29/03/2024 20:48Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đề Bão Phúc nham
題抱腹岩

Tác giả: Nguyễn Trãi - 阮廌

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn
Đăng bởi Vanachi vào 09/04/2007 20:00

 

Nguyên tác

平明擱棹上岩頭,
乘興聊為玉局遊。
九轉丹成孤鶴去,
三神股斷一鰲浮。
石欄影附滄江月,
仙洞煙含碧樹秋。
是處真堪容我隱,
山中還有舊砂不。

Phiên âm

Bình minh các trạo thướng nham đầu,
Thừa hứng liêu vi Ngọc Cục[1] du.
Cửu chuyển đơn thành cô hạc khứ[2],
Tam thần[3] cổ đoạn nhất ngao[4] phù.
Thạch lan ảnh phụ thương giang nguyệt,
Tiên động yên hàm bích thụ thu.
Thị xứ chân kham dung ngã ẩn,
Sơn trung hoàn hữu cựu sa phầu.

Dịch nghĩa

Sáng sớm gác mái chèo lên đỉnh núi
Thừa hứng tham quan cảnh Ngọc Cục
Sau chín lần luyện thành linh đơn chim hạc đã đi mất
Ba núi thần bị đứt chân và một con ngao đã nổi lên ở đây
Lan can đá phản chiếu ánh trăng trên dòng sông xanh
Khói ở cửa động tiên nhuốm vẻ mùa thu trên cây lá
Chốn này quả đáng cho ta ở ẩn
Trong núi còn có đơn sa để luyện thuốc trường sinh chăng?

Bản dịch của Lê Cao Phan

Gác chèo lên núi buổi bình minh
Ngọc Cục tham quan, cảnh hữu tình
Luyện thuốc chín lần, thân hạc biến
Đứt chân ba núi, dáng ngao thành
Động thu tỏa khói, cây vàng úa
Bờ đá chào trăng, nước biến xanh
Quả đáng nơi này ta ẩn dật
Còn chăng trong núi thuốc trường sinh?
Bài thơ này hoạ vần bài Đề Hiệp Sơn Bão Phúc nham của Phạm Sư Mạnh.

Bão Phúc nham tức núi Bão Phúc ở Đông Triều (Quảng Yên, Bắc Việt) gồm nhiều ngọn ở giữa lòng sông lớn, có động Bão Phúc ở chân núi ăn ra đến dòng nước, ngoài có bãi cát, cây cối um tùm, có thờ thuỷ thần rất thiêng, nay gọi là Hang Son. Trong động có hang sâu, đốt đuốc đi không cùng được, đất toàn màu đỏ gạch.

Về chữ Hán của tên Bão Phúc, sách Nguyễn Trãi toàn tập của Đào Duy Anh in là 抱腹, nhưng không nêu rõ văn bản gốc. Bài Bão Phúc nham của Thái Thuận cũng dùng 抱腹. Tuy nhiên, bài Đề Hiệp Sơn Bão Phúc nham của Phạm Sư Mạnh tương truyền từng được khắc tại động này lại dùng chữ 抱福. Chữ đại tự “Bão Phúc nham” còn trên động hiện nay do vua Trần Hiến Tông cho khắc năm 1329 cũng dùng 抱福. Chưa rõ hai cách dùng khác biệt này do đâu.

[1] Bàn cờ ngọc. Theo sách Hoàng vũ ký, tại đây Lão Tử đến cùng Trương Đạo Lăng để giảng kinh Nam Đẩu, có bàn cờ và giường ngọc dưới đất mọc lên, nhưng rồi lại thụt vào lòng đất hoá thành động sau khi Lão Tử đi. Vì thế nên có tên là Ngọc Cục, về sau Tô Đông Pha đặt là Ngọc Cục quán. Nguyễn Trãi ví chỗ động Bão Phúc như cảnh này bên Trung Quốc.
[2] Nói về loại thuốc tiên. Theo truyền thuyết, các đạo sĩ luyện thuốc cùng với vàng, chín lần nấu mới thành thuốc trường sinh bất tử. Đạo sĩ luyện thuốc xong thì cưỡi hạc bỏ đi.
[3] Chỉ Tam Đảo - ba hòn núi ở biển Bột Hải 渤海, tương truyền là nơi thần tiên ở, gồm Bồng Lai 蓬萊, Phương Trượng 方丈 và Doanh Châu 瀛洲. Cũng chỉ cảnh tiên. Sách Liệt tử, thiên Thang vấn có chép rằng ở biển Bột Hải có năm ngọn núi, chân núi không dính vào đâu cả, núi cứ theo nước thuỷ triều mà lên và xuống lênh đênh trên mặt biển. Thượng đế sợ các ngọn núi ấy trôi về Tây cực bèn sai con ngao thần rất lớn lấy đầu đội và từ đó năm ngọn núi ấy mới đứng vững ở một chỗ. Lại có tích Cột chống trời, theo Sử ký bổ (Tam hoàng bản kỷ), thời thượng cổ, hai vị thần là Cung Công và Chúc Dung đánh nhau, đánh mãi không thắng nổi thần Chúc Dung cho nên thần Cung Công nổi giận, lấy đầu húc núi Bất Chu, làm đổ núi ấy khiến cho cột chống trời bị gãy. Thần Nữ Oa chặt bốn chân con ngao thần làm bốn cực chống cho trời khỏi sụt xuống.
[4] Chỉ núi Bão Phúc (với vẻ thần tiên của núi ấy, cũng như Ngao Sơn thường chỉ nơi tiên ở).

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Nguyễn Trãi » Đề Bão Phúc nham