19/04/2024 12:31Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Hoàng điểu 1
黃鳥 1

Tác giả: Khổng Tử - 孔子

Thể thơ: Kinh thi; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Chu
Đăng bởi Vanachi vào 05/10/2005 12:25

 

Nguyên tác

交交黃鳥,
止于棘。
誰從穆公?
子車奄息。
維此奄息,
百夫之特。
臨其穴,
惴惴其栗。
彼蒼者天,
殲我良人。
如可贖兮,
人百其身。

Phiên âm

Giao giao hoàng điểu,
Chỉ vu cức,
Thùy tùng Mục công ?
Tử xa Yêm Tức.
Duy thử Yêm Tức,
Bách phu chi đặc.
Lâm kỳ huật (huyệt),
Chuy chuy kỳ lật
Bỉ thương giả hân (thiên),
Tiêm ngã lương nhân.
Như khả thục hề!
Nhân bách kỳ thân.

Dịch nghĩa

Chim hoàng ly bay qua bay lại,
Đậu trên cây gai.
Ai chịu chết chôn sống theo Tần Mục Công ?
Có chàng Tử Xa Yêm Tức,
Mà chàng Yêm Tức này,
(Là người hiền tài) trội hơn hết trong số trăm người.
Đến bên huyệt để bị chôn sống,
Chàng kinh hoàng sợ hãi,
Trời xanh kia ôi!
Đành giết bực hiền tài của nước ta!
Nếu có thể chuộc được chàng
(Người người đều nguyện) đem một trăm thân mình mà đổi một mạng chàng.

Bản dịch của Tạ Quang Phát

Chim hoàng ly bay qua bay lại,
Đậu cùng nhau tên mấy cành gai.
Chết theo Tần Mục là ai ?
Tử Xa Yêm Tức, chàng trai nước Tần.
Yêm Tức này đem thân chôn sống,
Trong trăm người anh dũng trội cao,
Vừa kể bên huyệt bước vào.
Dáng người thiểu não, ưu sầu hoảng kinh.
Vút từng cao trời xanh kia hỡi!
Nỡ giết người hiền giỏi nước ta.
Nếu cùng chuộc được chàng ra,
Trăm thân đổi mạng, ai mà tiếc đâu!
Chú giải của Chu Hy:

Chương này thuộc hứng.

giao giao: dáng bay qua bay lại.
tuỳ Mục Công: chịu chết chôn sống theo Tần Mục Công.
Tử Xa: họ Tử Xa.
Yêm Tức: tên Yêm Tức.
đặc: tiếng gọi người trội hơn hết.
huyệt (đọc huật): mồ.
chuy chuy: dáng kinh sợ.
lật: sợ hãi.
tiêm: chết, giết.
lương: hiền tài.
thục: chuộc.

Tần Mục Công chết, ba người con họ Tử Xa bị chôn sống theo đều là người hiền tài nước Tần. Người nước Tần thương xót cho ba anh em họ Tử Xa, mới làm bài thơ Hoàng điểu này để phô bày việc ấy. Việc này thấy ở truyện Xuân thu, tức đúng vào bài thơ này.

Truyện Xuân thu chép: người quân tử nói rằng: “Tần Mục Công không làm minh chủ các chư hầu được, thì phải lắm thay! Khi chết lại giết dân (chôn sống) theo”.

Những bậc vua đời trước, khi lìa trần, còn để lại những phép tốt, huống hồ gì lại giết chết những người hiền tài hay sao? Nay đã không có phép tốt truyền lại cho người kế vị, lại còn bắt những người tài giỏi đem giết theo, thì Tần Mục Công khó mà lên đến ngôi cao được. Người quân tử nhân đấy mà biết rằng nước Tần không thể tiếp tục chinh phục miền đông được nữa.

Kẻ ngu này xét thấy Tần Mục Công đối với việc ấy, tội lỗi không thể nào trốn tránh được.

Nhưng hợc là cho Tần Mục Công để lại mạng lịnh như vậy, mà ba người con họ Tử Xa kia phải tự sát để theo vua, thì ba người con họ Tử Xa ấy cũng không phải là vô tội.

Nay, quan sát những lời kinh hãi lúc đến mồ, thì hằng là do Tần Khang Công đã làm theo mạng lịnh của cha lúc hôn loạn, cưỡng bách ba người con họ Tử Xa mà chôn xuống mồ, thì tội lỗi này đã có nơi đổ lỗi vậy.

Lại xét trong sách Sử Ký, Tần Vũ Công đến lúc chết, lại bắt chôn theo 66 người, đến Tần Mục Công lại bắt chôn theo 177 người. Ba người con họ Tử Xa cũng ở trong số ấy, vì là thói ấy đầu tiên do phong tục của rợ Nhung Địch mà ra, và không được các bậc minh vương hiền bá hiền trừng trị tội ấy, cho nên cứ tập nhiễm theo thành lệ thường, thì dẫu Tần Mục Công là người hiền đức cũng không tránh khỏi cái lệ ấy.

Kẻ bàn luận việc ấy, cũng chỉ thương xót cho nỗi không may của ba người con họ Tử Xa, mà than thở cho việc suy yếu của nước Tần.

Đến việc chính trị của thiên tử nhà Chu không giữ được giềng mối, các chư hầu tự chuyên, giết người mà không kiêng sợ gì, đến như thế cũng không ai biết đó là lầm lỗi vậy. Than ôi, phong tục tệ hại ấy đã lâu rồi mà về sau, lúc chôn Tần Thuỷ Hoàng, hậu cung đều bị chông sống theo, các thợ khéo điều bị giam tống luôn xuống mộ, thì còn lạ gì nữa vậy thay!

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Khổng Tử » Hoàng điểu 1