26/04/2024 08:28Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Lục tìm thơ xưa, gặp bài của Ninh Tốn viết về một đường phố khá nổi tiếng xưa

Hoè Nhai

Đăng bởi Vanachi vào 27/12/2009 02:40

 

Chốn Kinh đô xưa, nơi tụ hội ăn chơi thường trồng hoè và trồng liễu. Liễu và hoè, tán xanh, lại có hoa nhỏ, khi đi qua, gặp làn gió, hoa rụng bay bay... Các vương tôn, công tử qua lại các ca lâu tửu quán ở đây thường tấp nập.

Ninh Tốn, một ông nghè quê ở Ninh Bình, từng làm quan cho nhà Lê Trung Hưng và nhà Tây Sơn ở Thăng Long lâu hẳn biết kỹ nơi này.

Sách cũ chép: Phố Hoè Nhai xưa thuộc tổng Yên Thành, Vĩnh Thuận, thành Thăng Long cũ. Con đường Hoè này được mở từ hoàng thành ra tới Đông Bộ Đầu, một nơi thuyền bè lui tới, buôn bán tấp nập, hàng quán cũng nhiều. Đầu đời Lý, khoảng những năm 1010 đến 1025, nhà vua có lệ, các quan trong triều mỗi người phải trồng một cây hoè, do đó mới có tên Hoè Nhai - đường Hoè - Hoè Nhai còn được đặt cho tên một làng ở đó. Căn cứ vào bài thơ Hoè Nhai của Ninh Tốn thì thời ấy, chỗ này là chỗ lui tới của những người quyền quý và có tiền.

Chỉ riêng câu “Bờ liễu, đường hoa, nhìn ai cũng đẹp” cũng đủ thấy những người đến đây không phải là những người thường. Hẳn là xe ngựa dập dìu, mặc toàn đồ gấm vóc... Và nơi đây, là chốn ăn chơi vào bậc nhất ở kinh thành. Chữ phong lưu xưa thường để chỉ cho những người hào hoa, phong nhã, giàu có. Người đẹp yêu kiều cũng trăm vẻ, mà tiếng đàn sáo ở ca lâu luôn rộn ràng làm mê đắm bao người. Lời thơ rất thanh tao khi nói đến người và cảnh nơi này:
Hoa rụng trước đèn ghen má phấn,
Oanh ca phách điểm rộn hiên ngoài.
Hai câu tả người, tả cảnh rất tao nhã, nhưng thực ra là tả một con phố hưởng thụ của những người thượng lưu.

Hai câu kết:
Mua cười ai bỏ nghìn vàng nhỉ!
Chờ rượu vương tôn chở tới đây.
để nhấn thêm sự xa hoa của phố Hoè...

Thơ Ninh Tốn trầm tĩnh, lạnh lùng. Đọc qua cứ tưởng tác giả ngợi ca một con phố giàu có, nhộn nhịp những vương tôn, công tử và người đẹp, nhưng đọc kỹ, thực ra là ngầm trách cái lối ăn chơi đàng điếm một thời.

Phố Hoè Nhai hiện nay vẫn còn dài gần bốn trăm mét, chạy từ phố Yên Phụ đến tận phố Phan Đình Phùng. Những cây hoè không còn nữa... Chỉ là một phố ngang nhỏ, nhưng từng đã là một con đường của những người “quý phái” ngày xưa...
Ngô Văn Phú

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Ninh Tốn » Hoè Nhai » Lục tìm thơ xưa, gặp bài của Ninh Tốn viết về một đường phố khá nổi tiếng xưa