19/04/2024 23:46Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Luận thi kỳ 10
論詩其十

Tác giả: Nguyên Hiếu Vấn - 元好問

Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Nam Tống, Kim
Đăng bởi Vanachi vào 31/12/2007 15:34

 

Nguyên tác

排比鋪張特一途,
藩籬如此亦區區。
少陵自有連城璧,
爭奈微之識碔砆。

Phiên âm

Bài tỷ phô trương[1] đặc nhất đồ[2],
Phiên ly[3] như thử diệc khu khu.
Thiếu Lăng tự hữu liên thành bích[4],
Tranh nại Vi Chi thức vũ phu[5].

Dịch nghĩa

Sắp xếp phô trương chỉ là một con đường,
Rào giậu như vậy cũng nhỏ nhoi.
Thiếu Lăng (Đỗ Phủ) vốn có ngọc liên thành,
Nhưng Vi Chi (Nguyên Chẩn) chỉ nhận ra ngọc vũ phu.

Bản dịch của Điệp luyến hoa

Phô trương xếp sắp là một lối,
Rào giậu xem ra thật nhỏ nhoi.
Thiếu Lăng tự có liên thành bích,
Nguyên Chẩn sao coi ngọc giả thôi.
Nguyên chú: “Sự kiến Nguyên Chẩn Tử Mỹ mộ chí” 事見元稹《子美墓誌》 (Xem Tử Mỹ mộ chí của Nguyên Chẩn). Nguyên Chẩn trong bài minh trên mộ Đỗ Phủ: “Phô trần thuỷ chung, bài tỷ thanh luật” 鋪陳始終,排比聲律 (Trước sau phô bày, sắp xếp thanh luật) đặc biệt coi trọng thơ trường thiên của Đỗ Phủ làm khi cuối đời, nhận thấy về phương diện này Lý Bạch cũng chưa đạt tới. Điều này rất chính xác, Đỗ Phủ từng viết “Vi nhân tính tích đam giai cú, Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu” 為人性僻耽佳句,語不驚人死不休 (Làm người chỉ thích mê câu đẹp, Lời không kinh động lòng người thì chết không nguôi). Thơ Đỗ Phủ luật cách nghiêm cẩn, đối ngẫu công phu, tinh tế, những bài trường thiên của ông làm khi cuối đời được coi là hơn cả Tào Lưu (Tào Thực 曹植 và Lưu Trinh 劉楨). Tuy nhiên, thơ ông mang tính hiện thực xã hội sâu sắc. Hai đặc điểm này khiến thơ Đỗ Phủ đáng giá ngọc liên thành. Nếu chỉ áp dụng hình thức “bài tỷ phô trương” như Nguyên Chẩn nhận xét, thì đó chỉ là một thứ giả ngọc vậy. Nguyên Hiếu Vấn qua đây muốn nói Nguyên Chẩn chưa bình luận hết giá trị của thơ Đỗ Phủ. Đời Tống có thi phái Giang Tây theo phong cách Đỗ Phủ, nhưng chỉ hình thức về mặt câu chữ mà lược mất nội dung hiện thực xã hội thâm thuý, yêu nước yêu dân của ông.

[1] Chỉ việc trong thơ dùng những câu tương đồng, đối ngẫu.
[2] Một con đường, một thủ pháp trong thơ. Câu này ý nói bài tỷ phô trương chỉ là một thủ pháp trong thơ mà thôi.
[3] Rào giậu. Câu này ý nói nếu chỉ dùng bài tỷ phô trương thì cũng như không vượt qua khỏi hàng rào vậy.
[4] Tần Chiêu Vương đổi 50 thành trì cho Triệu Huệ Văn Vương để lấy một viên ngọc. Nguyên Hiếu Vấn muốn nói thơ Đỗ Phủ có giá trị rất lớn.
[5] Một loại đá trông giống ngọc. Nguyên Hiếu Vấn muốn nói thơ Nguyên Chẩn chưa nhận ra hết giá trị thơ Đỗ Phủ.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyên Hiếu Vấn » Luận thi kỳ 10