Trang trong tổng số 2 trang (14 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Miết trì (Chu Văn An): Đề nghị sửa một chữ

Trong nguyên tác chữ 寸 bị nhầm thành  才。

Ảnh đại diện

Dương Đào bệnh trọng (Hồ Chí Minh): Đề nghị sửa lại chữ 今

Trong phần nguyên tác chữ 今 đã nhầm thành 令. Đề nghị sửa lại.

Ảnh đại diện

Thanh minh (Nguyễn Trãi): 聊

聊:Chữ này là "liêu". Đề nghị ad xem lại.

Ảnh đại diện

Bài 92 - Thú thanh nhàn (Nguyễn Bỉnh Khiêm): Đề nghị sửa lại

Nước biết non xanh ấy cố tri.
"biếc"

Ảnh đại diện

Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi): Đề nghị sửa một số chữ

Điếu phạt chi sư mạc tiên khử bạo.
Xin sửa lại là: Điếu phạt chi sư mạc tiên khứ bạo.
Trong phần chữ Hán thiếu chữ Tiết trong câu 而趙好大以促亡。

Ảnh đại diện

Thức với quê hương (Lưu Quang Vũ): Vì nhân dân chiến đấu

Con của mẹ giữa lòng dân khôn lớn
Như cây giữa rừng chẳng ngại phong ba...
Câu thơ khẳng định những người chiến sĩ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu. Tình yêu Tổ quốc đã thắp lên ngọn lửa anh hùng.

Ảnh đại diện

Hoa cúc (Xuân Quỳnh): Bài thơ “Hoa cúc” của nhà thơ Xuân Quỳnh - Thời gian không làm phai nhạt tình yêu

Hoa là một đề tài quen thuộc trong thơ ca xưa và nay, và có lẽ sau này người ta vẫn làm thơ về hoa. Có những bài vịnh hoa, có những bài mượn hoa để nói về người. Hoa có nhiều màu sắc khác nhau, mỗi màu hoa có một ý nghĩa. Người ta đã có hẳn những quan niệm về ý nghĩa các loài hoa. Hoa hồng tượng cho tình yêu, hoa lan tượng trưng cho người quân tử, hoa cúc tượng trưng cho lòng kính yêu quý mến, nỗi hân hoan... Tuy hoa có nhiều màu sắc, nhưng mỗi người lại thích một loài. Có nhiều người thích hoa hồng, có người thích hoa sen. Ở Trung Quốc có hẳn một trường phái hoa, trường phái hoa mẫu đơn. Có người đơn giản chỉ thích một màu hoa thạch thảo, loài hoa có màu tím thẫm gần với màu của đất. Tất thảy đều có lí do riêng và không phải bao giờ cũng nhận được sự đồng cảm.

Thường thường mỗi loài hoa nở có mùa riêng. Hoa đào nở vào mùa xuân, hoa sen nở vào mùa hè, mùa thu hoa cúc... “Sen tàn cúc lại nở hoa. Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Ở xứ sở nhiệt đới như nước ta thì hoa nở bốn mùa. Khi trình độ khoa học phát triển, người ta có thể cho một loài hoa nào đó trổ hoa quanh năm. Nhưng có nhiều loài hoa đã trở thành biểu trưng cho một mùa trong năm. Nói đến hoa đào trổ bông là mùa xuân đến, nói đến hoa cúc nở vàng là mùa thu đã sang.

Hoa gắn bó với cuộc sống con người. Đôi tân lang, tân giai nhân nào trong ngày lễ vu quy mà chẳng ôm một bó hoa tươi thắm. Hoa có trong các ngày lễ cả ở công sở và ở gia đình. Sinh nhật tặng hoa, mừng thọ cũng tặng hoa, cả khi người ta về thế giới bên kia cũng được đưa tiễn bằng những vòng hoa. Hoa thật là gần gũi.

Xuân Quỳnh là một người phụ nữ giàu nữ tính và dịu dàng. Tính cách ấy hẳn phải là một người yêu hoa. Trong thơ của bà đã nói đến nhiều loài hoa: hoa gioi, hoa cỏ may, hoa ti-gôn, hoa cúc xanh, hoa tường vi, có cả loài hoa dại núi Hoàng Liên nữa, hoa cúc là một trong số đó.

Bài thơ Hoa cúc được sáng tác năm 1980, in trong tập thơ Tự hát, Nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành năm 1984. Tác giả không tả hoa cúc mà mượn hoa cúc để bày tỏ tâm trạng của mình mỗi khi mùa hoa cúc về.

Hoa cúc mà Xuân Quỳnh nói đến trong bài thơ là loại cúc vàng, mỗi năm thường nở vào mùa thu. Mùa thu và hoa cúc là một hình ảnh thơ được tác giả nhắc đến không chỉ trong bài thơ này, trong bài Thơ tình cuối mùa thu Xuân Quỳnh đã viết:

Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn em và anh
Chỉ còn em và anh
Là của mùa thu cũ.
Màu vàng của hoa cúc thật là rực rỡ, màu vàng như nắng của cả một mùa hè chói chang dồn lại để khi thu về thì khoe ra như ngày tết trẻ con khoe áo mới. Trước màu hoa rực rỡ ấy, tác giả đã hỏi:
Có thay đổi gì không cái màu hoa ấy
Mùa hạ qua rồi lại đến mùa thu
Thời gian đi màu hoa cũ về đâu
Nay trở lại vẫn còn như mới mẻ
Màu hoa năm ngoái với màu hoa năm nay có khác không? Một năm qua đi màu vàng ấy có gì thay đổi? Màu vàng này có phải là màu năm trước hay là một màu vàng khác mà mới mẻ như thế, rạo rực đến thế? Một năm đi qua với bao lo toan vất vả. Một năm đi qua trời đã bao lần chuyển mùa, bao nhiêu ngày nắng, bao nhiêu ngày mưa, bao nhiêu đêm khó ngủ, bao nhiêu lần tiễn chồng đi công tác và bao nhiêu bộn bề công việc. Màu hoa cũ ấy tưởng quên đi, tưởng như lùi vào kí ức. Vậy mà sớm nao chợt thấy trên đường một màu vàng rực trên gánh hàng của một cô hàng nào đó khiến cho tâm hồn xao động và mới mẻ như chính màu hoa ấy. Câu thơ “Mùa hạ qua rồi lại đến mùa thu” là sự chuyển tiếp của thời gian. Thời gian trôi đi, tưởng như hết mùa hoa cúc của năm ngoái, màu hoa cũng vơi đi, cũng nhạt đi hay cũng đổi màu. Vậy mà không:
Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế
Chỉ em là đã khác với em xưa
Nắng nhạt vàng, ngày đã quá trưa
Nào đâu những biển chờ nơi cuối đất
“Bao mùa thu” chứ không phải chỉ một mùa, không phải một năm mà nhiều năm đến mức thành quy luật. Em đã khác ngày xưa. Câu thơ “Nắng ngả vàng ngày đã quá trưa” là biện pháp ẩn dụ để nói đến tuổi tác đã ngả về chiều, như mùa thu đã ngả về cuối năm. Nếu như mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ thì phải chăng mùa thu tượng trưng cho cái tuổi xế chiều? Lúc này nắng đã nhạt, ngày đã quá trưa, những nồng nàn thuở nào nay đã vơi đi và cũng hết những ngóng chờ điều gì đó có thể xảy ra một cách bất ngờ từ phương trời nào mang đến. “Nào đâu những biển chờ nơi cuối đất”. Cuộc sống trở về với sự bình lặng như một bông hoa nằm trong bình sứ. Không niềm vui, không cả nỗi buồn.

Rồi năm tháng qua đi khiến cho tóc đã ngả màu thời gian nhưng màu hoa ấy vẫn luôn sống trong trí nhớ:
Bao ngày tháng đi về trên mái tóc
Chỉ em là đã khác với em thôi!
Nhưng màu hoa đâu dễ quên nguôi
Thành phố ngợp ngày nao chiều gió dậy
Em đã đổi thay, em không còn là em của ngày nào nữa. Em bây giờ đã khác với em của ngày hôm qua bởi năm tháng đi qua sương đã điểm mái đầu và làn da không còn mịn màng, tươi tắn như thời con gái. Thế nhưng, trong trái tim vẫn những nhịp đập mãnh liệt bởi trái tim ấy là bất diệt. Mỗi thu về cùng với gió heo may xao xác trên hè phố với cái màu vàng nguyên chất của hoa cúc lại làm em xôn xao. “Nhưng màu hoa đâu dễ đã nguôi quên” là lời khẳng định. Khẳng định dù em muốn quên cũng không được, dù thời gian trôi đi cũng không làm em quên lãng. Dù cho có muôn ngàn sự biến thì lòng em vẫn như ngày nào. Cái gì đã làm nên những cảm xúc đó?

Cái làm nên những cảm xúc đó không gì khác ngoài tình yêu. Màu hoa cúc cũng là màu của sự sống, màu của bà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người. Mỗi người chọn lấy cho mình một thứ gì đó để mà yêu mến và với Xuân Quỳnh, màu vàng của hoa cúc là thứ màu mà mỗi khi nhìn thấy làm cho tác giả có cảm giác yêu đời, yêu cuộc sống.

Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ. Nếu chỉ vì yêu màu hoa đó với một lí do không giải thích được thì thiếu sức thuyết phục quá mà phải có một lí do nào đó xác đáng. Và rồi tác giả cũng phải bộc lộ lòng mình:
Gương mặt ấy lời yêu thuở ấy
Màu hoa vẫn cháy ở trong em
Gương mặt là muốn nói đến con người. Lời yêu thuở ấy cũng là biểu hiện tình cảm của con người. Bí mật đã được hé mở, không nhiều nhưng cũng có thể giúp cho ta hiểu được. Một con người cụ thể nào đó với lời yêu ngày nào đã khiến cho tâm hồn tác giả có một biến động thật dữ dội, thật rực rỡ, và có thể lời yêu đó được bày tỏ vào một ngày thu với những vàng hoa cúc, có vậy mới khiến tác giả phải xao xuyến đến thế mỗi khi nhìn thấy hoa cúc. Màu hoa, màu yêu, màu nhớ... nỗi nhớ không nguôi ngoai để rồi chỉ cần hoa cúc xuất hiện lại khiến cho làn sóng kí ức lại nổi lên như bão tố.

“Màu hoa vẫn cháy ở trong em” như mâu thuẫn với “Nay trở lại vẫn còn như mới mẻ”. Nếu như nó vẫn cháy thì tại sao khi nó trở lại vẫn cảm thấy như là mới mẻ? Tưởng đâu nó vẫn ẩn nấp trong một góc khuất nào đó chỉ chờ có dịp để mà phô sắc? Không, nó vẫn cháy và mỗi khi trở lai vẫn mới mẻ bởi vì trong kí ức của tác giả nó vẫn tồn tại và vẫn cháy, chỉ không cháy thành ngọn lửa mà ấp ủ đợi mùa hoa đến là trái tim xao xuyến.

Nói về hoa cúc và những cảm nhận về màu hoa ấy, nhà thơ Phi Tuyết Ba đã viết:
Anh tặng em nắng vàng
Trong một cành hoa cúc
Hoa ơi khi nắng tàn
Hoa chắp lời hạnh phúc
Anh tặng em trăng vàng
Trong một cành hoa cúc
Hoa ơi khi trăng tàn
Hoa nói thầm lời chúc
Anh tặng em mùa hè
Trong một cành hoa cúc
Hoa ơi hãy chở che
Cho em qua dông bão mùa hè…
Với Phi Tuyết Ba, màu hoa cúc là màu vàng của nắng, màu vàng của trăng, màu của sự yêu thương mạnh mẽ. Hoa cúc chắp lời hạnh phúc, hoa cũng là lời chúc, và màu vàng ấy tạo nên một sự yên ổn có thể che chở cho em qua dông bão mùa hè. Mùa hoa cúc là mùa thu, mùa dông bão đã vơi dần. Những câu thơ của Phi Tuyết Ba thật là sâu lắng.

Hàn Mặc Tử đã viết trong bài Hồn cúc:
Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay sợ lấm hương
Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn cúc ở trong sương.
Hoa cúc mà Hàn nhắc đến thực ra để mượn hoa nói về người, Hoàng Cúc. Câu thơ “Không dám sờ vào sợ lấm hương” thể hiện một sự trân trọng của một tình yêu tinh khiết.

Mỗi bài thơ có những ý tứ riêng nhưng thảy đều ca ngợi vẻ đẹp của hoa cúc, mượn hoa cúc để ca ngợi vẻ đẹp của tình người và lấy mùa hoa cúc nở làm đơn vị đo thời gian. Thời gian có thể làm cho người ta già đi nhưng những cảm xúc thuở ban đầu rạo rực vẫn còn nguyên vẹn thì chỉ có ở Xuân Quỳnh.

Trở lại với bài thơ Hoa cúc của nhà thơ Xuân Quỳnh. Tên bài thơ nhắc đến hoa cúc mà không phải tả hoa cúc. Hoa cúc chỉ là cái cớ, là chất xúc tác, là sợi dây mở miệng túi kỉ niệm luôn rực cháy trong lòng tác giả về một con người với những lời yêu thuở nào. Thời gian được đánh dấu bằng những mùa hoa cúc, kỉ niệm được gợi nhớ bằng màu hoa cúc, màu hoa cúc năm nào cũng rực rỡ, rực rỡ và mới mẻ như tình yêu của Xuân Quỳnh.

Lại sắp đến một mùa hoa cúc!

Ảnh đại diện

Có một thời như thế (Xuân Quỳnh): Có một thời như thế - Những chiêm nghiệm về cuộc sống của nhà thơ Xuân Quỳnh

Thời gian trôi đi, vạn vật thay đổi và con người thêm trưởng thành, đó là quy luật tất yếu của cuộc đời. Cuộc đời con người thật dài, nhưng cũng thật là ngắn. Chả thế mà người ta so sánh với giấc mộng kê vàng hay một kiếp phù du. Sau mỗi một biến cố, như vừa thoát ra khỏi một vùng nước xoáy, người ta thường nhìn lại và cảm thấy rùng mình, nhưng khi những gì tươi đẹp vừa mất đi, người ta luyến tiếc. Những tâm trạng đó thường có ở mỗi người, là tất yếu của tâm lí.

Khi tuổi không còn trẻ, người ta thường chiêm nghiệm về cuộc sống. Khổng Tử đã dạy: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận...” Tất nhiên, ở một số người có tố chất đặc biệt thì những quá trình đó có thể sớm hơn. Nhưng nói chung có thể hiểu phải trải qua những khoảng thời gian nhất định nào đó con người mới có thể thấm được hình thành nên kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xử thế và hoàn thiện nhân cách của mình.

Có một thời như thế là một bài thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh, tác giả nhìn lại, chiêm nghiệm và đánh giá những gì đã xảy ra để rồi sau đó lại bước tiếp con đường đời. Trong bài thơ, mỗi khổ thơ là một vấn đề, có thể đó là kỉ niệm, có thể chỉ là những giai đoạn của cuộc sống. Khổ thơ đầu tiên, tác giả viết:

Có một thời vừa mới bước ra
Mùa xuân đã gọi mời trước cửa
Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ
Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi.
Đó hẳn là cái thời bước ra từ tuổi thơ ngây, nhìn cuộc đời bằng màu hồng. Cái tuổi mộng mơ, tuổi của những khát khao và tràn đầy sinh lực, người ta tưởng như có thể làm được nhiều việc lớn lao. “Chẳng ngoái lại vết chân trên cỏ” có thể hiểu người ta hăng hái làm việc, hăng hái sống và không cần biết những gì mình làm có kết quả như thế nào. “Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi”, mỗi con đường đều nở hoa chào đón. Một thời vô cùng tươi đẹp. Một thời không thể nào quên và người ta luôn mong ước trở về.

Vẫn trong giai đoạn ấy, người ta lớn lên, sự hăng hái vẫn chưa suy giảm nhưng đã có những bước nhìn lại:
Đường chẳng xa, núi không mấy cách chia.
Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn
Trang nhật ký xé trăm lần lại viết
Tình yêu nào cũng tha thiết như nhau.
Không một con đường nào mà người ta không thể đi đến đích, không một cản trở nào người ta không thể vượt qua. Trời xanh vĩnh viễn, không một đám mây u ám, không hề có bão tố. Điều kiện ngoại cảnh không làm thay đổi quyết tâm của một thời tuổi trẻ. Thế nhưng, “Trang nhật kí xé trăm lần lại viết” thì đã xuất hiện việc nhìn lại, không hài lòng và xé, và lại hăm hở viết. Câu này còn ẩn chứa một điều: Những gì chưa hài lòng, chưa đạt ý muốn đều có thể làm lại. Và tình yêu nào cũng vậy, yêu quê hương đất nước, yêu người thân, yêu những gì mình cho là có nghĩa... tất thảy đều tha thiết như nhau mà chưa có sự phân biệt bên nào nặng, bên nào nhẹ. Đừng hiểu tình yêu ở đây là tình yêu nam nữ với nhiều người, với người nào cũng tha thiết như nhau nhé. Một người có trí tuệ, có tâm hồn trong sáng không phải là cây thông cứ reo lên với bất cứ ngọn gió nào.

Thời gian tiếp tục trôi, người ta bắt đầu cảm nhận được cái đau sau mỗi lần vấp ngã. Làm sao mà không vấp ngã được? Vấp ngã là tất yếu đối với những người hăng hái không chịu ngồi yên một chỗ:
Có một thời ngay cả nỗi đau
Cũng mạnh mẽ ồn ào không giấu nổi
Mơ ước viễn vông, niềm vui thơ dại
Tuổi xuân mình tưởng mãi vẫn tươi xanh
Khao khát cháy bỏng, ước mơ cháy bỏng và nỗi đau cũng ở mức độ mạnh. Tất cả các cung bậc của cảm xúc, của ý chí đều mạnh. Đó là tuổi thanh xuân nhựa sống tràn trề nhưng đã bắt đầu tích luỹ kinh nghiệm sống. Người ta đã biết thế nào là mơ ước viển vông, mơ ước không mang lại giá trị gì thiết thực, người ta cũng cảm nhận được những niềm vui thơ dại. Trong nhân cách vẫn còn những điểm mang tính cách trẻ nhỏ: Vẫn vui khi được quà của bà đi chợ về chẳng hạn. Đây là câu thơ mang tính khái quát cao được thể hiện bằng biện pháp hàm ngôn. Tuổi xuân vẫn tràn đầy, tuổi xuân làm cho người ta tưởng mình mãi mãi tươi xanh.

Rồi tình yêu đến tất yếu theo quy luật tự nhiên:
Và tình yêu không ai khác ngoài anh
Người trai mới vài lần thoáng gặp
Luôn hy vọng để rồi luôn thất vọng
Tôi đã cười đã khóc những không đâu
Có khác chăng người yêu ở đây đã được xác định, không ai khác ngoài anh, người mới vài lần thoáng gặp. Câu thơ chứa một cảm nhận của tâm linh. Anh chính là người yêu trong mộng, là mảnh ghép đích thực của cuộc đời em. Tình yêu đến tự nhiên và tự nguyện, vài lần thoáng gặp, rồi nhớ, rồi thương. Thế nhưng hy vọng cứ thắp lên rồi lại tắt. Bởi vì người ta ước mơ cao quá mà thực tế không đáp ứng được. Và cười khóc không đâu. Tình yêu phải được xây đắp bằng những vật liệu của riêng nó chứ không chỉ những ước mơ mà thành.

Bóng tà dương sắp ngả về tây, cuộc hành trình bắt đầu nhanh dần, sự tự tin vẫn còn đó nhưng những chiêm nghiệm thì nhiều hơn và sâu hơn:
Một vầng trăng niên thiếu ở trên đầu
Một vạt đất cỏ xanh rờn trước mặt...
Mái tóc xanh bắt đầu pha sợi bạc
Nỗi vui buồn cũng khác những ngày xưa
Vầng trăng niên thiếu là những ước mơ vẫn còn đó, vẫn tiếp tục thực hiện những ước mơ của thời “vừa mới bước ra”. Người ta nói rằng, cuộc đời con người là đi thực hiện những ước mơ của thời thơ ấu. Ngay từ thời thơ ấu, những ước mơ đã là mục tiêu phấn đấu cho một đời người. Nó là một véc tơ có điểm gốc và xác định được hướng, tuổi trưởng thành chỉ việc đi theo. Hình ảnh “Một vạt đất cỏ xanh rờn trước mặt” đã thay thế cho “Vườn hoa nào cũng ở phía mình đi”. Người ta sống thực tế hơn, bớt viển vông hơn. Mái tóc đã bắt đầu chớm bạc và niềm vui, nỗi buồn không ồn ào mà sâu lắng. Cái niềm vui, nỗi buồn là những thành công hay thất bại trên đường đời, là cái tất yếu. Không ai sống được với toàn những niềm vui và nếu chỉ có nỗi buồn thì trái tim sẽ trở thành vô cảm. Nên nếu như có khi nào đó buồn cũng phải coi đó là chuyện bình thường, thậm chí nỗi buồn còn có ích cho người ta kìm lại những hành động thái quá. Như một cái dây cương để điều khiển con ngựa bất kham.

Đã đến lúc người ta cảm thấy gánh nặng thời gian bắt đầu đổ xuống, người ta cần phải nhanh lên vì mặt trời đã ngả:
Chi chút thời gian từng phút từng giờ
Như kẻ khó tính từng hào keo kiệt
Tôi biết chắc mùa xuân rồi cũng hết
Hôm nay non, mai cỏ sẽ già.
Cái phóng khoáng của một thời tuổi trẻ đã nhường cho những toan tính, thậm chí đến mức như một kẻ keo kiệt vì nghèo. Người ta cảm thấy hình như mình chưa làm được gì, chưa có gì đáng kể. Mùa xuân rồi sẽ hết, ngày mai cỏ sẽ già, sẽ chẳng có con đường hoa nở dưới mỗi bước chân đi. Thời gian, kẻ thù số một của con người.

Nếu như cả cuộc đời là một hành trình thì trên đó, người ta có thể chia nó thành những chặng. Và sau mỗi chặng đó, người ta nhìn lại:
Tôi đã đi mấy chặng đường xa
Vượt mấy núi mấy rừng qua mấy biển
Niềm mơ ước gửi vào trang viết
Nỗi đau buồn dồn xuống đáy tâm tư
Đã đi, đã đến, đã vượt qua khó khăn và đã thực hiện ước mơ bằng việc làm cụ thể. Nhưng khác chăng là những mơ ước đó được gửi vào trang viết. Câu này có thể hiểu rằng viết là một nghề, có thể hiểu những mơ ước không thực hiện được những việc làm cụ thể mà phải gửi vào những trang viết để bày tỏ nguyện vọng, ước mơ của mình. Không phải là nỗi buồn nữa mà là nỗi đau buồn. Nỗi đau buồn lúc này không ồn ào nữa mà dồn xuống đáy tâm tư. Tuổi tác đã làm cho người ta có cách hành xử khôn ngoan như thế.

Thời gian trôi đi nhưng con tim không già cỗi mà già dặn. Nghĩ lại tình yêu của mình, tác giả nhận thấy:
Em yêu anh hơn cả thời xưa
(Cái thời tưởng chết vì tình ái)
Em chẳng chết vì anh, em chẳng đổi
Em cộng anh vào với cuộc đời em
Em biết quên những chuyện đáng quên
Em biết nhớ những điều em phải nhớ
Cái thời ngày xưa nông nổi ấy, em tưởng có thể chết vì tình được. Nhưng nay thì em đã chín chắn hơn, em chẳng chết vì anh nhưng tình yêu em dành cho anh thì chẳng đổi mà anh là một phần không thể thiếu của đời em. Những chuyện đáng quên thì quên, những gì đáng nhớ thì nhớ. Tuổi tác không làm tình yêu phai nhạt mà càng mặn mà hơn, sâu sắc hơn. Nghe lại bài hát xưa và ngẫm ngợi và quyết định:
Hoa cúc tím trong bài hát cũ
Dẫu vẫn là cung bậc của ngày xưa
Quá khứ đáng yêu, quá khứ đáng tôn thờ
Nhưng đâu phải là điều em luyến tiếc.
Vẫn là bài hát ấy, vẫn là màu hoa ấy, vẫn cung bậc cảm xúc ấy nhưng nó đã là cái của hôm qua. Quá khứ đáng tôn thờ nhưng không luyến tiếc bởi vì cái hôm nay, cái mà ta có mới là cuộc sống đích thực. Bởi vì người ta đã trưởng thành, người ta đã làm được cái mà người ta mơ ước, người ta có một tình yêu chung thuỷ. Cái đáng quên thì đã quên, cái đáng nhớ thì luôn nhớ. Cuộc sống vẫn sinh sôi, cuộc sống là một bài ca bất tận.

Hàn Mặc Tử đã viết về thời gian trong bài thơ Thời gian như thế này:
Còn đâu tráng lệ những thời xanh
Mùi vị thơm tho một ái tình
Đố kiếm cho ra trong lớp bụi
Ít nhiều hơi hám của kiên trinh
Đừng tưởng ngàn xưa còn phảng phất
Nơi làn gió nhẹ lúc ban đêm
Hồn xưa tự ấy không về nữa
Ở cõi hư vô dấu đã chìm
Chỉ có trăng sao là bất diệt
Cái gì khác nữa thảy đi qua
Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi
Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà?
Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé
Xin đừng luân chuyển để thời gian
Chậm đi cho kẻ tôi yêu dấu
Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân
Thời gian trong thơ của Hàn khi là thời gian thực, khi là thời gian ảo, nhưng cảm xúc chung là sự tiếc nuối những gì tươi đẹp đã qua. Tác giả muốn níu kéo thời gian trở lại bởi thời gian qua đi là cũng mất đi những gì yêu dấu.

Còn Xuân Diệu lại viết trong bài Giục giã:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Em vui đi, răng nở ánh trăng rằm,
Anh hút nhuỵ của mỗi giờ tình tự.
Mau với chứ! vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! tình non sắp già rồi...
Nhà thơ Jorge Luis Borges người Argentina đã viết trong bài Chúng ta là thời gian bản dịch của Vũ Hoàng Linh như sau:
Chúng ta là thời gian.
Chúng ta là ẩn dụ nổi tiếng
của Herclitus, nhà triết học u tối
Chúng ta là nước, chúng ta không phải kim cương
Chúng ta sẽ mất đi, chúng ta không đứng lại.

Chúng ta là sông và chúng ta là gã Hy Lạp ngắm mình trên sông.
Bóng gã biến thành làn nước trong tấm gương đang thay đổi
Biến thành pha lê và pha lê đổi thay như lửa.
Chúng ta là dòng sông tiền định phù phiếm
Trên hành trình ra tới biển.
Những bóng tối bao quanh dòng sông.

Mọi thứ đều vĩnh biệt, mọi thứ đều vĩnh quyết ra đi.
Ký ức không lưu lại dấu ấn của mình.
Thế nhưng, vẫn còn điều gì ở lại
Thế nhưng, vẫn còn điều gì thở than
Thời gian mà Jorge Luis Borges quan niệm đó là thứ thời gian vật chất, chuyển động của nó làm biến đổi mọi vật, nó có thể làm nên những điều kì diệu nhưng cũng có thể làm những điều tồi tệ. Cái cuối cùng con người còn lại sau cơn bão thời gian chỉ là một điều gì đó, điều gì đó thở than mơ hồ mà thôi. Một thứ thời gian buồn vô định. Trong bài thơ Thơ tình cuối mùa thu của mình, Xuân Quỳnh đã viết:
Thời gian như là gió
Mùa đi cùng tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em
Chỉ còn anh và em
Cùng tình yêu ở lại
Vẫn là một niềm tin son sắt, dù thời gian có qua đi nhưng anh và em vẫn bên nhau, tình yêu ấy là bất diệt.

Có một thời như thế, có một thời mà con người ta đã sống, đã ước mơ, đã thắp lên những khát khao và thực hiện nó. Có một thời người ta đã sống với những niềm vui và nỗi buồn. Thời gian trôi đi, con người ta trưởng thành và theo quy luật người ta sẽ già đi nhưng không phải rồi cuối cùng tàn lụi mà là để giữ lại những hạt lúa sau những mùa vụ vất vả, là những giọt mật sau những mùa hoa, là những viên hổ phách sau những thăng trầm biến đổi. Đó mới chính là Xuân Quỳnh trong một nhà thơ.

Ảnh đại diện

Sân ga chiều em đi (Xuân Quỳnh): Sân ga chiều em đi - ngọn hải đăng vẫy gọi người đi trở về của nhà thơ Xuân Quỳnh

Đã có nhiều nhà thơ viết những cuộc chia tay trên những sân ga hay trên những bến xe. Giờ khắc trước khi tàu xe chuyển bánh với những cảm xúc người đi và người ở lại thật đặc biệt. Đó là cảm giác bùi ngùi, bịn rịn, lưu luyến và trong đó có cả nỗi nhớ nhà đã hình thành ngay khi còn ở quê hương.

Sân ga chiều em đi là một bài thơ mà Xuân Quỳnh viết năm 1976, trong một chuyến đi như thế. Khi ấy, do tính chất công việc nên bà thường xuyên phải xa nhà. Cảm xúc của nhà thơ cũng giống như nhiều người nhưng vẫn có sự khác biệt, cái làm nên sự khác biệt ấy chính là tâm hồn của nhà thơ.

Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

Sân ga chiều em đi
Mênh mang màu nắng nhạt
Bụi bay đầy ba lô
Bụi cay xè con mắt
Không gian thơ được mở ra bằng một sân ga chưa hiện đại như bây giờ nhưng thật thoáng đãng với những nắng và gió, và bụi hứa hẹn một chuyến đi vất vả. Hành trang mang đi của nhà thơ chỉ là một chiếc ba lô như hành trang của một người lính.

Cái không gian rộng rãi đó nhưng thật tĩnh lặng:
Sân ga chiều em đi
Gạch dưới chân im lặng
Bóng anh in thành tàu
Tóc anh xoà ngang trán
Anh là người đưa tiễn. Hình ảnh anh thật lãng mạn với tóc xoà ngang trán. Bóng anh in thành tàu khoẻ khoắn. Gạch dưới chân im lặng tạo cho khổ thơ một sự chắc chắn. Chắc chắn như anh ở lại lo việc nhà cho em yên tâm đi công tác. Không ai nói gì bởi những chuyến đi như thế này xảy ra thường xuyên. Khổ thơ gợi nên một sự yên tâm cho người đi.

Thế nhưng cảm giác sắp phải xa nhà vẫn đến khi còi tàu nổi lên:
Sân ga chiều em đi
Bàn tay da diết nắm
Vừa thoáng tiếng còi tàu
Lòng đã Nam đã Bắc
Cái da diết của nỗi nhớ, cái da diết của tình cảm gửi gắm vào nhau. Tiếng còi tàu báo hiệu sắp đến lúc chia tay mà đã cảm giác buồn mênh mang. “Lòng đã Nam đã Bắc” không phải là sự cách xa trong lòng mà để diễn đạt nỗi nhớ thương dâng trào không chỉ trong lòng người đi mà cả trong lòng người ở lại.

Trong bài Những bóng người trên sân ga nhà thơ Nguyễn Bính đã viết:
Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu.
Và:
Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn chia tay bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!“
Đó là những cuộc chia ly không hẹn ngày về, bởi ngay từ đầu bài thơ, Nguyễn Bính đã nhìn thấy sân ga là nơi bắt đầu của mọi cuộc chia lìa.

Trở lại với Sân ga chiều em đi của Xuân Quỳnh, tác giả thấu hiểu tâm trạng của người chồng đang đưa tiễn mình:
Anh thương nơi em qua
Những phố phường nhộn nhịp
Bỡ ngỡ trong ánh đèn
Còn lạ người lạ tiếng
Anh thương nơi em qua
Những sương chiều mưa tối
Dặm đường xa nắng dãi
Chuyến phà con nước dâng
Anh thương em phận gái chân yếu tay mềm. Nơi đất khách quê người em sẽ xoay sở ra sao. Còn nhớ trong vở chèo Lưu Bình Dương Lễ, khi Dương Lễ tiễn Châu Long đi nuôi bạn là Lưu Bình, Dương Lễ đã nói:
Em ơi, chấp kinh phải biết tòng quyền
.............................
Chia tay đôi ngả xa nhau đôi nơi
Xa tiếng xa người, lệ sầu đầy vơi
Dứt áo ly biệt, anh đây chúc nàng hoà vui
Kể sao xiết nỗi ngậm ngùi
Khuyên nàng ghi nhớ lấy lời chấp kinh
Dặm trường thời thân gái một mình
Dương Lễ dặn dò vợ phải tuỳ cơ mà ứng biến và bày tỏ nỗi nhớ nhung khi xa vợ. Lời dặn của Dương Lễ thật là thực lòng. Còn trong tâm trạng của người chồng đưa tiễn tác giả bài thơ này, cũng là những nỗi lo lắng cho vợ khi phải sống xa nhà. Nỗi lo lắng cả khi vợ mình đến những nơi phố xá, những miền đất heo hút, những chuyến phà khi con nước dâng. “Con ơi nhớ lấy câu này/ Sông sâu chớ lội đò đầy chớ sang” là lời cha mẹ thường dặn dò con cái về cách ứng xử để bảo toàn sinh mạng đã vang vang trong câu thơ. Rồi nỗi lo lắng đó theo vợ đi suốt chiều dài thời gian dằng dặc của ngày.

Như để đáp lại sự quan tâm, lo lắng đó, tác giả bày tỏ:
Em xao xuyến trong lòng
Nhớ về nơi ta ở
Mùa thu vàng đường phố
Lá bay đầy lối qua
Nhớ lại lời Châu Long nói với Dương Lễ trước khi đi:
Anh ơi! Em bước chân đi nguyện có Hoàng Thiên
Quyết em chẳng dám thay lòng đổi dạ
Tưởng những lúc mặn nồng hương lửa
Má kề gối tựa nay phút bỗng phải biệt ly
........
Em chẳng dám quên
Những phiền đôi lứa tưởng những lúc
Chiều đông tựa cửa ngao ngán thay
Cảnh vợ xa chồng hết hạ sang đông
Lẻ loi cô phòng tuổi xanh mòn mỏi
Dày ngóng mai trông
Trăm năm chút nghĩa đèo bòng
Xa xôi ai có thấu lòng chăng ai?
Lời của Châu Long là nỗi buồn xa vắng khi xa nhà, xa chồng và mong chồng thấu hiểu. Nơi Châu Long đến là một nơi không an toàn vì nàng theo Lưu Bình, kết bạn với Lưu Bình trong hoàn cảnh một người con gái con nhà giàu nhưng bị mẹ cha ép gả cho một trọc phú, nay nàng muốn tìm một quân tử để giúp đỡ học hành, khi nào đại đăng khoa sẽ tiểu đăng khoa. Trong cái nhớ của Châu Long vẫn có “Tưởng những lúc mặn nồng hương lửa”.

Lời của Xuân Quỳnh vẫn là những nhớ thương về mái nhà thân thuộc, về con phố thân quen và để cho người chồng, người đưa tiễn yên tâm dù em có đi đâu nhưng trái tim em vẫn luôn hướng về quê nhà.

Và vẫn là nỗi nhớ dàn trải mênh mông:
Ngọn đèn và trang thơ
Tiếng thở đều con nhỏ
Màu hoa trên cửa sổ
Quán nước chè mùa đông
Ngọn đèn và trang thơ để nói về công việc, con nhỏ để nói về tình cảm gia đình. Rồi xóm giềng lối phố, cả đến những sự vật dù là rất nhỏ em cũng không quên. Một nỗi nhớ tràn ngập phủ khắp không gian. Nhưng hình như vẫn thiếu. Thiếu vì chưa nói đến chồng. Một người phụ nữ kín đáo không nói thành lời nhưng vì anh là một phần tất yếu ở trong đó nên nhớ về nhà, ngôi nhà thân thuộc, nhớ về tiếng thở con nhỏ khi ngủ, nhớ về ngọn đèn và trang thơ... cũng chính là nhớ về anh. Nhưng trong thơ của Xuân Quỳnh càng không có những lúc êm ấm bên chồng. Không nhắc đến hay gửi vào ánh mắt tin tưởng. Phải thế chăng?

Tàu đã vào ga, hành khách đã ngồi yên vào ghế, tàu nổi một hồi còi tạm biệt rồi từ từ lăn bánh:
Con tàu và dòng sông
Ra đi rồi trở lại
Hà Nội ơi Hà Nội
Sân ga chiều em đi
Nếu như con tàu đưa ta đi xa thì cũng con tàu đó lại đưa ta trở về ngôi nhà thân yêu. Thuyền xuôi dòng rồi có lúc ngược dòng trở lại bến cũ. Nhưng vẫn đau đáu trong lòng một nỗi niềm nhớ thương vô bờ bến. Một tiếng gọi cất lên “Hà Nội ơi Hà Nội”, tiếng gọi chính là hình thức biểu hiện cao độ của tâm trạng người đi.

Câu thơ “Sân ga chiều em đi’ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nó khắc vào lòng người đọc một cảm giác hụt hẫng, bâng khuâng và hồi hộp. Bâng khuâng vì sắp xa nhà, xa người thân. Hồi hộp vì sắp đến một vùng đất mới với bao điều mới lạ đang chờ đón.

Chợt nhớ bài thơ Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của thi tiên Lý Bạch:
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Đó là tâm trạng của Lý Bạch khi tiễn bạn cũ, đó là tâm trạng buồn như hoa trôi theo dòng nước mịt mù khói sương với con thuyền buồm cô đơn, chỉ có nước dòng sông là chảy mãi, chảy mãi mang theo người bạn không biết khi nào trở về. Còn với người chồng của Xuân Quỳnh với đầy ắp những lo lắng cho vợ nhưng vẫn tin tưởng rồi mai đây khi nhiệm vụ hoàn thành gia đình trúc mai sum họp.

Sân ga chiều em đi. Ra đi vào một buổi chiều trong khi thời gian ấy bình thường tác giả đang ở nhà chuẩn bị cho một bữa tối sum họp đầm ấm mặc dù những năm đầu sau chiến tranh đời sống còn nhiều khó khăn nhất là những gia đình công chức. Nỗi niềm của người đưa tiễn và người ra đi đều bịn rịn, lưu luyến nhớ nhung nhưng cũng đều tin tưởng một ngày về trong niềm vui hạnh phúc. Cái đáng nhớ là sân ga chiều hay cũng chính ngôi nhà với những người thân yêu như một ngọn hải đăng vẫy gọi cho những con thuyền ra khơi tìm lối trở về. Một sân ga bình yên. Một mái nhà ấm áp.

Ảnh đại diện

Chiến hào (Xuân Quỳnh): Chiến hào - Ý chí quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược

Thơ của Xuân Quỳnh viết trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước không giống như thơ của nhiều nhà thơ khác. Xuân Quỳnh không phải là nhạc trưởng như Tố Hữu, không tạo nên phong cách đặc trưng như Phạm Tiến Duật. Nhưng thơ của bà có những nét riêng, đó là những cảm xúc cá nhân trong lòng cảm xúc thời đại.

Bài thơ Chiến hào được viết năm 1966, khi đó bà đang làm ở báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Những năm đó, cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc đang bắt đầu vào giai đoạn cam go khốc liệt, Đế quốc Mỹ đã leo thang bắn phá miền Bắc và tăng cường các chiến dịch lớn nhằm phá hoại các căn cứ quân sự, kho tàng của ta. Để đối phó với vũ khí mạnh, hiện đại có tính huỷ diệt và khả năng quân sự cao hơn hẳn, chúng ta phải có những biện pháp nhằm hạn chế thương vong, bảo tồn lực lượng và sẵn sàng chống trả quân thù, chiến hào là một biện pháp như thế.

Ta hãy xem tác giả quan sát chiến hào của quân ta như thế nào:

Mặt đất nứt chiến hào
Vạch đường ngang lối dọc
Nào chỉ riêng nơi nào
Khắp trên mình Tổ quốc

Ôi chiến hào chiến hào
Hằn sâu trên mặt đất
Dài như lòng căm thù
Vạch những đường bất khuất
Khắp mọi miền tổ quốc đều là trận địa, vì thế chiến hào có ở khắp mọi nơi, nhiều và dày đặc. Sức nóng của cuộc chiến tranh khiến cho “Mặt đất nứt chiến hào”, tác giả so sánh với một vật khi quá khô, quá nóng thì nứt ra phản ánh rất đúng mức độ khốc liệt của cuộc chiến tranh khi đó. Ở khổ thơ tiếp theo, tác giả so sánh độ dài của chiến hào với lòng căm thù giặc và thể hiện tinh thần bất khuất của nhân dân ta.

Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, để chống lại súng đạn của kẻ thù trong khi ta chỉ có mã tấu, gậy tầm vông quân dân ta đã có cách đánh độn thổ. Nằm ém mình dưới hố, đợi kẻ thù đến gần đội đất chui lên để đánh một cách bất ngờ khiến kẻ địch không trở tay kịp. Chiến hào trong chiến dịch Điện Biên Phủ với chiến thuật “Đánh chắc, tiến chắc” đã hạn chế thương vong cho bộ đội, làm khiếp đảm quân thù.

Rồi tác giả đi hẳn xuống chiến hào để quan sát tiếp:
Ta bước trong chiến hào
Mùi đất còn mới mẻ
Mà đã thấy thân quen
Như những ngày thơ bé
Quen lối đi tới trường
Một mùi hương hoa lý
Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, vì thế chiến hào không phải bây giờ mới có. Chính vì thế mà tác giả không có cảm giác lạ lẫm khi ở trong đó mà còn cảm nhận được mùi đất mới như cánh đồng đang vụ cày, lối đi dưới chiến hào cũng không làm tác giả lo sợ rằng không biết dẫn về đâu mà thấy thân quen như con đường tới trường thơm mùi thơm hoa lí nhà ai đó. Cái tinh thần bất khuất ấy đã ngấm vào tận cùng cốt tuỷ con người Việt Nam.

Những con người đang chiến đấu dưới những chiến hào đó là ai, và lí giải cho những cảm nhận của mình ở đoạn thơ trên, tác giả chuyển sang quan sát con người- những người chiến sĩ:
Bởi người lính hôm nay
Dẫu tuổi đời rất trẻ
Nhưng tính tuổi anh hùng
Đã qua nhiều thế hệ
Tuổi đời của người lính còn rất trẻ, hôm qua có người còn đang đi học, có người đang cày dở thửa ruộng, có người còn đang gõ những nhát búa đầu tiên trong nhà máy... nhưng hôm nay, họ đã là chiến sĩ. Họ còn trẻ, nhưng trong dòng máu đã thấm đẫm truyền thống, ngấm vào máu thịt từ đời này sang đời khác. Trẻ mà anh hùng, mà mang theo truyền thống mấy ngàn năm.

Vì thế mà trong trận chiến họ đã lập được những chiến công:
Sau trận xáp mặt thù
Lá thư về viết vội
Chưa kể hết chiến công
Nhưng thay ngàn lời nói
Là bụi đất chiến hào
Chắc quê nhà hiểu nổi
Bởi đoạn chiến hào nào
Chẳng làng quê ta đó
Bát chè xanh nắng trưa
Bóng mẹ về lối nhỏ
Chiến hào ngước nhìn lên
Chuối vườn ai vừa trổ
Một giàn mướp hoa vàng
Một đầm sen trước ngõ
Trong lá thư gửi từ tiền phương có bụi đất chiến hào mà không kể hết chiến công. Lá thư đó đã là chiến công rồi, sau những trận chiến đấu ác liệt mà còn sống, còn viết thư về đã là anh hùng rồi. Thư của chiến sĩ nơi tuyến đầu ác liệt không kể về nỗi khó khăn, nguy hiểm mà là nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê hương, nhớ những gì thân thuộc nhất. Ngước nhìn lên, cũng những khóm chuối, những giàn mướp, một đầm sen như ở quê nhà.

Rồi tác giả lắng nghe:
Tiếng gà gáy xôn xao
Gọi lòng về nỗi nhớ...
Đây quê hương quê hương
Lên chiến hào thử lửa
Ở đâu mà chả là quê hương vì ở nơi đâu cũng có tiếng gà gáy. Hẳn ta còn nhớ bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh. Người chiến sĩ chiến đấu vì tiếng gà, vì những gì thân thuộc nhất và vì người thân của mình. Quê hương lên chiến hào thử lửa. Người chiến sĩ chiến đấu ở đây nhưng quê hương mình cũng đang từng ngày, từng giờ chiến đấu với kẻ thù.

Rồi tác giả tự bạch, lời tự bạch hay cũng chính là tiếng nói chung của những chiến sĩ đang chiến đấu trong những chiến hào:
Ta đứng trong chiến hào
Nắng mưa mài trên mũ
Chân mấy bận thay giày
Mắt quen đêm không ngủ
Điều kiện chiến đấu thật khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ đường. Nhưng vẫn tin tưởng rằng:
Dù mười, hai mươi năm
Đất này còn giặc Mỹ
Tóc ta dẫu đổi màu
Tuổi ta không còn trẻ
Ôi chiến hào chiến hào
Vẫn cứ còn mới mẻ
Với những lớp người sau
Lại lên đường diệt Mỹ
Dù cho thời gian mười năm, hai mươi năm, nếu thế hệ này già đã có thế hệ con cháu tiếp tục chiến đấu. Nhưng chiến hào sẽ còn dài thêm mãi, còn dày đặc hơn nữa như tinh thần bất khuất, như lòng căm thù giặc, như lớp lớp sóng cồn quyết tâm quét sạch lũ bán nước và lũ cướp nước.

Quyết tâm đánh giặc giành lại hoà bình thống nhất của tác giả cũng chính là quyết tâm của dân tộc. Hồ Chủ tịch đã nói trong Di chúc viết 15-5-1965 có câu: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào có thể hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn... Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất”.

Khi đó đã là năm 1966, và chỉ 9 năm sau, vào mùa xuân năm 1975, đất nước ta đã hoàn toàn thống nhất, kết thúc cuộc kháng chiến thần kì với bao sự tích anh hùng.

Bài thơ khá dài với thật nhiều chi tiết, dàn trải nhưng thật sinh động với những quan sát rất thật, rất chi tiết bằng các giác quan.

Ai đã từng đến thăm địa đạo Củ Chi, địa đạo Vịnh Mốc mới thấy hết được sự kiên cường bám trụ chiến đấu của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ.

“Dưới chiến hào dân quân từng trận có em...” còn vang vọng mãi.

Trang trong tổng số 2 trang (14 bài trả lời)
[1] [2] ›Trang sau »Trang cuối




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: