Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

U cư kỳ 1 (Nguyễn Du): Chỉnh lại một chữ Hán được không?

亂世全生九畏人 có thể viết như sau không?
亂世全生久畏人 nghĩa là Thời loạn muốn bảo toàn tính mệnh nên thường sợ người.
xin góp ý thêm!

Ảnh đại diện

Độ Long Vĩ giang (Nguyễn Du): Chỉnh lại một chữ Hán bị nhầm

Trong bản chữ Hán hiện có, thi viện bị nhầm
白髮沙中見,chữ kiến là nhìn thấy
phải viết
白髮沙中現,mới đọc là hiện
Xin góp ý để cùng xây dựng thi viện ngày càng tốt hơn.

Ảnh đại diện

Khuê nhân tặng viễn kỳ 2 (Vương Nhai): Bản dịch của Đõ Trọng Hùng

Phận chàng: lính thú quan san
Phòng khuê, thân thiếp võ vàng tháng năm
Điểm trang xong, ngắm cây xuân
Lặng câm để lệ ngàn dòng tuôn rơi.

Ảnh đại diện

Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư (Nguyễn Khuyến): Cảm nhận về bài thơ "Khóc Dương Khuê"

Trong lịch sử văn học Việt Nam, bài thơ Khóc Dương Khuê của nhà thơ Nguyễn Khuyến được xếp vào hàng những tác phẩm xuất sắc nhất viết vể đề tài tình bạn.

Bao trùm bài thơ này là nỗi lòng đau xót khôn nguôi của tác giả, trước việc bạn qua đời.

Nguyễn Khuyến mở đầu bài thơ bằng một tiếng than thảng thốt:

Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta!
Tin bạn mất đột ngột quá, bất ngờ quá khiến nhà thơ sững sờ. Cách xưng hô ở câu thơ đầu khiến người đọc ít nhiều có thể đoán được đây là mối quan hệ bạn bè giữa những người cao tuổi. Đúng vậy, khi Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến đã ngót 70 tuổi. Nỗi đau của người già, hơn nữa lại là một nhà nho luôn quen sống chừng mực, thâm trầm tất phải lặn vào trong lòng, phải xoáy vào trong tim, ít khi phô ra bên ngoài. Bằng cách sử dụng nhiều tình thái từ một cách tự nhiên gợi cảm, nhà thơ không nói trực tiếp đến việc bạn mất, nhưng người đọc ai cũng hiểu. Đây là một cách nói giảm đi, dường như nhà thơ sợ nhắc trực tiếp đến một sự thực phũ phàng. Hơn nữa, cụm từ “thôi đã thôi rồi” còn thể hiện tình cảm nuối tiếc lẫn sự bất lực của nhà thơ trước sự thật đau đớn. Mất bạn, Nguyễn Khuyến thấy không gian rộng lớn dàn trải, “nước mây” đâu cũng thấm đậm một nỗi buồn thầm lặng khuôn nguôi: “Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.”

Sau phút giây bàng hoàng ban đầu, dường như nhà thơ có phần trấn tĩnh. Nguyễn Khuyến nhớ lại những kỉ niệm gắn bó giữa hai người: ngày từ thời đi học, đi thi, đỗ đạt... Nhà thơ cảm thấy sự gắn bó giữa mình và Dương Khuê như đã có “duyên trời định sẵn”. Nguyễn Khuyến và bạn mình đã từng đặt chân đến những vùng đất xa lạ, có tiếng suối “róc rách lửng đèo”, cùng thưởng thức thú đi hát ả đào “thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”, cùng nhau uống rượu và bàn luận văn chương. Đặc biệt, họ đã cùng nhau sống trong cảnh đau khổ của đất nước: “Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn - Phận đẩu thăng chẳng dám than trời”. Viết câu thơ trên, khẳng định sự đồng cảnh giữa hai người, chứng tỏ Nguyễn Khuyến cảm thông sâu sắc nỗi lòng của bạn mình: cho dù vẫn làm quan với tân triều, nhưng đâu phải Dương Khuê không có ít nhiều nỗi chán ngán trước thế cuộc?

Bằng đoạn hồi tưởng này, người đọc có thể hình dung ra đôi bạn Nguyễn - Dương đều là những “tao nhân mặc khách” gắn bó keo sơn với nhau lâu bền từ lúc hàn vi tới khi vinh hiển. Những kỉ niệm được trình bày theo trình tự thời gian tạo nên ở người đọc ấn tượng về mối quan hệ liên tục bền vững trong toàn bộ cuộc đời của hai người. Trong tình bạn ấy có cả sự kính trọng, lẫn tình yêu mến “kính yêu”, thuỷ chung “từ trước đến sau”.

Nhà thơ còn nhớ rất rõ lần cuối cùng gặp gỡ người bạn già cách đây đã ba năm. Tác giả chỉ mô tả lần gặp gỡ này bằng một vài chi tiết:
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẩn tinh thần chưa can
Người đọc đủ hình dung ra hình ảnh thật xúc động của Nguyễn Khuyến đối với Dương Khuê. Nhà thơ ân cần hỏi han bạn mình đủ điều và mừng rỡ khi thấy bạn tuổi đã cao, song vẫn minh mẫn, tỉnh táo. Đây chính là nét đáng quý trong con người Nguyễn Khuyến, dù đã có khi đạt tới đỉnh cao danh vọng, tâm hổn nhà thơ vẫn bình dị, gần gũi, thương mến vợ con, bè bạn, xóm giềng... Chẳng cứ đối với Dương Khuê, tình cảm nhà thơ đối với Bùi Văn Quế (tức ông nghè Châu Cầu) cũng đằm thắm không kém. Nhân nước lụt, nhà thơ hỏi thăm bạn thật kĩ lưỡng, tỉ mỉ tựa hồ như một nhà nông chính cống thăm hỏi người ruột thịt cùng cảnh ngộ:
Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu,
Lụt lội năm nay bác ở đâu?
Mấy ổ lợn con rày lớn bé?
Vài gian nếp cái ngập nông sâu?
Thế rồi, Cụ Tam Nguyên tự xưng “em” với ông bạn Châu Cầu và kể chuyện vể mình một cách hóm hỉnh, dí dỏm:
Em cũng chẳng no mà chẳng đói,
Thung thăng chiếc lá rượu lưng bàu
(Lụt, hỏi thăm bạn)
Tình cảm chân thành, nồng hậu, chu đáo, lời lẽ mộc mạc... là những yếu tố quan trọng làm cho những bài thơ viết về tình bạn của Nguyễn Khuyến lay động trái tim người đọc. Ở bài Khóc Dương Khuê, tình cảm này tập trung ở phần cuối.

Hình ảnh Dương Khuê trong lần gặp gỡ cuối cùng vẫn sâu đậm trong tâm trí Nguyễn Khuyến. Nhà thơ cảm thấy việc bạn mất là phi lí. Tác giả tự hỏi:
Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày,
Làm sao bác vội về ngay.
Nhưng tiếc rằng điều phi lí, điều trái lẽ thường ấy đã là một sự thật. Chính vì phi lí nên sự đau xót, nuối tiếc càng được nhân lên gấp bội:
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời
Câu thơ buông ra một cách tự nhiên, khó có thể thấy đâu là kĩ thuật đặt câu dùng từ nhưng đã diễn đạt thành công nỗi đau to lớn ập đến bất ngờ.

Cái chết của bạn làm cho nhà thơ thêm chán chường. Cuộc đời đầy những điều ngang trái, tuổi cao, lên tiên cũng là lẽ thường tình. Có điều, sao bạn nỡ vội vàng để người bạn già ở lại phải chịu sự trống vắng không gì bù đắp nổi? “Ai chẳng biết chán đời là phải - Vội vàng chi đã mải lên tiên”. Câu thơ có ý trách bạn, nhưng đằng sau đó còn là một tâm trạng khôn nguôi về thế sự. Tâm trạng này không những bàng bạc trong tiếng khóc Dương Khuê, mà có khi còn được bộc bạch một cách trực tiếp hơn qua những câu thơ như: “Đời loạn đi về như hạc độc - Tuổi già hình bóng tựa mây côi” (Cảm tác), hay “Bạn già lớp trước nay còn mấy? - Chuyện cũ mười phần chín chẳng như” (Cảm hứng)...

Tuổi già, mắt loà chân chậm, môi quan hệ vốn đã hạn hẹp; nay, mất bạn, nhà thơ càng đơn độc, chơ vơ:
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai ai biết mà đưa?
Ở đây nghệ thuật điệp từ đã mang lại hiệu quả đáng kể. Trong ba dòng thơ tổng cộng 21 chữ, chữ “không” xuất hiện đến 6 lẩn, diễn tả tài tình tâm trạng trống vắng ghê gớm của con người. Đổng thời, cách kết cấu trùng điệp ở những câu thơ nói trên tạo được cảm giác như nghe tiếng khóc nức nở không dứt.

Mất bạn, nhà thơ mất tất cả những gì hứng thú và thay đổi cả nếp sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật: không uống rượu, không làm thơ, đàn không muốn gảy, giường phải treo lên. Như vậy, hỏi còn gì đáng sống? Những thay đổi ấy, chứng tỏ tác giả đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần quá sức chịu đựng bởi cái chết của bạn. Điều đó khẳng định tình bạn giữa hai người thật keo sơn gắn bó.

Nghệ thuật trùng điệp còn tiếp tục phát huy được hiệu quả cao hơn ở một số câu tiếp theo: “Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở - Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương”, tạo cho câu thơ có âm điệu tựa hồ như sóng biển từng đợt tràn lên rồi rút xuống, rồi lại tràn lên mạnh mẽ hơn diễn đạt thành công nỗi đau của nhà thơ càng về sau càng sâu xa, thống thiết.

Mở đầu bài thơ là tiếng kêu ngạc nhiên, kết thúc bài thơ là tiếng khóc:
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.
Sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời đen bạc nay sắp trở thành người “cổ lai hi” (xưa nay hiếm), cụ Yên Đổ làm gì còn đủ nước mắt mà khóc bạn? Nỗi đau không tràn ra ngoài được, ắt phải lặn âm thầm vào bên trong trái tim nhà thơ. Nhà thơ nói là mình không khóc, nhưng dường như hai câu kết thấm ướt nước mắt nóng hổi xót thương!

Bằng tài năng kiệt xuất, Nguyễn Khuyến đã để lại cho hậu thế một bài thơ khóc bạn chan chứa nước mắt, qua những lời diễn đạt chân tình thống thiết.

Ảnh đại diện

Vịnh Thuý Kiều (Nguyễn Công Trứ): Có phũ phàng lắm không?

Mỗi con người, mỗi thân phận đều trôi nổi trong dâu bể cuộc đời. Nhiều người muốn "Nhân định thắng thiên" mà mấy ai thoả nguyện? Kiều cũng thế, trong một hoàn cảnh như thế thì bán mình chuộc cha để làm tròn chữ Hiếu là một giải pháp bắt buộc đối với một người con gái chân yếu tay mềm. Chỉ trách Mã Giám sinh lừa lọc để đời Kièu phải trôi vào một vòng xoáy oan nghiệt! NCT có phũ phàng lắm không khi viết: "Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm". Hình như lúc này ông đang say nên hơi quá đáng chứ đang hát ả đào tghif một người "hào hoa" như ông chắc không đến nỗi nặng lời đến thế vì bên ông lúc ấy còn bao nhiêu "kiếp ca nhi".

Ảnh đại diện

Vãn Hoà Thân kỳ 1 (Đậu Khấu): Góp ý bài Vãn Hoà thân 1

Phần chữ Hán từ Tri bị lộn thành Như. Mong vanachi sửa lại để bạn đọc khỏi lầm lẫn. Cảm ơn.

Ảnh đại diện

Phong Kiều dạ bạc (Trương Kế): Vài suy nghĩ về bài Phong kiều dạ bạc

Mình nghĩ nên dịch sát nghĩa trước:
Trăng lặn, quạ kêu,sương đầy trời;Dưới cầu Giang phong, ngọn lửa chài leo lét.Ngoài thành Cô Tô ,tiếng chuông chùa Hàn San vẳng đến thuyền khách lúc nửa đêm.
- Cần biết thêm :
Giang Phong tên một cây cầu chứ không phải là hàng cây phong bên sông.
Đối sầu miên: giấc ngủ vật vờ ( không  thể xét  riêng lẻ từ đối  mà theo Thiều Chửu
1 : Thưa, đáp. Như "đối sách" 對策 trả lời câu người ta hỏi, "đối phó" 對付 ứng phó, v.v.
2 : Đối, như "đối chúng tuyên ngôn" 對眾宣言 đối trước mọi người mà nói rõ, "tương đối vô ngôn" 相對無言 cùng đối nhau mà không nói gì. Đến trước cửa tòa để quan hỏi kiện là "đối chất" 對質.
3 : Đối, hai bên sóng với nhau, gọi là "đối". Như "đối liên" 對聯 câu đối.
4 : Hợp, sự gì không hợp lẽ gọi là "bất đối" " 不對.
5 : Xét lại, như "hiệu đối" 校對 so sánh xét lại.
Như vậy nên hiểu Đối sầu miên như thế nào để đối sầu là tính từ bổ sung ý nghĩa cho Miên. Như thế 2 câu 2 và 3 mới đối nhau được.

Trang trong tổng số 1 trang (7 bài trả lời)
[1]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: