19/09/2024 07:25Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới
Thể thơ: Ngũ ngôn cổ phong; Nước: Trung Quốc; Thời kỳ: Tam Quốc
Đăng bởi Vanachi vào 08/03/2009 10:53
Nguyên tác
高臺多悲風,
朝日照北林。
之子在萬里,
江湖迥且深。
方舟安可極,
離思故難任。
孤雁飛南遊,
過庭長哀吟。
翹思慕遠人,
願欲托遺音。
形影忽不見,
翩翩傷我心。
Phiên âm
Cao đài đa bi phong,
Triêu nhật chiếu Bắc Lâm[1].
Chi tử[2] tại vạn lý,
Giang hồ quýnh thả thâm.
Phương chu[3] an khả cực[4],
Ly tư cố nan nhâm (nhậm).
Cô nhạn phi nam du,
Quá đình trường ai ngâm.
Kiều tư mộ viễn nhân,
Nguyện dục thác di âm.
Hình ảnh hốt bất kiến,
Phiên phiên thương ngã tâm.Dịch nghĩa
Đài cao nhiều gió thê lương,
Mặt trời buổi sớm chiếu xuống rừng Bắc Lâm.
Người ấy đi cách xa vạn dặm,
Sông hồ rộng lai sâu ngăn cách.
Thuyền bè không thể tới nơi được,
Nỗi sầu xa cách nặng nề khó kham nổi.
Một con nhạn lạc bầy bay về nam,
Khi bay qua vọng tiếng kêu ai oán tới sân.
Ngẩng đầu nhìn thấy nhạn, nhớ tới người phương xa,
Mong nhờ gửi một chút tin tức.
Nhưng hình ảnh chợt đã biết mất,
Thoáng vụt thoăn thoắt khiến ta đau lòng.Bản dịch của Điệp luyến hoa
Đài cao nhiều gió thảm,
Mặt trời rọi Bắc Lâm.
Người xa xôi vạn dặm,
Sông hồ bao cách ngăn.
Thuyền con nào tới được,
Gánh sầu khó sao kham.
Nhạn lẻ về nam hót,
Ai oán vọng qua sân.
Ngẩng nhớ người xa cách,
Mong gửi một chút tin.
Bóng hình bay vụt mất,
Thoăn thoắt khiến thương tâm.
Tạp thi lục thủ được chép trong Văn tuyển, nhưng không phải sáng tác trong cùng một thời gian. Bài thứ nhất này có thể là Tào Thực nhớ tới em khác mẹ là Tào Bưu 曹彪 trong thời gian làm Quyên Thành vương. Tào Bưu làm Ngô vương tại phương nam trong khoảng năm Hoàng Sơ thứ 3 tới thứ 5 (222-224).
[1] Địa danh, nhưng ở đây không mang nghĩa thực. Thiên Thần phong 晨風 trong Thi kinh có: “Duật bỉ thần phong, Uất bỉ Bắc Lâm. Vị kiến quân tử, Ưu tâm khâm khâm.” 鴥彼晨風,鬱彼北林。未見君子,憂心欽欽 (Chim cắt bay nhanh, Về rừng Bắc Lâm rậm rạp. Chưa gặp được chàng, Lòng nhớ không nguôi.) Liên hệ với hai câu tiếp theo cho thấy Bắc Lâm ở đây cũng tương tự, chỉ dùng để dẫn khởi.
[2] Người đó, chỉ người được nhớ tới.
[3] Hai chiếc thuyền song song nhau, ở đây phiếm chỉ thuyền bè.
[4] Đạt tới.