27/04/2024 00:37Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Kỳ 6
其六

Tác giả: Vũ Phạm Hàm - 武范邯

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi Vanachi vào 28/09/2018 14:58

 

Nguyên tác

探得黃花且獨斟,
數村殘照半山陰。
風煙併起思鄉望,
霄漢常懸捧日心。
遠信初憑雙鯉去,
長竿一繫白龍吟。
馳煙未勒山亭字,
欲問徵君何處尋。

Phiên âm

Thám đắc hoàng hoa thả độc châm,
Sổ thôn tàn chiếu bán sơn âm.
Phong yên tịnh khởi tư hương[1] vọng,
Tiêu Hán thường huyền bổng nhật tâm[2].
Viễn tín sơ bằng song lý[3] khứ,
Trường can nhất hệ Bạch long[4] ngâm.
Trì yên vị lặc sơn đình tự[5],
Dục vấn trưng quân[6] hà xứ tầm.

Dịch nghĩa

Gặp tiết đẹp, được hoa vàng một mình thưởng thức,
Mấy thôn xóm trong ánh chiều tàn, đã bị núi che mất một nửa.
Ngắm khói sóng trên sông lại gợi lòng trông về quê hương,
Lòng mong giúp chúa thường đeo đẳng trong lòng.
Tin tức quê xa chỉ nhờ đôi cá chép mang hộ,
(Không thoả chí) nên một niềm ca khúc Bạch long.
(Nơi ẩn cũ) sương vụ chưa kịp khắc chữ chốn sơn đình,
Muốn hỏi người được vua triệu ra, mà đắc dụng tìm ở chốn nào đây.

Bản dịch của Nguyễn Đức Toàn (II)

Được cánh hoa vàng một mình châm,
Mấy thôn nắng nhạt nửa non râm.
Khói sương tự gợi lòng quê cũ,
Dòng ngân giúp chúa một khối tâm.
Tin xa xin gửi đôi chép nhảy,
Cần dài một sợi Bạch long ngâm.
Sương mờ chưa tỏ Sơn đình tự,
Chốn nao tìm được bậc hiền nhân.
Các câu được trích từ:
- Câu 1. Tư Không, Đinh Tị trùng dương (câu 2)
- Câu 2. Hứa Hồn, Lăng Cao đài tống Vi tú tài (câu 2)
- Câu 3. Lý Ích, Hại tước lâu (câu 7)
- Câu 4. Tiền Khởi, Tặng khuyết Cai Hạ Bùi Diêm xá nhân (câu 6)
- Câu 5. Đỗ Mục, Đông Chái ngẫu kinh sử phát ký xá đệ (câu 1)
- Câu 6. Đàm Dụng Chi, Ký Từ thập di (câu 1)
- Câu 7. Hồ Túc, Xung Hư quán (câu 7)
- Câu 8. Bì Nhật Hưu, Ký đề La Phù Hiên Viên tiên sinh sổ cư (câu 2)

[1] Lấy ý của câu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu” 日暮鄉關何處是,煙波江上使人愁” trong thơ Thôi Hiệu.
[2] Tỉ dụ lòng trung thành phụ giúp vua. Tam quốc chí - Nguỵ chí - Trình Dục truyện: “Trình Dục lúc bé thường mơ thấy lên núi Thái sơn, hai tay ôm lấy mặt trời. Về sau quả nhiên được làm tướng.” Người đời Đường thường dùng điển này trong các bài ứng chế, chỉ lòng trung quân mong được phò giúp chúa.
[3] Văn tuyển - Cổ nhạc phủ có câu: “Khách ở phương xa đến, Tặng ta đôi cá chép, Gọi trẻ làm cá, Bên trong thấy có mẩu thư”. Người đời sau dùng chữ “song lý” để chỉ về thư từ, tin tức.
[4] Bạch long ngư phục. Thuyết uyển - Chính gián: “Rồng trắng xuống chơi vực Thanh Lãnh, hoá làm cá, bị người đánh cá làm bị thương”. Về sau dùng ý này chỉ việc người có tài phải chịu khuất. Đường thi cổ suý: “Vị dư bất năng đắc chí trường ca Bạch long chi ngâm” 謂余不能得志長歌白龍之吟 (Nói rằng mình không được thoả chí nên trường ca mãi khúc Bạch long).
[5] Lấy câu trong bài Bắc Sơn di văn của Khổng Đức Chương phúng thích Chu Ngung. Ngung trước ẩn cư ở Bắc Sơn, sau lại ứng chiếu ra làm quan, chức Hải Diêm lệnh. Khổng Đức Chương thác lời của sơn thần làm bái văn để khước từ Chu Ngung, có câu: “Chung sơn chi anh, thảo đường chi linh, trì yên dịch vụ, lặc di sơn đình” 鍾山之英,草堂之靈,馳煙驛霧,勒移山亭 (Tinh hoa của Chung sơn, thần linh nơi thảo đường, trong sương khói mờ khắc di văn lưu tại sơn đình). Đường thi cổ suý: “Tuy chưa kịp khắc bài di văn của núi Bắc Sơn nhưng thần núi có đồng ý cho ta quay lại chốn này chăng”.
[6] Người được vua ban triệu mời ra làm quan mà không ra, gọi là “trưng quân”. Cũng như “trưng sĩ” 徵士 là kẻ sĩ không chịu để triều đình trưng triệu.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Vũ Phạm Hàm » Kỳ 6