19/04/2024 11:40Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đăng Cửu Phong lâu ký Trương Hỗ
登九峰樓寄張祜

Tác giả: Đỗ Mục - 杜牧

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Vãn Đường
Đăng bởi hongha83 vào 10/11/2013 17:57

 

Nguyên tác

百感衷來不自由,
角聲孤起夕陽樓。
碧山終日思無盡,
芳草何年恨即休。
睫在眼前長不見,
道非身外更何求?
誰人得似張公子,
千首詩輕萬戶侯。

Phiên âm

Bách cảm trung lai bất tự do,
Giốc thanh cô khởi tịch dương lâu.
Bích sơn[1] chung nhật tứ vô tận,
Phương thảo[2] hà niên hận[3] tức hưu.
Tiệp tại nhãn tiền trường bất kiến,
Đạo phi thân ngoại cánh hà cầu?
Thuỳ nhân đắc tự Trương công tử,
Thiên thủ thi khinh vạn hộ hầu[4].

Dịch nghĩa

Hàng trăm nỗi buồn lo kéo về, cho nên trong lòng không được thoải mái
Mặt trời đã lặn về tây lầu canh, tiếng tù và nổi lên trong cô tịch
Tài hoa khác thường của bác khiến ta suốt ngày tưởng nhớ không dứt ra được
Hoài tài bất ngộ khiến nỗi oán hận không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai được
Mống mắt ngay tại nhãn tiền thì rút cuộc vẫn không thấy
Thì làm sao bác không thể không đem hình hài đặt ra ngoài vòng còn cầu mong nỗi gì nữa
Hỏi tìm đâu ra người giống như công tử họ Trương cho được
Viết hàng nghìn bài thơ, mà coi nhẹ cả cái tước phong Vạn hộ hầu

Bản dịch của Lê Văn Đình, Ngô Như Sâm

Bởi vương bao nỗi buồn lo
Nên chi chẳng được tự do trong lòng
Tù và rúc lạnh bầu không
Mặt trời đã lặn vào trong bóng chiều
Bạn tài hoa biết bao nhiêu
Khiến ta tưởng nhớ sớm chiều không thôi
Tài cao bỏ phí buông trôi
Khiến lòng oán hận muôn đời khôn khuây
Tài hoa hiện trước mắt đây
Mà sao chẳng thấy hoạ rày loà sao?
Anh người đức trọng, tài cao
Nỡ hoài thân để buộc vào lợi danh?
Tìm đâu người được như anh
Chàng Trương công tử tài đành không hai
Thơ anh nặng cả ngàn bài
Mà coi bổng lộc trên đời nhẹ tênh
Cửu Phong lâu còn gọi là Cửu Hoa lâu, xây vào đời Đường trên núi Cửu Hoa, nay tại huyện Quý Trì, tỉnh An Huy. Tác giả cùng Trương Hỗ đã có lần lên lầu nay chơi, nay tác giả một mình lên, nhớ bạn cũ nên làm bài này. Trương Hỗ là thi nhân đời Đường, để lại 2 quyển gồm 338 bài thơ.

[1] Chỉ nơi ở ẩn, ám chỉ Trương Hỗ.
[2] Chỉ ẩn sĩ, cũng ám chỉ Trương Hỗ.
[3] Bạch Cư Dị có lần khen Từ Ngưng thơ hay hơn Trương Hỗ. Trương Hỗ mang nỗi hận trong lòng.
[4] Chỉ quan lớn lộc nhiều.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Đỗ Mục » Đăng Cửu Phong lâu ký Trương Hỗ