Trang trong tổng số 25 trang (244 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Anh yêu em như yêu Hà Nội (Nguyễn Anh Nông): Bản nhạc: Anh yêu em như yêu Hà Nội

Nhạc: Trung Kim
Thơ Nguyễn Anh Nông
Nguồn: Bản nhạc in trong tập thơ HÀ NỘI VÀ EM, tác giả Nguyễn Anh Nông, NXB Quân đội nhân dân, 2010
Và in tại nguồn:

http://ledinhbang.vnweblogs.com/post/1987/310409

Ảnh đại diện

Anh yêu em như yêu Hà Nội (Nguyễn Anh Nông): Ca khúc: Anh yêu em như yêu Hà Nội do nhạc sỹ Mai Kiên phổ nhạc

Nhạc Mai Kiên
Thơ Nguyễn Anh Nông

Nguồn tại địa chỉ sau:

http://ledinhbang.vnweblogs.com/post/1987/313411

Ảnh đại diện

Anh yêu em như yêu Hà Nội (Nguyễn Anh Nông): Ca khúc: Anh yêu em như yêu Hà Nội

- Nhạc Trung Kim
- Thơ Nguyễn Anh Nông

Anh yêu em như yêu Hà Nội . Sáng sáng chiều chiều chầm chậm mây bay. Anh yêu em như yêu Hà Nội. Mỗi đêm về dạo bước tay trong tay. Anh yêu em như yêu Hà Nội. Trăng Hồ Gươm, mùi hoa sữa dâng đầy. Anh yêu em như yêu Hà Nội. Nét dịu dàng để cho lòng ai xao xuyến.


Không thể nào quên, không thể nào quên đâu, đôi mắt em cười như rót mật lòng ai, để anh say không chỉ lúc chia tay, khi anh ngồi lặng lẽ, khi bơ vơ trên biển rộng không bờ.

Không thể nào quên, không thể nào quên đâu, Những vần thơ như lửa cháy, như mưa tuôn, thác đổ, cứ bập bùng, thổn thức tháng ngày.

Anh yêu Hà Nội và yêu em. Dẫu đời anh lênh đênh như con thuyền. Nhưng, bến đổ cuối cùng anh sẽ về bên em. Anh yêu Hà Nội và yêu em...
Nguồn: Nhạc của tui.com

http://www.nhaccuatui.com...i-nam-hai.XXpX14V83f.html

Ảnh đại diện

Những chiếc vé số (Lê Văn Vọng): Chiếc áo màu xanh

Chiếc áo màu xanh

Nghe nhiều rồi bây giờ mới thấy đây
chiếc áo anh mang màu xanh của lá
khi mặc vào trông anh hiền quá
sớm lại chiều em cứ muốn nhìn thôi.

Hôm anh phơi chiếc áo tầng hai
thấy trời sắp mưa mà em sốt ruột
em muốn sang nhưng cầu chưa bắc
muốn cất áo cho anh lại sợ người ngoài.

Dãy nhà bên kia, dãy nhà bên này
chỉ cách nhau một con đường nhỏ
nhà em rộng sao anh không ở
để bây giờ em cất áo cho anh

Đôi chân anh đã đi bao miền
mà đế dép vẹt mòn đá sỏi.
ai thương anh, áo may đẹp vậy,
cây nghĩ gì, mà màu áo nhường cho?

ở những nơi các anh đi qua
màu áo ấy đã thành kỷ niệm
các cô gái mỗi khi nhắc đến
lại gục vào vai nhau để giấu nụ cười.

Thành phố hôm nay say trong biển người
cái thế giới của âm thanh, màu sắc
màu áo đó giữa muôn ngàn ánh mắt
đứng chỗ nào cũng dễ nhận ra.

Mong áo màu xanh đã bao năm rồi
cái áo màu xanh thân thương giản dị
em cứ để nó hoài trong ý nghĩ
cả nụ cười làm đỏ vành tai.

Và bao điều em chẳng nói cho ai
cả chuyện trời mưa định sang cất áo
mà hôm nay đến trường con bạn em nó bảo
trong mắt mày có chiếc áo màu xanh.

LÊ VĂN VỌNG

QĐND - Mấy chục năm trước, một bài thơ hay sẽ lan truyền nhanh chóng, nhiều người chép lại với nhiều dị bản khác nhau. Bởi lúc đó sách vở đâu có nhiều, chuyện chép nhầm câu chữ và đôi khi thiếu cả khổ thơ không phải là hiếm. Nhưng quan trọng, bài thơ đã được người đọc nơi nơi thay nhau chép sẽ in sâu trong trí nhớ lớp lớp người đọc tận sau này. Như trường hợp bài thơ “Chiếc áo màu xanh” của Đại tá, nhà thơ Lê Văn Vọng thì mỗi người đọc nhớ một bản khác nhau, không đúng với bản gốc. Bài thơ cũng không nhắc đến một địa danh, mốc sự kiện cụ thể nào để người đọc mường tượng xuất xứ và cảm hứng để nhà thơ sáng tác bài thơ nổi tiếng. Đó là lý do thôi thúc chúng tôi tìm đến nhà riêng của nhà thơ Lê Văn Vọng trong ngõ nhỏ trên phố Dương Quảng Hàm (Hà Nội) để được nghe ông kể về bài thơ của mình.


Nhà thơ Lê Văn Vọng kể: Bài thơ “Chiếc áo màu xanh” ra đời vào tháng 7-1975, khi đó nhà thơ Lê Văn Vọng đang công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng, hòa vào đoàn quân áo xanh tiếp quản Sài Gòn. Đa phần người dân Sài Gòn đều có thiện cảm với người lính cách mạng, bắt chuyện với nhau trên đường phố hết sức thoải mái. Nhưng cũng có người chưa hiểu rõ về những người lính cách mạng do ảnh hưởng tuyên truyền tâm lý chiến của địch kiểu như: Việt Cộng không có quân phục và hoang dã “răng đen mã tấu dép râu” hoặc quái dị hơn là "bảy thằng Việt Cộng leo cây đu đủ không gãy" (!). Thực tế trước mắt lại khác hẳn! Xuất hiện trên đường phố Sài Gòn là những người lính khỏe mạnh, đẹp trai, hiền lành và nổi bật là bộ quân phục màu xanh giản dị. Bộ quân phục của những người lính cách mạng không hầm hố như quân phục lính ngụy và cũng không góc cạnh như quân phục lính Mỹ. Người dân Sài Gòn thấy lạ lùng, khát khao được tìm hiểu những người lính cách mạng. Không khí chung đó đã nhen nhóm ý tưởng sáng tạo cho nhà thơ Lê Văn Vọng, nhưng cảm hứng trực tiếp để bài thơ “Chiếc áo màu xanh” ra đời lại xuất phát từ một hoàn cảnh cụ thể. Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng đóng trụ sở ở hai ngôi nhà liền kề trong một con hẻm trên đường Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ), đối diện đó là nhà dân. Nhà thơ Lê Văn Vọng nhìn sang và thấy cô gái trẻ ở ngôi nhà đối diện. ông đoán cô gái vẫn còn đi học vì hằng ngày vẫn thấy cô diện tà áo dài trắng trong đi về trên chiếc xe đạp, cặp sách để ở giỏ xe trông thật dễ thương. Sự xuất hiện của cánh lính trẻ ở nhà đối diện khiến cô gái để ý. Nhìn thấy anh bộ đội là cô gái thoáng e lệ và lộ cả vẻ tò mò. Nhưng rồi không ai dám mở lời, cho tới khi Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng chuyển đi nơi khác. Nhà thơ biết rằng, cả hai bên sẽ hụt hẫng khi không còn nhìn thấy nhau bởi vẫn còn lưu luyến trong lòng, dù không giải thích được đó là thứ tình cảm gì. Chính bởi sự im lặng và hụt hẫng đó mà bài thơ “Chiếc áo màu xanh” đã được nhà thơ Lê Văn Vọng sáng tác rất nhanh, chỉ trong một đêm. Không lâu sau bài thơ được đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội.

Dù đã viết 13 đầu sách và giành được nhiều giải thưởng văn học của địa phương, Bộ Quốc phòng…, nhưng hễ nhắc đến nhà thơ Lê Văn Vọng là người yêu thơ nghĩ ngay đến bài thơ “Chiếc áo màu xanh”. Bài thơ từ khi ra đời đã được người đọc trong và ngoài quân đội yêu thích và được phổ nhạc; với nhà thơ Lê Văn Vọng, đó là phần thưởng quý giá nhất.

Có một kỷ niệm đáng nhớ với nhà thơ Lê Văn Vọng hồi Tết Kỷ Sửu 2009, một số quân nhân cùng công tác với vợ nhà thơ ở Phòng Hậu phương quân đội, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị đến chúc Tết gia đình. Cuộc hội ngộ đầu xuân đã trở thành buổi đàm đạo về bài thơ “Chiếc áo màu xanh”. Mỗi đồng chí đã thay nhau đọc từng đoạn thơ trong bài thơ, và họ thú thật đã thích bài thơ từ hồi còn là anh lính trẻ. Chỉ có thơ hay người ta mới nhớ lâu được như thế! Nhưng giải thích sức hấp dẫn đặc biệt của bài thơ “Chiếc áo màu xanh” đối với nhiều thế hệ chiến sĩ thì quả không dễ, ngay cả đối với nhà thơ Lê Văn Vọng.

Bản thân vẻ đẹp đơn sơ và cuộc đời chiến đấu gian khổ của người chiến sĩ đã hấp dẫn người đọc mà ý tứ bài thơ gợi nên. Nhưng nếu không khéo tìm ra cách diễn đạt thích hợp, có thể bài thơ sẽ thiếu tính thuyết phục. Sự tinh tế của bài thơ “Chiếc áo màu xanh” là nhà thơ đã mượn hình ảnh chiếc áo quân phục bình dị để làm biểu tượng cho cuộc đời chiến đấu và tâm hồn người lính. Cao tay hơn, nhà thơ Lê Văn Vọng không dùng “điểm nhìn” của một người chiến sĩ tự khen về áo xanh của mình và đồng đội; thay vào đó là tâm sự của một cô gái không quen biết. Chính giọng điệu trữ tình tự sự của bài thơ khiến nhiều người nghĩ bài thơ “Chiếc áo màu xanh” là thơ tình yêu. Thực ra bài thơ chỉ đề cập đến một thứ tình cảm quý mến nhau, chưa tới ngưỡng của tình yêu. Đây cũng là điểm khác lạ của bài thơ khi nhà thơ đã làm hữu hình hóa tình cảm thầm kín vô hình theo kiểu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” của cô gái với người chiến sĩ.

Trước khi tiễn chúng tôi ra về, nhà thơ Lê Văn Vọng còn gửi gắm một tâm sự: Đề tài người chiến sĩ không bao giờ nhàm chán, vấn đề nằm ở cách thể hiện mà thôi! Gần 40 năm trước, bài thơ “Chiếc áo màu xanh” đã ra đời làm lay động bao trái tim người đọc, để họ phải thốt lên: Yêu biết bao màu xanh áo lính! Để có thể chinh phục người đọc hôm nay về một đề tài người lính quen thuộc quả là khó, nhưng tìm cách diễn đạt mới mẻ có lẽ là “con đường sáng” mà nhà thơ Lê Văn Vọng gợi ý từ bài thơ “Chiếc áo màu xanh”.

TRẦN HOÀNG HOÀNG



Nguồn: Báo QĐND, ra số  thứ sáu, ngày 22/2/2013


http://ngoctanns.vnweblogs.com/post/4314/405079


Nhờ Ban Quản trị đưa bài này vào mục thơ Lê Văn Vọng
Xin cảm ơn
Kim Diệu Hương
Ảnh đại diện

Chiều sân ga (Lê Văn Vọng): Chiều sân ga(*) bản hoàn chình do nhà thơ Lê Văn Vọng cung cấp

Từ: vọng lê văn <levanvong09@yahoo.com.vn>
Tới: Nong Nguyen <nguyenanhnong@yahoo.com.vn>
Đã gửi 10:58 Thứ Tư, 20 tháng 2 2013
Chủ đề: Chiều sân ga
Gửi chú Nông bài thơ "Chiều sân ga" của bố cháu


CHIỀU SÂN GA
Về đi em
cho con tàu lăn bánh
sân ga chiều gió lạnh
Em...

Con tàu đi
đi xuyên đêm
những người lính bước vào trận mới
nặng gánh gia đình
mẹ già, con dại...
những người lính mười tám, đôi mươi
bàn tay như bàn tay con gái
những chiến sỹ như ban mai
chia tay
không hẹn ngày trở lại.

Qua cửa sổ con tàu là Đất nước, là Em
dáng mẹ lưng còng
những căn nhà lá, tranh
những cách đồng quanh năm nước nổi
mặt trời lên
mặt trời chìm
mồ hôi cha thành muối
mồ hôi em vở học trò sáng, tối
tất bật bốn mùa
con đa đa lúc nào cũng vội
những suy ngẫm trước hàng cây lá mới
những băn khoăn mỗi bận nhận thư nhà
những quê gần
quê xa
chưa tới.

Qua cửa số con tàu còn bao điều chưa nói
là những ngày anh sống có em!

Con đường dừa ta đã nhiều đêm
nghe gió kể chuyện đời, thần thoại
sông Mã chảy biết khi nào ngừng lại
để cánh buồm ngược nước trời trưa?

Qua cửa sổ con tàu, mặt trận ngoài kia
người chiến sỹ gắn cuộc đời với đất
tình đồng đội giàu thêm sức lực
nhìn nhau không khỏi bận lòng.

Ngày lại ngày chờ đợi thư thăm
niềm vui hiếm hoi ào qua trận địa
thay băng đạn bao lần không nhớ
dáng hy sinh bè bạn trước cửa hầm.

Qua cửa sổ con tàu, những tháng năm
thị xã của ta cổng thành rêu phủ
căn nhà nhỏ giữa xóm nghèo Hàng Cá
chợ Vườn Hoa ngày mấy lượt đi, về
mẹ một mình tần tảo sớm khuya
thời gian chuốt mòn hai đầu đòn gánh.

Lại nuôi con một mình những người vợ lính
lại hy vọng
đợi chờ
cuộc sống thiết tha
lại dằn lòng nỗi nhớ người xa
và kỷ niệm
sống bằng kỷ niệm
của lứa đôi
không biết đến tuổi già.

Em nghĩ gì, đứng lặng giữa sân ga
về đi em
cho con tàu chuyển bánh.

                         LÊ VĂN VỌNG

(*) 11h ngày 20/2/2013,tôi nhận được điện thoại và email của nhà thơ Lê Văn vọng nhờ gửi bài này, anh cho đây là bài hoàn chỉnh nhất.Chiều sân ga của anh trên thivien.net. Vậy xin được đưa lên cho bạn đọc tham khảo.
Nhận từ email của nhà thơ Lê Văn Vọng:
Từ: vọng lê văn <levanvong09@yahoo.com.vn>
Tới: Nong Nguyen <nguyenanhnong@yahoo.com.vn>
Đã gửi 10:58 Thứ Tư, 20 tháng 2 2013
Chủ đề: Chiều sân ga

Ảnh đại diện

Cảm tác (Nguyễn Anh Nông): Tin thêm

Đến tháng 9 năm 2012, bài thơ Cảm tác của Nguyễn Anh Nông đã có nhiều người bình, những tác giả khá nổi tiếng như nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà thơ Đỗ Trọng Khơi... mang ra bình, rất ấn tượng, sâu sắc. Bạn có thể vào đường dẫn sau( http://www.thivien.net/vi...5mZDyU8SQ&Page=1) sẽ thấy bài bình thơ đó. Tính đến nay, đã có 7 người dịch bài thơ Cảm tác này ra tiếng Trung Quốc gồm các tác giả: Đỗ Đức Nậm, Lâm Chiêu Đồng, Điệp Luyến Hoa, Vũ Phong Tạo, Nguyễn Chân, Chúc Nhưỡng Tu(Giáo sư-dịch giả Trung Quốc) và gần đây là dịch giả Nguyễn Thành Thác, ông vừa dịch và đươcj đua lên trang thivien.net(http://www.thivien.net/viewpoem.php?UID=kscTLRsfgb0j55mZDyU8SQ&Page=6). Ngoài các dịch giả dịch bài thơ Cảm tác sang tiếng Trung, còn có nhà văn, dịch giả Nguyễn Thị Bích Nga dịch sang tiếng Anh, Việt Duy dịch sang tiếng Pháp
Nguồn:
http://nguyenngocphu.vnwe...logs.com/post/1894/382745

Ảnh đại diện

Cảm tác (Nguyễn Anh Nông): Nguyễn Thành Thác dịch thơ sang tiếng Hán

Vị nam dĩ vi địch thủ
Hữu quí kháng đương đầu
Mộ phần kim đồng thanh thảo
Dỹ thành Hợp Phố hoàn châu./.
(Câu 4 có thể là: Hương yên lai vãng Hà Cầu)

12h, ngày 26 tháng 9 năm 2012, tại 17- Lý Nam Đế, Hàng Mã, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Nguyễn Thành Thác
Câu lạc bộ Hán Nôm xã an Bình, Thuận Thành, Bắc Ninh
Quê: Thường Vũ, An Bình, Thuận Thành, Bắc Ninh
ĐT: 01666.000.471

Ảnh đại diện

Cảm tác (Nguyễn Anh Nông): Nguyễn Văn Thọ thảo luận

Cháu nhận và đọc luôn...bài cảm tác của chú rồi. cảm ơn chú "Nông núi"...bài hay đó chú ạh nhiều ý nghĩa.
Cháu đang viết dở thì bấm nhầm phím...nên tin nhắn gửi đi khi mà cháu chưa nói hết ý.
cháu thích lời bình của Trần Mạnh Hảo. Mặc dù lời bình của ĐTK cháu không dám khen chi gì, nhưng ĐTK gần chú nên hiểu chú rõ lên lời bình cũng khác.
Trong lời bình của Trần Mạnh Hảo cháu thấy thanh thoát hơn ý nghĩa truyền tải, diễn đạt rõ hơn, liền mạch hơn... Nhưng cháu hơi tiếc
ở chỗ sao chỉ trong phạm vi có hai ngôi mộ, hay thấp thoáng vài ngôi mộ........mà không là rất nhiều, rất nhiều... ngôi mộ, hay cụ thể hơn là những chiến sỹ hy sinh trong chiến tranh để thống nhất đất nước dù người Nam hay Bắc giờ nằm ở các nghĩa trang dành cho từng bên và các nghĩa trang này có khi sát nhau, mặc dù "từng là địch thủ" và hiện tại  "khói hương thi thoảng thăm nhau".
Cháu không am hiểu thơ văn như chú, nhưng cháu thấy bài thơ có kết thúc mang dáng dấp của sự hòa giải dân tộc giữa Miền Nam và Miền Bắc của Việt Nam. Giá như người dân, binh lính,các lãnh đạo của Nam, Bắc Triều Tiên đọc được bài thơ này...biết đâu chăng? cũng có thể?...cục diện xoay chuyển theo chiều hướng tốt đẹp?- hy vọng là thế chú nhỉ!  
Hà Nội, 21/7/2012
  
                                              NGUYỄN VĂN THỌ
                                       Nguyenvantho80yahoo.com.vn        

________________________________________

Ảnh đại diện

Cảm tác (Nguyễn Anh Nông): Lời bình của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi

CẢM TÁC
NGUYỄN ANH NÔNG

Hai chàng từng là địch thủ
Choảng nhau có lúc mẻ đầu
Bây giờ xanh hai nấm đất
Khói hương thi thoảng thăm nhau.
1998 (*)
NAN
(*) Bài thơ này Nguyễn Anh Nông sáng tác năm 1998, lúc đó nhà thơ vẫn là hội viên Hội Văn nghệ Thái Bình và gia đình anh còn cư trú tại xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, TB).

        Lời bình của ĐỖ TRỌNG KHƠI:
        Cần khẳng định ngay đây là trường hợp thơ nói về tình người trong cõi chết và là cái chết của hai “chàng” – trẻ tuổi. Khi còn sống họ từng “choảng nhau”, không chỉ một trận: “Choảng nhau có lúc mẻ đầu”, hai từ “có lúc” đã chỉ ra cuộc chiến giữa họ là có lúc thế này, thế kia, khi nặng lúc nhẹ. Xác định rõ cái lý của “sự” vậy sẽ góp phần khai mở sâu hơn phần “hồn” của thơ, phần “linh” của cái chết – ngôi mộ.
        Tới đây câu hỏi được đặt ra, lý do gì khiến “hai chàng” phải choảng nhau nhiều lần, cũng đồng nghĩa trải quãng thời gian không ngắn, và vì sao họ chết trẻ? Một hoàn cảnh, như là cảnh “chiến tranh” lấp ló hiện dần ra. Thực vậy. Đây là một bài thơ viết về tinh thần và tình cảm chiến trận qua hình ảnh ngôi mộ của hai chàng lính trẻ. Rõ là trong cảnh làng xã, phố phường thời bình hẳn không thể có trường hợp “hai chàng từng là địch thủ” với cuộc tỷ thí “choảng nhau có lúc mẻ đầu”, để rồi dẫn đến “xanh hai nấm đất” mà tình thơ lại thanh thoát, hoá linh trong màn khói hương đầy tinh thần hoá giải như vậy được.
        Thêm lần nữa khẳng định: Cảm tác là một thi phẩm viết về trường hợp mất mát sinh mệnh con người trong chiến tranh. Và sau cuộc chiến, tư tưởng, tình cảm con người thật giầu tính nhân bản, ân nghĩa. Làn khói hương “thi thoảng thăm nhau” kia đã trổ lên một đài hương, một cây cầu mang sứ mệnh lịch sử, có tác dụng hoá giải hận thù, chỉ là làn “hương khói” vô vi mà hữu linh, siêu nghiệm. Và sự “thi thoảng” qua lại với nhau, còn gợi lên hành động e dè, ngập ngừng, chưa thường xuyên, chưa thoả đáng. Cuộc sống vốn hữu tình, hữu linh, cần nhiều hơn tình đồng cảm, sẻ chia thấu đáo, đầy đủ hơn.
        Thơ viết với giọng kể, như câu kê việc ở dạng thô giản mà tư tưởng, tình cảm bài thơ lại được nâng lên như một sứ mệnh của điều linh, giải thiêng, có tác dụng hoá giải hận thù, hoà hợp con người.
                                                                                    ĐTK

        Lời bình của TRẦN MẠNH HẢO:
        Đọc bài thơ này, tôi cứ ngồi ngẩn ra, không thể đọc tiếp được nữa vì có bao điều từ bài thơ truyền vào làm cổ họng tôi, tim tôi ứa nghẹn xúc cảm, tràn ngập suy tư, mê man nỗi niềm sống chết phận người. Tục ngữ bảo:" Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm", tôi xin mượn tinh thần câu tục ngữ này để nói về bài thơ rất hay trên của Nguyễn Anh Nông "Đánh nhau khi sống, mời nhau khi chết". Cái chết kia chợt nhân đạo quá chừng, có một nén hương cắm mộ này mà khói cũng chia phần cho cả nấm mộ "địch thủ" kia, mà chia phần "thi thoảng" vì khói còn bẽn lẽn làm quen, làm thân. Khói còn thay người ngường ngượng, ân hận vì lúc sống từng choảng nhau mẻ đầu. "Khói hương" hay chính hình ảnh hai linh hồn kia xám hối, chìa khói sang nhau như cố ý làm một sợi lạt hư vô buộc hai nấm đất vào nhau cho bớt lạnh, bớt cô đơn? “Khói hương thi thoảng thăm nhau” là câu diệu bút nâng hiệu quả bài thơ lên cõi vô bờ. Về nghĩa thực, đúng là khi thắp hương ở phần mộ này thì bao nhiêu khói bay sang phần mộ kia gần hết. Thành ra thắp hương cho một người mà hương toả cả hai. Có khi hai nhà đến thắp hương cùng lúc, hoặc nhân thắp cho mộ này, tiện tay, người sống cũng thắp tràn sang mộ bên một nén cho bên kia đỡ tủi. Nhưng nghĩa bóng của bài thơ, câu thơ đã vượt qua cây hương mà thấm vào phận người, thấm vào cả tạo hoá, vào nỗi thiện ác, ghét thương. Thơ chúng ta, giá mà trong lúc nhập đồng, làm được thiên chức "khói hương" kia để "Thi thoảng thăm nhau" như một an ủi, một dìu dắt, một ân sủng, một sự làm lành vĩnh cửu giữa sống và chết, giữa tuyệt vọng và hy vọng, giữa bất hạnh và hạnh phúc?
        Bài thơ "Cảm Tác" trên của Nguyễn Anh Nông có thể đứng đàng hoàng trong bất cứ tuyển tập thơ sang trọng dù chọn khắt khe, chọn theo tiêu chuẩn "Vip" cỡ nào cũng vẫn giữ được cái hay riêng của nó mà không một bóng đa đề nào có thể che phủ.Thơ lấy chất mà đánh bạt lượng, lấy chỉ một cái hay đích thực, hay cỡ các mét (mai tre: bậc thầy) mà đánh bại 99 cái dở là vậy đó.
        (Trích trong bài “Mây bay đi thơ đậu lại” của Trần Mạnh Hảo in báo Văn nghệ trẻ, 6/5/2001 và báo Quân Đội nhân dân cuối tuần, 20/1/2002.                          
                                                                                       TMH

http://nguyentinh.vnweblogs.com/print/1508/373493


Bài bình của nhà thơ Trần Mạnh Hảo và của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi về bài thơ Cảm tác này đã in trong tập sách: Nguyễn Anh Nông đi từ miền lá cỏ, NXB Quân đội nhân dân, năm 2013
Nguồn: http://phongdiep.net/defa...tion=article&ID=18467
Ảnh đại diện

Thơ ba câu (21-30) (Nguyễn Anh Nông): PGS,TS Đỗ Ngọc Thống: Tâm sự, chia sẻ về thơ 3 câu của NAN

Thân gửi:  Nguyễn Anh Nông
Tôi đã đọc một số bài thơ ngắn làn theo thể Haiku ( Nhật bản) của anh. Có bài được, có bài tôi thấy không hay, cũng có thể bắt chước cụ Hồ nhận xét:“ bài hay xen lẫn với bài vừa”. Tôi muốn nói thêm với anh về đặc điểm thơ Haiku để cùng tham khảo.
1) Về hình thức, như anh biết, thơ Haiku ngắn nhất thế giới ( 17 âm tiết: 5/7/5) nhưng vì tiếng Nhật không phải tiếng đơn âm nên khi dịch ra tiếng Việt rất khó tương ứng 5/7/5. Chẳng hạn: “Furuike ya/ kawazu tobikomu/ mizu no oto” thì người ta chỉ có thể dịch ra là:     “Ao cũ
                con ếch nhảy vào/
                vang tiếng nước xao”.
Và như vậy nếu làm thơ Haiku bằng tiếng Việt mà cứ phải theo cấu trúc 5/7/5 thì nhiều khi rất gượng ép, khó bộc lộ cảm xúc và tư tưởng cho thật tự nhiên mà hàm súc. Và cũng vì thế, tôi thấy nhiều người làm thơ Haiku bằng tiếng Việt thường chỉ đáp ứng yêu cầu hình thức:bài thơ ba câu . Chẳng hạn GS Lưu Đức Trung có bài Haiku sau:
Lá thông reo
Sóng vỗ
Ta và cát lặng lẽ
Hoặc
Ngắm hoa nhài
Nhớ cánh tay
Thoang thoảng hương đêm
2) Đề tài Haiku thường hướng nhiều vào thiên nhiên trong tương quan với con người, cảm thức của con người trước thiên nhiên, trước những sinh linh vạn vật đơn sơ, nhỏ bé quen thuộc quanh mình. Cảm xúc Haiku thường thấm u buồn, u tịch, u hoài (gọi là chất sabi) và vẻ đẹp của Haiku cũng ở chất sabi này. Chẳng hạn khi Quazimodo viết:
Mỗi người đứng cô đơn trên trái tim trái đất
lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời
và chưa chi chiều đã tắt.
Xuân Diệu rất thích bài Haiku này. Hoặc đây là bài Haiku của Ba-sô:
Trên cành khô
chim quạ đậu
chiều thu
Bên cạnh mạch cảm hứng buồn, u hoài, u tịch... thơ Haiku còn có một cảm hứng khác là yêu đời và luôn dạt dào sức sống, chẳng hạn:
Gần xa đâu đây
nghe tiếng thác chảy
lá non tràn đầy
Hoặc:
Hoa xuân nở tràn
bên lầu thiếu nữ
mua sắm đai lưng
   ( thơ Bu-son)
hoặc:
Ruồi trên nón ta ơi
hôm nay vào thành phố
thành dân Edo  rồi
( Issa)
3) Trong hàng loạt bài thơ của anh viết theo thể Haiku, tôi thấy trước hết cứ bị gò vào cấu trúc 5/7/5 nên dễ gây cảm giác trùng lặp. Có lẽ nên chỉ tiếp thu hình thức 3 câu thôi. Nhiều bài ham triết lí, nói bằng ngôn ngữ duy lí, chẳng hạn các bài như:
10.
Yêu quê hương hồn nhiên
Chỉ quê mình mới đẹp, mới xinh
Xứ người toàn …đồ “ đểu”.
11.
Người đẹp hay mộng mơ
Người xấu chẳng lẽ toàn dung tục?
Ăn- ngụ- đụ- ẻ- sao?
Trong khi nên diễn đạt bằng ngôn ngữ hình tượng, hình ảnh; từ hình tượng, hình ảnh mà người đọc phải suy nghẫm, suy tư, chẳng hạn:
25
Chùm hoa khế tim tím
Lúc lỉu trái trên cành, chim hót
Nhớ tháng ngày đi xa.
46.
Mái đình cong vầng trăng
Cánh hạc bay ngang tầm tay với
Bì bõm chiều sương giăng.

Đôi lời chia sẻ cùng anh như vậy thôi, và chỉ là để anh tham khảo. Tôi bận kinh khủng nên không có thời gian nghĩ nhiều về chuyện này. Mong sau này có nhiều thời gian sẽ đọc kĩ anh hơn.
Chúc anh luôn có nhiều sáng tạo mới.

Đỗ Ngọc Thống
Nhận qua mai: 22/2/2010

Trang trong tổng số 25 trang (244 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] [6] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: