26/04/2024 23:01Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Du Phổ Minh tự
遊普明寺

Tác giả: Nguyễn Bỉnh Khiêm - 阮秉謙

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 16/07/2007 21:02

 

Nguyên tác

亂後重尋到普明,
園花野草舊巖扃。
碑文剝落和煙碧,
佛眼淒涼照夜清。
法界應同天廣大,
鄉人猶說地英靈。
寥寥古鼎今何在,
識得無形勝有形。

Phiên âm

Loạn hậu trùng tầm đáo Phổ Minh,
Viên hoa dã thảo cựu nham quynh.
Bi văn bác lạc hoà yên bích,
Phật nhãn thê lương chiếu dạ thanh.
Pháp giới[1] ưng đồng thiên quảng đại,
Hương nhân do thuyết địa anh linh.
Liêu liêu cổ đỉnh kim hà tại[2]?
Thức đắc vô hình thắng hữu hình[3].

Dịch nghĩa

Sau khi loạn lạc lại tìm đến chùa Phổ Minh,
Vẫn hoa vườn cỏ nội với cửa đá cũ.
Văn bia mờ nhạt hoà trong làn khói biếc,
Mắt Phật lạnh lùng soi thấu đêm thanh.
Pháp giới phải ngang với tầm rộng lớn của trời,
Người làng vẫn nói đến sự anh linh của đất.
Vắng vẻ lặng lẽ, vạc xưa nay còn đâu?
Thế mới biết vô hình vẫn thắng hữu hình.

Bản dịch của Hữu Thế

Sau loạn lại tìm đến Phổ Minh,
Chùa xưa đá cũ cỏ hoa xanh.
Văn bia tàn hỏng mờ trong khói,
Mắt phật lạnh lùng rõi thấu canh.
Giới pháp phải ngang trời rộng lớn,
Người làng vẫn nói đất anh linh.
Vắng không, cổ đỉnh, rày đâu tá!
Mới biết vô hình thắng hữu hình.
Chùa Phổ Minh ở xã Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường, nay thuộc xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định. Chùa được xây dựng từ thời Trần, trong đó có vạc Phổ Minh nổi tiếng. Vạc đã bị quân xâm lược Minh phá làm súng đạn năm 1426, khi bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây.

[1] Là thế giới tinh thần, có lý pháp giới (bản thể) và sự pháp giới (hiện tượng) hai cái pháp giới này có quan hệ mật thiết với nhau: "Lý sự vô ngoại", theo tông Hoa nghiêm trong Phật giáo.
[2] Vạc xưa nay còn đâu? Chỉ vạc Phổ Minh bị giặc Minh phá hoại.
[3] Cái không có hình tượng cụ thể thì thắng cái có hình tượng cụ thể. Nhân vẫn cảnh chùa xưa, suy nghĩ về giáo lý đức Phật, rồi lại liên hệ với vạc xưa, một vật hữu hình nay không còn, mà tác giả đã đề cập tới quan niệm lý Phật giáo.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Bỉnh Khiêm » Du Phổ Minh tự