29/03/2024 18:18Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cảm nhận khi đọc bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông

Đăng bởi tôn tiền tử vào 23/01/2015 00:22

 

Trong dòng vàn học yêu nước đầu thế kỷ XX bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một tác phẩm để lại khá nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Với cảm xúc trữ tình cách mạng, mang âm hưởng lãng mạn hào hùng, bài thơ đã để lại cho đời sau một hình ảnh tuyệt đẹp về tư thế của con người cách mạng lúc sa cơ lỡ bước lâm vào hoàn cảnh tù ngục hiểm nghèo.

Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh lao tù nghiệt ngã, gắn với tên tuổi của một bậc chí sĩ cách mạng, một bậc anh hùng hào kiệt là Phan Bội Châu.

Tư tưởng yêu nước thấm đẫm trong tâm hồn “Nay ta hát một thiên cứu quốc”! Yêu gì hơn yêu nước nhà ta, đã thôi thúc chàng thanh niên Phan Văn San nuôi chí lớn:
Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vét nhơ nô lệ
(Bài ca chúc tết thanh niên)
Chí khí đó đã khiến Phan Bội Châu không quản gian lao, hi sinh cứu nước.

Trên hành trình tìm đường cứu nước, cụ Phan chịu không ít gian khổ đắng cay: khi thì bị trục xuất khỏi Nhật, lúc bị truy lùng săn đuổi ở Xiêm la, và nay là cảnh lao tù trong nhà ngục của bọn quân phiệt Quảng Đông.

Đối với cụ Phan, bước chân vào nhà tù đồng nghĩa với việc cận kề cái chết bởi trước đó, chính quyền thực dân Pháp đã kết án tử hình cụ. Tuy nhiên, bài thơ không hề có một chút bi quan tuyệt vọng, mà ngược lại, bao trùm lên đó ià một âm hưởng hào hùng. Âm hưởng ấy được tạo nên bởi cảm xúc trữ tình cách mạng mãnh liệt.

Trước hết chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài thơ để cảm nhận được cái hào khí của một bậc anh hùng hào kiệt:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người có tội giữa năm châu.
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Tám câu thất ngôn bát cú Đường luật giản dị, tự nhiên mà hàm chứa thật nhiều ý nghĩa. Bài thơ mở đầu bằng hai câu với khẩu khí rất ngang tàng, ngạo nghễ:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Chạy mỏi chân thì hãy ờ tù, ta nghe trong câu thơ dường như có tiếng cười của một con người coi thường mọi gông cùm xiềng xích, coi nhà tù của bọn đế quốc chỉ là nơi tạm nghỉ, tạm dừng chân trên chặng đường cách mạng dài dặc của mình. Với tư thế của một con người không bị trói buộc bởi gông cùm xiềng xích, ở cụ Phan toát lên một phong thái ung dung, thanh thản, đường hoàng tự tin. Phong thái ấy chỉ có thể cổ được ở những con người biết làm chủ hoàn cảnh. Con người ấy có quyền ngẩng cao đầu kiêu hãnh tự khẳng định mình: vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu.

Từ giọng ngang tàng, ngạo nghễ ở hai câu đề, bài thơ chuyển sang giọng trầm thống ở hai câu thực. Mạch cảm xúc trữ tình có pha chút chua xót, cay đắng:
Đã khách không nhà trong bốn biển,
Lại người cố tội giữa năm châu.
Hai câu thơ giúp ta hình dung ra cuộc đời bôn ba chiến đấu đầy sóng gió, hiểm nguy mà cụ Phan từng nếm trải. Nhưng tại sao lại là Khách không nhà trong bốn biển? Mười năm trời lênh đênh lưu lạc khi Nhật Bản, lúc Trung Quốc, khi Xiêm La, hỏi làm gì có nhà. Vả lại nước đã mất thì nhà tan. Từ thế kỷ XIII, Trần Quốc Tuấn đã từng cảm nhận thấm thía điều này. Và với những bậc chí sĩ cách mạng thời nay Non sông đã mất sống thêm nhục thì khách không nhà là điều cũng dễ hiểu. Nhưng còn người có tội giữa năm châu? Câu thơ nghe thật đau xót! Một người yêu nước sâu sắc và manh mẽ như cụ Phan, thương xót đồng bào hơn cả bản thân mà bỗng trở thành người có tội, bị săn đuổi, truy lùng và bị kết án tử hình! Đối với bọn đế quốc thực dân, phàm những ai yêu nước, muốn cứu nước, cứu dân tộc đều bị coi là có tội. Cái tội đó chúng không chỉ gán cho riêng cụ Phan. Nhà cách mạng Hồ Chí Minh cũng đã từng phải chua xót thốt lên:
Phạm tội gì đây ta tự hỏi
Tội trung với nước, với dân à?
(Nhật ký trong tù)
Như vậy, đằng sau bi kịch riêng của những chí sĩ cách mạng là bi kịch của cả một dân tộc, là tình cảnh thương tâm của cả một đất nước. Nỗi đau của cụ Phan không còn là nỗi đau riêng mà trở thành nỗi đau lớn lao của cả dân tộc. Chính nỗi đau ấy đã nâng tầm vóc người tù yêu nước trở nên phi thường.

Đối với bậc anh hùng, đau thương nhưng không bi luỵ. Người tù chỉ để lòng mình lắng lại một chút với cảm xúc đau thương, rồi lại quay trở lại với khí phách ngang tàng ban đầu:
Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Hai câu luận đã bày tỏ được khát vọng mãnh liệt mà cụ Phan từng ôm ấp: Khát vọng kinh bang tế thế (lo nước cứu đời). Hình ảnh thơ có tính chất lãng mạn kiểu anh hùng ca khiến nhân vật trữ tình dường như không còn là con người thật, con người nhỏ bé bình thường trong vũ trụ nữa mà vụt lớn lên, từ tầm vóc đến năng lực đều trở nên hết sức lớn lao, thần thánh.

Nếu trước đây người đời đã từng ngưỡng mộ hoài bão và khí phách của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, thì lúc này đây, họ càng thêm cảm phục bản lĩnh của cụ Người anh hùng ấy, dù trong cảnh tù đầy vẫn Dang tay ôm chặt bồ kinh tế và Mở miệng cười tan cuộc oán thù. Bài thơ khép lại bằng hai câu thơ khẳng định ý chí sắt son bất khuất:
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Một lần nữa ta cảm nhận được tư thế hiên ngang của con người đứng cao hơn cái chết. Lời thơ dõng dạc, dứt khoát như chính ý chí gang thép của người tù cách mạng. Kẻ thù có thể giam cầm, đầy đoạ, thậm chí sát hại những người yêu nước, những người cách mạng, nhưng niềm tin sắt son của họ, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất của họ thì chúng làm sao có thể khuất phục. Đối với những người cách mạng như Phan Bội Châu, còn sống là còn chiến đấu.

Bài thơ khép lại mà âm hưởng hào hùng của nó như còn ngân vang mãi trong lòng độc giả. Càng đọc bài thơ, ta càng xúc động bởi nguồn cảm xúc trữ tình mãnh liệt của tác giả đã truyền sang ta. Chính nguồn cảm xúc này đã tạo nên vẻ đẹp kì diệu cho hình tượng thơ và tạo nên phong cách trữ tình cách mạng Phan Bội Châu. Và cũng chính nguồn cảm xúc này đã tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn không gì cưỡng lại được của thơ ca Phan Bội Châu.
(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Phan Bội Châu » Cảm tác vào nhà ngục Quảng Đông » Cảm nhận khi đọc bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác