Trang trong tổng số 158 trang (1580 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thiên tử trọng anh hào (Uông Thù): Bản dịch của Lỗ Bình Sơn

Nhà vua trọng anh tài,
Khuyên dạy chữ văn hay.
Tất cả ngành nghề khác,
Chẳng bằng đọc sách thay!

Ảnh đại diện

Bắt nạt (Nguyễn Thế Hoàng Linh): Nguyễn Thế Hoàng Linh: ‘Bài thơ Bắt nạt khơi gợi sự yêu thương’

Nguyễn Thế Hoàng Linh nói viết bài Bắt nạt (được in trong sách Ngữ văn lớp 6) với mong muốn khơi gợi tính cách quân tử, sự yêu thương.

Tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nằm trong sách Ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành năm 2021.

Bài thơ có trong tập Ra vườn nhặt nắng của tác giả, in lần đầu năm 2015. Sáng tác gồm tám khổ, mỗi khổ bốn dòng. Những ngày qua, nhiều độc giả, trong đó có các phụ huynh học sinh, cho rằng thơ có từ ngữ sáo rỗng.

Dịp này, nhà thơ trò chuyện về cảm hứng sáng tác Bắt nạt.

- Anh nói gì khi bài thơ của anh bị nhận xét ngôn từ ngô nghê, vô nghĩa?

Tôi cho rằng việc sử dụng từ ngữ đơn giản, học theo cách trẻ nói chuyện là cách hiệu quả để viết thơ cho trẻ em. Còn chiều sâu tác phẩm là những gì nén trong ngôn ngữ ấy. Không khó để thấy những ngôn từ đơn giản (thực chất là tối giản) vẫn có thể vẽ ra thế giới đầy hình ảnh, ý tưởng, trò chơi, nhân vật như mù tạt, hip hop, bạn nhút nhát, bạn bắt nạt, trẻ em, người lớn, tớ, mèo, chó, cái cây, đất nước. Rồi những nhân vật và có thể chính người đọc tham gia vào thế giới tưởng tượng, tương tác với nhau qua hành động như ăn mù tạt, học hát, nhảy hip hop, bắt nạt.

Vì “bắt nạt dễ lây” như con virus, gây ra cả một vòng tròn bắt nạt toàn cầu mà từ “đừng bắt nạt” phải dùng rất nhiều lần. “Bắt nạt” trong thế giới ấy và chính cuộc sống này được ví với mùi hôi vì là trò chơi bẩn, dễ gây xa lánh. Thông điệp sau lớp ngôn từ con trẻ ấy không chỉ đơn giản là “Bắt nạt là xấu lắm”. Tôi muốn nói về sự khơi gợi tính quân tử, sự yêu thương muôn loài: “Đừng bắt nạt ai cả”.

- Quan điểm của anh trước ý kiến cho rằng một số từ trong bài thơ xa lạ với trẻ em ở vùng quê như “mù tạt”, “hip hop”?

Trẻ con vùng quê, vùng xa cũng xem mạng xã hội và biết nhiều chứ, nhiều trẻ em miền núi như Sapa còn nói tiếng Anh giỏi hơn hầu hết người thành phố. Ở đâu trẻ em cũng không ngừng học hỏi. Một phần quan trọng của sự học chính là học từ mới, vì ngôn ngữ là nơi nén thế giới. Từ nào chưa biết, chỉ cần dạy là các em có thể hiểu trong chớp mắt. Từ mới không làm khó mà làm mới trẻ em.

- Theo anh, tác phẩm phù hợp với học sinh ở điểm nào?

Bài thơ phù hợp với các bạn nhỏ, học sinh nhiều lứa tuổi vì nó là cuộc đối thoại với trẻ em, bằng giọng điệu tôn trọng, thân thiện. Có nhiều hình ảnh buồn cười, dễ thương mang tính hoạt hình như “trêu mù tạt”, “nhảy hip hop”, “giống thỏ non”, “bắt nạt dễ lây”, “bắt nạt rất hôi”. Người đọc có thể thả trí tưởng tượng, sẽ thế nào khi bạn bị ức hiếp “đưa bài thơ này” cho bạn bắt nạt. Hay nếu người bắt nạt đến gặp “tớ” (tác giả) thì sao nhỉ? Các tình huống này giáo viên hoàn toàn có thể cho học sinh diễn kịch như một trò chơi tìm giải pháp. Bài có nhiều ý tưởng, hình ảnh có thể giúp tăng vận động não bộ. Khi não các em tập thể dục cùng những bài thơ hay, nhân văn, sự thú vị, yêu thích có thể chạm tới phần hướng thiện, thức tỉnh trong nhiều em.

- Anh nghĩ sao trước ý kiến cho rằng bài thơ nên được đưa khỏi sách giáo khoa?

Khi những người làm sách liên hệ và đề nghị đưa bài thơ của tôi vào chương trình học Ngữ Văn lớp 6, họ nói rất thích và muốn tác phẩm giúp ích cho nạn bắt nạt đang gây nhức nhối ở môi trường học đường. Qua trao đổi, tôi thấy được tâm huyết của họ và đồng ý.

Tôi không xin vào sách giáo khoa và cũng không có nhu cầu bài thơ của mình ở lại sách, nếu phần đông học sinh thấy dở. Nhưng nếu với nhiều em, bài này hay, có ích thì những người có ý kiến này cũng nên xem lại mình.

- Theo anh, tiêu chí để một bài thơ được đưa vào sách giáo khoa là gì?

Tôi vẫn cho rằng sách giáo khoa dùng cho nhiều học sinh, được các em tin tưởng như kim chỉ nam nên phải đảm bảo chất lượng cao. Một bài thơ đưa vào sách nên xuất sắc về nghệ thuật, vì có đủ số bài thơ như vậy để chọn ở nhiều tác giả cũ và mới. Muốn phù hợp với học sinh, người chọn tác phẩm ngoài việc có thẩm mỹ cao về văn chương còn cần hiểu về giáo dục.

- Anh bắt đầu viết thơ lúc nào và gặp khó khăn gì khi theo đuổi sự nghiệp này?

Hồi nhỏ tôi chủ yếu đọc ca dao, tục ngữ và thơ trong sách giáo khoa. Một ngày, tôi tự nhiên viết ra được những bài thơ hoàn thiện về vần điệu.

Tôi có tám năm viết tác phẩm mà không có nơi đăng trước khi tìm thấy Internet năm 2002. Rồi vài năm đấu tranh với gia đình để bỏ học, dành nhiều thời gian cho việc viết. Nhuận bút thị trường thấp, tôi cũng không thích tác phẩm của mình bị biên tập nên đành tự in và bán sách. Song song đó, tôi sáng tác, chăm sóc các trang mạng xã hội, đôi khi tôi bị quá tải. Ngoài ra, thói quen liên tục tìm kiếm bài thơ hay, tác phẩm mới khiến tôi không ngừng suy nghĩ, cùng chứng đau lưng đã gây mệt mỏi cho tôi.

Tuy nhiên, tôi thấy đó đều là những thử thách thú vị để vượt qua, trưởng thành hơn. Đến giờ tôi không còn than phiền về mấy chuyện này vì thấy bình thường. Bên cạnh khó khăn, thơ ca cũng đem lại cho tôi sự phát triển não bộ, nhiều nghị lực, tiếng cười trong lúc sáng tác và những độc giả thông minh, đáng yêu.

- Anh suy nghĩ gì về thực trạng xã hội đang ‘‘bội thực thơ dở’” hiện nay?

Thơ ca là phương tiện biểu đạt phổ biến nên việc nhiều người muốn diễn tả bằng hình thức này là nhu cầu cơ bản. Nhưng thơ ca xuất sắc lại đòi hỏi trí tuệ xuất sắc, đó chỉ là xác suất nhỏ. Vậy nên thơ dở nhiều như hàng quán mọc đầy đường là bình thường, nhất là khi ai cũng dễ dàng có công cụ xuất bản là trang cá nhân hay việc in sách đã dễ dàng hơn xưa. Bên cạnh đó, thơ hay như những quán ăn ngon cũng không ít. Thơ là sự chắt lọc cái hay từ tâm hồn thành từ ngữ, thời nào cũng có người hay làm thơ để tăng tư duy nên lúc nào cũng sẽ xuất hiện những bài thơ tốt. Muốn đọc và học cách đọc thơ hay thì sẽ tìm và hiểu được các tác phẩm thơ ca hay.

- Sắp tới anh ra mắt tác phẩm gì?

Tôi đang hoàn thiện bản thảo cho tập thơ tình Em giấu gì ở trong lòng thế? phiên bản 3.0. Ngoài ra, tôi cũng muốn xuất bản một cuốn tập hợp những câu trả lời trên web mạng xã hội toàn cầu và một tập thơ viết những năm gần đây.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Nỗi sợ (Kahlil Gibran): Bản dịch của Nguyễn Thiên Ngân

Người ta kể nhau nghe
Trước khi hoà vào biển
Dòng sông run rẩy sợ.

Nàng ngoái nhìn chặng đường đã qua
Từ đỉnh núi đến con đường gió lộng
Băng qua bao làng mạc, cánh rừng.

Trước mặt nàng giờ là biển rộng
Dấn thân vào
Mãi mãi chẳng còn ta
Dấn thân vào
Chắc chắn sẽ tan ra.

Nhưng chẳng có cách nào
Dòng sông không còn đường quay lại.

Chẳng ai có thể quay lại.
Vì quay lại là vô phương
Trong tồn tại.

Dòng sông phải đánh liều thôi
Thẳng trôi vào biển lớn
Bởi khi nàng dấn bước
Là phút giây nỗi sợ tiêu tan
Là khi nàng nhận ra
Mình chẳng hề tan biến trong đại dương
Mà chính nàng đã trở thành biển cả.

Ảnh đại diện

Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng (Nồng Nàn Phố): Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng!

Đó là nhan đề một bài thơ tôi tình cờ đọc được trên mạng, tác giả là một nữ sĩ, cô ký là Nồng Nàn Phố. Bài thơ như thế này:
[...]

Tất cả bài thơ ngũ ngôn, 20 câu, 100 chữ, nồng nàn như cái tên của thi sĩ, dường như đều để biện minh cho lời khẳng định dứt khoát trong cái nhan đề “... em phải dậy lấy chồng”

Dù có nhiều hình dung từ nồng thắm, tươi đẹp, dù “Em vẫn đang yêu anh / Bằng trái tim con gái”, dù thế nào đi nữa, dù sao đi nữa, thì em cũng cương quyết, cũng dứt khoát, cũng dứt áo phải dậy lấy chồng.

Bài thơ dịu dàng nữ tính; nhưng sự độc đáo của nó nằm ở cái nhan đề, nó làm tôi phải tưởng tượng và suy ngẫm về tình huống mà nó đặt ra. Hãy hình dung theo tôi nhé, hãy tưởng tượng như một đoạn phim:

Nửa đêm cuối thu, lành lạnh. Đôi tình nhân nằm bên nhau. Chàng trai choàng tay qua ôm người tình. Cô gái run rẩy hạnh phúc, cô hôn lên mặt chàng. Họ lại quấn vào nhau, lần nữa, mệt nhoài, thoả mãn, rồi ngủ tiếp.

Mặt trời chưa lên hẳn, những tia nắng đầu ngày soi qua rèm, lọt vào căn phòng ngủ nhỏ. Cô gái thức. Cô trăn trở. Cô nghĩ đến ngày mai, cái ngày mai cơm áo gạo tiền, đầy bất trắc và không có chút không gian nào cho những ảo tưởng lãng mạn. Cô cân nhắc. Cô quyết định dứt khoát. Cô thì thầm với người tình, nhưng thật ra là cô tự nhủ với mình. Tất nhiên là cô thì thầm đủ nhỏ để không đánh thức chàng trai dậy, “Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng!”

Cô nhẹ nhàng ngồi dậy, bước thật khẽ vào phòng tắm, thay áo xống, khẽ khàng thu dọn tư trang, bước ra, cúi xuống hôn nhẹ lên trán chàng trai, nụ hôn vĩnh biệt, đẩy cửa. Đi.

Chàng trai trở mình, rồi vô tư quờ tay qua bên cạnh, vơ được cái gối ôm, chàng ôm cái gối vào lòng, ngủ tiếp. Chàng không kịp trối trăn cho mối tình vừa biến mất khi cánh cửa phòng khép lại. Chàng không kịp, không có cơ hội, nói lời từ biệt sầu muộn nhưng thơ mộng: “Ừ, thôi em về / chiều mưa giông tới / bây giờ anh vui / hai bài tay đói...” [1]

Những tia nắng vẫn vô tư len vào phòng, và chàng trai thì vẫn chưa biết số phận đã quất vào mông mình một cú tàn nhẫn. Chàng vô tư há hốc miệng. Chàng ngáy!

Hết phim.

*

Đoạn trên kia là do tôi phóng tác, tôi bịa ra từ tình huống của bài thơ, còn đây là chuyện thật, của tôi, tin hay không tuỳ bạn.

“Anh sẽ đối xử với em như thế nào nếu một ngày nào đó em đề nghị chúng mình chia tay?” Cô bạn gái của tôi hỏi.

Tôi cố nín cười, nghiêm sắc mặt, trả lời dứt khoát: “Anh sẽ tự tử, không phải bằng thuốc sâu, thuốc ngủ, không lao đầu vào xe tăng, xe tải. Anh sẽ treo cổ!”

Nàng nín thở, trợn mắt. Tôi vờ cúi xuống bẻ ngón chân kêu răng rắc để giấu nụ cười, tiếp tục hù nàng: “Từ đó về sau, mỗi đêm khi bóng trăng tà ngả về Tây, có con quạ đen bay trên nóc nhà, lượn mấy vòng rồi xuống đậu trên thành cửa sổ phòng em kêu lên từng tràng thảm thiết. Em giật mình tỉnh dậy, thấy ở góc phòng mờ mờ ánh trăng một xác người treo lủng lẳng, lưỡi lè ra, hai bàn chân trắng bệch đong đưa... Em hét lên, thì nó biến mất... Không chỉ một đêm. Đêm sau cũng vậy. Anh về. Cứ thế...!”

Nàng run lẩy bẩy, thở hào hển, hỏi dồn, “Rồi sao nữa?”

Tôi tự véo vào đùi mình cho thật là đau để khỏi phì cười: “Còn sao nữa! Rồi sẽ có một đêm cô quạnh nào đó, em tự kiếm cho mình một sợi thừng...”

Nàng hét lên, ôm chầm lấy tôi. Tôi cũng ôm chặt lấy nàng. Nàng thỏ thẻ, vào tai tôi, “Em sẽ không bao giờ xa anh, chúng mình sẽ không bao giờ rời xa nhau...”

Tôi cũng luồn tay vào trong áo nàng, xoa xoa tấm lưng trần mềm mại. Tôi muốn hát khe khẽ, một đoạn nhạc tình ướt rượt, nồng thắm cho nàng nghe, một ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy, “Đừng xa nhau... đừng quên nhau... Đừng rẽ khúc tình nghèo...” [2]

Sau hôm đó một tuần, nàng thức dậy khi tôi còn ngủ. Nàng để lại cho tôi lá thư từ biệt trên bàn ăn, nàng chép lại nguyên xi bài thơ của cô Nồng Nàn Phố.

Nàng phải lấy chồng. Nàng đã đi lấy chồng. Nàng làm tôi đau lòng quá, nhưng tôi vẫn yêu nàng, yêu xiết bao!

*

Hết chuyện tôi bịa. Hết chuyện thật của tôi. Còn đây là chuyện của họ. Bạn thắc mắc họ là ai ư? Hãy xem ti-vi và đọc báo, nhưng tốt nhất là lên Facebook trong những ngày này, họ có hộ khẩu thường trú ở trên đó.

Mọi người đều hiểu mối quan hệ của họ với nhau theo kiểu đôi bên cùng có lợi, nếu cái lợi của đối tác to đùng mà cái lợi của mình bé tí thì đành chia tay, tìm một đối tác khác khá hơn. Chuyện thường tình là vậy, nhưng thực tế thì không phải vậy.

Chúng tôi từng thấy họ hôn nhau, ôm nhau, thề nguyền sẽ hôn nhau, ôm nhau như vậy, hết thế kỷ này rồi qua thiên kỷ khác, mãi mãi không rời.

Chúng tôi chứng kiến họ thề thốt rằng mai sau cho dù sóng gió biển Đông, dù biển Đông có lắm tôm nhiều cá, có mỏ dầu mỏ mỡ, thì cũng son sắt một lòng bên nhau.

Rồi, chúng tôi chứng kiến, gã tình nhân to xác và thô bạo kia dang tay thẳng cánh tát vào mặt cô nhân tình bé bỏng đến nổ đom đóm mắt; gã gào lên rằng cô là đồ gái bao hư hỏng, gã sẽ ngưng bao cô, cho cô chết đói; gã phải dạy cho cô một bài học để bỏ cái thói lang chạ, phản trắc. Cô cũng không vừa. Cô bù lu bù loa gọi gã là đồ bạo dâm, đồ tham lam, đồ... bành trướng, rồi co chân tống vào dái gã một cú đau như thiến. Hai đứa lao vào nhau một trận sống mái, sứt tai gãy gọng, buông nhau ra, cùng hét vào mặt nhau rằng không đời nào ngó tới cái mặt chó của nhau nữa.

Nhưng rồi cô đói, cô vạ vật, nhan sắc phôi pha úa nhàu, chẳng ai đoái hoài đến cô. Thằng khốn kia cứ rình rình thấy cô lơ đãng là ra tay nện cô một cú. Cực chẳng đã, cô lại phải cầu cạnh gã, xin làm hoà, lại dọn về cạnh gã. Cả hai lại hẹn thề với nhau. Bản tình ca của họ lại được cất lên ra rả, tha thiết, nồng thắm. Họ mua tranh thêu chữ vàng, treo ở phòng khách của nhà nhau, để ghi nhớ tâm nguyện trọn đời yêu nhau...

Ấy thế mà thằng vô lại cứ xử tệ với cô hết lần này tới lần khác. Tuần qua gã vừa nện cô một trận. Gã làm nhục cô, hung hãn giật phắt, xé rách váy cô, nhổ nước bọt vào mặt cô.

Ấy thế mà lần này cô lại cam chịu. Ấy thế mà cô không phản ứng lại. Ấy thế mà không có ai lao đầu vào xe tăng xe tải, hay làm một hơi hết chai thuốc sâu rầy, hay là chui đầu vào sợi dây thòng lọng, cho bớt nhục. Cô tự an ủi rằng cái số mình nó tệ như vậy thì đành phải chịu, biết đâu có ngày thằng khốn nạn hồi tâm; khi hồi tâm thì gã lại yêu cô vì gã cũng là một đứa cô độc trên cõi đời này như cô. Còn bây giờ thì ráng trân mình nhịn nhục cho gã đạp, cho gã nện, cho gã làm nhục. Người ta gọi đó là cái thú mê muội, đau thương. Cô gọi là đấu tranh theo phương pháp hoà bình.

Dù đau lòng lắm, dù muốn lắm, tôi cũng không thể đưa câu chuyện tình hết vỡ lại lành, hết lành rồi lại vỡ của họ vào thơ như thi sĩ Nồng Nàn Phố.

Vả lại, chuyện cho đến nước này thì cô có muốn bỏ gã đi lấy chồng cũng không được, cũng muộn màng rồi. Vì sao ư?

Vì cô sợ rằng mình đã lỡ thì!

Cô nằm mãi bên gã. Cô không dậy. Cô kiên quyết đấu tranh bằng phương pháp hoà bình với gã. Cô không lấy chồng!

Tệ hơn nữa, cô nghiện cái mùi hôi nách rất mất vệ sinh của gã, nghiện đậm, dứt không ra.


[1] Thơ của nhà thơ Trịnh Cung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc.
[2] Ca khúc Đừng xa nhau của nhạc sĩ Phạm Duy.

Nam Đan
Ảnh đại diện

Lời cầu nguyện của những kẻ đang yêu (Joseph Kipling): Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Mắt màu tro – là bến
Mưa như nước mắt rơi
Nước mắt rơi trên biển
Năm tháng vẫn chơi vơi
Niềm tin và Hy vọng
Xin bạn hãy cùng tôi
Hát lên lời cầu nguyện:
“Yêu – là sống muôn đời!”

Mắt màu đen – bọt ngời
Bên phải và bên trái
Câu chuyện nào chơi vơi
Trong đem hè nhiệt đới
Để cho giữa bầu trời
Những ngôi sao rụng xuống
Hãy nghe lời cầu nguyện:
“Yêu – là sống muôn đời!”

Mắt nâu – là đêm hè
Thảo nguyên dồn bước ngựa
Tim rung theo nhịp cũ
Sánh bước ngựa – hai người
Cùng nghe câu trả lời
Lời nguyện cầu nức nở:
“Yêu – là sống muôn đời!”

Mắt xanh – là ngọn đồi
Trăng thanh ngời ánh bạc
Điệu nhảy van vui vầy
“Mabel” và “Chia tay”
Rượu vang và ma thuật
Nhưng lòng tôi chân thật:
“Yêu – là sống muôn đời!”

Nhưng thật khổ thân tôi
Là người không may mắn
Với bốn màu mắt này
Cả bốn lần phá sản.
Nếu số phận mỉm cười
Thì tôi sẽ bốn mươi
Lần hát lời cầu nguyện:
“Yêu – là sống muôn đời!”

Ảnh đại diện

Mandalay (Joseph Kipling): Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Bên ngôi chùa cổ Moulmein mơ màng nhìn hướng biển
Tôi biết em đang nghĩ về tôi, hỡi em cô gái Miến
Tiếng chuông chùa xuyên qua những cành lá cọ, như kêu:
“Hỡi người lính Anh hãy quay về Mandalay!”
Hãy quay về Mandalay
Nơi có những con tàu đậu bến
Anh có nghe từ Rangoon về Mandalay tiếng vọng?
Trên đường về Mandalay
Những con cá nhảy gọi bầy
Bình minh như tiếng sấm từ phía Trung Hoa rót vào Vịnh biển!

Em mặc váy màu vàng, em đội mũ màu xanh
Em như nữ hoàng của Theebaw, Supi-yaw-lat – tên em
Em thắp nén hương, rồi sau làn khói trắng
Em cầu nguyện, hôn đôi bàn chân thần tượng:
Em của tôi thờ phụng vị thần này
Thần tượng của em có tên là Bụt
Nhưng sau đó tôi ôm hôn em và em quên hết
Trên đường về Mandalay…

Mặt trời buông chầm chậm, trên đồng lúa sương mờ
Theo tiếng đàn banjo, em hát tôi nghe bài: “Kulla-lo-lo”
Tôi ôm lấy bờ vai nhỏ của em, áp má kề bên má
Chúng tôi nhìn trên sông có những con thuyền nhỏ.
Tựa như những con voi
Những con voi con làm việc suốt đêm ngày
Yên lặng dâng đầy, lời im theo nỗi sợ
Trên đường về Mandalay…

Nhưng ngày ấy giờ còn đâu – ngày ấy đã qua rồi
Không còn xe buýt từ Ngân hàng đi về Mandalay
Giờ ở London tôi mới hiểu lời người lính từ mười năm về trước:
“Ai nghe ra tiếng gọi của Phương Đông, không còn nghe gì khác”.
Không! Không còn nghe gì khác
Nhưng còn mùi tỏi nồng cay
Và ánh hoàng hôn, rừng cọ, tiếng chuông chùa
Trên đường về Mandalay…

Tôi mệt mỏi rảo bước trên con đường lát đá
Thấy lạnh thấu vào tận trong xương vì những cơn mưa nhỏ
Dù cả năm mươi cô gái theo tôi từ Chelsea đến Strand dưới chân cầu
Họ nói về tình yêu mà thực ra họ có hiểu gì đâu?
Họ nói về tình yêu
Mà có hiểu gì đâu?
Tôi từng có một người yêu ngọt ngào, yêu dấu nhất!
Trên đường về Mandalay…

Hãy trả tôi về phía đông Suez, nơi thiện và ác như nhau
Chẳng lỗi lầm, Mười điều răn của Chúa phai màu
Nơi có tiếng chuông chùa, nơi mà tôi muốn đến
Bên ngôi chùa cổ Moulmein mơ màng nhìn hướng biển
Trên đường về Mandalay
Nơi có những con tàu đậu bến
Giấu đi những u sầu ta về với Mandalay!
Trên đường về Mandalay
Những con cá nhảy gọi bầy
Bình minh như tiếng sấm từ phía Trung Hoa rót vào Vịnh biển!

Ảnh đại diện

Thơ tặng Praha (Vítězslav Nezval): Bản dịch của Đỗ Ngọc Việt Dũng

Giã biệt Praha, em! lòng ta buồn tê tái
Hradčany, nhà thờ lớn trang nghiêm
Cánh én nghiêng chao từ ngọn tháp êm đềm
Nơi cuộc sống mãi hồi sinh cùng Xuân đến

Ngắm những nẻo đường từ Petřín yêu mến
Chẳng bao giờ thoả mãn nổi lòng ta
Mặt sóng Vltava, vẫn lấp lánh hiền hoà
Như vẩy cá lung linh khiến lòng ta bối rối

Trên ngàn cửa sổ, căn nhà, ô kính mới,
Thoáng bóng người xưa, nơi ta sống giờ đây,
Mái rỉ, rêu phong, biết so sánh điều gì…
Quyện vào đâu đó… chút vần thơ em viết

Giá có thể nghe hồi chuông da thiết
Cho tới ngẩn ngơ thính giác lạc lời êm…
Giã biệt Praha, sao nhớ thế, hỡi em…
Vì vẻ đẹp thần tiên, mong sống thêm kiếp nữa.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Thơ tặng Praha (Vítězslav Nezval): Bản dịch của Nguyễn Thanh An

Praha ơi, phải xa nàng lòng ta buồn da diết
Hradčany xinh đẹp nhường kia
Tiếng chuông vọng thánh đường Mikuláš
Chuông nguyện hồn ai đắng đót câu thề...

Đàn nhạn của nàng vỗ cánh bay đi
Hẹn khúc hoan ca xuân về tháp cổ
Nhớ con đường quen thương từng góc phố
Petřín tuyết phủ dấu chân mềm...

Vltava dịu ngọt êm đềm
Sóng sánh ánh vàng nàng tiên cá
Những ô cửa nào quen nào lạ
Những mái nhà rêu phủ ủ mùi hương...

Ô cửa nào đẫm lệ người thương
Phút giã biệt dịu dàng không chịu nổi
Tuổi xuân ơi xin một lần đánh đổi
Thêm một lần đắm đuối Praha
Với sắc đẹp của nàng và... một chút thơ ca!

Ảnh đại diện

Bài hát của những kẻ ngây thơ (Paul Verlaine): Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Những mắt xanh thơ ngây
Từ trong câu chuyện cổ
Khăn xếp quấn trên đầu
Người đời không còn nhớ.

Ta thân thiết vô vàn
Ánh sáng ngày tinh khiết
Như bí ẩn kín thầm
Như màu xanh mơ ước.

Ta chạy ra đồi cây
Chỉ bóng đêm rơi xuống
Cùng chuyện trò, bắt bướm
Cười vui suốt cả ngày.

Đội trên đầu mũ rơm
Che cho ta ánh nắng
Vải áo quần nhẹ mỏng
Còn màu nào trắng hơn!

Caussades hay Richelieux
Hay chàng Faublas
Ta nghe tiếng thầm thì
Và những mắt mỏi mệt.

Nhưng thở than vô ích
Các chàng chỉ đứng nhìn
Những chiếc váy thì thầm
Lời mỉa mai chua chát.

Trêu tức vẻ hình dung
Những chàng trai tinh nghịch
Vẻ kiêu kỳ trinh bạch
Tránh lời nói dịu dàng.

Nhưng dù sao trong tim
Những ý nghĩ kín thầm
Ngày mai rồi yêu mến
Điều hú hoạ gì chăng.

Ảnh đại diện

Tâm hồn của bé (Anatole France): Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng

Trong thiên nhiên bất biến
Khi đứa bé vừa sinh
Thì ý thức trẻ con
Nhận ra điều bí hiểm.

Ánh mắt chưa cảm nhận
Nhìn mọi thứ quanh mình
Những gì mắt bé nhìn
Mang lại niềm vui lớn.

Thiên thần chưa nhận biết
Tiếng nước chảy rì rào
Bé chưa nói nhưng nghe
Đời trong thế giới khác.

Đôi mắt bé mở to
Đầy ước mơ kỳ lạ
Bé là thiên thần nhỏ
Trong thế giới cổ xưa.

Mái đầu nhẹ hân hoan
Ước mơ mang cho bé
Điều người lớn không thể
Thấy cuộc sống tưng bừng.

Trang trong tổng số 158 trang (1580 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ [1] [2] [3] [4] [5] ... ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: