20/04/2024 16:09Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Vịnh đồng tiền

Tác giả: Nguyễn Công Trứ - 阮公著

Thể thơ: Ca trù (hát nói); Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi kẻ thích làm thơ vào 12/04/2006 07:48

 

Mưỡu:
Hôi tanh[1], chẳng thú vị gì,
Thế mà ai cũng kẻ vì, người yêu!

Nói:
Tạo vật bất thị vô để sự,[2]
Bòn chài ra một thứ quấy chơi.
Đủ vuông tròn tượng Đất, tượng Trời,[3]
Khẳm[4] hoạ phúc, nguy, yên, tử, hoạt[5].
Chốn kim môn, nơi tử thát[6],
Mặc phao tuồng, không kẻ phòng nhàn.[7]
Đương om sòm chớp giật, sấm ran,
Nghe xốc xách, lại gió hoà mưa ngọt.
Kẻ tài bộ đã vào phương vận đạt,
Không ngươi, cùng ải với cỏ cây.
Người yêm yêm[8] đành một phận trầm mai,
Có gã, lại trổ ra sừng gạc.[9]
Dốc đáy túi, mặt Nguyễn lang[10] ngơ ngác,
Trổng đầu giường, gan tráng sĩ làu bàu[11].
Để đoàn ấm á[12] càu nhàu,
Khiến lũ tài danh vơ vẩn.
Khả quái tầm thường a đổ vật,
Khước giao đáo để đại thần linh.[13]
Đương đồ[14] ai chẳng chuộng gia huynh[15],
Thù thế, kể lấy làm đệ nhất.
Tiếng xỏng xảnh đầy trong trời đất,
Thần cũng thông[16], huống nữa là ai?
Long đồ[17] nghĩ cũng nực cười!
[1] Đời Hán, Thôi Liệt bỏ ra 5 vạn quan tiền được làm quan Tư đồ. Thôi hỏi đệ tử là Tử Quân: Ta ở chức tam công, bên ngoài bàn tán thế nào? Tử Quân thưa: Đại nhân không có anh danh, vì bỏ nhiều tiền mà làm chức khanh thủ, công luận đều nói hơi đồng tanh lắm.
[2] Chữ Hán: 造物不是無底事. Nghĩa: Tạo hoá vẫn là hay rắc rối.
[3] Đồng tiền xưa hình tròn (tượng trời), giữa có lỗ (tượng đất).
[4] Chở đầy.
[5] Chết, sống. Câu này ý nói đồng tiền có thể làm người ta yên nguy, sống chết.
[6] Kim môn và tử thát là cổng vàng, cửa buồng tía của những nhà quyền quý. Bài Tiền thần luận của Lỗ Bao đời Tấn: “Nhập kim môn, phi tử thát” 入金門,披紫闥 ý nói thế lực đồng tiền có thể vào cửa vàng, mở buồng tía được.
[7] Mặc sức vẫy vùng, không ai ngăn cấm nổi.
[8] Rã rời. Ý cả câu: kẻ đang yếu đuối rệu rã, đành chịu đắm chìm.
[9] Thế mà có gã (tiền), bỗng trở nên có sừng có mỏ!
[10] Đời Tấn, Nguyễn Phu mang một cái túi đi chơi ở Cối Kê. Bạn hỏi trong túi đựng gì, nói chỉ có một đồng tiền, đừng xem xấu hổ lắm. Bài Tiền thần luận: “Nang nội tiền không, Nguyễn lang tu sáp” 囊內錢空,阮郎羞澀.
[11] Nát nhừ. Cổ thi: “Sàng đầu kim tận, tráng sĩ vô nhan” 床頭金盡,壯士無顏 (Đầu giường hết tiền, tráng sĩ không còn mặt mũi nào). Có bản chép là “bàu nhàu”.
[12] Câm ngọng. Vì không tiền nên những đứa câm ngọng nó cũng càu nhàu với mình được.
[13] Chữ Hán: 可怪尋常阿堵物,卻教到底大神靈. Nghĩa: Lạ thật, cái vật tầm thường này, Mà trái lại rốt cuộc lại thành một vị đại thần linh! Đời Tấn, Vương Di Phủ làm quan rất thanh liêm, suốt đời không bao giờ nói đến tiền. Một hôm Vương ngủ mệt, vợ là Quách thị sai thị tì đưa tiền bạc xếp đầy chung quanh giường, chủ ý xem lúc thức dậy Vương có nói đến tiếng tiền hay không. Sáng dậy, Vương thấy tiền bạc để đầy giường bèn gọi thị tì bảo sao không cất cái vật ấy đi, không hề nói đến tiếng tiền. Đời sau những người bắt chước khinh tiền gọi tiền là “a đổ vật” (cái vật ấy).
[14] Những người đương làm quan.
[15] Anh nhà ta, một cách gọi đồng tiền. Bài Tiền thần luận: “Lạc Trung chu y, đương đồ học sĩ, kiến ngã gia huynh, bất cảm ngưỡng thị” 洛中朱衣,當途學士,見我家兄,不敢仰視 (Những người giàu có ở Lạc Trung, quan học sĩ đương triều, thấy anh nhà ta [đồng tiền], không dám ngửa trông).
[16] Đời Đường, Trương Diên Thưởng làm quan xử án rất công minh. Có người can tội nặng, Trương bảo nha lại phải xét cho ra án. Bỗng thấy một lá thiếp ở trên án, nói xin lấy 3 vạn quan tiền để chuộc tội. Trương liên vứt lá thiếp đi rồi sai nha lại truy xét minh bạch. Hôm sau lại thấy lá thiếp trên án nói xin lấy 10 vạn quan tiền chuộc tội. Trương bảo thôi đừng tra án ấy nữa. Bạn đồng liêu lấy làm lạ hỏi, Trương nói: “Tiền chí thập vạn khả dĩ thông thần” 錢至十萬可以通神 (Tiền nhiều đến mười vạn thì thần cũng phải xuôi [thông]).
[17] Đời Tống, Bao Chửng làm chức Long đồ các học sĩ, xử án rất nghiêm, vậy mà cũng có lúc phải dùng tiền để giải quyết công việc cho xuôi. Ý nói ông Bao Chửng chính trực là thế, nghe đến chuyện tiền cũng phải nực cười.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Công Trứ » Vịnh đồng tiền