Trang trong tổng số 9 trang (88 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tống biệt hành (Thâm Tâm): Khổ cuối bài thơ???

Thân gửi các bạn,

Minh Thùy có vào Trang Thơ đọc, thấy tủ thơ có nhiều bài thơ hay, tài liệu phong phú, nhưng xem qua bài thơ Tống biệt hành của nhà thơ Thâm Tâm, là bài thơ MT rất yêu thích - bài thơ nổi tiếng nửa thế kỷ nay - thì nhận ra là bài thơ ở đây còn thiếu một đoạn cuối rất đẹp, và một vài chữ không đúng, MT xin mạn phép được bổ túc cho bài thơ được toàn vẹn.
Thi sĩ Thâm Tâm sinh 1917, mất năm 1950. Bài thơ này sáng tác năm 1940.

Kính và cám ơn các bạn.

Minh Thùy


Tống biệt hành

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong ?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...

-Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu cay...

Mây thu đầu núi, giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động tiếng hồn câm

THÂM TÂM 1940
---------------------
Minhthuy cho sóng trăng hỏi tí nhe,

Bài "Tống Biệt Hành" của Thâm Tâm sóng trăng thuộc lòng lâu lắm rồi, quên không biết dựa theo nguồn nào, nhưng nhớ đoạn cuối như vầy:

"Mây thu đầu núi, gió lưng chân,
Cơn lạnh chiều nao để bóng thầm,
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm..."

So với đoạn cuối của bài thơ Minhthuy đăng lên, có vài dị biệt:
quote:

Trích đoạn: minhthuy

Mây thu đầu núi, giá lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động tiếng hồn câm

THÂM TÂM 1940


Minhthuy có thể cho biết bạn dựa vào nguồn nào để chép bài thơ này không?

Và nếu được, chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của hai đoạn thơ và sự khác biệt trong chữ dùng.

Riêng sóng trăng, khi đi ngang đèo Hải Vân, mới hiểu hết cái cảm động của người thi sĩ giữa núi rừng cô tịch trong mùa thu, khi chia tay người thương để đi làm tròn bổn phận người trai:
"Chí lớn không về, bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm Mẹ già cũng đừng mong... "

Và nhận ra cái cảnh vô cùng cô đơn này:
"Mây thu đầu núi, gió lưng chân
Cơn lạnh chiều nao để bóng thầm...
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm... "

Cảnh "mây thu đầu núi", đối với "gió lưng chân", mới nghẹn ngào làm sao cho lòng ly khách giữa mùa thu ngang lưng núi.

Và âm "ân" (lưng chân) vần với "ầm" (bóng thầm), ăm (hờn căm)
hơn là "ăng" (giá lên trăng - tạm hiểu: hơi lạnh bốc lên trăng? hơi gượng).

Chữ "xô" trong câu cuối, làm sóng trăng như nghe thấy tiếng sóng biển dạt dào khi đứng trên Trường Sơn đoạn đèo Hải Vân, sóng biển như gần lắm, nhưng chỉ là "tiếng đời xô động"... chứ thật ra, không thể nghe thấy tiếng sóng.

Còn "tiếng hờn căm... " thực nói lên hết cả lý do của buổi ly biệt, vì nỗi hờn non nước, hờn vong quốc, mà
"Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ! Thà coi như chiếc lá bay
Chị! Thà coi như là hạt bụi
Em! Thà coi như hơi rượu cay! "



Minhthuy nghĩ sao?



sóng trăng
----------------------------
Trả lời bạn Sóng Trăng,

Cám ơn bạn đã đọc bài thơ Minh Thùy bổ túc và có góp ý cùng phân tích cặn kẽ và hay.

Minh Thùy bổ túc đoạn cuối vào bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm là dựa theo tạp chí Tác phẩm văn học, ra 2 tháng một kỳ, số báo có đăng bài này là số 2 - tháng 9-10- năm 1987. Tình cờ có người quen cho MT số báo này từ lâu, vì trong đó có bài thơ Tống biệt hành và bài thơ Ở phía sau cửa sổ của Thế Dũng rất hay nên MT còn giữ số báo này đến nay.

Theo sự cảm nhận của MT thì 2 câu:
Mây thu đầu núi, giá lên trăng.
cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm

tác giả dường như muốn nói lên nỗi lạnh lùng, rét giá của một chiều thu và nỗi cô đơn của ly khách, người phải thoát ly gia đình, đi làm cách mạng, ra đi thầm lặng một mình, đứng bên đường chỉ có bóng mình. Ở đây câu thơ đã tượng hình rất đẹp, rất thơ của người ly khách.

Và câu cuối: Tiếng đời xô động tiếng hồn câm.
MT cảm nhận thi sĩ dường như mưốn nói: trong khi cuộc đời xáo động, sóng gío như vậy, đất nước bị sự thống trị của thực dân Pháp thì đa số người dân phải chịu đựng câm lặng mà sống, ly khách càng thấy mình cô đơn hơn, đến nghe muốn khóc.

MT viết dường như vì nghĩ khi đọc thơ hay truyện, người đọc thường diễn giải ý tưởng bài thơ theo cảm nhận của mình. Và mỗi người tùy theo kinh nghiệm sống, cảm hứng của mình mà có những diễn giải khác nhau. Có lẽ chỉ có tác giả mới nói đúng ý tưởng mà ông muốn bày tỏ.

Đây là do kinh nghiệm lúc còn học Văn ở trường, khi giảng về bài thơ hay tác phẩm nào, thầy cô hay nói là tác giả viết như vậy vì tác giả muốn nói thế này, thế khác....MT thấy có vẻ áp đặt quá, có lần đã hỏi lại cô là: Có đúng tác giả muốn nói thế không? Hay chỉ là do mình phỏng đoán như vậy...

Đến nay viết truyện ngắn, có khi độc giả và cả bạn bè, viết thư về MT bày tỏ cảm nghĩ của họ với nhân vật và cốt truyện thì MT thấy vài người nói chưa đúng lắm với ý tưởng mà mình muốn chuyên chở trong truyện. Nhưng MT vẫn tôn trọng những ý kiến đó vì nghĩ đó là xuất phát từ kinh nghiệm sống của từng người thôi.

Xin phép hỏi lại Sóng Trăng dựa vào nguồn nào mà có đoạn thơ cuối khác đó ? Cũng có thể đoạn thơ cuối mà MT đọc được ở tạp chí Tác phẩm văn học đã in sai chăng?
MT rất vui biết thêm có người cũng ưa thích bài thơ Tống biệt hành và có những suy nghĩ, cảm nhận rất hay.

Kính và cám ơn

Minh Thùy
Chào Minhthuy,


Bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm là một bài thơ sóng trăng thuộc ngay khi đọc xong, nó thấm vào tận trong tim trong hồn mình, và không ra nữa. Do đó, hôm nay chịu thua không biết nguồn ở đâu.

Chỉ biết chia sẻ với bạn những cảm nghĩ thế thôi,

Chúc vui nhé,



sóng trăng
------------------------

Ảnh đại diện

Thu ca I (Kìa đang đến cảnh giá băng tăm tối) (Charles Baudelaire): Bản dịch của Vương Ngọc Long

Kìa đang đến cảnh giá băng tăm tối;
Hè vui tươi ngắn ngủi giã từ xa
Nghe thê thảm đâu đây ngàn tiếng dội
Cành úa rơi vang dội góc sân nhà

Ở trong tôi một mùa đông trở lại
Giận, ghét, run, khiếp sợ, nhọc nhằn đau
Như mặt trời trong giá băng địa ngục
Trá tim tôi, khối đỏ, lạnh băng sầu

Tôi run rẩy nghe cành khô rơi rụng
Tiếng đục khàn máy chém dựng kêu vang
Ôi thương đau linh hồn tôi tháp đổ
Từng nhát đâm thôi thúc nặng nề mang

Chừng nghe mãi tiếng gõ đều dai dẳng
Ngỡ quan tài đóng nắp vội đâu đây
Vì ai đó ? hè đi, thu đã đến
Tiếng âm vang huyền diệu lúc chia tay

Ảnh đại diện

Chuông rạn vỡ (Charles Baudelaire): Bản dịch của Hải Đà

Đêm đông lạnh, ôi dịu dàng cay đắng
Ngồi bâng khuâng khói lửa chập chờn bay
Từ xa xưa nghe dâng tràn kỷ niệm
Tiếng chuông rung hát giữa khói sương dầy

Ôi sung sướng! chuông kêu rền khan cổ
Mặc già nua, nhanh nhẹn sống lâu bền
Lời kính cẩn trung thành vang tiếng gọi
Như lính già canh thức giữa lều đêm

Trong phiền muộn linh hồn tôi rạn nứt
Đêm giá băng tiếng hát muốn len vào
Kìa giọng nói thất thường rên yếu ớt

Tựa thương binh quên lãng thở thều thào
Bên hồ máu, dưới thi hài chất đống
Gắng chết mòn chẳng nghe tiếng động nào

Ảnh đại diện

Chán chường (Khi bầu trời thấp và nặng) (Charles Baudelaire): Bản dịch của Hải Đà

Trời trũng thấp như chiếc vung nặng trĩu
Đè lên hồn rền rĩ nỗi buồn dai
Xiết vòng quanh là chân trời vây kín
Rót ngày đen sầu thảm hơn đêm dài

Mặt đất biến thành nhà tù ẩm thấp
Nơi chốn mà Cuồng Vọng tựa cánh dơi
Bức tường ngăn rụt rè đôi cánh đập
Chạm đầu va trần mục nát tả tơi

Từng vạt lớn cơn mưa tràn vung vãi
Tựa khung tù song sắt rộng thênh thang
Ghê gớm quá lặng câm nhìn đàn nhện
Tận óc mình thả lưới bủa vây giăng

Trong bất chợt cỗ chuông reo phẩn nộ
Thất kinh người tiếng hú vọng lên trời
Không tổ quốc tựa linh hồn lang bạt
Phàn nàn than dai dẳng chẳng ngừng thôi

Đoàn xe tang chạy dài không chiêng trống
Qua hồn tôi bước chậm.. Hy Vọng tàn …
Òa lên khóc, Kinh Hoàng và áp chế
Trên đầu tôi nghiêng gục cắm cờ đen ..

Ảnh đại diện

Suối máu (Charles Baudelaire): Bản dịch của Hải Đà

Những lúc thấy máu mình tuôn xối xả
Tiếng nấc đều theo nhịp suối thở than
Nghe máu chảy tiếng thầm thì dai dẳng
Ráng công tìm chẳng thấy vết thương mang

Quanh con phố như đồng hoang kín mít
Nổi trên đường đảo nhỏ ...máu trôi mau
Muôn sinh vật đón mừng cơn dịu khát
Sắc đỏ tươi tạo hoá thắm tô màu

Ta thỉnh cầu những chai vang xảo quyệt
Xoa dịu ta ngày sợ hãi xanh người
Chất rượu làm mắt tinh thêm tai thính

Tìm tình yêu trong giấc ngủ quên đời
Tấm nệm Tình cho ta đầy gai nhọn
Hỡi cô nàng tàn nhẫn .. rượu ta mời

Ảnh đại diện

Lên cao (Charles Baudelaire): Bản dịch của Hải Đà

Bay trên hồ ao, bay qua lũng thấp
Bay trên núi rừng, biển cả, mây cao
Vượt thinh không, qua mặt trời rạng rỡ
Đến tận cùng lấp lánh những vì sao

Nhanh nhẹn quá, tâm hồn ta chuyển động
Như người bơi ngây ngất sóng trùng khơi
Hồn sâu thẳm ngươi cười reo, ngang dọc
Trong niềm vui sức sống khó nên lời

Bay thật xa, thoát nơi nầy chướng khí
Cuối tầng mây thanh khiết xác thân mình
Hãy uống đi, ly rượu thần trong sạch
Lấp lánh đầy lửa sáng cõi quang minh

Dấu lòng đau, suy tư buồn não nuột
Cuộc trần ai kiếp sống nặng nề mang
Đôi cánh khỏe cho người nhiều may mắn
Vút lao mình về phía cánh đồng quang

Kẻ trầm ngâm như loài chim chiền chiện
Sớm mai hồng vút cánh tít trời xa
Bay trên đời cho lòng mau thấu hiểu
Lặng câm buồn: ngôn ngữ của loài hoa

Ảnh đại diện

Tĩnh tâm (Charles Baudelaire): Bản dịch của Hải Đà

Em Đau Khổ, hãy bình tâm ngoan ngoãn
Đang xuống đây, chầm chậm.. buổi chiều mong
Trên thành phố màn trời đen phủ kín
Người lo âu, kẻ khác thấy an lòng

Trong đám đông hèn hạ kẻ phàm nhân
Tên đao phủ với làn roi Khoái Lạc
Hái ăn năn trong đám hội đê hèn
Em Đau Khổ đưa bàn tay tôi dắt

Lánh xa đi ! Năm tháng đã phai tàn
Khung trời cao, nghiêng mình trong áo cũ
Đáy sông lên, Ân Hận mỉm cười khan

Dưới cầu cong, Mặt Trời đang hấp hối
Từ phương Đông dài liệm chiếc khăn tang
Em yêu dấu, đêm vàng đang khẽ bước …

Ảnh đại diện

Hồn rượu (Charles Baudelaire): Bản dịch của Hải Đà

Một chiều hồn rượu hát ca vang
Gửi người cô thế, kẻ gian nan
Từ nơi ngục kiếng viền xi đỏ
Rực sáng bài ca nghĩa bạn vàng

Trên đồi rực lửa tốn bao công
Nắng vã mồ hôi ướt chảy ròng
Sinh sản hồn ta, đời sống mới
Ta không bất nhẫn, bạc ơn lòng

Sung sướng là bao lúc rót vào
Tràn nơi cuống họng kẻ cần lao
Êm đềm ngực ấm là ngôi mộ
Thoát chốn hầm sâu lạnh xiết bao

Chủ nhật ngồi nghe điệp khúc vui
Phập phồng hy vọng ngực chơi vơi
Xắn tay áo dựa trên bàn rượu
Ta được vinh danh, thỏa mãn người

Đôi mắt vợ ngươi thắp sáng ngời
Con người khoẻ mạnh sắc hồng tươi
Cho chàng lực sĩ dầu xoa bóp
Bắp thịt phồng căng đấu đã đời

Cao lương mỹ vị rước ta vào
Hạt giống vĩnh hằng được ném trao
Lộng lẫy tình ta thơ nở rộ
Đoá hoa kỳ diệu ngút trời cao

Ảnh đại diện

Khúc chiều tà (Charles Baudelaire): Bản dịch của Hải Đà

Kìa .. run rẩy trên cành xanh tha thướt
Những bông hoa kiều diễm ngát thơm nhang
Muôn tiếng động giữa trời hương lồng lộng
Điệu valse buồn xây xẩm ngực râm ran

Từng cánh hoa như hương trầm tỏa ngát
Tiếng vĩ cầm run khẽ thắt tim đau
Thân mệt lả điệu valse buồn xơ xác
Chiếc bình hương lộng lẫy đẹp khung sầu

Quặn tim đau tiếng vĩ cầm khe khẽ
Trái tim mềm oán hận cảnh hư vô
Trời ủ rũ trên bình hương bát ngát
Ánh dương tàn trong giọt máu đông khô

Cõi hư không trái tim mềm oán ghét
Vết tích tìm trong quá khứ lung linh
Dòng máu đông từ mặt trời đã lặn
Bình thánh linh rực rỡ chuyện đôi mình

Ảnh đại diện

Âm nhạc (Charles Baudelaire): Bản dịch của Hải Đà

Ta say nhạc như đam mê biển lớn
Đường ta đi loáng bạc những vì sao
Dưới mây mù phủ lấp cả trời cao
Lòng rộn rã giăng buồm nương gió thổi
Ta ưỡn ngực căng phồng hai lá phổi
Như buồm kia lồng lộng gió ngàn khơi
Ta trèo lên lưng sóng cưỡi chơi vơi
Mịt mùng xa giữa màn đêm phủ bóng
Hồn run rẩy theo từng cơn khát vọng
Của con tàu luôn nhẫn nhục dầy công
Qua gió lành, bão tố, nước bềnh bồng
Sóng mênh mang trên bờ sâu thăm thẳm
Ru ta ngủ mặt đài gương biển lặng
Soi hồn ta cơn tuyệt vọng điên cuồng

Trang trong tổng số 9 trang (88 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: