18/04/2024 08:24Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Điếu Nguyễn Tiểu La đồng chí
吊阮小羅同志

Tác giả: Trần Quốc Duy

Thể thơ: Câu đối; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Cận đại
Đăng bởi tôn tiền tử vào 23/06/2022 12:07

 

Nguyên tác

崑崙島面積若幾,偏容許多人,奇絕奇,造設當初,寧問有期與無期,波中湧起孤峰,高高高,留個英雄萬古宅;

大越國血購得來,所值只一死,怨何怨,流離此日,不以歌去以哭去,夢裡驚呼同志,戰戰戰,還我山河獨立天。

Phiên âm

Côn Lôn đảo diện tích nhược kỷ, thiên dung hứa đa nhân, kỳ tuyệt kỳ, tạo thiết đương sơ, ninh vấn hữu kỳ dữ vô kỳ, ba trung dũng khởi cô phong, cao cao cao, lưu cá anh hùng vạn cổ trạch;

Đại Việt quốc huyết cấu đắc lai, sở trị chỉ nhất tử, oán hà oán, lưu ly thử nhật, bất dĩ ca khứ dĩ khốc khứ, mộng lý kinh hô đồng chí, chiến chiến chiến, hoàn ngã sơn hà độc lập thiên.

Bản dịch của (Không rõ)

Đảo Côn Lôn diện tích bấy nhiêu, dung nạp biết bao người, lạ lạ sao, xây dựng từ xưa, nào hỏi gì có hẹn hay không, giữa lòng nổi ngọn non côi, cao cao cao, nhà cửa anh hùng lưu tại đó;

Nước Đại Việt máu xương mua lại, giá đáng một cái chết, oán oán mãi, lưu ly ngày ấy, bước ra lại không ca mà khóc, trong mộng hoảng kêu đồng chí, đánh đánh đánh, bầu trời độc lập trả về đây.
Nguyễn Tiểu La 阮小羅 (1863-1911) tên thật là Nguyễn Thành 阮誠, tự Triết Phu, hiệu Nam Thạnh, sau đổi thành Tiểu La, nên thường được người đời quen gọi là Tiểu La Nguyễn Thành, hay Tiểu La Thành, Nguyễn Tiểu La, sinh tại làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình (nay là thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Năm 1885, ông ra Huế thi Hương, nhưng do vụ binh biến kinh thành Huế nên kỳ thi không tổ chức được. Ông trở lại quê nhà, từ bỏ đèn sách, hưởng ứng Phong trào Nghĩa hội, chiêu mộ một cánh quân, hiệp cùng Nghĩa hội đánh thành tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng. Năm 1887, khi phong trào Nghĩa hội bị thất bại, Nguyễn Thành vẫn tiếp tục tổ chức chiến đấu. Viên quan nhà Nguyễn thân Pháp là Nguyễn Thân tìm cách bắt sống ông, sau đó tìm mọi cách mua chuộc nhưng không thành, bèn kết án quản thúc ông tại quê nhà. Tuy nhiên, ông vẫn tìm cách bí mật hoạt động. Tại sơn trang Nam Thạnh, ông liên lạc với các văn nhân, sĩ phu yêu nước trong tỉnh và cả nước, chờ thời cơ giúp dân, cứu nước. Năm 1903, Phan Bội Châu đã đến sơn trang để tìm gặp ông. Năm 1904, Hội nghị thành lập Duy Tân hội đã diễn ra tại đây, ông là một trong những người có công lớn trong việc sáng lập và tổ chức Duy Tân hội. Sau khi Phan Bội Châu sang Nhật, Nguyễn Thành bí mật hoạt động ở trong nước, vận động kinh phí, đưa thanh niên ra nước ngoài du học để chuẩn bị lực lượng cứu nước. Năm 1908, cùng lúc phong trào Duy Tân hội đang phát triển mạnh, cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ đã nổ ra. Chính quyền Pháp thẳng tay đàn áp và truy bắt các sĩ phu yêu nước. Nguyễn Thành cũng bị bắt giữ và bị kết án 9 năm biệt xứ, đày đi Côn Đảo. Ông qua đời tại đây vào ngày 11-11-1911. Mãi đến năm 1957, thi thể của ông mới được đưa về cải táng tại quê nhà.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Trần Quốc Duy » Điếu Nguyễn Tiểu La đồng chí