16/04/2024 11:34Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Lời bình bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà văn Anh Ngọc

Bên kia sông Đuống

Đăng bởi tôn tiền tử vào 12/03/2020 23:01

 

Cũng tựa như Trường ca sông Lô của Văn Cao và Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận trong âm nhạc, bài thơ này của thi sĩ Hoàng Cầm có thể coi là một bản trường ca trong thơ thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Quy mô bài thơ khá lớn, bao hàm đủ cả quá khứ, hiện tại, tương lai của một miền đất vốn là chiếc nôi văn hoá của xứ Bắc lại đang chìm ngập trong cơn binh lửa, với nhiều cảnh đời, tình người, nhiều trạng huống cảm xúc buồn, vui, yêu ghét, nhớ tiếc, hy vọng...như cả một hoạt cảnh thơ hoàn chỉnh. Để chở được một dung lượng khá đồ sộ như vậy mà cấu trúc không bị manh mún, chất lượng không bị sồi sụt (hoặc có sồi sụt chút ít không đáng kể), mà ngược lại người viết lại có thể cuốn người đọc, người nghe theo một dòng chảy cuồn cuộn từ câu thứ nhất đến câu cuối cùng như một con sông Đuống bằng thơ ấy, rốt cuộc là nhờ vào sức mạnh của cái gì vậy? Về ý tưởng ư? - Thực ra bài thơ có tung ra được ý tưởng gì độc đáo, mới mẻ lắm đâu. Về cốt truyện ư? - Càng không có gì đáng gọi là ly kỳ, hấp dẫn, nếu không nói là sơ lược. Ngay cả về ngôn từ, ngoài những sáng tạo thành công lắm khi đến độ xuất thần mà ta sẽ nói tới sau, không thể phủ nhận là trong bài vẫn còn không ít lời lẽ kiểu cách và sáo. Rốt cuộc, sức mạnh to lớn của bài thơ dài này vẫn nằm trong nguyên lý muôn đời của thơ ca tức là dòng cảm xúc mạnh mẽ, dào dạt vô cùng, thứ cảm xúc dường như đã được tích tụ từ rất lâu trong lòng người, bất chợt được một bàn tay của ngoại cảnh bật tung cánh cửa, khiến nó tuôn ra ào ạt, đủ sức cuốn phăng đi mọi con đê khuôn sáo, mọi toan tính chừng mực và tỉnh táo, để làm tràn ra trên mặt giấy những chữ, những dòng mà sau này chính nhà thơ có lần thú nhận là ông đã viết chúng ra như trong một cơn mê sảng, như thể có ai đó đọc vào tai cho mà ghi lại vậy! Thần bí hoá công việc làm thơ hẳn có người khó chịu, nhưng tình trạng thăng hoa của cảm xúc, sự khơi đúng nguồn mạch trong khai thác cảm xúc và cả ý tưởng nữa trong công việc sáng tạo nghệ thuật, dẫu rất hiếm và quý, nhưng cũng là chuyện xưa như trái đất. Và thi sĩ Hoàng Cầm của chúng ta, một nhà thơ vốn đã nổi danh đa tình, đa cảm, lại sành sỏi trong công việc thao túng chữ nghĩa, trong cái đêm Việt Bắc se lạnh, đang nằm nhớ thương gia đình và quê hương đến cháy lòng, lại được nghe những người du kích từ quê nhà vừa bị giặc chiếm chạy lên chiến khu kể lại nguồn cơn thảm cảnh thì việc chỉ ngay trong một đêm ông có thể hạ bút làm xong bài thơ tràng thiên ngót một trăm năm mươi câu này là điều không có gì khó hiểu. Công việc sáng tạo nghệ thuật vẫn thường như vậy, có khi cả tháng cả năm không vạch nổi một chữ, nhưng có khi mạch cảm xúc bất chợt tuôn ra như thác vỡ bờ, ấy là những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời của người viết.Thậm chí, ta cũng không ngại để “nói vuốt đuôi” rằng, với mạch tình cảm thể hiện ra trong bài thơ này thì sự thể còn không thể nào khác được nữa kia! Liệu bài thơ còn giữ được cái mạch liền như “áo nhà trời không có đường khâu” này hay chăng, nếu nó được làm ra một cách ì ạch, ngắc ngứ, đánh vật hết ngày này sang ngày khác? Dĩ nhiên, làm có thể nhanh, sửa sang có thể dềnh dàng, nhưng liệu có sự khôn ngoan, kỹ tính nào lại đẻ ra nổi một câu thơ kỳ lạ vào bậc nhất trong thơ Việt từ cổ chí kim như câu thơ tả sông Đuống “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” được chăng?

Như vậy là ta đã động đến cái đặc thù của bài thơ này: tính liền mạch - nhờ cảm xúc mạnh mà tạo nên liền mạch, lại nhờ có mạch mà tạo ra được nhiều ưu thế khác.

Bài thơ rõ ràng mang những cảm xúc có tính xã hội và thời sự, nghĩa là nó thực sự là thơ công dân, thơ phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc, nhưng điều then chốt ở đây là cảm xúc xã hội lại trùng lên cảm xúc cá nhân, những buồn vui, yêu ghét của cộng đồng lúc này cũng chính là tâm trạng riêng tư của người viết - chính sự hoà hợp ấy đã làm nên một sự cộng hưởng trong cảm xúc và người làm thơ có thể tung hoành ngòi bút để rồi bật lên những lời không còn phân biệt được đâu là chung đâu là riêng, tất cả đều tự nhiên nhi nhiên:
Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Một tiếng kêu tự đáy lòng dễ thường chỉ gặp ở trong thơ tình, mà là thơ tình thứ thiệt, thơ tình chân chất của người trong cuộc, chứ không phải thứ thơ tình mượn danh tình yêu để rao giảng việc khác. Có sự vào bài ngọt lịm như thế, sự vào bài giúp cho cả bài sẽ “đầu đi đuôi lọt” như vậy là nhờ ngay từ đầu tác giả chắc không nghĩ mình làm thơ để ban phát một điều gì, thậm chí phục vụ một mục đích gì. Ông viết như một sự giải toả nỗi lòng đang dào dạt những nhớ thương, buồn đau khôn xiết. Có thể rồi dần dà ông sẽ nghĩ tới những điều ấy, nghĩ tới bạn đọc, nhưng đó chắc chắn là chuyện đến sau, còn vào phút ấy, ông phải viết ra ngay những lời như đã ngấp nghé nơi cổ họng, như một tiếng kêu, một tiếng thét bật ra từ sâu thẳm trái tim - thế thôi. Tôi nghĩ, nếu sau này nhà thơ có kể lại rằng ông đã viết những lời này như sự mách bảo của một thế lực siêu nhân thì thế lực bí mật đó chẳng có gì khác hơn là những cảm xúc, những ý tưởng đã nung nấu đến thành ra máu thịt ở trong ông tự những bao giờ khiến cho chính ông cũng không ngờ tới. Sự thể này trên đời vẫn có lúc xẩy ra, mà nhà thơ của chúng ta không phải là trường hợp hy hữu. Nhất thiết không có gì thần bí theo nghĩa duy tâm ở đây, mà chỉ có bản chất của công việc sáng tạo nghệ thuật, cái công việc “cướp quyền Tạo Hoá” rắc đậu thành binh, dám cả gan tạo dựng cả trời đất và hồn người trên trang giấy thì vốn tự thân đã là như vậy. Phải thấu hiểu đến tận cùng cái phút giây “thơ về giáng bút” như chữ dùng của thi sĩ Vũ Hoàng Chương khi bàn tay của người viết tựa như miệng của cô đồng - nếu như có những cô đồng đích thực - chỉ biết chạy theo những “mệnh lệnh” bí ẩn từ đâu đó trong cõi vô minh mà ở đây ta có thể hiểu là tiếng nói sâu thẳm của những cảm xúc, những nghiền ngẫm suy tư đã tích tụ từ lâu lắm trong bộ nhớ của con người, lâu và chín đến nỗi ta không còn nhớ đến nó nữa, đến nỗi khi nó vang lên bên tai thì ta cứ nghĩ là nó vọng về từ vô thức! Phải, có hiểu như vậy thì ngõ hầu ta mới không hoang mang khi đứng trước một câu thơ như ta vừa nói tới ở trên:
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ.
Có lẽ từ thuở bài thơ được phổ biến đến nay, câu thơ này luôn luôn và mãi mãi là một câu đố trong lòng công chúng yêu thơ. Tôi biết, có vị giáo sư đáng kính đã từng đạp xe dọc sông Đuống hàng chục, hàng chục cây số để tìm lời giải đáp cho câu hỏi ấy. Nghe đâu như ông đã tìm ra, nhưng là để giải đáp cho ông thôi, còn những người khác, họ có chấp nhận hay không thì chưa chắc. Thực ra, tất cả chỉ ở hai chữ “nghiêng nghiêng” kỳ quái! Giá như nó chỉ khiến ta thấy nó cầu kỳ, thậm chí kỳ cục thì chẳng có gì mà nói, người ta hoàn toàn có thể viết những chữ kỳ cục hơn thế nhiều, nhưng hoặc chỉ để mua cười cho thiên hạ, hoặc sẽ chẳng ma nào để ý tới, điều phiền toái ở đây là dòng thơ kỳ lạ này lại ngay lập tức bám riết lấy hồn ta, trí ta, nó lay động, nó gợi mở, nó khiến ta cứ phải hình dung, phải tưởng tượng... thế nghĩa là nó có cái lý bên trong nào đó, có cái tình u ẩn nào đó - và với một câu thơ có sức ám ảnh dai dẳng đến như thế, thì ta chỉ biết nói là nó HAY, quá hay, vậy thôi, hay đến nỗi nếu được bầu một câu thơ hay nhất trong nền thơ kháng chiến, tôi xin được bỏ phiếu cho câu này. Bỏ phiếu, không do dự, nhưng cũng không... giải thích! Là vì thú thực, tôi cũng như mọi người, đã hơn một lần cố công giải thích cho cái hay của câu thơ, nhưng riêng tôi tự thấy nên từ bỏ ý định vô vọng này đi, bởi đơn giản càng mổ xẻ, phân tích càng thấy bất lực, thậm chí còn phơi hết sự dung tục của mình ra. Xin cứ để yên cho câu thơ được nằm mờ ảo trong vòng hào quang của Thần Thánh, mà với Thánh Thần thì “kính nhi viễn chi” xem ra vẫn là thái độ khôn ngoan hơn cả.

Tôi đã quá dài lời vì một câu thơ, nhưng sự thể không thể khác được. Điều đáng khâm phục là ngoài câu thơ thiên phú trên đây, bài thơ vẫn còn những câu, những chữ tài tình đến mức xuất thần. Chẳng hạn, nói nỗi đau trong lòng mà như cảm thấy được đến tận ngoài da thịt: “sao xót xa như rụng bàn tay”! Sao lại “rụng bàn tay” mà không phải cái gì khác? Tả bọn giặc xâm lược thì:
Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn
Khua giầy đinh đạp gãy quán gầy teo
Còn đây là cái cách mượn cảnh trời tả hồn người tinh vi và kinh điển:
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Có vẻ như ta đang nghe Nguyễn Du với “chim hôm thoi thót về rừng” báo hiệu một tai hoạ sắp ập xuống với nàng Kiều. Và đến câu thơ sau đây thì không có gì khác hơn là tài dùng chữ siêu việt:
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Hai chữ “thấp thoáng” đã nâng vị thế con người lên một tầm nhìn rất cao và đầy nhân bản. Xin kể một câu chuyện nhỏ: Có một lần, sau một cuộc đọc thơ ở Thư viện Hà Nội, mấy anh em làm thơ của nhiều thế hệ quây quần trò chuyện, nhà thơ Phùng Quán, ý muốn thử tài các động nghiệp theo cách của ông, liền làm một cuộc trắc nghiệm bằng cách đề nghị mỗi nhà thơ đọc một câu thơ của mình mà có thể gói trọn thần thái của cả đời người ấy trong đó (xin tiết lộ là đã có không ít nhà thơ rất lúng túng khi phải tham gia cuộc trắc nghiệm này). Đến lượt nhà thơ Hoàng Cầm thì chính Phùng Quán xin được nói hộ “ông anh tôi đây”, và Phùng Quán đã chọn câu thơ trên một cách thích thú và tâm đắc. May mắn được có mặt ở đấy, người viết bài này cũng phải công nhận cái sự chọn của ông thi sĩ họ Phùng là rất chính xác. Kể câu chuyện này ở đây là để thay cho một lời bình luận, vì nó đã nói lên rất nhiều.

Mặc dù không dám mạo hiểm cắt nghĩa những gì mình tự thấy chưa mấy tự tin vào những hiểu biết vốn còn nông cạn, nhưng dẫu sao điều gì cảm được thì cứ xin nói ra, mà một trong những điều ấy là: chính mạch thơ - nhờ được bảo lãnh bởi mạch cảm xúc - đã khơi nguồn cho sức băng tới của bài thơ, và chính trong sự vận động tự thân của thơ như một dòng suối chảy xiết đã làm cho những hạt vàng lấp lánh của ngôn từ vốn bị vùi sâu dưới đất đã bật lên, đã có dịp phơi mình dưới ánh sáng mặt trời. Sức cuốn ấy của tình cảm cũng tạo nên một dòng âm nhạc chảy xiết, vừa phong phú vừa linh hoạt, với hầu như đủ hết các thể thơ từ tự do, lục bát, đến cả song thất... dài ngắn, mạnh nhẹ, cao thấp, nhanh chậm đếu nương theo nhu cầu tình cảm của con người mà ngân lên. Ta dễ dàng nhận ra sức mạnh ấy của nhạc tính trong thơ của thi sĩ Hoàng Cầm khi đọc vào bất cứ đoạn nào trong bài thơ, chẳng hạn:
Quê hương ta từ ngày khủng khiếp
Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn
Ruộng ta khô
Nhà ta cháy
Chó ngộ một đàn
Lưỡi dài lê sắc máu
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu...
Và cứ thế cho đến những câu thơ kết đẹp như một dòng âm thanh lanh lảnh vút lên giữa trời xanh:
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh.
Thiết nghĩ, cùng với giá trị của những từ ngữ, hình ảnh xuất thần, về mặt nhạc tính, Bên kia sông Đuống đã là cả một dàn giao hưởng của rất nhiều giai điệu, tiết tấu làm say đắm hồn người và đủ để biểu dương vẻ đẹp không gì sánh nổi của tiếng Việt khi trở thành vũ khí lợi hại của thơ ca.

Để kết thúc bài viết đã khá dài, tôi thấy vẫn còn một điều phải nói nốt về bài thơ này: ấy là, cuộc sống đã có lý khi giành một bài thơ đẹp và hoành tráng đến thế để ca ngợi một vùng đất như xứ Kinh Bắc, mảnh đất có truyền thống văn hoá sâu thẳm, xứ sở của những hội hè, đình đám, những chùa chiền, miếu mạo, của nguyên phi Ỷ Lan, của bà chúa Chè Đặng Thị Huệ, của những liền anh, liền chị, của “tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong / màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” v.v và v.v... Chính là tất cả những cảnh, những người, những tình, những nghĩa đã chung đúc tinh anh lại, gửi vào trong ngọn bút tài hoa của một người con xứ sở: Thi sĩ Hoàng Cầm.

Chúng ta chỉ còn biết cám ơn tất cả.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hoàng Cầm » Bên kia sông Đuống » Lời bình bài thơ “Bên kia sông Đuống” của nhà văn Anh Ngọc