29/03/2024 17:05Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bình giảng khổ thơ 6 trong bài thơ Tây tiến

Tây Tiến

Đăng bởi tôn tiền tử vào 22/01/2015 23:24

 

Khi nhắc đến Quang Dũng, người đọc không thể không nhắc đến Tây Tiến – một bài thơ xuất sắc của ông. Bài thơ là nỗi nhớ, niềm yêu của Quang Dũng về một thời chiếu đấu khổ hào hùng dữ dội mà mê say. Những câu thơ vang lên như chính nỗi lòng ngươi nghệ sĩ ngân lên bản nhạc ca ngợi những người lính Tây Tiến – những con người xả thân mình vì Tổ quốc. Xuyên suốt bài thơ là nhớ, là thương:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Đoạn trích nằm ở giữa bài thơ như những nốt nhạc trầm trong bản nhạc hùng ca. Bao nhiêu náo nức, bao nhiêu giục giã mê say ở những câu thơ trên giờ đây đã nhuốm một chút bâng khuâng pha chút ngậm ngùi. Nhà thơ bắt đầu gợi lên những hình ảnh quen thuộc. Những hình ảnh tưởng chừng như đã hằn sâu vào tâm trí của tác giả. Hoài niệm ấy bắt đầu từ một không gian thoáng nỗi buồn mênh mang. Một không gian khiến cho con người ta quên đi hiện tại khắc nghiệt của chiến tranh, quên đi cái ác liệt của bom đạn để trở về với hình ảnh của dáng người. Chữ “ấy” như càng đẩy không gian của chiều sương trở nên xa xăm, vời vợi. Câu thơ gọi nhiều hơn tả với những hình ảnh mờ mờ, ảo ảo, có người nhưng đó chỉ là dáng người ẩn hiện sau lớp sương chiều. Cảnh vật được nhìn qua láng kính nhớ thương, tạo ra nét quyến rũ rất riêng. Không gian vì thế mà trở nên hoang sơ đượm một nỗi buồn. Nỗi buồn ấy dường như cộng hưởng cùng nỗi buồn của lòng người. Cấu trúc “có nhớ”, “có thấy”, không chỉ là để hỏi mà như là lời gợi nhắc, nhắn nhủ tha thiết ân tình. Nỗi nhớ dường như đã khiến cho cảnh vật xa mà hoá gần gũi thiết tha. Khẳng định về không gian, thời gian dường như đã không thể ngăn cản nổi nỗi lòng con người trở về với quen thuộc thân thương. Chính nơi ấy, đoàn binh Tây Tiến đã chiến đấu, nhiều người lính Tây Tiến đã nằm xuống như một nơi để nghĩ ngợi, để quên đi mệt nhọc. Bao khó khăn gian khổ dường như đã trôi theo dòng nước.

Quang Dũng đã thật tài tình khi sử dụng hình ảnh đối lập: “Nước lũ” với “hoa đong đưa” để miêu tả cái mạnh mẽ dữ dội của hiện thực, làm tôn nổi nỗi lòng của con người. Phải chăng hình ảnh hoa đong đưa kia không còn là hình ảnh của hiện thực mà là hình ảnh diễn tả tâm trạng nỗi niềm của tác giả. Chữ “đong đưa” được dùng rất khéo. Đó phải chăng là một chút xao xuyến, nhẹ nhàng, một chút lay động thật khẽ, của cánh hoa nhưng lại có sức lan toả không ngừng. Và một chút xao động đó hay chính là một chút dao động trong tâm hồn của tác giả. Những câu thơ tràn đầy hoài niệm, đầy mê say và tràn đầy sắc thái lãng mạn.

Những câu thơ, những dòng tâm trạng của tác giả khi nhớ về một Tây Tiến anh hùng trong chiến trận nhưng cũng rất giản dị, dí dỏm trong cuộc sống đời thường. Với một nỗi buồn man mác, những câu thơ của Quang Dũng đã để lại trong lòng người đọc bao vang vọng về một thời xa xăm đầy anh dũng, oai hùng, về những con người mang trong mình ý chí kiên cường “ra đi đầu không ngoảnh lại”. Những con người ấy đã làm nên một đất nước anh hùng.
Nguyễn Minh

(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Quang Dũng » Tây Tiến » Bình giảng khổ thơ 6 trong bài thơ Tây tiến