Trang trong tổng số 1 trang (10 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Nghĩ lại về Pauxtốpxky (Bằng Việt): Cảm ơn bác Bằng Việt

Hầu hết các thế hệ học sinh, sinh viên ở Miền Bắc trước đây đều được đọc và yêu Pauxtopxky. Cứ mỗi lần đọc lại bài thơ này của Bằng Việt, tôi lại như được đắm mình trong không gian những "bình minh mưa" của Pauxtopxky, với những tiếng còi tàu trong màn sương sớm ẩm ướt, tiếng chuông leng keng và ánh lửa ấm áp tỏa ra từ lò sưởi trong căn phòng nhỏ... Và còn như nghe được cả những tiếng thở khe khẽ trong một thứ hạnh phúc "dịu dàng không chịu nổi" (Olga Bergolt) của những nhân vật trong truyện của ông...
Cảm ơn nhà thơ đã tặng cho thế hệ chúng tôi một bài thơ thật tuyệt vời để nhớ về một thời trong sáng và lãng man tuyệt vời đã qua !

Ảnh đại diện

Nơi ấy (Lưu Quang Vũ): Một giấc mơ ngọt ngào đã xa...

Mình là dân sinh ra và một phần tuổi thơ gắn bó với vùng cao Tây bắc. Vì thế, khi đọc bài thơ này, dù bây giờ đã sống 30 năm ở thành phố lớn nhất của cả nước, mình vẫn như được thấy lại những hình ảnh thân thuộc ngày nào của một thời thơ ấu ở vùng cao với những cơn mưa rừng, những củ sắn lùi, những đồi mua tím, những bờ lau ướt và những buổi sáng mịt mờ sương...
Thể thơ và tứ thơ đều tuyệt vời ! Mình tin rằng sẽ có rất nhiều người, khi đọc bài thơ này, giữa những bon chen, toan tính của cuộc sống ngày hôm nay, chắc hẳn sẽ có lúc chợt bồi hồi nhớ lại những "buổi cùng em kiếm củi ven đồi" ngày xưa, như nhớ về những giấc mơ ngọt ngào của một thời đã xa và không bao giờ có thể còn mong tìm lại !
Thật tiếc là chẳng thể nào gửi lời cảm ơn đến nhà thơ được nữa !

Ảnh đại diện

Chuyện tình mười năm trước (Nghiêm Thanh): Một ý kiến nhỏ

Mình cũng có bài thơ này với tựa đề "Câu chuyện mười năm", và được ghi tác giả là Bessonov gửi O.B. Người dịch là Xuân Diệu. Giá mà bác Xuân Diệu còn sống để hỏi xem có phải bác đúng là người dịch không nhỉ ? Như thế cũng là để góp phần sáng tỏ thêm "nghi án" này...
Tuy nhiên, mình cũng hoàn toàn đồng ý với HXT về luận điểm : Giọng điệu bài thơ này quá nuột nà, trau chuốt, không phải của B.Kornilov. Tuy nhiên, bởi vì đây chỉ là bản dịch, chúng ta chưa có bản gốc trong tay nên cũng không rõ thực hư thế nào... Bản dịch rất hay (nếu là đúng nội dung như vậy), tuy nhiên, như đã nói, vẫn chưa ai biết tác giả chính xác của bài thơ này, kể cả bản gốc của nó và người dịch..., vì thế, cũng chưa thể kết luận được gì.
Tóm lại, "nghi án" vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn... Mình hy vọng một ngày nào đó, có lẽ trong số hàng chục ngàn thành viên của TV như hiện nay, thể nào cũng có ai đó sẽ cung cấp được thêm manh mối nào chăng ???

Ảnh đại diện

Bếp lửa (Bằng Việt): Bếp lửa thân thương của một thời thơ ấu

Mỗi lần đọc bài này, mình lại nhớ bà nội của mình quá. Bà đã xa mình từ lâu lắm rồi, nhưng hình ảnh người bà thân thương trong bài thơ này làm cho mình cứ mỗi lần đọc tới là lại muốn khóc vì sao giống bà nội của mình đến thế ! Miền Bắc, những năm chống Mỹ thời ấy, cả tuổi thơ mình cũng gắn với những ngày sơ tán ở cùng bà nội... Và mình chắc rẳng cả một thế hệ chúng mình hồi đó, ai cũng âm ỉ  những kỷ niệm về một "bếp lửa" của mình, không bao giờ có thể quên được. Cám ơn nhà thơ đã nhóm lên dùm biết bao người những ngọn lửa lòng...

Ảnh đại diện

Em thầm cay đắng ghen tuông (Olga Berggoltz): Gửi Hoa Xuyên Tuyết

Cảm ơn HXT đã hồi âm kịp thời và chu đáo cho yêu cầu của mình. Mong sớm công bố thêm những tư liệu mới về OB cho các "fan" của bà cùng chia sẻ với nhé.
Chúc vui.

Ảnh đại diện

Em thầm cay đắng ghen tuông (Olga Berggoltz): Gửi Hoa Xuyên Tuyết

Bài thơ này OB viết vào thời gian nào vậy ? HXT cung cấp thêm một vài chi tiết được không ?
Cảm ơn đã tặng cho những người yêu OB một món quà mới thật thú vị. Mong nhà thơ vẫn tiếp tục hứng thú với việc dịch thơ nhé !

Ảnh đại diện

Nội tâm (Bagriana Elisaveta): Bản dịch của Xuân Diệu

Anh nhìn em với biết bao thương yêu trìu mến,
Anh nhìn em với biết mấy chí tình.
Ngoài trời gió mạnh cuốn tuyết xoay quanh,
Em lắng nghe anh, mắt nhìn vào xa vợi.

Những làn hương nhẹ nhàng và kỳ lạ,
Của những nhành hoa nghiêng xuống bên em,
Không nói mà vẫn nhắc với em rằng,
Là do anh hôm qua mang đến tặng.

Anh âu yếm, chí tình và chung thuỷ,
Anh thuộc về em không thể phản hồi.
Thôi tha thứ cho những nụ cười của em đã tính trước rồi,
Tha thứ nét quanh co của em, phụ nữ.

Bởi vì em cũng thế, em yêu dấu như anh -
Không thể đảo hồi và bị hoàn toàn chiếm lĩnh.
Nhiều lúc em tự thề, nhưng vô hiệu quả,
Rằng ta sẽ chẳng đến nơi hò hẹn kia đâu.

Em mới nghe tiếng động bước chân anh,
Thì đã như là bỗng nhiên tỉnh dậy,
Theo cửa khác, không để cho anh trông thấy,
Em đã chạy trốn rồi, kinh ngạc, xôn xao.

Và tôi đi tới anh ấy, tư thế phục tòng,
Sững sờ theo, như trong một giấc thôi miên sầm nặng.
Và tôi trở về, mỏi mệt, cảm như vừa bị nhục nhằn,
Tâm trí băn khoăn bởi một niềm hối hận.

Ảnh đại diện

Tự khúc (Heinrich Heine): Bản dịch của Xuân Diệu

Áo đen chững chạc, bít tất tơ
Tay áo trắng tinh, lương thiện lắm.
Diễn văn mật ngọt, với ân choàng...
Giá họ có trái tim biết cảm!

Trái tim trong ngực với tình yêu
Tình yêu nóng hổi trong tim thật...
Ôi ta không chịu nổi họ vo ve
Với những chuyện thất tình bịa đặt.

Ta muốn trèo lên trên núi non
Ở đó có những mái lều trong sạch
Ở đó ngực mở cho tự do
Và khí trời thở hơi khoáng đạt.

Ta muốn trèo lên trên núi non
Ở đó um tùm thông đứng thẳng
Ở đó gầm suối thác, chim ca
Mà những đám mây kiêu hãnh qua.

Từ giã những phòng khách bóng trơn
Những ông choáng lộn, bà nhẵn thín!
Ta muốn trèo lên trên núi non
Để bật cười từ cao nhìn xuống.

Ảnh đại diện

Về sự ngạc nhiên (Nazim Hikmet): Bản dịch của Thái Bá Tân

Tôi đang còn biết yêu,
yêu ra yêu, hẳn thế.
Và nếu cần, tôi có thể
Trao cho anh cả đôi mắt, trái tim.

Tôi còn biết giận thù,
dù không nghiến răng phẫn nộ.
Nhưng lạc đà cả khi điên cũng sợ tôi,
dù tôi không hận thù như nó.

Tôi còn biết phân biệt
cái gì là cái gì.
Biết ngửi mùi của tương lai lành dữ.
Và còn biết đấu tranh
cho những gì theo tôi là tốt đẹp.

Nhưng tôi đã không còn biết ngạc nhiên.
Cái ngạc nhiên luôn mở to đôi mắt
đã từ lâu bỏ tôi đi -
tiếc thật !

Ảnh đại diện

Người học việc (Bertolt Brecht): Bản dịch của Phạm Hổ

Tôi đã cất nhà.
Trước tiên trên cát, rồi sau đó trên đá.
Và khi đá nọ lở đi,
tôi đã thôi không xây thêm một thứ gì.

Thời gian sau,
Tôi đã nhiều phen trở lại với cất xây,
hoặc trên cát,
hoặc trên đá, tuỳ theo trường hợp.
Tôi xây được vì nhờ tôi đã học.

Có những người tôi tin cậy trao thư,
họ đã vứt nó đi.
Có những người tôi khinh khi,
đã mang giúp nó về cho tôi trở lại.
Tôi đã học  rất nhiều điều ở đấy.

Điều tôi nghĩ nên làm chẳng ai chịu làm.
Khi xong việc rồi tôi mới thấy,
ý của tôi thật là tai hại
và người ta đã làm chuyện đáng làm hơn.
Biết bao nhiêu điều tôi đã học được ở trong.

Những vết thương thường xót lên,
trong gió bấc.
Nhưng tôi thường tự bảo tôi chỉ có nấm mồ
mới không dạy cho tôi được điều gì nữa.

Trang trong tổng số 1 trang (10 bài trả lời)
[1]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: