26/04/2024 15:56Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Bàn luận của Vũ Văn Hiệu về bài thơ “Hoàng Hạc lâu”

Tống biệt (Há mã ẩm quân tửu)

Đăng bởi Vanachi vào 31/05/2004 23:46

 

Bài thơ Vương Duy làm lúc đưa Mạnh Hạo Nhiên (?) lên đường về ẩn cư núi Chung Nam. Chinh phụ ngâm nói lên nỗi buồn của cảnh biệt ly, sự bịn rịn quyến luyến của người chinh phụ với chinh phu:
Ngữ phục ngữ hề, chấp quân thủ
Bộ nhất bộ hề, phan quân nhu
(Nhủ rồi tay lại cầm tay,
Bước đi một bước lại vin áo chàng)
Ở đây chúng ta thấy Vương Duy nói lên tình bạn một cách tinh tế nhưng thật là sâu đậm, và vẽ lên cảnh chia tay qua những nét chấm phá thật nhẹ nhàng linh động chỉ đơn giản trong mười chữ. Hỏi bạn về đâu là thấy được cảnh chia tay. Xuống ngựa là vẽ lên cảnh mình tiễn bạn lên đường. Không nói mà người đọc vẫn biết là thi nhân đã biết bạn tại sao đi, biết bạn về đâu. Bởi vậy chỉ đơn giản hai chữ “vấn quân” thôi là ta thấy được sự bịn rịn của “Ngữ phục ngữ hề”, “Bộ nhất bộ hề”. Uống ly rượu bạn mời mình là thấy nên được “chấp quân thủ”, “phan quân nhú”. Sự khác biệt ở đây thật là tinh tế. Bạn đi mình chưa kịp mời bạn uống rượu mà bạn mình đã sắp sẵn mời mình uống rồi. Ai là chủ, ai là khách. Ai là kẻ đi, ai là người ở lại. Vấn quân là tình bạn của mình, ẩm quân tửu là tình bạn của bạn đối với mình. Đó là tuyệt kỹ của bút pháp Vương Duy[1].

Hai câu giữa là bối cảnh nối hai câu đầu với hai câu cuối. Nhưng mà thôi nếu bạn đi tôi cũng chẳng hỏi làm gì. Bạn nói đời đáng chán thì tôi nghe vậy. Bạn nói về ẩn núi Nam gác cao cẳng nằm ngủ tôi nghe vậy. Hỏi rồi lại nói chẳng hỏi. Nói chẳng hỏi mà bao nhiêu tâm tình gửi hết vào câu nói trên. Câu thơ cũng như chữ “ừ” trong bài thơ của Trịnh Cung mà Trịnh công Sơn đã phổ nhạc “Ừ thôi em về chiều mưa giông tới. Bây giờ anh vui hai bàn tay đói. Bây giờ anh vui hai bàn chân mỏi, thời gian nơi đây”. Câu thơ cũng như chữ “ừ” trong bài nhạc chúng ta chỉ có thể cảm mà không thể diễn đạt được, mà cái cảm đó thì lại không cùng[2].

Vương Duy còn là một nhạc sĩ tài hoa nên ta thấy sự vận đụng âm điệu của ông thật là tinh tế. Từ “vấn quân” qua “mạc phục vấn” là trở về với vô thanh. Không còn nghe nữa mà chỉ còn là cảm và chỉ còn là dư âm vang vọng trong tâm hồn[3]. Nói không hỏi nữa cũng là đã đến lúc chia tay. Chỉ một nét chấm phá ta lại thấy hiện lên một hình ảnh khác, một bức tranh nữa.

Qua câu thơ chót, Vương Duy đưa ta vào cõi vô ngôn. Một lời chia tay nhẹ nhàng, kín đáo mà đầy thâm tình gửi cho bạn (và những bạn yêu thơ). Là câu trả lời cho hai câu thơ giữa bài. Hãy xem đám mây trắng lửng lờ trôi từ vô thuỷ đến vô chung. Là xuất hay là xử? Đời đáng chán hay không đáng chán? Những điều đó do tâm thức ta tạo nên. Nói xuất xử là còn vướng vào vòng xuất xử. Nói chán hay không chán là còn vướng vào vọng kiến do hoàn cảnh chung quanh mình tạo nên. Những điều đó phát sinh do hoàn cảnh và thay đổi vì hoàn cảnh. Đó đâu phải là cái thường hằng như những đám mây trắng lửng lờ trôi như tâm thức của chúng ta[4]. Cả bài thơ đưa vào câu thơ chót. Tình bạn thấm sâu vào tâm hồn Vương Duy đưa vào nét bút để vẽ nên một bức tranh mây[5]. Nhưng với ba chữ “mạc phục vấn” những đám mây bỗng dưng biến mất trên bức tranh để rồi xuất hiện ở trong tâm hồn mỗi chúng ta. Những đám mây rồi cũng tan biến vì tâm hồn của mỗi chúng ta bao trùm cả không thời gian, cả “vô tận thì”, chỉ còn dư ảnh dư âm man mác: không thể mất còn lưa đường rẽ trắng. Để xuất hiện bầu trời vẫn mãi trong xanh trong tâm thức của mỗi chúng ta.

Thơ Vương Duy gợi trong ta một cái gì rất nhẹ nhàng. Nó lớn lên trong tâm hồn của chúng ta theo thời gian. Chỉ khi nào tâm hồn chúng ta lắng đọng (với thời gian) chúng ta mới cảm được sự lôi cuốn huyền diệu của những vần thơ ông. Thơ của ông là của cõi vô ngôn, vô hình, vô thanh. Những bài thơ ngũ ngôn như là những bức tranh thuỷ mặc. Bởi vậy với thơ ngũ ngôn ông là danh gia không ai qua được.
[1] Vương Duy không phải chỉ là một thi hào mà còn là một hoạ sư mà người đời sau tôn làm tổ sư của trường phái Nam tông văn nhân họạ Bởi vậy qua hai câu thơ đầu của ông là ta thấy được bút pháp vẽ tranh thuỷ mặc của Tàu. Tranh hội hoạ của Tây phưong nếu mà không dóng khung là thấy mất đẹp, là thấy thiếu thiếu cái gì. Tranh Tàu thì không vậy, không cần phải đóng vào khung, vì nó là gợi ý với những nét chấm phá. Những chỗ còn lại không vẽ, không nói mà người xem, người đọc vẫn thấy vẫn cảm. Như cảnh chia tay mỗi người chúng ta thấy mà mỗi cái thấy mỗi khác (như bên cầu, hay dưới bến sông, hay bên đường cạnh một ngôi đình). Cùng một người mà mỗi lúc cái thấy lại mỗi khác.

Bởi vậy nên Tô Đông Pha khi nói về thơ, tranh của Vương Duy ông viết: “Vi Ma Cật chi thi “Thi trung hữu hoạ” Quan Ma Cật chi hoạ “Hoạ trung hữu thi””.
[2] Khi Lý Bạch viết:
Đào hoa đàm thuỷ thâm thiên xích
Bất cập Uông Luân tống ngã tình
Ta vẫn có thể thấy dược, cảm được tới chỗ sâu đậm của tình bạn Lý Bạch. Nhưng câu thơ của Vương Duy, tiếng “ừ” của Trịnh Cung thì cái cảm thật là không cùng.
[3] Nhắc đến ý vị bài Cầm thi của Tô Đông Pha khi nói một chút cho vui vậy mà với bạn mình:
Nhược ngôn cầm thượng hữu cầm thanh
Phóng tại hạp trung hà bất minh
Nhược ngôn thanh tại chỉ đầu thượng
Hà bất ư quân chỉ thượng thinh?
Chúng ta không biết thi sĩ họ Tô sẽ viết những vần thơ nào khi ta hỏi ông về cái chỗ vô thanh trên.
[4] Khi Mạnh Hạo Nhiên lên thăm Vương Duy, tình cờ Đường Minh Hoàng cũng ghé thăm Vương Duy. Khi được biết có họ Mạnh đương ở trong nhà, nhà vua cho mời ra nói chuyện. Khi nghe đến hai câu thơ trong bài Quy Chung Nam sơn:
Bất tài minh chủ khí
Đa bệnh cố nhân sơ
Vua cười nói đâu phải trẫm không chịu dùng khanh mà chẳng qua chỉ tại khanh không muốn kiếm trẫm thôi (cố sự này có hai ba kết cục khác nhau). Chuyện này thấy Mạnh tuy không màng danh lợi nhưng vẫn còn vướng vào cái gọi là khí tiết thanh cao muốn người phải biết đến mình.
[5] Đối chiếu hai câu thơ chót với hai câu thơ về mây trong bài Hoàng hạc lâu:
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Câu trước dẫn đến sư hình thành cho câu sau, với một nét vẽ thật linh động về mây. Mây không chỉ là mây mà là nỗi buồn dằng dặc của cõi người. Thôi Hiệu dùng ngòi bút tài hoa của mình với những hình ảnh: hoàng hạc, nhất khứ, bạch vân, thiên tải và âm điệu: bất/phục/phản, không/du du triền miên, để lôi cuốn chúng ta. Trong khi Vương Duy với những nét chấm phá rất đơn giản, bình dị: đản khứ, mạc phục vấn (trở về sự im lặng) bởi vậy câu thơ sau tan biến vào trong tâm hồn chúng ta và chỉ khi nào tâm hồn ta lắng đọng, không còn những tạp niệm thì mới thấy được bóng hìng của những đám mây trắng lửng lờ trôi, ý vị của câu thơ.

Vương Duy vừa là một thi hào, một hoạ sư và một nhạc sĩ tài hoa thấm nhuần tinh hoa của Đạo giáo và Thiền tông bởi vậy chỉ có ông mới viết nên được những vần thơ trên.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Vương Duy » Tống biệt (Há mã ẩm quân tửu) » Bàn luận của Vũ Văn Hiệu về bài thơ “Hoàng Hạc lâu”