Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Tẩu lộ (Hồ Chí Minh): Đôi nét về bài thơ ‘‘Đi đường’’

I. Thông tin khái quát

- Hoàn cảnh sáng tác: Đi đường là bài thơ số 20 trong tập thơ Nhật kí trong tù của Bác, sáng tác nhằm ghi lại những lần Bác di chuyển giữa các nhà lao ở Quảng Tây.

- Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường Luật.

- Giá trị nội dung: Bài thơ khắc hoạ chân thực những gian khổ mà người tù gặp phải, đồng thời thể hiện thể hiện chân dung tinh thần người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh, nói lên ý nghĩa triết lí cao cả: từ việc đi đường núi mà hiểu được đường đời: Vượt qua gian lao thử thách sẽ đi được tới thắng lợi vẻ vang.

- Giá trị nghệ thuật:
+ Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật
+Kết cấu chặt chẽ
+ Giọng điệu thơ biến đổi linh hoạt
+ Hình ảnh sinh động, giàu ý nghĩa.

II. Dàn ý phân tích bài thơ Đi đường

Mở bài

- Khái quát vài nét tiêu biểu về cuộc đời và tài năng của chủ tịch Hồ Chí Minh

- Khái quát về bài thơ Đi đường: khắc hoạ chân thực những gian khổ mà người tù gặp phải, đồng thời thể hiện thể hiện chân dung tinh thần người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh, nói lên ý nghĩa triết lí cao cả.

Thân bài

1. Câu 1

- “Tẩu lộ tài tri tẩu lộ nan”: Có đi đường mới biết đường khó đi: Đây không phải sự miêu tả con đường đơn thuần mà nhằm gợi lên những suy ngẫm sâu sắc
- Điệp từ “tẩu lộ” nhấn mạnh việc đi đường rất gian khổ, chỉ có người từng trải mới cảm nhận được hết sự vất vả đó

⇒ Đó chính là ẩn dụ chỉ con đường Cách mạng, con đường đầy gian nan thử thách

2. Câu 2

- Câu thơ khắc hoạ rõ nét những khó khăn gian khổ, những chông gai mà người tù phải trải qua “trùng san chi ngoại hựu trùng san”
- Câu thơ mang nghĩa có rất nhiều núi cao, hết núi cao này lại đến núi cao khác, khó khăn không giảm, không ngớt
- “hựu trùng san”: khẳng định khó khăn không những không giảm đi mà còn có sự tăng cấp

⇒ Điệp từ “trùng san” cộng thêm từ “hựu” càng làm tăng thêm sự gian truân, khó nhọc, hiện lên trước mắt người đọc những ngọn núi cao trọc trời

3. Câu 3

- “Trùng san đăng đáo cao phong hậu”: Diễn tả hoàn cảnh vượt mọi hoàn cảnh khó khăn gian khổ để “lên đến tận cùng”: Mọi gian khổ rồi sẽ kết thúc,mọi khó khăn sẽ lùi về sau
- Thấy rõ tứ thơ cổ điển “đăng cao” cùng phong hái ung dung chiếm lĩnh cảnh vật, hoà mình vào vũ trụ bao la, rộng lớn
- Con người như sánh ngang với thiên nhiên vũ trụ, ung dung giữa trời đất, ta không thấy ở đó bóng dáng của một người tù đang bị giam cầm trong thực tại mà chỉ thấy một tâm hồn tự do chiếm lĩnh

⇒ Có trải qua gian khổ thì mới tới đích, càng gian khổ thì càng gần tới đích hơn

4. Câu 4

- “Vạn lí dư đồ cố miện gian”: Lúc này người đi đường như một du khách ung dung say sưa ngắm nhìn lại khung cảnh thiên nhiên bao la, ngắm ngại những gì mình đã trai qua => Con người làm chủ thiên nhiên, đất trời

⇒ Từ việc đi đường, bài thê mang đến một chân lí đường đời đó là vượt qua được gian lao sẽ đi được tới thành công

Kết bài

- Khái quát những nét chủ yếu về giá trị nội dung và nghệ thuật làm nên thành công của văn bản

- Tài năng và khí chất của chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập và noi theo

Ảnh đại diện

Đoá hoa vô thường (Trịnh Công Sơn): Cảm nhận về bài thơ ‘‘Đoá hoa vô thường’’

Đoá hoa vô thường là một hiện tượng cực kỳ đặc biệt trong bộ sáng tác đồ sộ của Trịnh Công Sơn, vì ca khúc này đã hơi tách khỏi ba chủ đề chính thường thấy trong nhạc của ông là tình yêu, quê hương, và thân phận; hay nói đúng hơn đó là một sự hợp lưu và nâng cao khéo léo của cả ba dòng nhạc trên trong cùng một nhạc phẩm.

Dù cho nhận xét này có đúng hay không, ta hãy cứ xem bài hát như là lời tự sự của chính nhạc sĩ, và tạo cho mình một chút tự do đi vào khám phá cõi lòng bí ẩn của ông qua nhạc phẩm này, mà không phải băn khoăn quá nhiều về những câu hỏi đại loại như: Đó là ai? hay Đó là gì?

Trước hết có thể gọi đây là một bản trường ca của tình yêu và niềm tin, thể hiện đỉnh cao của sự lãng mạn trong tình yêu và niềm tin của Trịnh Công Sơn, là một hành trình gian nan nhưng đầy cảm hứng, với với một tình yêu dường như đã hoàn toàn thoát tục.

Cũng như trong nhiều bản tình ca khác của Trịnh Công Sơn, hình bóng người con gái ông yêu được hiện lên chỉ qua các hành vi cử chỉ của người đó, chứ không phải là những đặc điểm nhân dạng cụ thể. Trong bài này cũng thế, đó là: em đi, em về, em đứng, em ngồi, em hát, em cười, em buồn, em vui…

Và cũng như trong nhiều bài tình ca khác, người con gái mang đến cho ông niềm vui tột đỉnh của tình yêu được thăng hoa trong thời gian ngắn ngủi, nhưng rồi để lại cho ông một nỗi buồn dài lâu của sự kết thúc và chia ly; đó cũng chính là nằm trong sự “vô thường” của đời sống, của tạo hoá; tình yêu trong tim ông cũng chính là một đoá hoa vô thường, khi nở bừng mãnh liệt, lúc tàn lụi bất ngờ..

Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Thị Tâm Anh có nhận xét về bài Đoá hoa vô thường như sau trên trang tin của Hội nhạc sĩ Việt Nam:

“Trịnh Công Sơn luôn nhận ra cái lẽ vô thường trong trời đất. Vô thường bàng bạc trong âm nhạc của ông khiến người nghe cảm thấy bâng khuâng và không cần hiểu hết ý nghĩa cũng đã thấy hay lắm rồi. Và trong đó còn chứa đựng chiều sâu triết lý làm rung động đến sâu thẳm tâm hồn mỗi con người… Với Đoá hoa vô thường, Trịnh Công Sơn đã nhạc hoá lý thuyết và lý thuyết hoá nhạc. Toàn bài là một chuyện tình với ẩn chứa đâu đó hình ảnh một người phụ nữ đẹp, một “đoá hoa vô thường”.

Ta cũng như nhiều người khác cũng đồng ý rằng, khi nghe nhạc Trịnh dù chưa hiểu hoàn toàn những điều ông muốn nói nhưng vẫn thấy hay, thấy cảm. Nhưng bên cạnh đó, ta cũng nhận ra rằng mình luôn ước vọng, như một điều rất tự nhiên, hiểu được tường tận, tới chân tơ kẽ tóc những ý tứ của ông trong từng bài hát. Với bản trường ca này, chúng ta sẽ đi từ đầu đến cuối để tìm xem Đoá hoa vô thường này thực sự là gì.

Ca khúc bắt đầu với một hành trình miệt mài tìm kiếm một con người – tựa như một người con gái – hoàn hảo, ngây thơ trong trắng đến mức gần như tuyệt đối:

Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai
Tìm trên non ngàn một cành hoa khôi
Nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm, một hồn giấy mới
Ở đâu trên cuộc đời này sẽ có một con người như thế? Nhưng chàng trai đã không hề chùn bước, với cuộc tìm kiếm có thể nói là khắp chân trời góc bể, không bỏ sót nơi nào, hơn nữa là không ngừng nghỉ, không đếm kể thời gian, như cánh chim không bao giờ biết mỏi:

Tìm em tôi tìm, nhủ lòng tôi ơi
Tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi…

Ảnh đại diện

Nạn hữu xuy địch (Hồ Chí Minh): Phân tích bài thơ “Nạn hữu xuy dịch”

Tố Hữu trong hai bài thơ viết về Hồ Chủ tịch, khi chưa được gặp Bác và khi Bác đã khuất, đều nói đến hai nét cốt cách vĩ đại của Người: “Lòng yêu nước và lòng thương người”.

Trăm thế kỉ trong tên Người: Ái Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương
(Hồ Chí Minh)
Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế
Ỏm cả non sông mọi kiếp người
(Bác ơi!)
Trong tập thơ Nhật kí trong tù, hai dòng tình cảm lớn đó, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo Cộng sản như hai giai điệu chính vọng suốt tập thơ và có lúc đã hoà điệu thành một cộng hưởng nghệ thuật độc đáo. Bài thơ Người bạn tù thổi sáo là nơi gặp gỡ cảm động giữa hai dòng tình cảm lớn đó. Vì vậy, chỉ là một bài thơ tứ tuyệt mà có cái bát ngát của một ngã ba sông:

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu;
Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi,
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.
Bắt đầu là một tiếng sáo, tiếng sáo của một bạn tù. Người nghe sáo xúc động có lẽ vì trong tiếng sáo có một tâm trạng thương nhớ quê hương. Hồ Chủ tịch cũng là người cùng cảnh ngộ, bị tù lâu ngày, lòng thương nhớ quê hương da diết, sợi dây tình cảm căng đến mức sắp đứt, chỉ cần một sự lay động nhẹ cũng đủ làm cho nó rung lên.

Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu;
(Ngục trung hốt thính tư hương khúc
Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu)
Trong hoàn cảnh bị đày đoạ về thể xác, căng thẳng về tinh thần, Bác vẫn để lòng rung lên với tiếng sáo, “vật chất tuy đau khổ, không nao núng tinh thần”. Tâm hồn của người chiến sĩ vẫn bay vút lên trên những chấn song sắt nhà tù, “xà lim không khoá được hồn Người”. Tâm hồn Người vẫn thong dong chốn thiên nhiên và âm nhạc. Trong Nhật kí trong tù chúng ta vẫn bắt gặp một ánh trăng nhòm qua khe cửa tù, một ánh lửa hồng bên ngoài nhà tù tôi mịt, một chiếc “thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”, tiếng đàn tiếng hát tưng bừng chẳng khác gì một nhạc viện làm rung chuyển cả nhà lao... Một tâm hồn như vậy làm sao nghe tiếng sáo vút lên trong tù không cảm thấy xao xuyến. Tiếc là câu thơ dịch: “Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu” chưa lột tả được tinh thần của câu thơ nguyên tác (Tôi nghĩ, những người dịch thơ Bác rất thông thái, họ không bất lực trước chữ nghĩa mà đôi lúc họ bất lực trước “nàng thơ” thôi). “Ngục trung hốt thính” là người trong ngục nghe tiếng sáo của người trong ngục, dịch “Bỗng nghe trong ngục”, khiến cho người đọc có cảm giác xa xôi, cách trở như người ngoài nghe tiếng sáo của người trong ngục. “Sáo vi vu” là dịch thoát, thiên về tả. “Tư hương khúc” là khúc nhạc nhớ quê hương, gợi chứ không tả, không vi vu gì cả. Thơ thiên về tả thì tầm thường, nông cạn. Thơ gợi mới hay, mới mênh mông, vô cùng. Thơ Người nói ít mà gợi nhiều. Câu thơ nguyên tác gợi bằng lời và bằng nhạc. A.France có nói: “Nghệ thuật bị hai điều kinh khủng này đe doạ: Một là nghệ sĩ nhưng không bao giờ nắm vững nghề nghiệp, hai là người tinh thông nghề nghiệp nhưng không bao giờ là nghệ sĩ”. Hồ Chủ tịch đã vượt lên trên hai điều đó. Người có một tâm hồn nghệ sĩ dạt dào, Người cũng tường tận những gì trào dâng dưới ngòi bút của mình. Người am hiểu nghệ thuật, nhạy cảm với âm nhạc.

Ngục trung hốt thính tư hương khúc
Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu
Nhịp thơ cổ điển 4/3 không có gì đặc biệt, nhưng âm điệu thì lạ. Câu thơ gieo vần trắc (khúc) dịch ra thành bằng (vu), với bốn thanh trắc “ngục”, “hốt”, “thính”, “khúc” nghe réo rắt diễn tả tâm trạng nhớ quê hương một cách da diết xốn xang của người bạn tù thổi sáo và của người tù nghe sáo. Câu thơ thứ hai, trong nguyên văn có “thanh” và “điệu” và có sự biến hoá của thanh và điệu.

Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu
(Khúc nhạc tình què chuyển điệu sầu)
Dịch được chữ “điệu” mà không dịch được chữ “thanh”. Hai chất liệu quan trọng của âm nhạc đế phản ánh hiện thực và phô diễn tâm trạng là thanh và điệu. Thanh là cao, thấp, trầm, bổng, trong, đục; điệu là nhanh, chậm. “Trong như tiếng hạc bay qua, đục như nước suối mới sa nửa vời” là thanh. “Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” là điệu. Cái tinh tế của cách miêu tả còn thể hiện ở hai từ điệp “chuyển”. “Thanh chuyển thê lương”, nghĩa là âm thanh trở nên lạnh lẽo như khúc nhạc chuyển gam (như majeur sang mineur chẳng hạn). “Điệu chuyển sầu” nghĩa là điệu nhạc trở nên buồn bã. Bằng sự biến hoá của âm thanh, nỗi nhớ quê hương trăn trở, day dứt không nguôi trong tiếng sáo của người bạn tù. Tiếng sáo gợi nhớ thương cho người xa cách, tứ thơ dạt dào như sóng toả:

Muôn dặm quan hà, khôn xiết nồi,
Lèn lầu ai đó ngóng trông nhau.
(Thiên lí quan hà vô hạn cảm
Khuê nhân cánh thướng nhất tằng lâu)
Bác thông cảm với nỗi lòng của người bạn tù, chạnh lòng thương cho vợ người bạn tù ở nơi quê nhà xa xôi, mòn mỏi trông đợi mà tưởng tượng thấy người vợ bước lên thêm một tầng lầu như để đón lấy tiếng sáo của người chồng nơi tù ngục. Mối đồng cảm đối với những con người bị áp bức, cùng khổ thật là lớn lao. Tinh thần nhân đạo cộng sản của Hồ Chủ tịch thật là cao quý. Cái cao quý còn nằm ở phần “vô ngôn” của bài thơ, phần “không nói” (chữ của Chế Lan Viên) của thơ Đường, của thơ tứ tuyệt. Trong khi thương vợ chồng người bạn tù, Bác cũng đang bị đày đoạ đau khổ và có lẽ Hồ Chủ tịch là người tù nhân đáng thương nhất trong cái nhà tù tàn bạo đó. Đêm, Người nằm trên sàn đá lạnh “không đệm, cũng không chăn, gốỉ quắp lưng còng ngủ chẳng an”. Có những ngày phải đi bộ “năm mươi ba cây số một ngày, áo mũ dầm mưa rách hết giày”. Bác bị giải đi bất kế’ ngày, đêm, khuya, sớm “tay bị giật cánh khuỷu, cổ bị mang vòng xích, Cụ Hồ Chí Minh đi mãi, đi mãi...” (Trần Dân Tiên). Còn biết bao nhiêu chuyện đáng nói trong cái nhà tù “rệp bò lổm ngổm như xe cóc, muỗi lượn nghênh ngang tựa máy bay”. Nhưng Bác đã không nói, Bác đã quên đi nỗi đau khổ của riêng mình mà đem lòng thương yêu những người bất hạnh “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.

Nhưng tứ thơ đâu chỉ có thế. Tứ thơ còn chứa đựng một tình cảm sâu sắc nữa của Hồ Chủ tịch: Tình yêu nước. Tâm trạng thương nhớ quê hương xứ sở của Người như lẩn quát trong tiếng sáo, thấm trong thanh điệu và trào dâng lên thống thiết:

Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi
Nỗi xa cách “muôn dặm quan hà” kia còn là nỗi cách xa giữa nhà thơ với quê hương đất nước của mình. Đất nước thì xa nghìn dặm, nhân dân thì đang lầm than, tráng sĩ đang đua nhau ra mặt trận mà Bác kính yêu của chúng ta thì lại bị trói chân tay trong tù, làm sao nói hết nỗi thương nhớ quê hương đất nước. Chúng ta còn bắt gặp tâm sự “Thiên lí quan hà vô hạn cảm” này của Bác trong nhiều bài thơ khác của tập Nhật kí trong tù.

Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ
Muôn thơ vương vắn mộng sầu nay
Ớ tù năm trọn thân vô tội
Hoà lệ thành thơ tả nỗi này.
(Đêm thu)
Hay là:

Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng
Tin tức bên nhà bữa bữa trông.
(Tức cảnh)
Song về đề tài này, không có câu thơ nào có dung lượng lớn như câu thơ “Thiên lí quan hà vô hạn cảm”, là bởi câu thơ đã kết đọng hai dòng tình cảm lớn: Lòng yêu thương con người và lòng yêu nước trong trái tim yêu thương mênh mông của Hồ Chủ tịch.

“Chỉ bốn câu thôi. Nhưng thật sự là một vở kịch, một vở kịch một màn. Một anh tù chơi sáo. Âm điệu: Véo von, sầu não. Một thính giả, người cùng hội cùng thuyền. Hiểu nhau nhiều, cám cảnh vô vàn, vì nỗi nhớ nhung đất nước “muôn dặm quan hà”, và cách tường, một người “khuê phụ” đang dạo bước lên tầng lầu trên để nghe cho thấu triệt hơn. Một ống sáo, một bản nhạc. Ba nhân vật xa lạ, ở ba vị trí, ba cảnh ngộ, trong ba tư thế. Tuy vậy giờ này, một tiếng tre đã tập hợp họ lại trong một niềm đồng cảm, véo von, da diết.” (Đặng Thai Mai).

Đó là nhận xét của một nhà phê bình. Ý kiến bàn luận đã hay, chỉ còn một chi tiết này xin được bàn lại: “Cách tường, một người “khuê phụ” đang dạo bước lên tầng lầu...”. “Cách tường” thì còn gì là “thiên lí quan hà” nữa và như thế sẽ thu hẹp không gian của bài thơ lại. Trong một số bài thơ của Hồ Chủ tịch, hình tượng không gian đầy kí thác. Hãy nghe một khúc của bài thơ “Vợ người bạn tù đến thăm chồng”:

Anh đứng trong cửa sắt
Em đứng ngoài cửa sắt
Gần nhau trong tấc gang
Mà biển trời cách mặt.
Cái cửa sắt đáng nguyền rủa kia đã ngăn cách hai vợ chồng đáng thương nọ nhưng dẫu sao họ cũng được an ủi. Hồ Chí Minh mới thật là cô đơn. Song kì lạ thay, con người cô đơn này lại thương yêu đôi lứa cách trở kia. Cho nên, có thể nói “biển trời cách mặt” kia là biển của tình thương bao la của Hồ Chủ tịch. Không gian trong bài Người bạn tù thổi sáo hay một cách khác. Có lẽ, cái tuyệt diệu của bài thơ này là khoảng cách không gian “muôn dặm quan hà”. Trong cái không gian “Thiên lí quan hà” đầy cảm động đó đã chập diện và bài thơ phát sáng.

Phêlít Pita Rôdrighêt có một nhận xét sâu sắc về tập thơ Nhật kí trong tù, tôi muôn mượn lời nhận xét này kết thúc mấy dòng cảm nghĩ của tôi về một bài thơ trong tập thơ đó: “Đi vào Nhật kí trong tù, cái toà nhà bằng ngôn ngữ vững chắc và đẹp, người ta có cảm giác như mỗi bước đi đều chạm vào gốc rễ sâu xa của một trong những con người kì diệu ít có, những con người như những tảng đá lớn làm nền cho nhân loại, những con người qua cuộc đời mình đã dạy cho mọi người hiếu rằng: đối với con người, không có đỉnh cao nào là không thể đạt tới”.

Ảnh đại diện

Vọng nguyệt (Hồ Chí Minh): Phân tích bài thơ “Ngắm trăng”

Trăng vốn là người bạn tâm tình, là nguồn cảm hứng dạt dào, bất tận của thi sĩ muôn đời. Trong thơ đông tây kim cổ đã có biết bao bài thơ hay viết về trăng, để lại ấn tượng không phai trong trái tim người đọc. Một trong những tác giả viết nhiều về trăng là Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời cách mạng gian truân và vẻ vang của Bác, Bác luôn coi trăng là tri âm, tri kỉ. Bài thơ Ngắm trăng (Vọng nguyệt) ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt là chốn lao tù tăm tối của chế độ Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc, vào khoảng những năm bốn mươi hai, bốn mươi ba của thế kỉ XX. Người tù thi sĩ tay bị xích, chân bị cùm, thân thể đoạ đày nơi ngục lạnh mà tâm hổn vẫn lâng lâng, thanh thản, say mê thưởng thức vẻ đẹp của đêm trăng sáng:

Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
(Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ)
Câu thơ đầu tả thực cảnh lao tù khắc nghiệt: không rượu cũng không hoa. Trong tù làm gì có rượu và hoa là những thứ vốn để tạo thi hứng cho tâm hồn thi sĩ? Xưa nay, uống rượu ngắm trăng, uống rượu thưởng hoa là chuyện thường tình. Trong những đêm trăng đẹp, thi nhân thường đem rượu ra uống để thưởng hoa, thưởng trăng. Có đầy đủ rượu và hoa thì cuộc vui mới thật thú vị, mĩ mãn. Nói chung, người ta chỉ ngắm trăng khi thảnh thơi, tâm hồn thư thái. Nhưng ở đây, thi sĩ ngắm trăng trong hoàn cảnh đặc biệt là chốn lao tù mà bản thân bị đày đoạ cực khổ, phải sống cuộc sống “khác loài người”, không phù hợp với thú thưởng nguyệt thanh cao. Làm gì có rượu và hoa để thưởng trăng? Chẳng có nhà tù nào lại “nhân đạo” đến mức mỗi kì trăng sáng lại mang rượu và hoa đến cho tù nhân ngắm trăng. Ý thơ chỉ có thể hiểu rằng, trước cảnh đêm trăng quá đẹp, thi sĩ bỗng khao khát được thưởng trăng một cách trọn vẹn.

Mặc dù giữa chốn lao tù, cái không rượu chồng lên cái không hoa…, hiện thực xám ngắt và lạnh lẽo phủ định tất cả, nhưng trong trái tim yêu đời thiết tha của Bác, cảm hứng vẫn dạt dào, nồng đượm khiến Người phải thốt lên: “Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”. Câu thơ thể hiện niềm xao xuyến, rạo rực của Bác trước đêm trăng đẹp. vầng trăng tròn đầy, ngời sáng kia như thúc giục, mời gọi thi nhân hãy ra giữa chốn tự do mà chiêm ngưỡng, mà bầu bạn với trăng. Ngặt nỗi hoàn cảnh giam cầm trói buộc cho nên việc thưởng trăng của người tù – thi sĩ chỉ thu gọn trong một cử chĩ âm thầm, lặng lẽ:

Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia
(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ)
Bác say mê ngắm trăng qua cửa sổ. Bốn bức tường xà lim chật hẹp không ngăn nổi cảm xúc mênh mông. Bác thả hồn theo ánh trăng và gửi gắm vào đó khát vọng tự do cháy bỏng. Dường như thi sĩ muốn nhắn gửi đến trăng lời thì thầm tâm sự: Trăng ơi, trăng có hiểu lòng ta yêu trăng đến độ nào? Sự thổ lộ, giãi bày chân thành tự trong sâu thẳm hồn người đã được trăng cảm động và chia sẻ. Vầng trăng lung linh bỗng chốc biến thành bạn tri âm, tri kỉ: Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. Vầng trăng đã vượt qua song sắt để ngắm nhà thơ (khán thi gia) trong tù. Vậy là cả người và trăng đều chủ động tìm đến nhau. Nghệ thuật nhân hoá cho thấy thi sĩ tù nhân và vầng trăng tự do đã trở nên gắn bó thân thiết tự bao giờ.

Cả bài thơ không có một âm thanh nào dù là nhỏ. Không gian tĩnh lặng tuyệt đối tôn lên cái sâu thẳm của hồn người và hồn tạo vật. Người ngắm trăng, trăng ngắm người trong lặng lẽ, không nói mà nói bao điều. Hai câu thơ còn cho thấy sức mạnh tinh thần kì diệu của người tù thi sĩ ấy. Trong này là nhà lao đen tối, là hiện thực tàn bạo, còn ngoài kia là vầng trăng thơ mộng, là thế giới của tự do, của vẻ đẹp lãng mạn làm say đắm lòng người. Giữa hai đối cực đó là song sắt nhà tù, nhưng song sắt nhà tù cũng bất lực trước khát vọng và rung cảm tinh tế của hồn thơ. Hai câu thơ chữ Hán trong nguyên tác thể hiện đầy đủ hơn mối giao hoà đặc biệt giữa người tù thi sĩ với vầng trăng. Lối đối rất chỉnh đã làm nổi bật tình cảm mãnh liệt của cả người và trăng. Giữa nhân và nguyệt dẫu có song sắt nhà tù chắn giữa nhưng con người đã để tâm hồn bay bổng vượt ra ngoài không gian chật hẹp, tù hãm để ngắm trăng sáng (Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt), tức là để bầu bạn. với vầng trăng đang tự do toả mộng giữa trời. Trăng dường như cũng hiểu lòng người và nhiệt thành đền đáp lại: “Trăng nhòm khe của ngắm nhà thơ” (Nguyệt tòng song khích khán thi gia).

Bài thơ Ngắm trăng vừa thể hiện tình cảm yêu mến thiên nhiên tha thiết của thi sĩ Hồ Chí Minh, vừa cho thấy sức mạnh tinh thần to lớn của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Đằng sau những câu thơ đậm đà phong vị cổ điển ấy là một tinh thần thép, biểu hiện ở khát vọng tự do, ở phong thái ung dung, vượt hẳn lên sự đè nén, áp bức nặng nề tàn bạo chốn lao tù. Qua bài thơ, người đọc cảm thấy người tù cách mạng dường như bất chấp cả song sắt can ngăn, không chút bận tâm về những cùm xích, đói rét, muỗi rệp, ghẻ lở,… của chế độ nhà tù khủng khiếp để tâm hồn bay bổng tìm đến với vầng trăng thân thiết. Ánh sáng ngời ngời của vầng trăng đã đẩy lùi bóng tối ngột ngạt, u ám của nhà tù. Giữa Bác và trăng – nhà thơ tự do và thiên nhiên vĩnh cửu – có một mối giao hoà thiêng liêng, khó tả. Cũng như bao lần khác, trong hoàn cảnh gian nan, Bác vẫn hướng cái nhìn vào vầng trăng, như hướng tới Cái Đẹp của cuộc đời.

Bài thơ Ngắm trăng là một dẫn chứng sinh động chứng minh cho hai câu thơ mà Hồ Chí Minh viết ngoài bìa tập Nhật ký trong tù: Thân thể ở trong lao, Tình thần ở ngoài lao. Giữa bao bài thơ trăng của Bác, bài Ngắm trăng có vẻ đẹp giản dị và khác lạ. Bốn câu, hai mươi tám chữ, ngắn gọn mà hàm chứa ý nghĩa tuyệt vời sâu sắc về tâm hồn, đạo đức, phẩm giá và phong cách của một Con Người chân chính: Hồ Chí Minh.

Ảnh đại diện

Nguyên tiêu (Hồ Chí Minh): Phân tích bài thơ “Nguyên tiêu”

Nguyên tiêu là bài thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được viết trong thời gian kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Việt Bắc. Sau chiến thắng Việt Bắc, Thu Đông 1947 sang Xuân Hè 1948 quân ta lại thắng lớn trên đường số 4. Niềm vui thắng lợi tràn ngập tiền tuyến, hậu phương. Trong không khí sôi động và phấn chấn ấy bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ xuất hiện trên báo Cứu quốc như một đoá hoa xuân ngọt ngào rực rỡ sắc hương.

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Mở đầu bài thơ là cảnh tuyệt vời trong đêm nguyên tiêu. Trên bầu trời vầng trăng tròn vành vạnh:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
(Rằm xuân lồng lộng trăng soi)
Trăng rằm tháng giêng mang vẻ đẹp tươi xinh khác thường vì có hơi thở của mùa xuân. Đêm rằm, trăng sáng ánh trăng lồng lộng dát vàng trên nền trời, phủ khắp chốn trần gian, ánh trăng tràn mọi nẻo... Ánh trăng làm cho cảnh vật mang vẻ đẹp hữu tình lung linh sinh sắc. Đất nước, quê hương bao la một màu xanh bát ngát, màu xanh lấp lánh của xuân giang, dòng sông như được tiếp thêm sức sống mới dưới khí trời mát dịu. Dòng sông trở nên đẹp hơn, hữu tình hơn, dòng sông xanh xuân thuỷ và tiếp nối với màu xanh của xuân thiên.

Mùa xuân là mùa của chồi non, sự sống. Xuân phơi phới có ở khắp mọi nơi, xuân của dòng sông, dòng nước, không gian cao rộng của bầu trời. Khí xuân tràn ngập sự sống, ba từ xuân làm nổi bật cái thần của cảnh vật, sông nước và bầu trời:

Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
(Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân)
Xuân trong câu thơ chữ Hán của Bác là mùa xuân, là tuổi trẻ và vẻ đẹp xinh tươi. Nó còn gợi tả màu xanh của sông nước, đất trời vào xuân. Khi vào xuân, con người tạo vật như bừng tỉnh, rạo rực trong cuộc sống mới. Nhà thơ Thanh Hải đã từng cảm nhận mùa xuân cua thiên nhiên và đất trời qua những tín hiệu đặc sắc:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc Ơi! Con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi Tôi đưa tay tôi hứng...
(Mùa xuân nho nhỏ)
Xuân đến, tiếng chim hót vang lừng, giọt mùa xuân long lanh do đất trời ban tặng làm cho sự sống rạo rực hơn và bất tận.

Trong câu thơ của Bác xuân còn gợi tả màu xanh của sông nước, trời đất vào xuân, sức sống mãnh liệt, trẻ trung căng tràn nhựa sống. Niềm vui sướng tự hào phơi phới của Bác đang ngây ngất say sưa giữa một đêm xuân đẹp, một đêm xuân lịch sử - đất nước đang anh dũng kháng chiến.

Với Bác, yêu trăng, yêu xuân chính là yêu cuộc đời. Trái tim mênh mông của người chan hoà với thiên nhiên, sông núi, hoa lá cỏ cây thật hữu tình. Có trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa, trăng vào cửa sổ đòi thơ trong niềm vui thắng trận. Và xem sách chim rừng vào cửa đậu - phê văn hoa núi ghé nghiêng soi. Thiên nhiên trong thơ Bác thật phong phú và chan chứa chất thơ.

Đến hai câu thơ cuối, ta thấy cảm nhận về dòng sông, về khói sóng, và con thuyền được nâng lên một mức:

Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Nhớ ánh trăng ngày nào khi Bác còn bị giam dưới ngục lạnh nơi đất khách quê người (1942-1943) thì đêm nay - đêm rằm tháng giêng (1948) lại bắt gặp ánh trăng nơi chiến khu Việt Bắc. Con thuyền xuôi mái giữa dòng sông trăng, tựa mạn thuyền người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh đang đàm quân sự. Ánh trăng đêm này là ánh trăng ước hẹn, báo trước những mùa trăng trong năm được nhân dân đón đợi với bao tình cảm nồng hậu. Trăng đêm nay không phải là ánh trăng bình thường trước sân nhà, đầu ngõ. Bác thưởng trăng trên khói sóng, người đang thưởng trăng nguyên tiêu không chỉ mang cốt cách như các bậc tao nhân mặc khách ngày xưa mà còn là con người hành động, người chiến sĩ cộng sản đánh giặc. Vị lãnh tụ đang bàn bạc việc quân trên con thuyền nhẹ lướt giữa sông nước trời xuân đây là trường hợp thưởng trăng rất đặc biệt, yên ba là khói sóng, thi liệu cổ của Đường thi. Vậy là câu thơ có nét cổ điển và có nét hiện đại, chất hiện đại đó chính chất thép, chất chiến đấu của người chiến sĩ cộng sản:

Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ củng phải biết xung phong.
Sau quãng thời gian bàn bạc việc quân, đêm đã về khuya, nửa đêm (dạ bán). Con thuyền kháng chiến trở thành con thuyền trăng trên vời sông nước mênh mông:

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
(Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền)
Hình ảnh nguyệt mãn thuyền gợi cho chúng ta nhớ đến những vần thơ cổ thi hoa lệ:

Thuyền mấy lá đông, tây lặng ngắt
Một vầng trăng trong vắt lòng sông...
(Bạch Cư Dị)
Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu
(Nguyễn Trãi)
Trở lại bài thơ Nguyên tiêu ta thấy con thuyền đang trôi nhẹ ẩn hiện sau màn sương khói. Trên chiếc thuyền hình ảnh thi sĩ - chiến sĩ hiện lên thật đẹp đẽ với bàn bạc việc quân trong đêm trăng, tình yêu thiên nhiên, yêu đất nước, quyết chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Nguyên tiêu là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, mang phong vị Đường thi. Bài thơ có nét thơ cổ thể: con thuyền, trăng, sóng, xuân, nước xuân, trời xuân, khói sóng... điệu thơ thanh nhẹ. Trong khung cảnh ấy chất chiến sĩ là trung tâm. Bài thơ như một đoá hoa xuân, tinh hoa kết tụ tâm hồn trí tuệ, đạo đức Hồ Chí Minh.

Văn là người, thơ là tấm lòng. Bài thơ này thể hiện tình yêu thiên nhiên đất nước, đồng thời bộc lộ tình yêu nước sâu sắc. Cốt cách thi sĩ hoà quyện chất chiến sĩ chất chứa đầy ắp trên chiếc thuyền kháng chiến đang tiến nhanh về bến bờ độc lập tự do.

Ảnh đại diện

Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ): Kể lại nội dung bài thơ đêm nay bác không ngủ

Sau những ngày hành quân vất vả, đơn vị dừng chân ở một cánh rừng và ghi lại trong túp lều tranh trống trải, đơn sơ.

Hôm đấy trời mưa lâm thâm, những hạt mưa dày phủ lên trên mái lều. Gió lùa qua khe cửa, rút từng hồi, hú từng cơn. Không gian lạnh tái tê, thỉnh thoảng có những làn gió thôi vào lạnh buốt như cứt da cắt thịt, Đêm tối sâu thăm thẳm, đêm đã khuya, các anh chiến sĩ đều đã ngủ sau.

Bên bếp lửa, Bác vẫn thao thức chưa ngủ. Ánh lửa bập bùng, ngọn lửa hồng cháy rực sưởi ấm, xua tan đi cái lạnh giá của mùa đông. Dáng Bác ngồi trầm ngâm, vẻ mặt suy tư nghĩ ngợi. Bác mặc bộ quần áo xanh đã sờn, bạc màu theo thời gian.

Người đã già đi nhiều, đôi mắt sáng như sao đã có nhiều nếp nhăm, thâm quầng trũng sâu của những đêm thao thức không ngủ.

Bác cho thêm củi vào lửa, tiếng nổ lách tách, bếp lửa hồng rực lên. Rồi Bác đứng lên đến chố các anh ân cần, nhẹ nhàng đặp lại chăn cho từng người. Bác nhón chân nhẹ nhàng sợ các anh thức giấc. Bác yêu thương, lo lắng cho các anh bộ đội như tình cảm của người Cha đối với các con. Chợt, một anh đội viên thức dậy, thấy Bác vẫn chưa ngủ thổn thức cả nỗi lòng anh hỏi nhỏ “Bác ơi, sao bây giờ Bác vẫn chưa ngủ, ngoài trời vẫn mưa, Bác có lạnh không?”

Giọng Bác ấm áp, hiền từ nói: “Chú cứ việc ngủ ngon, ngày mai còn đi đánh giặc, chú không phải lo đâu!”.

Anh nhỏ nhẻ: “Vâng ạ, nhưng trong lòng vẫn bồn chồn”.

Được ở bên Bác anh bộ đội cảm nhận tình yêu thương bao lao vô bờ bến còn ấm hơn mọi ngọn lửa. Chiến dịch vốn còn dài, còn nhiều gian khổ, khó khăn, đường đi thì hiểm trở, lắm dốc, lắm ụ. Bác không ngủ lấy sức đâu mà đi? Cuộc kháng chiến còn trường kì, vì vậy Bác không thể ngủ được.

Gà đã gáy canh ba, rừng khuya sâu thăm thẳm, vắng lặng, vậy mà Bác vẫn chưa ngủ. Thức dậy sau lần thứ ba, anh đội viên hốt hoảng giật mình vì Bác vẫn chưa ngủ. Bác vẫn ngồi đó, vẻ mặt đinh ninh, chòm sâu im phăng phắc. Anh đội viên quá lo lắng, nằng nặc mời Bác ngủ: “Mời Bác ngủ Bác ơi, trời sắp sáng rồi”

Lần này, Bác mới thổ lộ rõ tâm tình của mình: “Chú cứ việc ngủ ngon đi, Bác thức thì mặc Bác, Bác mà ngủ thì thấy không anh lòng, Bác lo cho dân, cho nước, lo cho các anh đối mặt với nhiều khó khăn” “Bác lo cho đoàn dân công phải ngủ ngoài rừng không đủ chăn chiếu, trời thì mưa rét làm sao cho khỏi ướt” Bác chỉ mong trời mau sáng để các anh đỡ lạnh. Giọng nói của Người xót xa đầy yêu thương.

Anh đội viên cảm động, thức luôn cùng Bác. Bên ngoài, trời sắp sáng, bếp lửa cũng sắp tàn. Vậy là trọn cả một đêm Bác không ngủ.

Tấm lòng của Bác bao la, rộng lớn như biển cả mệnh mông. Suốt một đời Bác vì dân vì nước, hi sinh hết thảy chỉ quên mình. Em rất yêu quý và kính trọng Bác – vị cho già kính yêu của dân tộc.

Đêm nay chỉ là một trong vô số đêm Bác không ngủ nên đối với Bác chỉ là lẽ thường tình.

Trang trong tổng số 1 trang (6 bài trả lời)
[1]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: