc đời cô quạnh khao khát yêu đương trong cung cấm, để diễn tả nỗi lòng người Cung nữ bất hạnh đã chết vì thương yêu Vua.

Các phi tần cung nữ trong Đại Nội, mỗi người một vẻ như bó hoa trăm sắc trăm hương (quần phương) tìm cách phô bày vẻ thướt tha kiều diễm, tươi mát để mong được Ngài ngự lưu ý.

Nhưng vua chúa (châu báu) vô tình bước qua đi, dẫm chân lên nỗi lòng buồn thảm của họ, tuy ân ái dịu dàng như tấm thảm nhưng, nhưng biết bao cay đắng xót xa.

"Ôi chao! Thánh thượng vô tâm quá."

Vậy thì ai là người đẹp nhất, có phúc được vua đoái hoài?

Ngoài kia bá tánh, đã có bao mùa xuân nên duyên thắm, mà sao nơi đây không hề biết mùa Xuân (yêu đương). Không có trăng không có nhạc, chỉ có Vua là ước mơ thầm lặng của mỗi người trong cuộc đời khép kín.

Người cung nữ nào đây đã phải trả Mùa Xuân bằng giá máu hồng. (Thiếp viết Xuân trên mảnh lụa hồng).

Nếu không biết câu chuyện thương tâm này trong thâm cung bưng bít thì bài thơ Nhớ Thương này là một trong những bài thơ kỳ lạ khó hiểu nhất từ xưa nay của Hàn Mặc Tử.


Nguốn: Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nguyễn Bá Tín, NXB Hội Nhà Văn, 1994.
Ảnh đại diện

Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử): Tìm hiểu thêm về Chuyện tình HMT - Hoàng Hoa và xuất xứ của bài thơ...

...

TÌNH ĐẦU : HOÀNG HOA


Năm 1933, anh Trí vào làm việc ở Sở Địa Chánh (Cadastre), nơi đây anh bắt đầu quen với một số bạn bè yêu thích văn thơ.

Trước hết là Hoàng Diệp và Hoàng Tùng Ngâm. Ngâm là cháu ruột cũ Thương át Hoàng Phùng, giám đốc Sở Địa Chánh.

Hoàng Tùng Ngâm có người chị thúc bá (ái nữ cụ Hoàng Phùng) cũng rất yêu thơ Hàn Mặc Tử, thường viết báo làm thơ với bút hiệu Hoàng Hoa nữ sĩ, tên thật là Hoàng Thị Kim Cúc, một thiếu nữ khuê các mà phong thái nhàn hạ, thoáng đôi chút kiêu sa khiến anh Trí say mê và… sợ sệt. Trong nhà cũng phong phanh biết anh Trí yêu cô Kim Cúc.

Theo anh, thì tình yêu phải sáng sủa quân tử như đôi chim thư cưu ở trong Kinh thi “Quan quan thư cưu, tại hà chi châu”, mà anh thường tâm niệm “tương thân nhi tương kính” cho nên anh yêu mà “kính nhi viễn chi”.

Anh thường tỏ ra, bối rối mất cả bình tĩnh mỗi khi người thiếu nữ đó đi ngang qua nhà.

Chi Kim Cúc là một thiếu nữ rất “Huế”. Nghiêm đường thuộc giòng dõi thế gia ở Vỹ Dạ, một vùng mà nếp sống như xa xôi với thôn quê, vùng dành riêng cho các vị hưu quan, các ông tham, ông thị. Nếp sống quan dạng kiểu cách đó được biểu lộ rõ ràng.

Ông Quách Tấn khi được tin ấy cho là điều không may cho anh Trí, vì không được xếp vào môn đăng hộ đối.

Thật thì, không hẳn như vậy, nếu xét về tông tích dòng họ.

Chính chị Cúc cho biết: “Cụ Thị Phùng cũng đã từng quen biết với cha tôi năm 1901 ở Điện Bàn, khi cha tôi bàn giao công việc ở Tòa sứ để chuyển ngành qua Thương chánh Hội An”.

Cụ Phùng có ghi vào phả là ông Nguyễn Văn Toản về sau đậu Tham Tá đổi vào miền Nam.

Như vậy thì gia đình cụ Thương ta không phải không biết là bà Tham Toản mà địa phương hay gọi là “bà Thương” khiến có nhiều lần khách vào lầm nhà chị Cúc và ngược lại.

Cũng như anh Mộng Châu, anh Trí có dính dáng đến một hôn ước từ nhỏ với một gia đình vọng tộc mà trong lúc thân thiết vui vẻ, hai nhà giao ước với nhau.

Anh Mộng Châu không tính chuyện lấy vợ, toan xuất dương nối chí ông cha. Một phần, anh cũng tin vào lời dịch số của cậu tôi (học trò ông ngoại tôi) rằng: “Khi mẹ tôi có đích tôn thì chết”.

Anh Trí đi học Huế rồi về Qui Nhơn, ít khi có cơ hội gặp gỡ người em học, nên cũng xao lãng. Dù vậy, anh cũng không hề tâm sự với ai, dù chỉ để nói đùa.

Duy có lần, anh bất thần hỏi tôi về chuyện hôn ước đó: “Còn mi thì sao đây? Hay là cũng bỏ hết cả ba anh em”.

Tôi không biết gì vì còn học. Chỉ đến kỳ nghỉ hè mới lại được dịp gặp go84 ở Qui Nhơn. Anh Trí gọi đó là nhịp cầu “Ô thước” để nhớ những ngày còn bé ở chung nhà.

Có lẽ vào tuổi 19 – 20 cũng có đôi chút bâng khuâng hay kỷ niệm gì đó, anh làm thơ vẽ lại mấy nét:

"NHỚ CHĂNG

Nhớ chăng, anh cùng em nô đùa
Ngây thơ như đứa trẻ lên ba
Anh đứng bên cạnh nhìn em thêu thùa
………
Nào có phải anh với em
Tự kết mối lương duyên
Đó chẳng qua
Vì cha mẹ đôi bên
Chung kết mối tình riêng
Rồi ba em lại mất
Rồi ba anh chẳng còn
Mẹ em giàu có
Mẹ anh nghèo khó
Rồi lời hứa năm xưa
Cùng dòng nước chảy qua
Đi biệt
không về."

Tôi hỏi anh: “Viết cho ai đây?” Anh cười: “Cho ai cũng được”.

Quả thật về sau đều dang dở.

Vì vậy mà tôi nghĩ mối tình đầu của anh phải là Hoàng Hoa. Và mối tình đó cũng chưa hề được đáng ứng song phương.

Hoàng Tùng Ngâm là bạn rất thân của anh Trí, đã chuyển đạt đến Hoàng Hoa nỗi lòng rạo rực của anh qua mấy vần thơ tán tỉnh.

"VỊNH HOA CÚC

Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa
Sương đẫm trăng lồng bóng thướt tha
Vẻ mặt khác chi người quốc sắc
Trong đời tri kỷ chỉ riêng ta."

Trong bài khác:

"TRỒNG HOA CÚC

Thích trồng hoa cúc để xem chơi
Cúc ngó đơn sơ lắm mặn mòi
Đêm vắng, gần kề, say chén nguyệt
Vườn thu vắng vẻ đủ mua vui."

Và anh thổ lộ tâm sự như chưa bao giờ bày tỏ trong

"ÂM THẦM

… Em có ngờ đâu trong những đêm
Trăng ngà giải bóng mặt hồ êm
Anh đi thơ thẩn như ngây dại
Hứng lấy hương nồng trong áo em
Bên khóm thùy dương em thướt tha
Bên ni bờ liễu anh trông qua
Say sưa vướng phải mùi hương ướp
Yêu cái môi hường chẳng nói ra."

Chỉ trong bài thơ anh mới viết đôi mắt, đôi môi nhưng không bao giờ nói ra được hay diễn ta cái đẹp với nột người khác.

Những bài thơ dễ thương như anh học trò bỡ ngỡ, làm cho chị Cúc cảm động không ít.

Hoàng Hoa có vẻ như không từ chối tính anh, nhưng rất nặng về lễ giáo, chị nói với Hoàng Tùng Ngâm một cách lo lắng:

“Cái ngăn cách lớn nhất của chị không thể nào vượt qua được là vấn đề lương giáo.”

Riêng chị rất chua xót mà không thể nói ra được.

Gia đường theo Phật giáo rất nghiêm chỉnh, chắc không thể nào để cho một người con có lễ nghĩa, đi ra ngoài khuôn khổ mực thước của giòng họ.

Anh Trí nghe được rất buồn, thơ anh bắt đầu bải hoải, nhưng vẫn còn hy vọng.

Trong bài thơ “ĐÔI TA”, anh bấu víu vào mối tình thực tiễn của Hoàng Hoa:

"… Mà anh hay em trong tim đều rạn
Dầu chôn sâu hình ảnh một người mơ
Bây giờ đây quấn quít hiện bây giờ
Chỉ có biết đôi ta là đang sống
Đang cho nhau ngọt ngào và đang mộng
Cứ làm ngơ không biết đến thời gian
Đến bông hoa tàn tạ với trăng nhàn
Đến những tình duyên chung quanh thất vọng.
………
Cứ nhắm mắt, cứ yêu nhau như chết
Cứ sửng sốt đê mê mà rũ liệt
Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang
Vỡ tan ra từng mảnh cả không gian
Cả thời gian từ tạo thiên lập địa."

Mối tình vô vọng, nhưng vẫn kéo dài khi đầy khi vơi, liên lạc bằng văn thơ cho đến ngày anh mất.

(Năm mươi năm rồi, Hoàng Hoa vẫn còn giữ nguyên bút tích văn chương của anh. Nhờ đó mà các nhà viết văn có tài liệu về mối tình đầu của anh).

Sau một thời gian bị ngắt quãng vào Saigon làm báo. Anh lại trở về Qui Nhơn, mà tình hình có vẻ thuận lợi hơn cho anh tiếp tục mối tình Hoàng Hoa, khi gia đình dọn về số 20 đường Khải Định, chỉ cách nhà chị Cúc có vài căn phố.

Anh sống lại mối tình đầu nồng nàn với ít nhiều bạo dạn hơn. Anh viết bài:

"HỒN CÚC

Bấy lâu sát ngõ chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay sợ lấm hương
Xiêm áo hôm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn cúc ở trong sương"

Trong bài Tình thu anh nhắc lại tình xưa khi trông thấy chị Cúc buồn gầy:

"Đêm qua ả Chức với chàng Ngâu
Nhắc chuyện yêu đương ở dưới cầu
Kể lễ một năm tình vắng vẻ
Sao em buốn bã suốt canh thâu"

Rồi cũng thẹn thò như ngày nào:

"… Sao ta không dám nhìn nhau rõ
Gặp gỡ bên đường vẫn thản nhiên."

Có nhiều hôm anh ngồi thừ trong chiếc ghế mây, nhìn qua bức mành tre sáo trước cửa, đợi chị Cúc đi ngang qua, trông anh đến thiểu não.

Chị Cúc biết điều đó, về sau kể lại với con gái chi Như Lễ mà rằng: “Nghĩ tội nghiệp anh quá”.

Bạn bè đến chơi trông thấy anh ngồi buồn bã như kẻ thất tình, nên thường trêu cợt anh là con người sau bức rèm lạnh và gọi đùa anh là Hàn Mạc Tử.

Chữ Hàn ở đây có nghĩa là lạnh và chữ mạc không dấu là bức màn, Hai chữ Hàn Mạc là bức rèm lạnh. Anh chỉ cười, không nói gì, cũng không để ý đến nữa.

(Mãi về sau khi anh qua đời còn nhiều người vẫn tưởng lầm bút hiệu của anh là Hàn Mạc Tử.

Những người bạn thân đều biết rõ, nhưng nghĩ không quan trọng gì, nên không ai lên tiếng.

Ngay cả ông Trần Thanh Mại, khi viết cuốn HÀN MẶC TỬ vẫn lầm anh là Hàn Mạc Tử, chỉ vì thấy có những bức thơ anh Trí viết cho Trần Thanh Địch, thường hay ký tên nguyên cả chữ mà không chấm dấu gì hết.

Bởi thế cũng có một dạo tranh luận ít nhiều về tên Hàn Mạc Tử, nhưng ông Quách Tấn, người có trách nhiệm bảo thủ văn thơ anh, lên tiếng cải chính cặn kẽ rồi.

Theo chỗ tôi biết, thì bút hiệu đúng của anh là Hàn Mặc Tử, trước hết anh tự nhận là nhà thơ nghèo nàn (Hàn Mặc, chữ Hàn của anh là nghèo, không phải lạnh).

Chữ Mặc là thỏi mực, ngụ ý “tao nhân mặc khách” (con người của bút mực, văn chương, thi sĩ).

Anh Trí vốn rất ngưỡng mộ triết gia Mặc Dịch thời Chiến Quốc, nổi tiếng chủ trương thuyết Kiêm ái, nên anh cũng tự nhận thuộc môn phái Mặc Dịch, thương yêu hết mọi người.

Chữ Mặc Tử khi ghép đôi mới có ý nghĩa là môn đồ Mặc Dịch.

Chữ Mạc Tử thì không có ý nghĩa gì.

Chữ Hàn Mặc Tử nói lên ý nghĩa một thi sĩ nghèo nàn, nhưng tình thương rộng rãi bao la.

*

Có lần anh nhờ Ngâm chuyển đến chị Cúc một bức thơ, Ngâm nói: “Không nên tiếp tục mối tình vô vọng đó làm gì, chỉ để khổ cho nhau thôi.”

Lúc ấy chưa ai biết anh đau yếu gì.

Có những đêm không ngủ được, nghĩ đến mối tình yêu chưa nói với nhau được câu nào cho thỏa lòng mơ ước, anh toan bước qua nhà cụ Thương, nhưng lại không dám phiêu lưu. Anh viết:

"Đêm nay ta lại phát điên cuồng
Quên cả hổ ngươi cả thẹn thuồng
Đứng rủ trước thêm nghe ngóng mãi
Tiếng đàn the thé ở bên song."

Chỉ ít lâu sau, anh Ngâm báo tin cụ Thương về hưu: Cả nhà dọn về Vỹ Dạ, chị Cúc cũng sắp đi theo, anh Trí buồn bã viết:

"Và được tin sắp bỏ đi
Chẳng thèm trở lại với tình si
Ta lau nước mắt, mắt không ráo
Ta lẩy tình nương, rủa biệt ly"

Hai câu sau bài thơ này, thường được nghe anh ngâm lên mỗi khi ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế mấy nhìn ra bức mành tre, tôi hiểu anh xót xa với tình đầu biết chừng nào.

Năm 1936, anh về Hội chợ Huế, gặp chị mà cả hai đều rụt rè e thẹn. Anh Trí mang sách Gái quê tặng các em chị, nhưng lại không dám trao cho chị.

Chị Cúc kể lại và ân hận về thái độ rụt rè đó: “Càng tội nghiệp hơn là hôm sau anh xuống Vỹ Dạ đứng trước cổng hồi lâu rồi lặng lẽ bỏ đi”.

Cho đến khi anh đau nặng rồi 1939 chị Cúc còn gởi cho anh một phiếu ảnh cỡ 6x9: Chị Cúc mặc áo dài lụa trắng như những cô gái Huế thời bấy giờ đứng trong vòm cây xanh mát. Anh làm ngay bài:

"ĐÂY THÔN VỸ DẠ

Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhình nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá, nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà."


– Nếu anh biết, chị đã quy y, dành riêng một căn phòng ngày đêm hương hoa tụng niệm, tưởng nhớ mối tình bất diệt của anh mà cũng là tình đầu của chị, đang quyện theo trầm hương dâng lên anh nơi miền cực lạc. Nơi đây không còn ngăn cách giáo lương, không còn tham sân si trần tục.

Ôi! Tình Hoàng Hoa đậm đà biết chừng nào!

– Nếu anh biết, từ ngày nghe anh đau, chị đã dành dụm một số tiền nhỏ, toan nhờ Ngâm gởi tặng anh thuốc thang, nhưng gia phong nghiêm cẩn, không thực hiện được (các con chị Lễ ở Huế đều biết).

“Đây thôn Vỹ Dạ” là bài thơ cuối cùng chị nhận được của anh, chỉ ít lâu sau anh qua đời, đến nay vẫn còn được truyền tụng.

Chị rất cảm động khi biết anh vẫn không quên vườn cau tươi mát, vẫn nhớ đám bắp bến đò Cồn nhìn sang Vỹ Dạ, mà dòng nước buồn thiu lặng lẽ trôi…

Gió và mây không cùng về một hướng, thì tình anh làm sao không ngang trái. “Gió theo lối gió, mây đường mây…”

...


Nguồn: Hàn Mặc Tử anh tôi, Nguyễn Bá Tín, NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 1991.
Ảnh đại diện

Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử): ... Về ý nghĩa bài thơ

...

Một bài thơ được nổi tiếng rất hay, được nhiều người yêu mến, được chọn làm tên một tập thơ có giá trị cao của nhiều nhà văn tên tuổi trong nước.

Hiện tại bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào chương trình văn học cấp ba. Vì vậy tôi tưởng xin góp ý để phân tích một vài điểm, mà thời đó có ít nhiều tranh luận.

Có lẽ đây là bài thơ sắc sảo, tế nhị nhất mà Hàn Mặc Tử, trong một ngày nào đó, trí óc rất minh mẫn, con tim lấy lại được nhịp độ tình yêu một thời thương nhớ cao nhất của Hàn, mà chỉ còn cách cái chết không bao xa.

Nguyên thuỷ bài thơ là: Ở đây thôn Vĩ Dạ

Chữ “Ở” trong đầu đề đã tạo được nhiều nhận xét tranh luận, sau đó không lâu, khi Hàn qua đời. Có nhiều người nặng óc giáo khoa chê chữ “Ở” trong đầu đề hơi quê, không nhẹ nhàng văn vẻ. Vì vậy tự động bỏ chữ “Ở” cho đầu đề ngắn gọn Đây thôn Vĩ Dạ nghe văn nghệ hơn.

Tôi nghĩ Hàn có lối viết mộc mạc đơn sơ như tánh tình bình dị của anh, không phải chải chuốt, đôi khi hơi quê kệch gồ ghề như trong câu:

Họ đã xa rồi không níu lại
Tình thương chưa đã mến chưa bưa
Chữ “đã” chữ “bưa” nghe sao thô kệch, còn táo bạo nữa, vậy mà lại hay vì lột được bản chất vừa thô vừa quê của Anh.

Ở đoạn cuối bài thơ, Hàn còn nhắc lại một lần nữa như để nhấn mạnh ý nghĩa không gian của bài thơ
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Bạn bè có tranh cãi đôi chút chung quanh: Ở đây là ở đâu? Ở Huế hay Qui Nhơn (xoá động Gành Ráng nơi Hàn đang viết bài thơ?)

Có thể là ở Qui Nhơn như Hàn nói. Nhưng sương khói mờ nhân ảnh phải đặt vào đâu để so sánh. Ai là nhân ảnh?

Hàn có lối diễn tả một vài chữ để bóng gió cắt nghĩa văn.

Sương khói ở đây tôi nghĩ Hàn liên tưởng khói trầm hương.

Nhân ảnh có thể là con người thế tục của anh trong tương quan với con người tu hành là chị Cúc.

Vì vậy “ở đây” có thể hiểu là “ở đó”, thi sĩ đã thu gần quãng cách không gian lại khi mơ màng nhìn say đắm bóng người trong ảnh.

Chính bức ảnh 6x9 này đã giúp Hàn sáng tác bài thơ tuyệt vời Đây thôn Vĩ Dạ. Hình bóng chị Cúc xuất hiện trong phiến ảnh nhỏ này đã làm sống lại mối tình đầu, thương nhớ lại trở về. Anh viết:
Sao Anh không về chơi thôn Vỹ?

Anh bỏ vận trắc, thành câu hỏi như bất chợt, làm người đọc nghĩ đến một sự đợi chờ quá lâu, có đôi phần thương nhớ pha chút trách yêu. Câu mở đầu đã diễn tả được lòng anh và có lẽ cả chị Cúc nữa.

Nhưng câu thứ hai thì tạo một ý niệm có thể làm cho chị Cúc, cô gái nhiều mặc cảm và kiêu sa, đã phải băn khoăn từ nhiều năm.
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Câu này có vẻ hững hờ như một nét chấm phá trong bức tranh Vĩ Dạ, tuy rất đẹp cho khung cảnh, nhưng lại lạc lõng bơ vơ không ăn khớp được với phong độ và tình cảm của người được tặng thơ.

Năm 1985, tôi có về Huế ghé thăm chị Cúc, cũng nhắc lại bài thơ “Thôn Vỹ” chị Cúc chợt hỏi: Cậu có tìm được một cây cau nào trong vườn tôi không? Sao anh Trí lại nói đến “hàng cau”?

Tôi hiểu ngay: Thì ra câu này làm chị Cúc hiểu lầm. Tôi nghĩ khi viết câu này, anh Trí không có một khái niệm rõ ràng về cây cau, giá trị của nó về lợi tức, thẩm mỹ hay tượng trưng tình cảm, mà chỉ là một nét chấm phá về cấu trúc thẩm mỹ cũng như bức tranh “con chim sẻ đậu trên cành trúc” mà Mạc Đĩnh Chi trông thấy bên Tàu khi đi xứ qua đó. Con chim sẻ quá đẹp nên không ai để ý đến vị thế hèn kém của nó trên cành trúc.

Thôn Vỹ Dạ, đã từ lâu, hình như chỉ dành riêng cho thế giới quan tham, quan thị, cô chiêu, cậu ấm, thì lại rất không may phải nằm sát nách với Nam Phổ, một thôn bình dân, đơn giản, sống bằng nghề trồng cau, chỉ cau và cau. Cau Nam Phổ rất nổi tiếng, hột lớn, mỏng vỏ dùng vào kỹ nghệ nhuộm lưới rất được miền Bắc ưa chuộng.

Hàng năm, đến mùa cau, trong gia đình, lớn, bé, trai, gái, đều biết trèo cau, “trảy” cau bán cho kịp mối. Các cô gái Nam Phổ, cũng nổi tiếng trèo cau rất giỏi. Nhiều cậu trai Huế xuống thường chòng ghẹo những “nường” má đỏ hây hây vì nắng rám, đẹp một cách mạnh khoẻ nhưng ngổ ngáo chẳng thua gì con trai.

Câu ví: “Con gái Nam Phổ ở lỗ trèo cau” làm cho người đẹp Nam Phổ rất giận.

Những ngày còn đi học, thường nghe chuyện các cô gái Nam Phổ hè nhau xúm lại “bóc vỏ” những anh trai nào lớ ngớ về Nam Phổ buông lời chòng ghẹo. Nhiều anh bị “bóc vỏ” ném vào các bụi dứa gai thì “đời tàn”, nếu không có cứu viện phải đợi đến tối mới mò ra.

Tiếng tăm Nam Phổ, nghe cũng ngán thật.

Có lẽ vì vậy, thôn Vỹ Dạ, phải cẩn thận xét nét, từng câu từng chữ kẻo lại bị người đánh giá thấp đi.

Cố nhiên là những cô gái khuê các vùng Vỹ Dạ rất sợ cái tiếng “trèo cau” đó. Và cũng không ai chịu trồng cau ở Vỹ Dạ.

Ai lại đem “hàng cau” về đặt vào “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. Chị Cúc giận là phải lắm.

Nghe chị nói có vẻ không bằng lòng, tôi vội vàng giải thích:

Vườn chị đây nè:
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Đã có cây trúc thanh cao “tiết trực tâm hư (ngay thẳng không tơ bợn gì)” nữa thì tuyệt quá rồi!

Chị Cúc bấy giờ mới cười vui vẻ.

Đoạn văn thứ hai mới là đoạn văn Hàn tâm sự:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
“Gió theo lối gió, mây đường mây”. Lương giáo không hoà đồng ân tình khó kết hợp. Thân thế anh như đám bắp bến đò Cồn, hướng về thôn Vỹ Dạ, lặng nhìn dòng nước vô tình trôi. Vậy thì con thuyền ai cắm sào đợi đó, có chở trăng về cho anh đỡ cô đơn. Vì anh chỉ còn có trăng.

Đoạn thơ thứ ba mới có một lời buồn trách:
Ai biết tình ai có đậm đà.
Chữ đậm đà ở đây phản ánh sự lợt lạt chiếc áo trắng lại còn trắng nữa thì thật không còn tìm đâu được chút màu sắc hứa hẹn nào.

Lại nữa, trên bức ảnh không ghi một câu hỏi thăm nào mà anh hằng mơ ước xa xôi. Vậy thì ai biết tình ai có đậm đà.

Câu thơ nầy nói lên nỗi mong đợi từ xa vẫn còn trong mơ hồ.
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra.
Hai câu kết ý Hàn nói phải chăng vì đời sống trầm hương của chị Cúc (sương khói) đã che mờ đi bóng dáng con người nhân thế của anh.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.
Hai câu kết này lấy lại ý thơ đoạn hai, vì lương giáo không hoà đồng mà đôi bên phải chia cách. Liệu còn nhớ nhau không?

Ở đây thôn Vĩ Dạ là một bài thơ tình tứ sâu sắc. Chỉ cần đọc qua cũng đã thấy ý nghĩa của nó: vừa nhớ nhung nhẹ nhàng, buồn trách xa xôi, không ai phiền luỵ ai, mà sao nghe như day dứt xót xa. Không ai nặng lời ai, mà nghe hờn tủi từ chiếc áo trắng không lời, từ đám bắp hiu quạnh cho đến con đò đợi trăng.

Bài thơ tuyệt vời từ ý đến lời này được chọn làm một tập thơ rất có giá trị của nhiều thi nhân tiếng tăm.

Bài thơ này, ông Quách Tấn giải thích một cách hờ hững suy diễn theo riêng tư không có cơ sở khiến chị Cúc nghe được bất bình lắm, nhưng chị lịch sự không muốn nói ra.

Trong một dịp về Huế ghé thăm chị Cúc nhắc lại những câu chuyện ông Tấn viết về chị trong Đôi nét về Hàn Mặc Tử, chị nói:

Ông Tấn kể chuyện anh Trí đi Sài Gòn lập chí để xem người ta còn khinh anh nữa không. Chị nói: “Người ta đây ông Tấn ám chỉ tôi. Vì tôi đã chê anh Trí không xứng môn đăng hộ đối.”

Chị Cúc nói: “Giữa anh Trí và tôi chưa hề có lời trao đổi chê khen, dù là gián tiếp, chưa hề có thái độ thân sơ, khinh trọng.” Vậy ông Tấn dựa vào đâu mà xét đoán tôi tầm thường như vậy. Dòng họ tôi sống theo nho phong Phật giáo có bao giờ mặc áo khỏi đầu. Anh Trí cũng biết vậy. Anh Trí viết trong bài Ở đây thôn Vĩ Dạ cũng đã thông cảm ý đó:
Gió theo lối gió mây đường mây.
Chị Cúc cũng thổ lộ: nếu nói về chuyện môn đăng thì thật là quá khinh bạc đối với gia đình Hàn Mặc Tử.

“Ông cụ tôi, chị nói (cụ Hoàng Phùng, thân sinh chị) đã từng là bạn đồng liêu với cụ Tham (cha tôi) khi hai người còn làm việc tại Toà sứ Hội An năm 1901. Tôi đọc gia phả cụ tôi có ghi năm đó bàn giao công việc đối với cụ Tham Nguyễn Văn Toản khi cụ chuyển ngành qua Thương Chánh. Nói như ông Tấn thì thật sai lầm làm cho tôi hổ thẹn.

Sau này về Huế gặp lại chị Như Lễ, gặp lại cậu tôi không biết ăn nói ra làm sao!

Chị Cúc cứ băn khoăn: Ông Tấn ghép tôi vào câu chuyện “đầu Cúc mình Cầm” gì gì đó trong mối tình anh Trí với chị Mộng Cầm. Tôi không hiểu ông Tấn muốn nói gì. Tôi an ủi chị: Ông thích nói cho vui vậy thôi, chuyện chi chị phải áy náy. Ngay câu chuyện ông nói Hàn vào Sài Gòn ghé Nha Trang thăm ông đã là đùa rồi, vì tháng 7/1934, ông Tấn còn đang ở Đà Lạt, vậy anh Trí thăm ai ở Nha Trang. Thôi bỏ đi, đừng suy nghĩ mà mệt trí.

Năm 1986, chị Cúc vào Sài Gòn ghé thăm chị Như Lễ, trông thấy bức ảnh Hàn treo trên vách không khuôn, chị lặng lẽ đi mua cái khung gỗ mới, tự tay tra ảnh vào khung treo lên. Cả nhà chị Như Lễ đều xúc động.

...


Nguồn: Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nguyễn Bá Tín, NXB Hội nhà văn, 1994
Ảnh đại diện

Cửa sổ đêm khuya (Hàn Mặc Tử): "Tam sao Thất bản"...

Hoa cười, nguyệt gọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm sợ vấn vương
Tha thướt liễu in hồ gợn sóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
Qua lại yếu ngàn dâu ủ lá
Hòa đàn sẵn có dế bên tường


Thế là, bản của mình và của Vanachi lại "khác" nhau một tí rồi !?! Ở câu 1, bản mình có thêm dấu phết "," sau chữ "cười" - bỏ qua! kế đến là "rọi" và "gọi" - bỏ qua! Câu 2: chà, bạn sai chính tả ở chữ "buồm" rồi, phải là "buồn" mà; tiếp là  chữ "nỗi", bản của mình là "sợ" - Không có gì lớn! Bỏ qua ... Nhưng tới câu 8 thì "căng căng" à nha! Không thể là "Hoa", phải là "Hoà" cơ, chắc là một lỗi chính tả nữa thôi!?! Tới chữ "đường" hay "tường"..? Chịu! Bạn tự xử vậy...

Hi hi!... Lâu quá mới lại trở vô Thivien, có gì thất lễ, mong mọi người bỏ qua nha!

Trân trọng.


Nguồn: Hàn Mặc Tử trong riêng tư, Nguyễn Bá Tín, NXB Hội Nhà Văn, 1994.

Trang trong tổng số 4 trang (39 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: