28/03/2024 19:58Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bình giảng đoạn thơ Bên kia sông Đuống … Bây giờ tan tác về đâu

Bên kia sông Đuống

Đăng bởi tôn tiền tử vào 22/01/2015 23:16

 

Trong vườn thơ ca kháng chiến chống Pháp, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm được sáng tác tháng 4 năm 1948 nổi lên như một bông hoa thám sắc ngát hương. Bài thơ đã diễn tả được một cách khá thấm thía và cảm động tấm lòng của nhà thơ đối với quê hương Kinh Bắc nối tiếng, quê hương nước Việt nói chung với những tình cảm yêu thương, tự hào về quê hương giàu đẹp, có nền văn hoá nghìn đời đáng yêu và niềm căm giận trước tội ác kẻ thù đã giày xéo quê hương một cách phũ phàng. Trong đó còn có những đoạn thơ cho ta thấy quê hương Kinh Bắc có một nền văn hoá dân gian độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc đồng thời nhà thơ cũng cho người đọc cảm nhận được hình ảnh quê hương tan tác điêu tàn khi quân giặc tràn về:
Bên kia sông Đuống
...................
Bây giờ tan tác về đâu
Sự trù phú tươi đẹp của quê hương được kết tinh ở một hình ảnh thật gợi cảm, nên thơ. Đó là “lúa nếp thơm nồng”. Cái hương vị đậm đà thanh khiết có sức lan toả và dễ thấm vào hồn người đọc ấy của lúa nếp đã gợi lên trong ký ức chúng ta biết bao hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam, nơi có truyền thống trồng lúa nước từ ngàn đời nay. (Trong bài Đất nước, Nguyễn Đình Thi cũng đã mở đầu bằng hai câu thơ có cái hương lúa nếp rất gợi cảm đó: “Sáng mát trong như sáng năm xưa – Gió thổi mùa thu hương cốm mới” và Quang Dũng cũng viết: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói – Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Chế Lan Viên trong bài Tiếng hát con tàu đã có hai câu thơ về hương nếp rất tài hoa “Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch – Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương”).

Nhưng nói về Bên kia sông Đuống là nói về vùng Kinh Bắc, quê hương của Hoàng Cầm, “nơi đã hút hết tâm hồn và đời thơ của tôi”. Đấy là “một vùng văn hoá nhiều đền chùa cổ kính, quê hương của tranh Đông Hồ và những điệu quan họ duyên dáng, mà cũng là quê hương của nhiều truyền thuyết nên thơ cùng những hội hè náo nhiệt”. Nhưng nổi bật nhất trong số đó vẫn là tranh làng Hồ, với những đường nét, màu sắc tươi sống ngộ nghĩnh. Từ bao đời nay, tranh làng Hồ đã từng hết sức quen thuộc đối với mỗi gia đình Việt Nam vào dịp tết đến. Đó là những bức tranh mang màu sắc dân gian và dân tộc từ nghĩa đen đến nghĩa bóng, tứ chất liệu đến đề tài, màu sắc. Tranh thường gợi về những đề tài sinh hoạt bình dị của đời sống tâm hồn Việt Nam vốn yêu lao động, hoà bình, hạnh phúc và cuộc sống thịnh vượng... như “tranh con gà”, “mẹ con đàn lợn âm dương”, “đám cưới chuột”, “đánh vật”, “đánh ghen”, “hứng dừa”, “thầy đồ ếch”... Người nghệ sĩ dân gian tài hoa đã quét lên những bức tranh bình dị ấy bằng những mầu tươi sáng: màu đỏ son, màu cánh sen, màu hoa hiên, ri đồng... toàn là những chất liệu từ thôn quê quen thuộc... tất cả sáng bừng lên trên nền giấy trắng tinh và óng ánh “Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Hai chữ “sáng bừng” đứng ở vị trí trung tâm, âm hưởng mạnh mẽ như rực sáng lên giữa câu thơ, toả sáng những tờ giấy điệp và cũng là toả sáng cả nền nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Từ “sáng bừng” còn bao hàm cả niềm tự hào, tình cảm thiết tha nồng nàn, đằm thắm của nhà thơ đối với truyền thống văn hoá. Nếu không, làm sao tác giả có thể cảm nhận được vẻ đẹp “sáng bừng” của “màu dân tộc” sâu sắc đến như vậy?

Quê hương ta Bên kia sông Đuống thái bình, giàu đẹp, yên vui là thế nhưng khi giặc Pháp hung bạo kéo về, tất cả phút chốc trở nên tan tác điêu linh. Cuộc sống thanh bình, trù phú nên thơ của vùng Kinh Bắc giờ chỉ còn là những kỷ niệm xót xa đau tiếc. Đây là nỗi đau lớn nhất của con người nói riêng, của một đời người nói chung. Nhà đại thi hào dân tộc Italia đã có hai câu thơ nổi tiếng:
Trên đời đau khổ gì tày

Chuyện vui nhớ lại trong ngày thê lương. Bao trùm lên mảnh đất, bầu trời quê hương nay chỉ là những cánh đồng quê chảy máu – Dây thép gai đốm nốt trời chiều” (Nguyễn Đình Thi), là ngọn lửa ngùn ngụt, hung tàn thiêu huỷ xóm làng. Trên cái nền cuộc sống yên ả thanh bình ngày xưa, giờ đã xuất hiện lũ giặc hung hăng, điên cuồng như một đàn chó dại “Lưỡi dài lê sắc máu”, gieo rắc từ khi khắp nơi “Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang”. Hình ảnh kẻ thù được tác giả khắc hoạ bằng hình ảnh ẩn dụ rất chính xác mà rất gợi cảm, đã làm nổi bật được bản chất tàn bạo đầy thú tính của chúng.

Trước cảnh giặc tàn phá “Tan hoang nhà cháy khói căm thù”, trái tim tác giả như đau thắt lại và những câu thơ của Hoàng Cầm cũng ngắt ra thành từng dòng, từng nhịp như những tiếng nấc nghẹn ngào:
Ruộng ta khô Nhà ta cháy
...
Kiệt cùng ngõ thẳm bờ hoang
Thế là chẳng những con người rơi vào cảnh ngộ tan tác chia lìa mà đến cả những bức tranh làng Hồ cũng cùng chung số phận:
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu?
Cái tài của nhà thơ Hoàng Cầm là đã tạo được nhiều hình ảnh vừa thực vừa ảo rất thú vị. Ở đây, cảnh trong tranh và cảnh ngoài đời như hoà vào nhau thật khó mà phân biệt. Hai bức tranh Đông Hồ được miêu tả trong bốn câu thơ đã vẽ lên được cảnh tản cư đau lòng khi giặc ập đến. Phải chăng giặc giày xéo lên quê hương gây nên cảnh tan tác chia lìa cho con người; đồng thời cũng là giày xéo lên một nền văn hoá nghìn đời đáng yêu đáng quý của ta một cách phũ phàng?

Câu thơ “từ ngày khủng khiếp” và đặc biệt là câu “Bây giờ tan tác về đâu?” là câu hỏi về đám cưới chuột, đàn lợn âm dương... nhưng đằng sau câu hỏi ấy là một tình yêu quê hương bao la, là nỗi nhớ tiếc khôn nguôi về những gì thiêng liêng đã mất, là nỗi xót xa về quê hương đau thương dưới gót giày xâm lược, là nỗi oán hờn tím gan tím ruột trước tội ác trời không dung, đất không tha của kẻ thù. Đó cùng là câu hỏi muôn đời của lịch sử mỗi khi có giặc ngoại xâm.

Đoạn thơ trên đã làm nổi bật sự đối lập hai cảnh: trước và nay, hạnh phúc và đau thương xây dựng và tàn phá, sum vầy yên ấm và tan tác chia lìa... làm khắc sâu nỗi đau tiếc, xót xa, căm giận; đặc biệt là làm nổi bật sự tương phản giữa những giá trị nhân văn của ta và sự tàn bạo phi nhân tính của những kẻ vẫn thường tự xưng là “văn minh”. Sự tương phản ấy như đập vào mắt, xuyên vào lòng kêu gọi lương tri nhân loại.

Tiếp đến là Kinh Bắc của những đền chùa cổ kính và những hội hè đình đám vào dịp đầu xuân.

Cảnh thật tươi vui đầm ấm rộn rã “Trên núi Thiên Thai – Trong chùa Bút Tháp – Giữa huyện Lang Tài”. Cuộc sống bình yên ấy đã diễn ra từ bao đời nay “mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên”. Và có lẽ nổi bất nhất trong những ngày hội vẫn là hình ảnh những cô gái Kinh Bắc “mặc áo the đen” duyên dáng, dịu dàng gợi thương gợi nhớ cho bao người. Nhưng từ ngày giặc đến, cuộc sống tưng bừng, giấc mộng bình yên ấy đâu còn nữa; chỉ còn những tiếng chuông chùa vẳng lên như một nỗi tiếc thương ngơ ngẩn.

Tiếng chuông chùa ở đây không còn gợi lên cảnh êm dịu thanh bình mà vọng lên như khua sầu tủi, như rung oán hờn”.

Những câu thơ tiếp theo diễn tả cảnh đông vui nhộn nhịp của sinh hoạt làm ăn vào những ngày phiên chợ Hồ, chợ Sùi, người đua chen cùng những cảnh “Bãi trầm chi người giăng tơ nghẽn lối”, “Những nàng dệt sợi, đi bán lụa mầu – Những người thợ nhuộm, Đồng Tỉnh Huê Cầu” đã thành ca dao:
Ai về Đồng Tỉnh Huê Cầu.
Để thương, để nhớ, để sầu lại đây.
Như vậy, Kinh Bắc là quê hương của những con người đáng yêu đáng quý. Nhưng đáng yêu nhất, để thương để nhớ cho Hoàng cầm nhất vẫn là: những cô gái chăn tằm hái dâu, những cô hàng xén có vẻ đẹp dịu dàng kín đáo, đôn hậu mà rất tình tứ. Hoàng cầm đã dành những nét bút đẹp đẽ tài hoa nhất cho những cô gái này:
Ai về Bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu toả nắng
“Khuôn mặt búp sen” là khuôn mặt mang vẻ đẹp truyền thống dân tộc của những cô gái quê. Nó gợi cho ta những đường nét thanh tú xinh xắn với màu sắc phớt hồng và hương thơm thanh quý. Còn nụ cười “như mùa thu toả nắng” thì tươi và sáng như toả niềm vui ra xung quanh nhưng lại có vẻ đẹp dịu dàng kín đáo như cái nắng dịu mùa thu.

Nhưng tất cả “bây giờ đi về đâu?”. Và giữa khung cảnh tan tác của loạn lạc, của giặc giã chiến tranh, nạn nhân tội nghiệp đáng thương nhất là các bà mẹ già, đặc biệt là những người mẹ nghèo “Bà mẹ già kia tuổi đã nhiều- Đã từng đau khổ biết bao nhiêu”, dưới gánh nặng của cuộc đời một nắng hai sương, nay lại cộng thêm cái loạn lạc của chiến tranh mà vẫn phải “Đòn gánh tre chín rạn hai vai” để kiếm sống thì càng đau khổ đáng thương gấp bội phần:
Bên kia sông Đuống
Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong
Bước cao thấp bên bờ tre hun hút
Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ
Hình ảnh bà mẹ già “còm cõi mái đầu bạc phơ” với “gánh hàng rong bước cao bước thấp bên bờ tre hun hút” cùng với “cánh cò trắng bay vùn vụt lướt ngang dòng sòng Đuống về đâu” gợi lên trong lòng ta biết bao cảm xúc xót thương. Đâu còn hình ảnh “Cánh cò bay lả bay la – Cánh cò bay lả rập rờn” hôm nào nữa; mà giờ chi còn là cánh cò hốt hoảng bay vụt vụt bơ vơ như chạy loạn “Bỏ nhà...”. Hình ảnh ấy hoà cùng hình ảnh yếu ớt bơ vơ của người mẹ già làm cho hình ảnh những nạn nhân xâm lược càng trở nên bi thương vô hạn.

Nhưng nghĩ cho cùng thì nạn nhân tội nghiệp nhất của chiến tranh vần là những đứa con thơ. Chúng đã khổ vì đói nghèo “ngày tranh nhau một bát cháo ngô” nay càng khổ thêm vì chiến tranh:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
(Hồ Chí Minh)
Ấy thế mà khi giặc tràn về, các con đã bị bóng đen kẻ thù đe doạ cả những vành nôi, và trong cơn mơ cũng thon thót giật mình vì sợ hãi. Bởi cái chết luôn luôn rình rập, lởn vởn đâu đó. Là kẻ thù mới bây giờ rất đáng sợ. Chúng vừa thô bạo vừa có hình thù gớm ghiếc, kỳ quái. Chúng đến đâu là gieo rắc chết chóc đau thương đến đó:
Chợt lũ quỹ mắt xanh trừng trợn
Khua giày đinh đạp gãy quán gầy teo
Xì xồ cướp bóc, tan phiên chợ nghèo
Lá đa lác đác trước lều
Vài ba vết máu loang đỏ chiều mùa đông
Đây là những hình ảnh thơ viết về tội ác của kẻ thù khá độc đáo. Mấy “Lá đa lác đác trước lều” cùng với “vài ba vết máu” làm “loang” đỏ cả “chiều mùa đông” cứ ám ảnh lay động không thôi tâm hồn ta. Cũng như hai câu thơ: “Bây giờ tan tác về đâu?” – Bây giờ đi đâu về đâu?” được lấy lại ở nhiều đoạn thơ như một điệp khúc cứ xoáy sâu vào lòng ta một nỗi đau nhức nhối. Đúng là đoạn thơ trên của Hoàng cầm xứng đáng là đoạn thơ “chép tội giặc” để mãi mãi chúng ta không được nguôi hờn, mỗi khi có giặc ngoại xâm.

Từ đau thương đã chuyển sang uất hận, căm thù và biến thành sức mạnh chiến đấu:
Dao loé giữa chợ
Gậy lùa cuối thôn
Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn
Ăn không ngon
Ngủ không yên
Đứng không vững
Chúng mày phát điên
Quay cuồng như đứng trên đống lửa
Đoạn thơ đã diên tả được một cách sinh động và chân thực những cuộc chiến đấu quyết sống chết với giặc diễn ra ở thôn xóm, giữa chợ, trên cánh đồng lúa chín bằng những nhịp thơ dồn dập sảng khoái, đầy khí thế.

Bài thơ Bên kia sông Đuống được kết lại bằng những ước mơ cuộc sống thanh bình trở về: Mùa xuân lại hồi sinh với những hội hè đình đám như thuở xưa bên bờ sông Đuống yên ả. Hình ảnh “em” xuất hiện không buồn nữa mà em trở nên tươi trẻ, tràn đầy sức sống và niềm vui trong bộ quần áo mới với yếm thắm và dải lụa hồng phất phới bay. Em cùng toàn dân tộc “Đi trẩy hội non sông” trong tâm trạng hân hoan “cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”.

Nét đặc sắc của bài thơ Bên kia sống Đuống là tác giả đã tạo nên được một nhạc điệu khá độc đáo: vừa dạt dào tuôn chảy, vừa trầm buồn. Trên nền nhạc buồn ấy, cái hồn của quê hương đất nước xứ sở cứ phảng phất lắng đọng trong mỗi dòng chữ, hình ảnh thơ. Vì thế bài thơ chỉ viết về một vùng quê rất riêng: quê hương Kinh Bắc nhưng vẫn có thể khơi dậy trong trái tim hàng triệu người Việt Nam tình yêu nước Việt muôn đời.
(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hoàng Cầm » Bên kia sông Đuống » Bình giảng đoạn thơ Bên kia sông Đuống … Bây giờ tan tác về đâu