27/04/2024 06:53Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Phụng thành xuân sắc phú

Tác giả: Nguyễn Giản Thanh - 阮簡清

Thể thơ: Phú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi tôn tiền tử vào 08/11/2014 18:44

 

Ngao từ chia cực[1]
Phụng đã xây thành
Sum một chốn y quan lễ nhạc,
Vầy một nơi văn vật thanh danh.
Trời đượm khí xuân, sắc tươi tốt khắp hoà thế giới,
Nước mừng thịnh trị, thế vững vàng chống cột thần kinh[2]

Nhớ xưa:
Cõi giữa bang trung.
Đứng trên thương quốc.
Đỉnh Tản sơn hùm chiếm Tây Nam,
Dòng Nhị thuỷ rồng chầu Đông Bắc.
Nghìn dặm giang sơn đặt hiểm, tương đã có danh,
Bốn mùa cảnh vật đều xuân, hoa càng thêm sắc.

Từng thấy:
Đòi nơi nghễu ngật,
Mấy chốn lạ lùng.
Chín bức lâu đài ngọc chúc,
Ngàn lần la ỷ cẩm lung.
Chợ chợ, nhà nhà, trăm dáng tựa đồ bôi tám bức,
Thành thành thị thị, muôn tử chen thức ánh ngàn hồng.

Trong thời:
Điện ngọc thâm nghiêm,
Cửa vàng ngang ngửa.
Liễu Chương Đài[3] mây ngọc dờn dờn,
Đào thượng uỷ má hồng rỡ rỡ.
Địch phụng[4] lầu kia mới thổi, lòng nguyệt dễ xui,
Trống rồng điểm nọ lại thôi nhị hoa đua nở[5].

Ngoài thời:
Chợ Hoè[6] đầm ấm,
Phố ngọc tần vần.
Trai lanh lẹ đá cầu vén áo,
Gái éo le rủ yếm dôi quần.
Khách Trường An[7] cưỡi ngựa xem hoa, rợp đường tử mạch[8],
Chàng công tử ngự xe trương tán, rạng mực thanh vân[9].

Lành thay:
Vận mở thái hoà,
Đường thông chức cống[10].
Đền xuân vầy họp hây hây,
Cõi thọ bước lên thong thỏng.
Nẻo họp châu xa, ngọc bạch, dân mến về chầu,
Tộ[11] mừng bàn thạch, Thái Sơn, thế bề khôn động.
Nước yên vững đặt âu vàng,
Đất thịnh vốn chưng thành Phụng.

Vậy mới hay:
Thành phụng ấy chốn yêu, chốn lạ,
Sắc xuân này đường tốt, đường thanh.
Dầu chẳng có "sắc xuân" đua tốt,
Sao cho nên "thành phụng" nổi danh?
Hướng bốn phương cùng họp đất này, giữa chưng thiên hạ,
Hoà mỗi chốn đều làm đô đấy, ngăn được thế hình.

Song le:
Có xuân tượng bởi có thành,
Cậy hiềm chẳng bằng cậy đức.
Tuy đã nhiều non nhiều nước, mạnh thửa[12] thành trì,
Sao bằng lấy nghĩa lấy nhân, bền làm phong vực.

Những thấy:
Đời đời thành Phụng ấy,
Kiếp kiếp sắc xuân này,
Con con cháu cháu dõi truyền đến chưng muôn vạn ức.
Theo gia phả họ Đặng (do Đàm Thận Huy chép), đây là bài phú khoa cử làm khoa Mậu Thìn (1508) đời Lê Uy Mục. Chính do bài này Nguyễn Giản Thanh được đỗ trạng nguyên. Đây là một bài phú Nôm cổ còn giữ được văn bản đến nay. Bài phú miêu tả kinh đô Thăng Long, đồng thời ca tụng chế độ lúc bấy giờ. Đời Xuân Thu (Trung Quốc), con gái Tần Mục Công là nàng Lộng Ngọc khi thổi sáo chim phượng sà xuống đậu, chỗ ấy bèn được gọi là Đan Phụng thành. Đời sau theo đó gọi kinh đô là phượng thành hay phụng thành. Ở Việt Nam, từ đời Trần, thành Thăng Long còn được gọi là Phụng thành. Sử có chép vua Trần sai đội quân tứ tượng sửa sang lại Phụng thành.

[1] Ý nói cương vực bờ cõi được phân định rõ ràng.
[2] Kinh đô.
[3] Tên một đường phố trong thành Trường An, kinh đô của Trung Quốc đời Tây Hán. Ở đây chỉ đường phố kinh đô Thăng Long. Chữ "Liễu Chương Đài" trong câu không liên quan gì đến khúc Chương Đài liễu của Hàn Hoằng đời Đường.
[4] Tích Lộng Ngọc thổi sáo có chim phượng hoàng xuống đậu.
[5] Theo sách Nam trác yết cổ lục thì Đường Minh Hoàng nhân một buổi sớm mùa xuân thấy cây liễu cây hạnh đang muốn nở hoa, liền sai đánh trống thúc giục, và làm ra khúc hát Xuân quang hảo. Được một lát thấy liễu và hạnh đều đã hé nở hoa. Do đó có chữ"thôi hoa cổ", là trống giục hoa nở. Thôi nghĩa là thúc giục.
[6] Chữ Hán là Hoè thị. Theo sách Tam phụ hoàng đồ, cách kinh đô bảy dặm có chợ Hoè, trồng hàng mấy trăm cây hoè, toả bóng mát, nhưng không có nhà cửa. Cứ đến ngày rằm, mùng một, học trò thổ sản ở địa phương mình, sách vở và nhạc khí đến đây ngồi dưới cây hoè họp chợ và trao đổi với nhau.
[7] Kinh đô nhà Tây Hán. Đời sau thường dùng để chỉ kinh đô nói chung.
[8] Đường đi ở các phố trong kinh đô.
[9] Chỉ người có địa vị cao.
[10] Xưa các nước chư hầu theo định kỳ phải về kinh đô nộp cống cho thiên tử, gọi là chức cống. Đường thông chức cống là bốn phương bình yên không có loạn lạc đường về kinh đô thông suốt. Các địa phương là lân quốc cống hiến phẩm vật tấp lập.
[11] Phúc của quốc gia. Ý trong bài muốn nói mừng ngôi vua vững như tảng đá lớn và núi Thái Sơn.
[12] Ấy, còn có khi dùng làm tiếng đưa đẩy trong câu cổ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Giản Thanh » Phụng thành xuân sắc phú