26/04/2024 05:32Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Chùa Sài Sơn

Tác giả: Hồ Xuân Hương - 胡春香

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 02/10/2005 13:44

 

Khen thay con tạo khéo khôn phàm,
Một đố giương ra biết mấy ngàm[1].
Triền đá cỏ leo sờ rậm rạp,
Lạch khe nước rỉ mó lam nham.
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ,
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am.
Đến nơi mới biết rằng Thánh Hoá[2],
Chồn chân mỏi gối hãy còn ham.
(Theo bản khắc 1922)

Khảo dị:

- Bản Quốc văn tùng ký
Vịnh hang Thánh Hoá - Chùa Thầy

Khen thay con tạo khéo khôn phàm,
Một đố giương ra biết mấy ngàm.
Sườn đá cỏ leo sờ rậm rạp,
Lạch khe nước chảy mó lam nham.
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ,
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am.
Đến nơi mới biết rằng Thánh Hoá,
Chồn chân mỏi gối hãy còn ham.

[2] Chùa Núi Thầy hay chùa Thầy, tên chữ là Thiên Phúc tự, ở địa phận xã Thuỵ Khê, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây hiện nay, là một quần thể danh lam thắng cảnh gồm 16 ngọn núi cùng chùa chiền, hang động nổi tiếng từ lâu đời của xứ Đoài xưa. Chùa dựng ở chân núi, gối đầu vào sườn ngọn núi cổ có tên Thạch Thất. Vì gắn với sự tích ông thầy chùa nổi tiếng đời Lý là Từ Đạo Hạnh (tục gọi Đức Thánh Từa) có công dạy dân tu nhân tích đức theo đạo Phật, dạy dân nghề múa rối nước, chữa bệnh cho dân... Do đó có tên núi Thầy hoặc núi Phật Tích. Tại quần thể di tích này còn có hang Thánh Hoá, theo truyền thuyết là nơi Đức Thánh Từa giải xác để hoá thân làm vua Lý Thần Tông.
[1] Đố: thanh gỗ to hoặc ống tre nằm xen ở bức vách để tăng độ cứng; ngàm: chỗ đầu nối những thanh ngang vào đố. Thành ngữ “ngàm nào đố ấy” nói về cách kiến trúc nhà ở xưa: một mảnh đố tre thì ngàm tre; đố gỗ thì ngàm gỗ. Một đố nhiều ngàm ở đây nói về cấu tạo hang động tự nhiên. Nếu coi cả vách động là một đố, thì vòm động với các hõm to, nhỏ là những ngàm.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Hồ Xuân Hương » Chùa Sài Sơn