19/04/2024 15:21Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hoành Sơn đạo trung
橫山道中

Tác giả: Ngô Thì Nhậm - 吳時任

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Tây Sơn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 04/06/2020 20:35

 

Nguyên tác

石山盡處起沙山,
溪澗周回沙石問。
水浸筆峰蛟隱島,
林垂海面鳥窺瀾。
長橋車馬途迎送,
甬道樵漁市去還。
一葦自通南北路,
柴門不似劍門關。

Phiên âm

Thạch sơn tận xứ khởi sa sơn,
Khê giản chu hồi sa thạch gian.
Thuỷ tẩm bút phong giao ẩn đảo,
Lâm thuỳ hải diện điểu khuy lan.
Trường kiều xa mã đồ nghinh tống,
Dũng đạo tiều ngư thị khứ hoàn.
Nhất vĩ tự thông nam bắc lộ,
Sài môn[1] bất tự Kiếm Môn[2] quan.

Dịch nghĩa

Nơi tận cùng của ngọn núi đá, nổi lên núi cát,
Suối khe quanh co giữa vùng cát đá.
Nước dầm ngọn núi bút, giao long núp quanh đảo,
Rừng chờm ra mặt biển, chim nhòm sóng xô.
Ngựa xe đưa đón trên đường, vượt những chiếc cầu dài,
Dân chài, tiều phu đi, về chợ qua con đường hẻm.
Một chiếc thuyền nhỏ, nối liền đường nam bắc,
Cửa Sài không giống như cửa Kiếm Môn.

Bản dịch của Hoàng Tạo

Núi đá vừa qua, núi cát liền,
Quanh co cát, đá, suối khe chen.
Nước dầm hòn bút rồng nương kín,
Sóng toả rừng khơi chìm ngó xem.
Xe ngựa cầu dài đường tấp nập,
Ngư tiều đường hẹp chợ đông lèn.
Con thuyền chiếc lá thông nam bắc,
Sài, Kiếm không rành chỉ khác tên.
Nguyên chú: Từ Lý Hoà trở vào, có rất nhiều cầu dài, tất cả có hơn hai trăm cái. Từ Kỳ Anh trở vào, lối đi giữa núi và bể, thông nam bắc.

Hoành Sơn tức Đèo Ngang, nay là ranh giới giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình.

[1] Cửa Sài, cũng đọc là cửa Thầy, tức cửa Luỹ Thầy, chạy dài từ Nhật Lệ đến núi Đầu Mâu, sát sông Gianh. Luỹ do Đào Duy Từ (quân sư Chúa Nguyễn) đắp để chống cự với quân Lê Trịnh ở Đàng ngoài.
[2] Một cửa ái hiểm yếu ở núi Kiếm Môn thuộc huyện Kiếm Các, tỉnh Tứ Xuyên. Thời Thục Hán đời Tam Quốc, Khương Duy, tướng của nhà Thục, đem quân giữ Kiếm Môn, quân của Trung Hội không thắng được.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Ngô Thì Nhậm » Hoành Sơn đạo trung