25/04/2024 21:59Thi Viện - Kho tàng thi ca Việt Nam và thế giới

Đệ thập thất cảnh - Giác Hoàng phạm ngữ
第十七景-覺皇梵語

Tác giả: Thiệu Trị hoàng đế - 紹治皇帝

Thể thơ: Thất ngôn bát cú; Nước: Việt Nam; Thời kỳ: Nguyễn
Đăng bởi YensidTim vào 12/11/2020 04:43

 

Nguyên tác

福地端嚴起法宮,
鐘祥勝蹟對穹窿。
圓靈寳相光明外,
妙諦金剛想像中。
證覺無言心即佛,
止觀入定色而空。
慈仁溥博群生遂,
智惠弘深萬類通。

Phiên âm

Phúc địa đoan nghiêm khởi pháp cung,
Chung tường thắng tích đối khung lung.
Viên linh bảo tướng quang minh ngoại,
Diệu đế kim cương[1] tưởng tượng trung.
Chứng giác vô ngôn tâm tức Phật,
Chỉ quan nhập định sắc nhi không.
Từ nhân phổ bác quần sinh toại,
Trí huệ hoằng thâm vạn loại thông.

Dịch nghĩa

Ở nơi đất lành dựng lên một ngôi chùa trang nghiêm,
Là thắng cảnh xưa un đúc điềm lành trong bầu trời này.
Chùa sáng tỏ bên ngoài vẻ tôn quý tràn đầy uy nghi,
Diệu đế và kim cương là kinh sách suy ngẫm bên trong chùa.
Chứng thành đại giác trong tịch lặng vì tâm tức Phật,
Do chỉ quán nhập định mà rõ sắc cũng là không.
Lòng nhân từ của Phật ban khắp khiến chúng sinh an lạc,
Trí tuệ của Ngài thâm sâu thông suốt đến muôn loài.

Bản dịch của Vĩnh Cao

Trang nghiêm trấn ngự dưới trời xanh,
Thắng tích hun đúc chốn đất lành.
Bửu Tướng phô bày đầy rực rỡ,
Kim Cang ẩn chứa trọn uy linh.
Ấy tâm tức Phật vô ngôn giác,
Mà sắc là không nhập định thành.
Trí tuệ thâm sâu thông vạn loại,
Lòng từ trải rộng khắp quần sinh.
Lời dẫn: “Giác Hoàng tự: Tiềm Long[2] mông dưỡng, Linh Thứu[3] thiện duyên. Chí khánh phát tường khởi tại khôi hoằng Tượng giáo[4], phu ly tích phúc hàm triêm bố hoạch nhân thiên[5]. Khai tam thừa[6] nhi giác ngộ quần sinh, văn tứ đế[7] nhi hoá thông[8] vạn loại.” 覺皇寺:潛龍蒙養,靈鷲善緣。誌慶發祥豈在恢弘象教,敷釐錫福咸霑布濩仁天。開三乘而覺悟群生,聞四諦而化通萬類。(Chùa Giác Hoàng: Tiềm Long ẩn dưỡng, Linh Thứu duyên lành. Ghi mừng phát điềm lành, há đâu hoằng dương Phật giáo; bày tỏ ban ân phúc, sao cho thấm khắp nhân thiên. Mở tam thừa mà giác ngộ quần sinh, nghe tứ đế để hoá thông vạn loại.)

Giác Hoàng là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của chất kinh kỳ ngày xưa. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, vị trí của chùa thuộc địa phận phường Đoan Hoà, phía đông nam trong kinh thành, nay thuộc phường Thuận Thành. Khu vực này ngày nay, dân gian vẫn quen gọi là khu Tam Toà. Sử sách nhà Nguyễn đã xác nhận rằng, đây là trung tâm đô thành thời các chúa Nguyễn. Dưới thời Gia Long, nơi này là tiềm để của hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (về sau là vua Minh Mạng). Sau đó, khi vị hoàng tử này chuyển qua ở điện Thanh Hoa (bên trong Tử Cấm Thành), phủ này được ban cho Thiệu Hoá quận vương. Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), gia đình Thiệu Hoá quận vương được ban một chỗ đất khác, còn khu đất này dành làm nơi lập một ngôi chùa đặt tên là Giác Hoàng. Trong bài dùng những từ “Tiềm Long” (rồng ẩn), “phát tường” (phát điềm lành), “chung tường” (un đúc điềm lành), “phúc địa” (đất lành) đều ngụ ý nói nơi mà trước kia vua Minh Mạng ở.

Chùa Giác Hoàng được xây dựng khá quy mô. Phía trước có cổng tam quan. Công trình kiến trúc chính là điện Đại Hùng (phía trước) và điện Đại Bảo (phía sau), mỗi toà 3 gian 2 chái. Phía trước điện Đại Hùng có hai ngôi nhà 3 gian ở hai bên. Tiếp đến là lầu Hộ Pháp. Sau điện Đại Hùng hai bên có hai nhà tăng, mỗi nhà 5 gian. Bên trái có một nhà bếp 3 gian. Xung quanh chùa đều có tường gạch bao bọc. Giác Hoàng là một ngôi chùa lớn, lại nằm cạnh Hoàng Thành nên được các vua Nguyễn quan tâm thăm viếng nhiều. Có lẽ sau khi bài thơ này ra đời, ngôi chùa càng thêm nổi tiếng.

Năm 1885, sau khi kinh đô Huế thất thủ, một bộ phận lính Pháp đã vào chiếm đóng khu vực chùa. Vì vậy sau đó, các Pháp tượng, Pháp khí được chuyển qua chùa Diệu Đế. Từ đây chùa Giác Hoàng bị bỏ hoang. Đến thời vua Thành Thái, triều đình đã cho triệt giải chùa và xây dựng trong khuôn viên này 3 toà nhà mới. Toà ở giữa dùng làm viện Cơ Mật. Toà bên trái dùng cho các ông hộ lý của các bộ làm việc. Còn toà bên phải được dùng làm Bảo tàng Kinh tế (Musée Economique). Cũng từ đó, dân gian Huế mới gọi khu vực này là Tam Toà. Ngày nay ở khu vực này, dấu tích của nhà Giác Hoàng xưa hầu như chẳng còn gì ngoài một cái giếng nhỏ. Giếng này được xây bằng đá, rất đẹp và còn tương đối nguyên vẹn. Dẫu sao nó cũng là một chứng tích quý báu giúp người ta có thể liên tưởng về ngôi quốc tự Giác Hoàng một thời lừng lẫy là thắng cảnh của đất kinh kỳ.

[2] Lấy chữ trong Kinh dịch ở hào Sơ của của quẻ Càn: “Tiềm long vật dụng” (Rồng ẩn chớ dùng), diễn tả ý bậc thánh nhân đang lúc còn ẩn mình. Trong bài ngụ ý nói đến vị đế vương chưa lên ngôi.
[3] Ngọn núi gần thành Thượng Mao nước Ma Yết Đà thuộc Ấn Độ, còn gọi Linh Sơn hay Thứu Phong, chữ Phạn gọi là Kỳ Đỗ Quật (Grdhrakùta). Núi có hình như đầu chim thứu, lại nữa trong núi có nhiều chim thứu nên tên núi được gọi như thế. Phật Như Lai từng giảng kinh Pháp hoa tại nơi đây, nên núi được xem là thánh địa của Phật giáo.
[4] Tức Phật giáo. Phật giáo nhập vào Trung Quốc ở thời kỳ Tượng pháp, chừng 500 năm sau khi đức Phật nhập diệt, cho nên gọi là Tượng giáo.
[5] Cõi tràn đầy tình thương dưới bầu trời này.
[6] Thừa là pháp giáo của Phật có thể cho chúng sinh đến chỗ giải thoát. Tam thừa gồm có: thanh vân thừa, duyên giác thừa và bồ tát thừa.
[7] Còn gọi là tứ thánh đế, tứ chân đế hay tứ diệu đế, bao gồm khổ, tập, diệt, đạo. Đây chính là cốt tuỷ của đạo Phật. Niết bàn kinh ghi: “Khổ, tập, diệt, đạo gọi là tứ thánh đế”, lại ghi rằng: “Nhược đăng kiến Tứ Đế tắc đắc đoạn sinh tử” (Nếu có thể thấy được tứ đế tức cắt được luân hồi sinh tử).
[8] Hoá là dạy bảo. Hoá thông có nghĩa giáo hoá tất cả muôn loài.
[1] Có nghĩa là cứng nhất trong các loại kim loại, có thể đâm thủng, phá vỡ hết thảy mọi vật. Kim cương dùng trong nhà Phật với ý nghĩa bảo vệ Phật, pháp, tăng và là vũ khí để tự cắt đứt trói buộc của phiền não.

In từ trang: https://www.thivien.net/ » Thiệu Trị hoàng đế » Đệ thập thất cảnh - Giác Hoàng phạm ngữ