23/04/2024 23:47Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Cổ duệ từ tự tự
鼓枻詞自序

Tác giả: Tùng Thiện Vương - 從善王

Thể thơ: Tản văn; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 27/12/2013 16:17

 

Nguyên tác

夫!御善馬良而北,與楚愈離;眾咻一傅之閒,求齊不可。

僕:生從南國,隔斷中原。既殊八方之音,兼失四聲之學。加以:聞無非樂,見併是儒。飭鼓鍾而雜作,誰為識曲之人;談性命以相高,不屑倚聲之業。何由搦管,翻喜填詞。從擩染以言之,其工拙可知矣。

嗟夫,古人不見,樂意難忘。苟志慮之獨專,冀精神之遙契。槐榆數變,篋衍遂多。實欲:享敝帚以為珍,對白雲而自悅而已。

客有謂:娥皇檢譜,猶尋天寶遺聲;宋沇聞鍾,仍獲太常古器。況周德清之韻,本張叔夏之詞源。譜注於姜夔,旨明於陸輔。前而草窗所輯,後之竹垞所抄。此外則宋元語業數百家,明清粹編數十部,予靡不歲添鳩閱,日在吟哦,雖河間伎女,未被管絃,乃衡陽巾箱,頗盈卷帙。但後:廣寧善笛,江夏工琴。北南固遠,而歌喉抗隊,當不殊塗;雅鄭能分,而筆意清空,自然高品。所謂過片擇腔之法,賦情用事之言,去亢宜抑而後揚,入促貴斷而後續,未必舉皆河漢,全是葫蘆,奚不試賣和成績之癡符,彊作馬子侯之解事。廣貽同調,相與和歌,庶幾:後生有作,借以為蓽路藍縷之資;絕業無泯,待或備馬勃牛溲之用也。始聞言而橋舌,爰納手而捫心。

夫!八月江南之美,為世所稱;一池春水之工,干卿何事。柳三變之曉風殘月,左與言之滴粉搓酥。風尚如斯,走僵莫及。設徒誇其疥駱,恐不免如畫龍。無已則尚有一言,或援前例。自昔詩美南音之及籥,既不僭差,以斯翼主樂府之為星,又其分野,縱非皆中鉤中矩,亦當在若存若亡。

今天子:禮樂追修,文明以化。豈應幅隕之廣,而詞學獨無棫樸之多,而古音不嗣也乎?則臣技極知莫逮,顧君言亦有所宜。元次山水樂,無宮徵者何妨;許有孚圭塘,曰款乃者恰好。謝真長之知我,洵子夏之起予。亟浮大白,引足扣舷,旅喚小紅,應聲盪槳。即按宋元樂章四七調,俱調為漁父之歌;朗誦俳優小說數千言,不暇顧天人之目也。

Phiên âm

Phù! Ngự thiện mã lương nhi bắc, dữ Sở dũ ly[1]; chúng hưu nhất phó chi nhàn, cầu Tề bất khả[2].

Bộc: Sinh tòng Nam quốc, cách đoạn Trung nguyên[3]. Ký thù bát phương[4] chi âm, kiêm thất tứ thanh[5] chi học. Gia dĩ: Văn vô phi nhạc, kiến tính thị Nho. Sức cổ chung[6] nhi tạp tác, thuỳ vi thức khúc chi nhân; đàm tính mệnh dĩ tương cao, bất tiết ỷ thanh chi nghiệp[7]. Hà do nhược quản, phiên hỉ điền từ[8]. Tòng nhũ nhiễm dĩ ngôn chi, kỳ công chuyết khả tri hĩ.

Ta phù, cổ nhân bất kiến, nhạc ý nan vong. Cẩu chí lự chi độc chuyên, ký tinh thần chi dao khế. Hoè du sổ biến[9], khiếp diễn toại đa[10]. Thực dục: hưởng tệ trửu dĩ vi trân, đối bạch vân nhi tự duyệt nhi dĩ.

Khách hữu vị: Nga Hoàng kiểm phổ, do tầm Thiên Bảo[11] di thanh; Tống Duyện[12] văn chung, nhưng hoạch Thái Thường cổ khí. Huống Chu Đức Thanh[13] chi vận, bản Trương Thúc Hạ[14] chi Từ nguyên. Phổ chú ư Khương Quỳ[15], chỉ minh ư Lục Phụ[16]. Tiền nhi Thảo Song[17] sở tập, hậu chi Trúc Tra[18] sở sao. Thử ngoại tắc Tống - Nguyên ngữ nghiệp[19] sổ bách gia; Minh - Thanh Tuý biên[20] sổ thập bộ, dư mị bất tuế thiêm cưu duyệt, nhật tại ngâm nga, tuy Hà Gian kỹ nữ[21], vị bị quản huyền, nãi Hành Dương[22] cân tương, phả doanh quyển trật. Đãn hậu: Quảng Ninh thiện địch, Giang Hạ công cầm. Bắc nam cố viễn, nhi ca hầu kháng đội, đương bất thù đồ; nhã Trịnh[23] năng phân, nhi bút ý thanh không[24], tự nhiên cao phẩm. Sở vị quá phiến[25], trạch xoang chi pháp, phú tình[26], dụng sự[27] chi ngôn, khứ kháng nghi ức nhi hậu dương, nhập xúc quý đoạn nhi hậu tục, vị tất cử giai Hà Hán[28], toàn thị hồ lô[29], hề bất thí mại Hoà Thành Tích[30] chi si phù, cưỡng tác Mã Tử Hầu[31] chi giải sự. Quảng di đồng điệu, tương dữ hoà ca, thứ cơ: hậu sinh hữu tác, tá dĩ vi tất lộ lam lũ[32] chi tư; tuyệt nghiệp vô mẫn, đãi hoặc bị mã bột ngưu sưu[33] chi dụng dã. Thuỷ văn ngôn nhi kiều thiệt, viên nạp thủ nhi môn tâm.

Phù, bát nguyệt Giang Nam chi mỹ[34], vi thế sở xưng; “Nhất trì xuân thuỷ[35]” chi công, can khanh hà sự? Liễu Tam Biến[36] chi “Hiểu phong tàn nguyệt”; Tả Dữ Ngôn[37] chi “Trích phấn tha tô”, phong thượng như tư, tẩu cương mạc cập. Thiết đồ khoa kỳ giới lạc[38], khủng bất miễn như hoạ long[39]. Vô dĩ tắc thượng hữu nhất ngôn, hoặc viên tiền lệ. Tự tích thi mỹ Nam âm[40] chi cập thược, ký bất tiếm sai, dĩ tư Dực[41] chủ Nhạc phủ[42] chi vi tinh, hựu kỳ phân dã, túng phi giai trung câu trung củ[43], diệc đương tại nhược tồn nhược vong.

Kim Thiên tử: Lễ nhạc truy tu, văn minh dĩ hoá, khởi ưng bức viên[44] chi quảng, nhi từ học[45] độc vô vực bốc[46] chi đa, nhi cổ âm bất tự dã hồ? Tắc thần kỹ cực tri mạc đãi, Cố quân[47] ngôn diệc hữu sở nghi. Nguyên Thứ Sơn[48] Thuỷ nhạc, vô cung chuỷ giả hà phương; Hứa Hữu Phu[49] Khuê Đường, viết “Khoản nãi” giả kháp hảo. Tạ Chân Trường[50] chi tri ngã, tuân Tử Hạ[51] chi khởi dư. Cức phù đại bạch[52], dẫn túc khấu huyền[53], lữ hoán Tiểu Hồng[54], ứng thanh đãng tương. Tức án Tống - Nguyên nhạc chương[55] tứ thất điệu[56], câu điệu vi Ngư phủ chi ca[57]; lãng tụng bài ưu tiểu thuyết[58] sổ thiên ngôn, bất hạ cố thiên nhân chi mục dã.

Bản dịch của Phạm Văn Ánh

Ôi, giỏi đánh xe, có ngựa tốt mà đi về hướng Bắc, cách nước Sở càng xa; nhiều người ồn ào, một người dạy, mong nói tiếng nước Tề chẳng được.

Tôi đây: sinh ở Nam quốc, cách biệt Trung nguyên. Đã khác biệt tiếng nói tám hướng, lại thất truyền sự học bốn thanh. Thêm nữa: Nghe đều là nhạc, thấy thảy là Nho. Trang sức bằng chuông trống mà chế tác hỗn tạp, ai là người hiểu khúc điệu đây? bàn về tính tình thì cùng cho thế là cao, chẳng thiết gì nghiệp học ỷ thanh nữa. Vì đâu cầm mà bút, lại thích điền từ? Từ sự tẩm nhiễm ấy mà nói, thì sự khéo vụng khá biết được vậy.

Ôi, người xưa nào thấy, ý nhạc khó quên. Chỉ biết dốc chí lự cho chuyên nhất, mong tinh thần có thể khế hợp với thuở đã xa. Hoè du mấy phen biến đổi, rương đựng thực cũng đã nhiều. Thực muốn: coi cái chổi cùn của mình như của báu, đối diện với mây trắng đặng tự vui mà thôi.

Khách có kẻ nói: Nga Hoàng xét nhạc phổ, còn tìm về được dư thanh của thời Thiên Bảo; Tống Duyện nghe tiếng chuông, vẫn tìm được nhạc khí cổ của Thái thường tự. Huống nữa sách Âm vận của Chu Đức Thanh, gốc ở sách Từ nguyên của Trương Thúc Hạ. Chú từ phổ cậy ở Khương Quỳ, sáng yếu chỉ nhờ vào Lục Phụ. Trước do Thảo Song biên tập, sau thì Trúc Tra chép sao. Ngoài ra còn, mấy trăm nhà ngữ nghiệp thời Tống - Nguyên; vài chục pho Tuý biên thời Minh - Thanh, không năm nào tôi không sưu tập, ngày ngày ngâm nga, tuy kỹ nữ Hà Gian cũng chưa đủ để thổi sáo đánh đàn, như rương nhỏ của Hành Dương, chứa đầy sách vở. Nhưng sau: người ở Quảng Ninh tài thổi sáo, người ở Giang Hạ giỏi gảy đàn. Bởi bắc nam vốn xa cách, mà giọng hát bổng trầm, vốn chẳng khác đường; nhã tục năng phân, mà bút ý thanh không, tự nhiên cao giá. Cái gọi là phép quá phiến, chọn xoang, lời phú tình, dụng sự, thanh khứ cao cần phải kìm rồi mới lên, thanh nhập dồn dập quý ở chỗ đứt rồi lại nối, chưa hẳn thảy đều là một tấc đến trời, hay thảy toàn là thùng rỗng kêu to, thì sao không bán bùa khờ của Hoà Thành Tích, gượng làm như hiểu chuyện kiểu Mã Tử Hầu. Truyền rộng mãi sự đồng điệu về sau, cùng nhau hoà nhịp, ngõ hầu: hậu sinh có sáng tác, mượn đó làm xe tre, áo rách; sự học đã đứt không bị mất, hẳn có tác dụng như nước tiểu ngựa, hay loài khuẩn bé nhỏ. Thoạt nghe lời mà cứng lưỡi, bèn rụt tay mà nhủ lòng.

Ôi, cảnh đẹp Giang Nam tháng Tám, được người đời xưng tụng; sự khéo léo của câu “Một ao nước xuân”, can chi đến chàng. Câu: “Gió sớm trăng tàn” của Liễu Tam Biến, câu “Nhỏ phấn thoa dầu” của Tả Dữ Ngôn. Phong khí như thế, theo đòi chẳng kịp. Ví phỏng chỉ khoe chỗ kém cỏi của mình, e không tránh được việc khoe mẽ. Không thế thì hãy có một lời, hoặc cứ noi theo tiền lệ. Từ xưa thơ coi tiếng sáo của âm Nam là đẹp, đã không hề tiếm sai, lấy sao Dực này làm sao chủ cho Nhạc phủ, lại theo sự phân dã của nó, ví như thảy đều không phải thước tròn thước vuông, thì cũng đáng để lúc nhớ lúc không vậy.

Nay Thiên tử: Sửa sang lại lễ nhạc, giáo hoá bằng nền văn trị rực rỡ, há chỉ có cương vực mở rộng, mà riêng từ học chẳng nhiều như như cây vực sum suê, còn âm nhạc cổ không nối lại được nữa chăng? Bởi thế thần đây tuy vốn biết tài năng chẳng theo kịp [người xưa], xét lời Cố quân nói cũng có chỗ phải lẽ. Thuỷ nhạc thuyết của Nguyên Thứ Sơn, không có cung có chuỷ thì cũng có hại gì đâu; tập Khuê Đường của Hứa Hữu Phu, đặt tên là “Khoản nãi” rất hợp. Cảm tạ Chân Trường hiểu lòng ta, tin rằng Tử Hạ phát khởi được ý ta. Vội phạt một chén lớn, đưa chân gõ mạn thuyền, khách gọi Tiểu Hồng, đáp lời khua chèo. Liền án theo hai mươi tám điệu nhạc chương thời Tống - Nguyên, điệu đều là bài hát của Ngư phủ; đọc lớn mấy ngàn lời tiểu thuyết mua vui, chẳng đoái đến mắt nhìn của người trời vậy.
[1] Lấy điển từ Chiến quốc sách: “Nguỵ vương muốn đánh Hàm Đan, Quý Lương nghe tin can rằng: Nay thần đến đây, thấy có người ruổi ngựa đi về hướng bắc, bảo muốn đến nước Sở, thần bảo: Ông muốn đi nước Sở sao lại đi hướng bắc? Đáp: Tôi có ngựa tốt. Nói: Nhưng đây không phải hướng đi đến nước Sở. Nói: Ta dùng nhiều bề tôi. Lại nói: Tuy thế nhưng đây không phải đường đến nước Sở. Đáp: Người đánh xe ngựa của ta rất giỏi.” Ý nói khi đã sai về phương hướng thì càng có điều kiện tốt càng xa dời mục tiêu.
[2] Theo Mạnh Tử - Đằng Văn Công hạ: “Mạnh Tử nói với đại phu nước Tống là Đái Bất Thắng rằng: Ngài muốn vua của ngài trở nên tốt lành chăng? Để tôi nói ngài nghe nhé! Nay có một đại phu nước Sở, muốn cho con trai ông ta học tiếng nước Tề, vậy nên mời thày dạy là người nước nào, Tề hay là Sở? Đáp: nên mời thày nước Tề. Mạnh Tử nói: Một người nước Tề làm thày dạy mà nhiều người nước Sở cứ bi bô huyên náo bên cạnh, dẫu hàng ngày đánh nó, bắt nó học tiếng nước Tề cũng không thể được...”
[3] Chỉ Trung Quốc.
[4] Bốn hướng chính và bốn hướng theo đường chéo. Đây chỉ chung mọi nơi, mọi hướng.
[5] Tức các thanh bình, thượng, khứ, nhập. Với thể loại từ, xét trong sự khu biệt với thơ, Lý Thanh Chiếu cho rằng ngoài tứ thanh, từ còn phân ra lục luật, thanh - trọc...
[6] Thiên Dương Hoá sách Luận ngữ, Khổng Tử nói: “Nói về nhạc, là nói về chuông và trống chăng?”.
[7] Từ ban đầu tòng thuộc vào âm nhạc, viết từ phải nương theo bản nhạc có sẵn (ỷ thanh) để điền từ (lời). Do đó, “nghiệp học ỷ thanh” tức là sự học về cách làm từ.
[8] Do từ là phần lời của các bản nhạc, nên sáng tác từ là điền lời vào các bản nhạc có sẵn, thao tác đó gọi là “điền từ” (sau khi từ nhạc thất truyền, các sách từ phổ xuất hiện, sáng tác từ hoặc mô phỏng theo các tác phẩm có trước, hoặc điền lời theo các khung cách luật đã được khái quát trong các sách về từ phổ, như: Thi dư đồ phổ, Bạch Hương từ phổ, Từ luật, Khâm định từ phổ...).
[9] Người xưa mồi vào gỗ để đánh lửa, mùa xuân thì dùng đến gỗ du, mùa đông dùng gỗ cây hoè, nhân đó dùng “hoè du” để chỉ sự biến đổi của tháng năm.
[10] Rương đựng thực cũng đã nhiều: “Rương đựng”, nguyên văn là “khiếp diễn”, nghĩa là cái rương đan bằng tre, hình vuông, dùng đựng con chó rơm dùng vào việc tế lễ. Sách Trang Tử, Thiên vận viết: “Ôi, con chó rơm khi chưa bày ra để hành lễ, được đựng trong cái rương tre hình vuông”. Mỗi năm người ta dùng chó rơm để hành lễ, do đó dùng hình ảnh “rương đựng thực cũng đã nhiều” chỉ sự biến đổi của tháng năm.
[11] Nguyên bản khắc sai hai chữ “Thiên Bảo” 天寶 thành 天葆. Nga Hoàng là vợ của Nam Đường hậu chủ Lý Dực (từ gia kiệt xuất thời Ngũ đại). Trước đó, Đường Huyền Tông từng chế ra khúc Nghê thường vũ y, song trải thời gian, đến thời Ngũ đại thì mai một. Nhạc phổ tàn khuyết của bản Nghê thường vũ y rơi vào tay Lý Dực, sau được Nga Hoàng bổ sung, chỉnh lý và cho diễn tấu.
[12] Người thời Đường. Theo Thái bình quảng ký: Thái thường lệnh Tống Duyện những người rành âm nhạc, đời gần đây không ai sánh bằng. Thái thường tự bị mất điệu “chuỷ”, Thẩm Duyện tra cứu âm luật của chuông mà tìm lại được.
[13] Chu Đức Thanh (1277-1365), người đời Nguyên, tác giả của sách Trung nguyên âm vận.
[14] Tức Trương Viêm (1248-1319?), từ gia thời Tống - Nguyên, tác giả sách Từ nguyên (gồm 2 quyển, 29 mục, khảo về lã luật, từ nhạc; bàn về phong cách, đặc trưng thể loại...)
[15] Khương Quỳ (1155-1221): từ gia nổi tiếng thời Nam Tống. Nhà từ luận Vương Quốc Duy trong Nhân gian từ thoại đánh giá rất cao về Khương Quỳ, cho là: Từ nhân xưa nay giỏi về cách điệu không ai bằng Bạch Thạch đạo nhân – Khương Quỳ.
[16] Từ nhân thời Nguyên, tác giả sách Từ chỉ, tương tự như thầy mình là Trương Viêm, ông cũng đánh giá rất cao về tác phẩm từ của Khương Quỳ. Từ chỉ là sách chịu ảnh hưởng rất sâu sắc bởi bộ Từ nguyên của Trương Viêm.
[17] Tên hiệu của từ gia Chu Mật (1232-1298) thời Nam Tống, tác giả sách Thảo đường vận ngữ, 6 quyển.
[18] Tên hiệu của Chu Di Tôn (1629-1709), từ gia nổi tiếng thời Thanh.
[19] Tức các từ gia. Ngữ nghiệp là một tên gọi khác của thể loại từ. Theo Vương Chước trong Bích kê mạn chí (quyển II), “Trần Vô Kỉ (tức từ gia Trần Sư Đạo) sáng tác mấy chục bài [từ], gọi là ngữ nghiệp”.
[20] Tức Hoa đường tuý biên, là một tuyển tập từ do Trần Diệu Văn thời Minh tuyển chọn và biên tập, gồm 12 quyển, chủ yếu tuyển tác phẩm từ thời Đường - Tống, thảng hoặc có chọn thêm một số ít tác phẩm từ thời Nguyên.
[21] Theo Lạc Dương thành tây Già lam ký của Dương Huyễn Chi, Hà Gian vương là Sâm có đến 3 trăm kỹ nữ, thảy đều là hạng sắc nước hương trời.
[22] Hành Dương vương tên là Quân ở nước Tề thường tự tay viết bộ Ngũ kinh nhỏ, cho vào rương nhỏ, để tiện cho việc đọc sách.
[23] Nhạc nước Trịnh vốn bị coi là dâm bôn.
[24] Thuật ngữ của Trương Viêm thời Tống trong sách Từ nguyên, cho rằng: “từ coi trọng thanh không, không coi trọng chất thực (nệ vào sự thực); thanh không thì cổ nhã, cương kiện; chất thực thì trì trệ, u tối”. Trương Viêm đề cao thanh không, coi tác phẩm từ của Khương Quỳ là mẫu mực cho yếu tố này, cho rằng các bài từ điệu: Ám hương, Sơ ảnh, Dương Châu mạn “không chỉ thanh không, mà còn tao nhã, đọc lên khiến độc giả tinh thần bay bổng”. Lại cho từ của Khương Quỳ “như mây nội lẻ bay, qua lại không vết tích”.
[25] Có nơi dùng “quá biến” 過變. Một bài từ thường do hai đoạn kết hợp thành. Đoạn đầu gọi là thượng phiến, đoạn sau gọi là hạ phiến. Câu đầu của phần hạ phiến phải thừa tiếp ý trước, tiếp tục phát triển, có tính chất liên kết hai phiến, cho nên được gọi là quá phiến. Viết tốt quá phiến là một khâu rất quan trọng trong việc tác từ. Chọn xoang: tức chọn điệu từ (từ điệu) để điền lời.
[26] Bày tỏ tình cảm (Trương Viêm trong Từ nguyên, khi nói về “tình” có hai mục riêng là “phú tình” và “ly tình”).
[27] Tức sử dụng điển cố. Từ vốn ban đầu không chuộng dùng điển cố. Về sau, để tăng cường tính hàm súc và điển nhã cho từ, tương tự các tác phẩm thơ, các từ nhân cũng tăng cường sử dụng điển cố. Lý Thanh Chiếu gọi việc dùng điển là “cố thực”, Trương Viêm gọi là “dụng sự”.
[28] Có nghĩa là sông Ngân, nhưng cũng ví với những lời nói phù phiếm, khoa trương, không đáng tin cậy.
[29] Nghĩa là quả bầu. Hoàng Đình Kiên, thi gia, từ gia, thư pháp gia nổi tiếng thời Tống, một trong “Tô môn tứ đệ tử”, từng viết cho thầy tướng Hoàng Sinh một bức như sau: “Hoàng Sinh từng xem tướng cho ta, nói ta sẽ được thăng lên quan nhị phẩm, thọ 80 tuổi, thực là giống bầu to vậy”. Hoàng Sinh cũng không xem kĩ, vui mừng nhận lấy. Hoàng Đình Kiên sau có giải thích với mọi người rằng: “Năm trước tại của Tướng Quốc ở kinh thành, ta có thấy người bán bầu, trên lưng là một quả bầu cực lớn, người ta trông thấy đều trả giá cao để mua, nhưng đến mùa xuân thì nó chỉ ra được quá bầu bé xíu tầm thường”. Ở đây, Hoàng Đình Kiên dùng hình ảnh quả bầu để nói thuật xem tướng của Hoàng Sinh là quả bầu lớn mà rỗng tuếch, không đáng tin.
[30] Tức Hoà Ngưng (898-955), từ gia thời Ngũ đại, bình sinh được xưng tụng là “Khúc tử tướng công”. Tác phẩm hiện còn 20 bài từ chép trong Hoa gian tập.
[31] Người thời Hán Thành đế, tự coi mình là người rành âm nhạc, kỳ thực chỉ là một anh khờ, bị mọi người trêu cợt mà không hay biết.
[32] Nghĩa là chiếc xe đan bằng tre, chiếc áo rách, chỉ sự khai mở ban đầu đầy khó khăn.
[33] Nghĩa là nước tiểu ngựa và loài khuẩn nhỏ bé, đều có thể làm thuốc, thường dùng để ví với những thứ tuy nhỏ bé, không đáng giá nhưng lại hữu dụng cho mọi người.
[34] Cảnh đẹp Giang Nam tháng tám: lấy ý từ câu: “Bát nguyệt Giang Nam phong nhật mĩ” (Tháng tám Giang Nam phong cảnh đẹp) trong bài Quế hoa từ, điệu Thanh bình lạc của từ gia Bành Tôn Duật thời Thanh. Đây là bài từ được người đương thời rất yêu thích.
[35] Một ao nước xuân, lấy từ câu “Phong tác khởi, Xuy trứu nhất trì xuân thuỷ” (Gió lùa về, Thổi gợn một ao nước xuân) trong bài từ điệu Yết kim môn của Phùng Diên Kỷ đời Ngũ đại. Mặt nước ao xuân lay động là do gió thổi, không liên quan gì đến ai. Vì thế câu này còn được dùng để chỉ những thứ không liên quan gì đến ta.
[36] Liễu Tam Biến (987-1055): từ gia nổi tiếng, chuyên nghiệp nhất thời Bắc Tống, tiêu biểu cho phái từ Uyển ước. Câu “Gió sớm trăng tàn”, nguyên văn là “Hiểu phong tàn nguyệt”, vốn trích từ câu: “Dương liễu ngạn hiểu phong tàn nguyệt” (Bờ dương liễu gió sớm trăng tàn) trong bài từ điệu Vũ lâm linh nổi tiếng của ông. Các nhà từ luận thời quân chủ và các nhà nghiên cứu từ học thường dẫn bài từ trên của Liễu Vĩnh để bàn về phong cách từ học của Liễu Vĩnh trong sự so sánh với phái từ Hào phóng do Tô Thức chủ trương.
[37] Tức Tả Dự, từ nhân thời Tống. Phong cách từ của ông ôn nhu, lả lướt, được người đời xưng tụng là “Nhỏ phấn thoa dầu Tả Dữ Ngôn” (Trích phấn sai tô Tả Dữ Ngôn).
[38] Nghĩa là con lạc đà ghẻ, chỉ tài năng kém cỏi.
[39] Nghĩa là con rồng vẽ, ý nói chỉ có cái mẽ bề ngoài mà không có thực chất.
[40] Hậu Hán thư quyển 51 (Liệt truyện đệ tứ thập nhất) dẫn lời của Tiết Quân nói: Nhạc của Nam di gọi là Nam. Nhạc của tứ di chỉ có “Nam” khả dĩ hoà hợp với nhã nhạc, thanh âm của con người ở đó cùng sáo của họ không hề có sự tiếm sai vậy.
[41] Một trong Nhị thập bát tú. Sao Dực thuộc chòm Chu Tước ở phương Nam (Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn).
[42] Cơ quan phụ trách về âm nhạc thời Hán, chuyên việc thu thập các bài thơ để phối nhạc. Do trước đây, một số từ gia thời quân chủ cho rằng thể loại từ phát sinh từ nhạc phủ nên cũng gọi thể loại từ là nhạc phủ.
[43] Ý nói cái khuôn thước, mẫu mực.
[44] Cương vực. Chữ “viên” 隕, nguyên bản khắc nhầm bộ phụ 阜 thành bộ cân 巾. Hai chữ “bức viên” lấy chữ từ thơ Trường phát trong phần Thương tụng của Kinh thi: “Ngoại đại quốc thị cương, Bức viên ký trường” 外大國是疆,幅隕既長 (Lấy các nước chư hầu bên ngoài làm biên giới, Cương vực đã rộng lớn).
[45] Ban đầu chỉ sự học về từ chương nói chung, đến thời Minh - Thanh mới chuyên chỉ việc điền từ. Điền Đồng Chi thời Thanh trong tác phẩm Tây phố từ thuyết cho rằng cái đạo ỷ thanh (điền từ), nhân “cung điệu thất truyền, từ học cũng dần rối loạn vậy”. Các học giả Trung Quốc từ thời cận đại trở đi còn coi từ học là một lĩnh vực học thuật chuyên biệt, lấy từ và các vấn đề hữu quan của nó làm đối tượng nghiên cứu.
[46] Nghĩa là cây vực mọc thành bụi đan xen vào nhau, cũng là tên một bài trong phần Đại nhã của Kinh thi, ca ngợi thịnh đức của vua Văn Vương nhà Chu; cũng có khi dùng chỉ hiền tài đông đúc.
[47] Chỉ Cố Ung, người thời Tam quốc. Mục Cố Ung truyện trong phần Ngô chí sách Tam quốc chí ghi: “Cố quân không nói [thì thôi], đã nói ắt là trúng”. Bùi Tùng Chi chú dẫn Giang Biểu truyện của Ngu Phổ thời Tấn rằng: “Tôn Quyền nói: Cố công vui mừng, việc này hợp lẽ vậy; như ông ta không nói thì việc này chưa ổn thoả, quả nhân cần xem xét lại đã.
[48] Tức Nguyên Kết (919-772), người thời Đường, tự là Thứ Sơn, hiệu là Mạn Tẩu. Tác phẩm có Thuỷ nhạc thuyết. Nhận xét về tác phẩm này, từ gia Nguyên Hiếu Vấn thời Kim cho là: “Thử xem Thuỷ nhạc thuyết của Nguyên Kết thời Đường: vốn chẳng có âm hưởng của Cung, Chuỷ, nhưng cũng tự thành thứ nhã nhạc tự nhiên giữa khoảng mây núi”.
[49] Từ gia thời Nguyên, cùng Hứa Hữu Nhâm soạn sách Khuê Đường Khoản nãi tập (2 quyển).
[50] Tức Lưu Chân Trường. Thế thuyết tân ngữ dẫn lời của Vương Trọng Tổ nói: “Chân Trường hiểu ta, còn hơn ta tự hiểu về mình”.
[51] Thiên Bát dật sách Luận ngữ ghi: Tử Hạ hỏi [Khổng Tử]: Nét cười tươi quyến rũ, cặp mắt đẹp rạng ngời, trên nền trắng vẽ nên bức hoạ nhiều màu sặc sỡ, là nghĩa thế nào? Khổng Tử đáp: phải có nền trắng rồi sau mới vẽ nên bức tranh. Thưa: [Ý nói] lễ là cái có sau chăng? Khổng Tử khen: Phát khởi được ý ta chính là trò Thương vậy. Thương có thể bắt đầu cùng ta nói về Thi rồi đó.
[52] Theo Thuyết uyển của Lưu Hướng, Nguỵ Văn hầu cùng các đại thần uống rượu, có đưa ra quy định, ai không cạn chén thì bị phạt một chén lớn. “Phạt một chén lớn”, nguyên phải nói là “phạt nhất đại bôi” 罰一大杯, nhưng vì rượu đã ngà ngà nên nói nhịu thành “phù nhất đại bạch” 浮一大白.
[53] Lấy ý từ Ly tao của Khuất Nguyên, ngư phủ gõ mạn thuyền hát: “Sông Thương Lang trong xanh chừ, ta giặt dải mũ; sông Thương Lang ngầu đục chừ, ta rửa chân”.
[54] Con hầu, ca kỹ của từ gia Khương Quỳ thời Tống. Thơ Khương Quỳ, bài Thuỳ hồng có câu: “Tự tác tân từ vận tối kiều, Tiểu Hồng đê xướng ngã xuy tiêu” (Mới làm bài từ vần tuyệt diệu, Tiểu Hồng ca khẽ, ta thổi tiêu).
[55] Đây dùng với nghĩa là thể loại từ.
[56] 28 cung điệu âm nhạc, như: chính cung, cao cung, trung lã cung, đạo điệu cung, nam lã cung, tiên lã cung, hoàng chung cung... Nguyên chú ghi: “phàm cái gọi là tục nhạc gồm 28 điệu”.
[57] Bài hát của ngư phủ. Từ tập này của Miên Thẩm mang tên là Cổ duệ từ, nghĩa là tập từ của người gõ mái chèo, lấy ý từ Ly tao của Khuất Nguyên. Trong từ cũng có điệu Ngư phủ, là điệu từ rất nổi tiếng, được sáng tác từ thời Đường (như chùm từ điệu Ngư phủ của Trương Chí Hoà thời Đường ảnh hưởng lan toả sang cả Nhật Bản), thường dùng viết về cuộc sống ẩn dật.
[58] Tiểu thuyết mua vui, một thể loại văn học có tính chất hài hước.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Tùng Thiện Vương » Cổ duệ từ tự tự