29/03/2024 20:42Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bài thơ “Hoa cúc” của nhà thơ Xuân Quỳnh - Thời gian không làm phai nhạt tình yêu

Hoa cúc

Đăng bởi Huy Tráng vào 18/07/2010 23:10

 

Hoa là một đề tài quen thuộc trong thơ ca xưa và nay, và có lẽ sau này người ta vẫn làm thơ về hoa. Có những bài vịnh hoa, có những bài mượn hoa để nói về người. Hoa có nhiều màu sắc khác nhau, mỗi màu hoa có một ý nghĩa. Người ta đã có hẳn những quan niệm về ý nghĩa các loài hoa. Hoa hồng tượng cho tình yêu, hoa lan tượng trưng cho người quân tử, hoa cúc tượng trưng cho lòng kính yêu quý mến, nỗi hân hoan... Tuy hoa có nhiều màu sắc, nhưng mỗi người lại thích một loài. Có nhiều người thích hoa hồng, có người thích hoa sen. Ở Trung Quốc có hẳn một trường phái hoa, trường phái hoa mẫu đơn. Có người đơn giản chỉ thích một màu hoa thạch thảo, loài hoa có màu tím thẫm gần với màu của đất. Tất thảy đều có lí do riêng và không phải bao giờ cũng nhận được sự đồng cảm.

Thường thường mỗi loài hoa nở có mùa riêng. Hoa đào nở vào mùa xuân, hoa sen nở vào mùa hè, mùa thu hoa cúc... “Sen tàn cúc lại nở hoa. Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”. Ở xứ sở nhiệt đới như nước ta thì hoa nở bốn mùa. Khi trình độ khoa học phát triển, người ta có thể cho một loài hoa nào đó trổ hoa quanh năm. Nhưng có nhiều loài hoa đã trở thành biểu trưng cho một mùa trong năm. Nói đến hoa đào trổ bông là mùa xuân đến, nói đến hoa cúc nở vàng là mùa thu đã sang.

Hoa gắn bó với cuộc sống con người. Đôi tân lang, tân giai nhân nào trong ngày lễ vu quy mà chẳng ôm một bó hoa tươi thắm. Hoa có trong các ngày lễ cả ở công sở và ở gia đình. Sinh nhật tặng hoa, mừng thọ cũng tặng hoa, cả khi người ta về thế giới bên kia cũng được đưa tiễn bằng những vòng hoa. Hoa thật là gần gũi.

Xuân Quỳnh là một người phụ nữ giàu nữ tính và dịu dàng. Tính cách ấy hẳn phải là một người yêu hoa. Trong thơ của bà đã nói đến nhiều loài hoa: hoa gioi, hoa cỏ may, hoa ti-gôn, hoa cúc xanh, hoa tường vi, có cả loài hoa dại núi Hoàng Liên nữa, hoa cúc là một trong số đó.

Bài thơ Hoa cúc được sáng tác năm 1980, in trong tập thơ Tự hát, Nhà xuất bản Tác phẩm mới ấn hành năm 1984. Tác giả không tả hoa cúc mà mượn hoa cúc để bày tỏ tâm trạng của mình mỗi khi mùa hoa cúc về.

Hoa cúc mà Xuân Quỳnh nói đến trong bài thơ là loại cúc vàng, mỗi năm thường nở vào mùa thu. Mùa thu và hoa cúc là một hình ảnh thơ được tác giả nhắc đến không chỉ trong bài thơ này, trong bài Thơ tình cuối mùa thu Xuân Quỳnh đã viết:
Mùa thu vào hoa cúc
Chỉ còn em và anh
Chỉ còn em và anh
Là của mùa thu cũ.
Màu vàng của hoa cúc thật là rực rỡ, màu vàng như nắng của cả một mùa hè chói chang dồn lại để khi thu về thì khoe ra như ngày tết trẻ con khoe áo mới. Trước màu hoa rực rỡ ấy, tác giả đã hỏi:
Có thay đổi gì không cái màu hoa ấy
Mùa hạ qua rồi lại đến mùa thu
Thời gian đi màu hoa cũ về đâu
Nay trở lại vẫn còn như mới mẻ
Màu hoa năm ngoái với màu hoa năm nay có khác không? Một năm qua đi màu vàng ấy có gì thay đổi? Màu vàng này có phải là màu năm trước hay là một màu vàng khác mà mới mẻ như thế, rạo rực đến thế? Một năm đi qua với bao lo toan vất vả. Một năm đi qua trời đã bao lần chuyển mùa, bao nhiêu ngày nắng, bao nhiêu ngày mưa, bao nhiêu đêm khó ngủ, bao nhiêu lần tiễn chồng đi công tác và bao nhiêu bộn bề công việc. Màu hoa cũ ấy tưởng quên đi, tưởng như lùi vào kí ức. Vậy mà sớm nao chợt thấy trên đường một màu vàng rực trên gánh hàng của một cô hàng nào đó khiến cho tâm hồn xao động và mới mẻ như chính màu hoa ấy. Câu thơ “Mùa hạ qua rồi lại đến mùa thu” là sự chuyển tiếp của thời gian. Thời gian trôi đi, tưởng như hết mùa hoa cúc của năm ngoái, màu hoa cũng vơi đi, cũng nhạt đi hay cũng đổi màu. Vậy mà không:
Bao mùa thu hoa vẫn vàng như thế
Chỉ em là đã khác với em xưa
Nắng nhạt vàng, ngày đã quá trưa
Nào đâu những biển chờ nơi cuối đất
“Bao mùa thu” chứ không phải chỉ một mùa, không phải một năm mà nhiều năm đến mức thành quy luật. Em đã khác ngày xưa. Câu thơ “Nắng ngả vàng ngày đã quá trưa” là biện pháp ẩn dụ để nói đến tuổi tác đã ngả về chiều, như mùa thu đã ngả về cuối năm. Nếu như mùa xuân tượng trưng cho tuổi trẻ thì phải chăng mùa thu tượng trưng cho cái tuổi xế chiều? Lúc này nắng đã nhạt, ngày đã quá trưa, những nồng nàn thuở nào nay đã vơi đi và cũng hết những ngóng chờ điều gì đó có thể xảy ra một cách bất ngờ từ phương trời nào mang đến. “Nào đâu những biển chờ nơi cuối đất”. Cuộc sống trở về với sự bình lặng như một bông hoa nằm trong bình sứ. Không niềm vui, không cả nỗi buồn.

Rồi năm tháng qua đi khiến cho tóc đã ngả màu thời gian nhưng màu hoa ấy vẫn luôn sống trong trí nhớ:
Bao ngày tháng đi về trên mái tóc
Chỉ em là đã khác với em thôi!
Nhưng màu hoa đâu dễ quên nguôi
Thành phố ngợp ngày nao chiều gió dậy
Em đã đổi thay, em không còn là em của ngày nào nữa. Em bây giờ đã khác với em của ngày hôm qua bởi năm tháng đi qua sương đã điểm mái đầu và làn da không còn mịn màng, tươi tắn như thời con gái. Thế nhưng, trong trái tim vẫn những nhịp đập mãnh liệt bởi trái tim ấy là bất diệt. Mỗi thu về cùng với gió heo may xao xác trên hè phố với cái màu vàng nguyên chất của hoa cúc lại làm em xôn xao. “Nhưng màu hoa đâu dễ đã nguôi quên” là lời khẳng định. Khẳng định dù em muốn quên cũng không được, dù thời gian trôi đi cũng không làm em quên lãng. Dù cho có muôn ngàn sự biến thì lòng em vẫn như ngày nào. Cái gì đã làm nên những cảm xúc đó?

Cái làm nên những cảm xúc đó không gì khác ngoài tình yêu. Màu hoa cúc cũng là màu của sự sống, màu của bà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người. Mỗi người chọn lấy cho mình một thứ gì đó để mà yêu mến và với Xuân Quỳnh, màu vàng của hoa cúc là thứ màu mà mỗi khi nhìn thấy làm cho tác giả có cảm giác yêu đời, yêu cuộc sống.

Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ. Nếu chỉ vì yêu màu hoa đó với một lí do không giải thích được thì thiếu sức thuyết phục quá mà phải có một lí do nào đó xác đáng. Và rồi tác giả cũng phải bộc lộ lòng mình:
Gương mặt ấy lời yêu thuở ấy
Màu hoa vẫn cháy ở trong em
Gương mặt là muốn nói đến con người. Lời yêu thuở ấy cũng là biểu hiện tình cảm của con người. Bí mật đã được hé mở, không nhiều nhưng cũng có thể giúp cho ta hiểu được. Một con người cụ thể nào đó với lời yêu ngày nào đã khiến cho tâm hồn tác giả có một biến động thật dữ dội, thật rực rỡ, và có thể lời yêu đó được bày tỏ vào một ngày thu với những vàng hoa cúc, có vậy mới khiến tác giả phải xao xuyến đến thế mỗi khi nhìn thấy hoa cúc. Màu hoa, màu yêu, màu nhớ... nỗi nhớ không nguôi ngoai để rồi chỉ cần hoa cúc xuất hiện lại khiến cho làn sóng kí ức lại nổi lên như bão tố.

“Màu hoa vẫn cháy ở trong em” như mâu thuẫn với “Nay trở lại vẫn còn như mới mẻ”. Nếu như nó vẫn cháy thì tại sao khi nó trở lại vẫn cảm thấy như là mới mẻ? Tưởng đâu nó vẫn ẩn nấp trong một góc khuất nào đó chỉ chờ có dịp để mà phô sắc? Không, nó vẫn cháy và mỗi khi trở lai vẫn mới mẻ bởi vì trong kí ức của tác giả nó vẫn tồn tại và vẫn cháy, chỉ không cháy thành ngọn lửa mà ấp ủ đợi mùa hoa đến là trái tim xao xuyến.

Nói về hoa cúc và những cảm nhận về màu hoa ấy, nhà thơ Phi Tuyết Ba đã viết:
Anh tặng em nắng vàng
Trong một cành hoa cúc
Hoa ơi khi nắng tàn
Hoa chắp lời hạnh phúc
Anh tặng em trăng vàng
Trong một cành hoa cúc
Hoa ơi khi trăng tàn
Hoa nói thầm lời chúc
Anh tặng em mùa hè
Trong một cành hoa cúc
Hoa ơi hãy chở che
Cho em qua dông bão mùa hè…
Với Phi Tuyết Ba, màu hoa cúc là màu vàng của nắng, màu vàng của trăng, màu của sự yêu thương mạnh mẽ. Hoa cúc chắp lời hạnh phúc, hoa cũng là lời chúc, và màu vàng ấy tạo nên một sự yên ổn có thể che chở cho em qua dông bão mùa hè. Mùa hoa cúc là mùa thu, mùa dông bão đã vơi dần. Những câu thơ của Phi Tuyết Ba thật là sâu lắng.

Hàn Mặc Tử đã viết trong bài Hồn cúc:
Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường
Không dám sờ tay sợ lấm hương
Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn cúc ở trong sương.
Hoa cúc mà Hàn nhắc đến thực ra để mượn hoa nói về người, Hoàng Cúc. Câu thơ “Không dám sờ vào sợ lấm hương” thể hiện một sự trân trọng của một tình yêu tinh khiết.

Mỗi bài thơ có những ý tứ riêng nhưng thảy đều ca ngợi vẻ đẹp của hoa cúc, mượn hoa cúc để ca ngợi vẻ đẹp của tình người và lấy mùa hoa cúc nở làm đơn vị đo thời gian. Thời gian có thể làm cho người ta già đi nhưng những cảm xúc thuở ban đầu rạo rực vẫn còn nguyên vẹn thì chỉ có ở Xuân Quỳnh.

Trở lại với bài thơ Hoa cúc của nhà thơ Xuân Quỳnh. Tên bài thơ nhắc đến hoa cúc mà không phải tả hoa cúc. Hoa cúc chỉ là cái cớ, là chất xúc tác, là sợi dây mở miệng túi kỉ niệm luôn rực cháy trong lòng tác giả về một con người với những lời yêu thuở nào. Thời gian được đánh dấu bằng những mùa hoa cúc, kỉ niệm được gợi nhớ bằng màu hoa cúc, màu hoa cúc năm nào cũng rực rỡ, rực rỡ và mới mẻ như tình yêu của Xuân Quỳnh.

Lại sắp đến một mùa hoa cúc!

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Xuân Quỳnh » Hoa cúc » Bài thơ “Hoa cúc” của nhà thơ Xuân Quỳnh - Thời gian không làm phai nhạt tình yêu